Khác biệt giữa triết học Đông Phương và thiền

Có quan điểm cho rằng Đông phương không có triết học mà chỉ có Đạo học với lập luận Tây phương thiên về lý trí nhị nguyên ưa phân tích, chia chẻ. Còn Đông phương chủ trương nhất nguyên, nhìn sự vật trong tính chất trùm lấp toàn triệt, không chịu sự phân chia giả tạo (xem N.D. Can – nhập môn triết học Đông phương). Đặt vấn đề như vậy xem ra đã quá ư giản lược và thực sự cũng chẳng nói lên được điều gì ngoài ra việc thú nhận mình vẫn chưa nhận ra được bản chất của triết học là sự giải nghĩa. Hễ cứ còn muốn tìm biết giải nghĩa về căn nguyên vũ trụ vạn vật thế này thế khác thì đó vẫn là triết học. Hiểu như thế thì Đông phương cũng có triết học chứ sao lại không? Trong việc tìm biết cái chi là căn nguyên Lão Tử khẳng định “có một thực thể tụ thành không phân chia có trước trời đất, yên lặng trống không. Đứng riêng không đổi đi khắp mà không mỏi. Có thể là Mẹ thiên hạ. Ta không biết tên thực thể ấy gọi đó là Đạo, gương lấy tên là Đại” (ĐĐK chương 25 xem Lý Minh Tuấn ĐP.TH cương yếu).

 Nguyên lý vũ trụ với Lão giáo là Đạo còn trong kinh Upanisad (áo Nghĩa Thư) một kinh quan trọng bậc nhất của ấn Giáo thì cho đó là Tự ngã Attman “Như vậy con ơi! Cái thực thể tế vi mà con không nhận thức được chính nhờ cái thực thể tế vi ấy mà cây vả lớn này đã mọc lên và tồn tại được. Con hãy tin rằng cái thực thể tế vi ấy đã tràn nhập trong toàn thể vũ trụ. Đấy là chân lý, đấy là Tự Ngã. Cái ấy là con (Tat tvam asi) hỡi Svetaketu” (Lý Minh Tuấn Sđd).

 So với Lão và ấn giáo chỉ có những phát biểu rời rạc mang tính siêu hình học. Trái lại trong Nho giáo ta thấy có một môn gọi là “Hình nhi thượng học” để bàn về những lẽ vô hình. Nho giáo do Khổng Tử sáng lập “Ngài khảo cứu những chế độ và phong tục thời cổ, ngẫm nghĩ những tư tưởng của các bậc Thánh Hiền đời trước và suy xét cái lẽ biến hóa của trời đất rồi đem những điều của Ngài đã tâm đắc lập thành một cái học thuyết có tông chỉ rất cao quán triệt cả căn nguyên của vạn vật và các lẽ sinh hóa ở trong vũ trụ” (Trần Trọng Kim. Nho giáo quyển thượng).

 Đức Khổng do suy tư nghĩ ngợi mà cho rằng thoạt kỳ thủy, vũ trụ là một khối hỗn mang mờ mịt nhưng trong cái hỗn mang ấy vẫn tồn tại một cái lý vô hình cực kỳ linh diệu chi phối toàn thể vạn vật. Ta không thể biết được cái chân tướng của lý ấy nó ra sao nhưng cứ xem sự biến hóa trong trật tự của nó mà biết được cái động thể của nó. Cái động thể của lý ấy phát ra bởi hai thể khác nhau là động và tĩnh. Động là dương, còn tĩnh là âm. Dươngứ đến cực độ lại biến ra âm, âm lên đến cực độ lại biến ra dương. Hai thể âm dương ấy cứ tương sinh tương khắc biến hóa khôn lường để làm nên trời đất vạn vật.

 Qua đây ta thấy khởi đầu của Nho học đã không muốn nhắc nhở gì tới cái chân tướng tức căn nguyên vũ trụ mà chỉ nói tới cái động thể tức sự biến hóa của hai nguyên lý âm dương cũng gọi là Dịch. “Dịch hữu Thái cực, thị sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái” (Đạo Dịch có Thái cực. Thái cực sinh hai nghi. Hai nghi sinh bốn tượng – Bốn tượng sinh ra tám quẻ) (Dịch Hệ từ thượng).

 Bởi lấy động thể làm tông chỉ như thế nên không lạ gì mà ta thấy Nho giáo đã mau chóng rời bỏ cái học Hình nhi thượng tức phần triết lý để vụ vào cái học thực dụng của luân lý và chính trị. Một đàng Khổng Tử, người sáng lập chủ trương thuyết Thiên Địa vạn vật nhất thể cũng gọi là Thiên nhân tương dũ nhưng đằng khác lại lấy cái khởi nguyên từ Dịch tức Thái cực thế nên Nho giáo đương nhiên đánh mất cái vế Thiên để chỉ còn có Địa.

 Đánh mất Thiên chỉ còn Địa vì vậy các Nho gia từ Đổng Trọng Thư (đời Lưỡng Hán) cho đến Vương Thông Hàn Dũ (đời Đường) thường chỉ chú trọng ở phần Hình nhi hạ học tức chỉ bàn về những điều nhật dụng thường hành chứ không hay xét đến những lẽ siêu hình. Đạo Nho ngày càng suy kiệt mãi cho tới thời nhà Tống (960–1280) mới nảy sinh phái Lý Học với tham vọng vực dậy phần Hình nhi thượng hầu như quên bẵng đã quá lâu.

Lý học

 Lý do khiến các Nho gia thấy cần phải vực dậy phần Hình Nhi thượng tức triết lý đó là vì hai nhẽ. Một là Nho giáo với bản ý của vị sáng lập là học để nên bậc chính nhân quân tử thế nhưng càng về sau đã thành ra cái học khoa cử chỉ cốt nhắm đến hoạn lộ quan trường chuộng hư danh bổng lộc chứ chẳng mấy ai còn để tâm đến việc tu trí luyện đức. Hai là cũng bởi cái cảnh dùi mài kinh sử chỉ cốt để vinh thân phì da như thế mà những kẻ tâm huyết đã tìm đến với Lão học hòng kỳ vọng ở đó một sự siêu thoát tinh thần hoặc ít ra cũng có thể vun bồi phần triết lý cho Nho giáo đã quá ư bệ rạc. Người đầu tiên có chí hướng ấy phải kể đến Dương Hùng (- 53 TCN) thuở nhỏ ông rất thông minh hiếu học nhưng không theo cái lối chương cú huấn hỗ mà chỉ ham thích hiểu biết những điều sâu xa. Lúc về già tiên sinh đã làm ra sách gọi là Thái Huyền để diễn cái nghĩa Hình như hạ. 

Ảnh hưởng Lão học rõ nhất ở ông khi làm sách Thái Huyền chính là chữ Huyền lấy trong Đạo đức kinh “Huyền chi hựu huyền chúng diệu chi môn” (Huyền rồi lại huyền, đó là cửa vào ra của mọi huyền diệu trong trời đất) (ĐĐK chương một).

 Dương Hùng có ảnh hưởng nhất định tới phái Lý học ở chỗ ông giải thích Dịch Học, theo một nghĩa khác có phần sâu xa hơn. Trong quan niệm Nho giáo khởi thủy thì cái căn nguyên của vạn vật là Thái cực tức cũng là Dịch. Nhưng bởi Dịch cũng tức là biến hóa thế nên không thể nào là căn nguyên. Để có thể là căn nguyên theo Dương Hùng nhất định phải là “Huyền” đồng nghĩa với Đạo của Lão Tử là cái vô thanh, vô khứu, vô phương sở… “Huyền là đầu của Thần – Trời lấy không thấy làm huyền, đất lấy không hình làm huyền – Người lấy tâm phúc làm huyền” (Huyền giả thần chi Khôi dã. Thiên dĩ bất kiến vi huyền – Địa dĩ bất hình vi huyền – Nhân dĩ tâm phúc vi huyền” (T.T Kim NG quyển hạ).

 Cái tính chất Huyền ảnh hưởng Lão học này về sau đã tác động mạnh đến Châu Liêm Khê (Chu Đôn Di) (1017–1073) để làm nên Vô cực trong Thái cực đồ thuyết. Theo ông thì cái gốc nguyên thủy của vũ trụ không những vô thanh, vô khứu, vô phương sở, vô hình trạng mà còn ở ngoài tất cả những gì mà ta có thể ý hội tức quan niệm được. Bởi không thể nghe, không thể thấy hoặc suy tưởng được thế nên mới gọi tạm là Vô Cực. Cực có nghĩa là đầu mối – Vô cực tức là vô thủy, vô chung không có đầu cuối mối manh gì cả. Trái với quan điểm trước đây cho Thái Cực là căn nguyên, điều ấy không đúng. Bởi lẽ Thái là lớn và như vậy thì dẫu sao Thái cực vẫn có đầu mối tức hình trạng nhưng hễ đã có hình có trạng thì vẫn còn trong vòng hiện tượng giới chứ không phải bản thể.

 Khoa Hình nhi thượng Nho giáo cũng giống như Siêu hình học Tây phương, nó là một môn được dùng để giải nghĩa cái chi là căn nguyên bản thể vũ trụ vạn vật. Mặc dầu phái Lý Học thời Tống có tham vọng vực dậy Hình nhi thượng thế nhưng cái tham vọng ấy chỉ lóe lên một chút rồi tắt phụt. Rút cục thì Chu Liêm Khê chỉ nói qua để cho rõ cái nguồn gốc rồi liền quay về với cái “động thể” của Thái cực tức Dịch “Cho nên nói rằng, lập cái đạo của người là nhân với nghĩa. Lại nói rằng, xem cái trước ở chỗ gốc trở lại đến chỗ sau cùng, cho nên biết rõ cái thuyết tử sinh. Đạo Dịch lớn vậy thay, ấy là đến rất mực vậy” (TK Nho Giáo.q.hạ).

 Khởi từ Dịch, lấy đó làm cái căn nguyên, đây là điểm mấu chốt khiến cho Nho Giáo lâm vào chỗ bế tắc khó bề giải gỡ. Tại sao? Bởi vì một khi đã lấy Dịch làm căn nguyên mà Dịch thuộc hiện tượng giới. Điều ấy cũng có nghĩa cái yếu tố Thiên trong thuyết “Thiên nhân tương dũ” đương nhiên cũng thuộc giới hiện tượng chứ không phải Bản Thể.

 Thế nào là Thiên trong tính chất hiện tượng? Có hai tính chất: hoặc nhân hình hóa chẳng hạn được gọi là ông trời. Tạo hóa (con tạo) ông tổ như Đổng Trọng Thư nói “Thiên giả vạn vật chi tổ, vạn vật phi Thiên bất sinh” (ông trời là tổ của vạn vật – vạn vật không có trời không thể sinh) – TTK. NG 2). Hoặc khái niệm hóa như Lý (Thái cực – Thái hư) như Thiên lý…

 Dù là nhân hình hóa hay khái niệm hóa thì Thiên vẫn chỉ là một thứ gì đó ngoại tại ở bên ngoài con người. Chính bởi coi Thiên là một thứ thế lực ở bên ngoài, thế nên mới có cái tình trạng mê tín dị đoan, cầu đảo, cúng tế cùng với đủ loại vong thân khác.

 Nho giáo nêu cao chủ trương thuyết “Thiên nhân tương dữ” còn Tuân Tử thì nói ngược lại. Sở dĩ họ Tuân kịch liệt bài bác thuyết ấy không phải vì Thiên nhân không thể tương dữ nhưng chỉ vì lý do không thể chấp nhận cái thứ “Thiên” ngoại tại này “Cho nên người quân tử chỉ kính cái ở mình mà không mến cái ở Trời. Kẻ tiểu nhân thì bỏ cái ở mình mà mến cái ở trời. Người quân tử chỉ kính cái ở mình cho nên một ngày một tiến. Kẻ tiểu nhân bỏ cái ở mình mà mến cái ở trời cho nên một ngày một lui vậy” (cố quân tử kính kỳ tại kỷ giá nhi bất mộ kỳ tại Thiên giả. Tiểu nhân thố kỳ tại kỷ giả nhi mộ kỳ tại Thiên giả. Quân tử kính kỳ tại kỷ giả nhi bất mộ kỳ tại thiên giả thị dĩ nhật tiến giả. Tiểu nhân thố kỳ tại kỷ giả nhi mộ kỳ tại Thiên giả thị dĩ nhật thoái giả) (TTK. NG. I).

 Phân biệt tiểu nhân quân tử khác nhau ở chỗ, một đàng bỏ cái ở mình mà mến cái ở trời, một đàng chỉ kính cái ở mình mà không mến cái ở trời. Cái ở mình đó là gì? Xin thưa đó là lương tâm là cái TâM của mình. Tiểu nhân là kẻ đã bỏ quên mất Tâm mình để chạy theo ngoại vật, cái được gọi là Trời ấy chẳng qua chỉ là một thứ vọng tưởng do con người phóng xuất. Còn quân tử là kẻ biết rằng muôn sự muôn vật đều phát xuất bởi Tâm do TâM mà có thế nên chỉ kính cái ở mình.

 Sự xuất hiện của Tuân Tử (-315 TCN) là một hiện tượng rất ư khó hiểu. Một mặt ông vẫn được coi là đại Nho. Mặt khác người ta lại không công nhận cái học của ông là chính truyền. Nho giáo có hai chủ trương lớn đó là Thiên nhân tương dữ và tính Thiện thì ông thẳng thừng bác luôn cả hai.

Mặc dầu không được công nhận chính truyền nhưng vẫn cứ là đại Nho. Điều này khiến chúng ta không khỏi đặt vấn đề về tính chính truyền của Nho giáo. Thực sự thì ngay sau khi Khổng Tử mất Tăng Tử được coi là truyền thừa nhưng đã theo một hướng khác với thầy Đức Khổng chủ lấy Nhân làm cốt yếu, còn Tăng Tử lại lấy Hiếu làm gốc. Ngay từ đầu mà đạo Nho đã biến thiên như thế thử hỏi về sau thì sao? Học giả, nổi tiếng Trần Trọng Kim đưa ra nhận định “Phái chính truyền của Nho giáo là phái Tăng Tử ở nước Lỗ truyền đến, Mạnh Tử là hết. Về sau học trò ông không có ai nối được đạo thống thành thử cái học của Nho giáo càng ngày càng sai lầm mãi đi” (TTK. NG I).

 Tuy nhiên vấn đề cốt tử của Nho giáo không nằm ở trong tính chính truyền hay không chính truyền mà là ở chính cái gọi là đạo thống “Thiên Địa vạn vật nhất thể” của nó. Làm sao mà có thể thống hệ nhất trí được với nhau khi mà cái yếu tố “Thiên ấy trước sau vẫn chỉ là những khái niệm” ? Chẳng bao giờ có thể có “sự đồng” nhau giữa hai khái niệm. Để có thể đi tới “chỗ đồng” thì duy nhất chỉ có cách là phải vứt bỏ khái niệm.

 Do bởi nhận ra được tính chất tệ hại của cái học dựa trên khái niệm như thế nên Tâm học đã có mặt với lời phê phán của Trần Cửu Xuyên một môn nhân của Vương Dương Minh thế này “Cũng vì Tống Nho (phái Lý học) theo cái giải nghĩa của chữ TRI nhận thức thần làm Tính Thể cho nên sự văn kiến càng ngày càng thêm nhiều mà sự làm ngăn lấp cái đạo càng thêm sâu vậy…” (TTK. NG 2).

Tâm học

 Tâm học được kể bắt đầu với Lục Tượng Sơn (1139–1192) khi ông đưa ra phát biểu “vũ trụ tiện thị ngô tâm. Ngô tâm tức thị vũ trụ” (vũ trụ là tâm của ta, tâm ta tức là vũ trụ) có thể nói kể từ phái Lý học trở về trước thì đây là một quan điểm rất chi là mới. Nếu toàn bộ triết học trước đây đều tìm cách lý giải cái chi là căn nguyên vũ trụ thì nay căn nguyên ấy chính là TâM. Vũ trụ là tâm mà tâm cũng là vũ trụ.

 Sự thể Lục Tương Sơn khám phá ra chân lý lớn lao ấy là do ngay từ năm mới 13 tuổi ông đã hốt nhiên tỉnh ngộ khi thấy trong sách giải nghĩa về hai chữ vũ trụ thế này “Tứ phương thiên hạ viết vũ – vãng cổ lai kim viết Trụ” (Bốn phương trên dưới là vũ từ xưa đến nay là trụ).

 Tỉnh ngộ rồi liền đó ông nói “Nguyên lai là vô cùng, người với trời đất và vạn vật đều ở trong khoảng không vô cùng ấy” có thể nói bằng phát biểu chân lý ấy Lục Tương Sơn đã là một thứ cột mốc phân đôi giữa hai quan điểm Lý học và Tâm học. Đối với Lý học thì con người có trước mắt là vũ trụ vạn vật khách quan và khi ấy với tính cách của một triết nhân nó không thể không tự hỏi về cái căn nguyên sinh thành. Trái lại với Tâm học thì trời đất vạn vật và con người cùng tồn tại trong cái không gian vô cùng ấy. Vũ trụ là ta và ta cũng là vũ trụ. Vì thế cũng chẳng cần chi mà phải thắc mắc siêu hình tìm kiếm răn nguyên làm gì.

 Như đã biết việc giải nghĩa bản thể vũ trụ là công việc thiết yếu hơn hết của triết học và cũng chính bởi lý do không đồng ý với việc lấy Dịch làm cái căn nguyên thế nên phái Lý học mới ra đời. Thế nhưng nay với Tâm học thì một khi cả vũ trụ vạn vật đã không ngoài tâm thì Dịch cũng chính là TâM ta đâu có chi phải ngại. Chân lý nay đã được Dương Giản (1140–1226) một môn sinh của họ Lục trong quyển Kỷ Dịch giải nghĩa thế này “vũ trụ không ngoài được cái tâm của ta cho nên sự biến hóa của những hiện tượng ở trong vũ trụ cũng là sự biến hóa của tâm ta vậy. Vậy thì Dịch là mình ta chứ không phải cái gì khác. Lấy Dịch làm quyển sách không lấy Dịch làm thân mình là không phải. Lấy Dịch làm sự biến hóa không lấy Dịch làm sự biến hóa của mình là không phải. Trời đất là trời đất của ta, biến hóa là biến hóa của ta chứ không phải là vật nào khác” (TTK. NG 2).

 Chỉ biết lấy Dịch làm quyển sách mà không biết lấy Dịch làm thân mình. Đây đúng là một quan niệm về cái học hoàn toàn mới và có thể áp dụng cho tất cả mọi thứ sách vở kinh điển khác chứ không riêng gì với Dịch. Toàn bộ sự học xưa nay đều chỉ biết nhồi nhét cho thật nhiều kiến thức để rồi lấy đó làm cái tiêu chuẩn đánh giá tài năng. Nhớ nhiều thì được cấp bằng nọ bằng kia, khen tặng danh hiệu này khác… Đang khi đó với Tâm học thì khác, cuốn sách duy nhất cần phải học ấy là Tâm, cứ học sao cho biết về chính cái Tâm của mình ắt sẽ biết và biết cách triệt để về vật, bởi lẽ Tâm là gốc của vật.

 Biết về tâm tức cũng là biết về mình, cái học biết mình này cố nhiên không phải sáng tác của Lục Tương Sơn ; ông chỉ có công khai phát cái học đã thất truyền của Khổng Mạnh. Cùng một lẽ ấy không phải Tây phương không có Tâm học nó đã có ngay từ thời cổ đại Hy Lạp. Người ta đọc thấy nơi cửa đền Delphe lời này “Hãy học cho biết về chính mình mày” (con nais toi toi-même). Mặc dầu Tâm học đã được đề ra cho cả Đông lẫn Tây như thế nhưng rồi cả hai chẳng biết từ bao giờ đã chuyển hướng thành triết học tức cái học tìm biết về căn nguyên vũ trụ.

 Sự chuyển hướng ấy âu cũng là điều tất nhiên, bởi nó nằm trong ý thức phân biệt nhị nguyên tức tội nguyên tổ mà con người từ thuở khai thiên lập địa đã chót vương mang, ý thức phân biệt này chẳng dễ gì trừ bỏ, mà chưa trừ được thì ngay với Lục Tương Sơn người đã xướng xuất lên cái học về Tâm (Tiên lập kỳ đại) cũng vẫn cứ còn mập mờ cho rằng Tâm cùng với Đạo (theo nghĩa của Lão Tử) với Lý (nghĩa Lý học) là một. Sự mập mờ ấy chứng tỏ những cái được gọi là Tâm là Đạo là Lý ấy chẳng qua vẫn chỉ là những ngôn ngữ khái niệm triết học chẳng hề dính dáng đến cái Tâm thực tại mà Tâm học cần phải nhắm tới.

 Tâm học vẫn cứ là cái học về những khái niệm cho mãi tới khi Vương Dương Minh (1472 – 1528) đưa ra được một quan niệm hết sức mới về sự học gọi là “Trí lương tri” sự học này sỡ dĩ gọi là mới bởi vì nó chủ trương đạt tới chỗ không học “Lương tri không học không lo nghĩ, cả ngày học là chỉ để phục lại cái thể không học của lương tri. Cả ngày lo nghĩ là chỉ để phục lại cái thể không lo nghĩ của lương tri. Trong cái vô công phu là có cái chân công phu chứ không phải có thêm vào được chút gì vậy. Cái công phu chỉ cần lấy ngày càng bớt đi chứ không cầu cho ngày càng thêm ra. Bớt được đến hết ấy là Thánh nhân, cái học thuật của hậu thế chính là trái lại, cứ càng ngày càng thêm công phu cho nên cả ngày cần lao mà cái bệnh lại càng thêm lên” (TTK. NG 2).

 Từ học rồi đến vô học, nghĩa lý của nó thế nào? Học ở đây là triết học tức cái học cho biết về căn nguyên vũ trụ bởi đâu mà có. Còn vô học là trí (ngộ) lương tri. Lý do khiến vô học có thể trí lương tri là bởi lương tri vốn sẵn có đầy đủ ở nơi mỗi người chỉ cần nhận ra và sống với nó chứ không cần phải tạo tác phải học rồi mới có.

 Lương tri là cái vốn sẵn có và đầy đủ ở nơi mỗi người, bậc Thánh không tăng, kẻ phàm không giảm. Tuy nhiên vấn đề ở chỗ nó đích thực là gì để cho ta có thể đạt?

 Bất kể là triết – đạo học và ngay cả đến tâm linh tôn giáo, điều quan yếu nhất cho nó là phải thiết lập được cái tông chỉ. Trong triết thần học Tây phương thì tông chỉ của Platon là “Những Lý Tưởng”, của Aristote là “Đệ Nhất Động Cơ” của St Thomas là “Hữu Thể Tuyệt đối”. Trong triết học Đông phương Nho giáo nói chung lấy Dịch làm chỗ phát đoan. Riêng với Tâm học của Vương Dương Minh thì tông chỉ ấy thế này “vô thiện vô ác là thể của tâm – có thiện có ác là sự động của ý. Biết thiện biết ác là lương tri. Làm thiện bỏ ác là cách vật” (vô thiện vô ác thị tâm chi thể. Hữu thiện hữu ác, thị ý chi động. Tri thiện tri ác thị lương tri, vi thiện khử ác thị cách vật) (TTK. NG 2).

 Thiết lập tông chỉ cũng có nghĩa là xác định thực tại cứu cánh và như thế cái cứu cánh mà thuyết Trí lương tri nhắm tới hẳn nhiên phải là lương tri. Tuy nhiên nếu hiểu như thế cũng chẳng đúng bởi lẽ cứ như tông chỉ cho thấy thì cứu cánh ắt phải là cái tâm vô thiện vô ác chứ chẳng phải lương tri. Lương tri chỉ là cái tác động (biết thiện, biết ác) của tâm chứ không phải là tâm.

 Bởi lương tri không phải cứu cánh mà lại lấy làm cứu cánh thế nên ngay từ khi mới lập thuyết đã có cao đệ Vương Kỳ nghi ngờ cho thuyết của thầy mình có chỗ không ổn bởi “Nếu nói tâm thể” là vô thiện vô ác thì ý cũng vô thiện vô ác. Vật cũng vô thiện vô ác, nếu nói ý nó có thiện, có ác thì rút lại là tâm thể vẫn có thiện có ác” (TTKNG 2).

 Một học thuyết mà ngay ở nơi tông chỉ tức phần “” (lý thuyết) đã không thông thì làm sao để có được phần “sự” (thực hành) cho đạt?

 “” được ví như đầu còn “sự” như đôi chân. Cái đầu có minh mẫn sáng suốt thì mới hướng dẫn chân đi đến nơi về đến chốn. Ngược lại làm sao tránh khỏi việc sa hầm sụp hố?

 Lý với Sự cần phải viên dung thì vạn sự mới thành. Bất cứ một lý thuyết nào dù hay ho đến đâu cũng chỉ có giá trị khi được đem ra sử dụng và mang lại ơn ích cho đời sống con người. Tâm học của họ Vương dù có được đời xưng “Từ họ Khổng, họ Mạnh dến giờ chưa từng có cái học thâm thiết và sáng sủa như thế” (Lưu Trấp Sơn. NG 2), nhưng thật sự nó đã bị bế tắc ngay ở phần tông chỉ thì cái gọi là học về tâm (Tâm học) rút cục, nào đã biết chi về Tâm?

Muốn biết được Tâm thì ngoài con đường Kiến Tánh tức Thiền tông chẳng có con đường nào khác.

 

Phùng  Văn  Hóa

( Trích tác phẩm  « Thiền  và  Cầu  Nguyện »

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts