Đức Tin và Bí Tích Thánh Thể

          Chưa bao giờ Chúa Giê Su Thánh Thể  lại bị xúc phạm và lăng mạ như bây giờ. Ngoài việc đốt phá các nhà thờ, kéo đổ, chặt đầu các tượng Thánh, người ta còn đột nhập Gian Cung Thánh, dùng búa đập phá Nhà Tạm, đổ Mình Thánh Chúa xuống nền nhà chà đạp dưới chân ! Những hành vi căm ghét  đối với Đạo Công Giáo và cách riêng  Chúa Giê Su Thánh Thể, chắc chắn không phải  vô cớ  nhưng là do sự xúi giục của Sa Tan, kẻ thù truyền kiếp của đức tin.

          Sự căm ghét của Sa Tan đối với Chúa Giê Su đã diễn ra  từ buổi Sáng Thế  và sẽ còn tiếp tục mãi cho đến ngày  Công Cuộc Cứu Chuộc  hoàn tất qua cuộc giao tranh giữa Người Nữ Maria và rắn Sa Tan. Đức Chúa Giehova phán với con rắn: “ Ta sẽ làm cho mày cùng  Người Nữ, dòng dõi mày cùng dòng dõi  Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày còn mày thì rình cắn gót chân  Người” ( St 3, 15 ).

          Trong một cuộc chiến thì hẳn sẽ có kẻ thắng, người bại. Chúa Giê Su sau khi chịu phép rửa tại sông Gióc Đan với  Gioan  thì được thần khí dẫn vào trong hoang địa ăn chay bốn mươi đêm ngày. Sau đó đã phải chịu cám dỗ và đều chiến thắng. Sự chiến thắng của Chúa phải là tiền đề của mỗi  người. Nếu không, sự chiến thắng  ấy sẽ chẳng đem lại ích lợi gì cho chúng ta những người mệnh danh là Ki Tô Hữu.

          Cám dỗ thứ nhất là về lương thực. Chúng ta có lấy Lời Chúa làm của ăn nuôi dưỡng linh hồn mình không ? “ Người ta  sống không  chỉ nhờ cơm bánh . Nhưng nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” ( Mt 4, 4 ).

          Cám dỗ thứ hai về tính kiêu căng, chúng ta có cậy trông vào quyền năng của Thiên Chúa để được nâng đỡ hay không ? “ Có lời chép rằng ngươi chớ thử  Chúa là Thiên Chúa ngươi ? ( Mt  4, 7 ).

          Cám dỗ thứ ba về phú quý vinh hoa thế gian. Chúng ta có phụng sự Thiên Chúa trên hết hay không ? “ Ngươi hãy thờ lạy Thiên Chúa của ngươi và chỉ một mình Người thôi” ( Mt 4, 10 ).

          Chúa Giê Su đã chiến thắng nhưng Ngài cũng biết rằng những kẻ theo Ngài khó lòng chống trả được  những cơn cám dỗ. Bởi đó Ngài  đã hiến tế chính mình làm của ăn nuôi dưỡng  con người trên bước đường tìm về Nhà Cha cũng là Sự Sống Đời Đời “ Quả thật Ta nói cùng các ngươi, ai tin Ta thì có sự sống đời đời. ta là bánh của sự sống. Tổ phụ các ngươi ăn manna trong đồng vắng rồi cũng chết. Đây là bánh từ trời xuống hầu cho ai ăn đến  thì chẳng phải chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống, nếu ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời. Còn bánh mà Ta sẽ ban  cho sự sống của thế gian ấy là thịt Ta” ( Ga 6, 47 -51 ).

          Chúa nói những lời này đang khi Ngài còn sống trong thân xác thế nên người nghe không thể nào tin, ngay cả với một số môn đệ bởi đó họ đã bỏ Ngài mà đi. Chúa Giê Su không hề giữ những người đó ở lại  và nói tiếp: “ Nếu Cha Ta chẳng cho thì chẳng một ai có thể đến cùng Ta được” ( Ga 6, 57 -65 ).

          Chỉ những ai được Cha cho thì mới có thể tin vào mạc khải của Chúa về mầu nhiệm Thánh Thể. Thánh Phê Rô đại diện cho các Tông Đồ là một con người như thế khi khẳng khái nói: “ Thưa Chúa, chúng tôi biết đi đến cùng ai bây giờ. Chúa có lời ban sự sống đời đời” ( Ga 6, 68 ).

          Tin và kết hợp với Chúa Giê Su  trong Bí Tích Thánh Thể, đó là nguồn sống  bất tử của mọi tín hữu. Thánh Gregory Nyassa nói: “ Khi kết hợp với Mình Thánh Chúa Ki Tô, chúng ta gặp được sự khởi đầu cho cuộc sống bất tử, bởi vì chúng ta  được kết hợp với Đấng  Bất Tử” ( Lm Stephano Manelli O. F. M Conv –  Yêu Mến Chúa Giê Su Thánh Thể ).

          Còn gì mầu nhiệm hơn là được kết hợp với Đấng Bất Tử ngay trong đời này và đời sau vô cùng ? Thế nhưng để có được sự kết hợp thần linh ấy nhất thiết cần hai điều kiện. Một là lòng tin chân thật. Hai là sạch tội trọng. Còn như mang tội trọng nơi mình  mà hiệp lễ  thì sẽ gánh lấy án phạt nặng nề. Thánh Cyril nói những lời nghiêm khắc: “ Những kẻ hiệp lễ phạm sự Thánh đón đưa cả Sa Tan  và Chúa Giê Su vào lòng. Sa Tan họ rước vào để cai trị, Còn Chúa Giê Su  Ki Tô thì họ bắt Người phải hy sinh như một của lễ cho Sa Tan” ( Lm Stephano Manelli Conv –  Yêu Mến Chúa Giê Su Thánh Thể ).

          Những lời của Thánh Cyril nghe mà đáng kinh hãi nhất là trong cái thời  đại…ma quỷ này khi người ta cho phép những người Tin Lành hay những người ly dị, tái hôn không có phép đạo được rước lễ !!! Đó chẳng phải là họ đã rước Sa Tan vào để hành hạ Chúa Giê Su hay sao ?

          Bí Tích Thánh Thể  là Bí Tích Tình  Yêu nhưng  cũng là mầu nhiệm đức tin, nhất định cần có lòng tin  mới sinh ơn ích. Mặc dầu vậy, để có được lòng tin nơi các  Bí Tích  nhất là Bí Tích Thánh Thể là điều không dễ. Tiên vàn Chúa chỉ đòi hỏi  lòng thành và rồi Ngài sẽ ban ơn cần thiết cho chúng ta trong cuộc chiến tâm linh bước vào đời sau. Nếu vấp phạm đã có Bí Tích Hòa Giải bởi vì Chúa chịu nạn chịu chết một cách đớn đau không phải để dành cho  người công chính bèn là kẻ tội lỗi biết ăn năn chừa tội: “ Hãy đi học cho  hiểu lời này: Ta muốn sự thương xót  chứ không phải sinh tế, vì Ta đến không phải để kêu gọi người công chính bèn là kẻ có tội” ( Mt 9, 13 ).

          Chính những kẻ tội lỗi mới là đối tượng của Ơn Cứu Độ. Nhưng cũng có một sự thật này là đó là kẻ tội lỗi phải có lòng ăn năn hối cải, nếu cứ mang tội thì Chúa dù có muốn cũng không thể làm chi được ! Nhận ra tội lỗi mình và cố gắng quay về  đó là một hồng ân lớn lao khiến cho cả  Thiên Đàng mừng vui: “ Ta nói cùng các ngươi, cũng vậy ở trên trời  sẽ vui mừng  cho một tội nhân ăn năn trở lại hơn là chín mươi chín kẻ công chính không cần ăn năn kia” ( Lc 15, 7 ).

          Tại sao kẻ có tội ăn năn  lại được cả Thiên Đàng vui mừng như thế ? Bởi   chỉ người có tội biết ăn năn trở lại thì mới biết  giá trị của Ơn Cứu Độ  lớn lao là dường nào. Điều này giống như  chỉ khi lâm bệnh liệt  giường người ta mới thấy sức khỏe thật là quý giá. Hoặc như người lạc đường trong đêm tối nơi rừng sâu thấy được ánh đèn le lói  xa xa…

          Chúng ta từ bấy lâu nay cũng chỉ như  những kẻ lạc đường trong đêm tối mịt mùng, có điều là không nhận ra đó thôi. Nhưng giờ đây nhờ ơn Chúa  chúng ta có được đức tin vào Chúa Giê Su Ki Tô  để vững tâm tiến về Nhà Cha: “ Ta là sự sáng đến trong thế gian hầu hễ ai tin Ta thì chẳng cứ ở trong tối tăm” ( Ga 12, 46 ).

          Thật hạnh phúc biết bao cho những kẻ có đức tin, hơn nữa lại được Chúa dưỡng nuôi bằng chính Máu Thịt mình. Thế nhưng bất hạnh thay giờ đây cả nhân loại  kể cả những người Công Giáo hầu như đức tin đã tàn lụi để chỉ còn là nỗi  hoang mang ngờ vực. Có phải chăng khi không còn Thánh Lễ thì Chúa cũng…bỏ đi rồi sao ? Ngài không còn hiện diện trong Giáo Hội như lời đã hứa: “ Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” ( Mt 28, 20 ) hay sao ?

          Không có Thánh Lễ thì Chúa Giê Su không hiện diện ? Điều ấy có thể đúng  mà cũng không đúng. Tại sao ? Bởi nó …đúng đối với những ai chưa từng khao khát Chúa dù rằng trong nhiều năm tháng trước đây vẫn siêng năng rước lễ, viếng Thánh Thể. Còn không đúng với những ai luôn khao khát  dù không còn Thánh lễ.

          Rước Lễ dù cho có không mang tội trọng  nhưng với thái độ vô tâm hững hờ do thói quen thì thật cũng chẳng ơn ích gì. Lý do là vì mục đích của Chúa Giê Su lập phép Thánh Thể là để cho chúng ta được đến với Chúa Cha: “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).

          Toàn bộ mục đích sống đạo là để được  về với Cha. Thế nhưng  Cha…ở đâu để chúng ta…về nếu không phải….ở nơi nội tâm sâu thẳm trong chính mình ? Chúa lập Bí Tích Thánh Thể chính là  để Ngài đến và  ở lại trong ta  như một  Người Thầy, hơn nữa như một bằng hữu: “ Thầy không còn gọi  các con là tôi tớ nữa  vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi các con là bạn hữu vì tất cả những gì nghe biết nơi Cha Thầy thì Thầy đã nói cho các con biết” ( Ga 15, 15 ).

          Chúa nói những gì Ngài nghe biết nơi Cha  thì đã nói cho chúng ta, bởi đó cho nên nếu đã được ơn trọng là bằng hữu của Chúa  thì chúng ta cũng phải…nghe được Tiếng Cha ở nơi mình. Dù không còn Thánh Lễ nhưng nếu  có lòng khát khao mà Chúa lại…ở trong chính mình  thì  trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta vẫn  có thể gặp được Chúa miễn sao nghe được  Tiếng Ngài.

          Người ta vẫn nói trong họa có phúc. Họa ở đây là cơn đại dịch Covid còn phúc là trong khi không có Thánh Lễ, chúng ta lại được quay quần bên nhau  trước bàn thờ Chúa,  có Đức Mẹ có Thánh Cả Giu Se, lần chuỗi  Mân Côi, đọc kinh Tôn Nữ Vương Gia Đình và cũng không quên đọc Kinh Chịu lễ Thiêng Liêng của Thánh An Phong Sô: Lạy Chúa Giê Su con tin thật Chúa ngự trong Phép Mình Thánh, con kính mến Chúa trên hết mọi sự  cùng ước ao  Chúa ngự vào linh hồn con….

          Trong những năm tháng trước đây chúng ta có thể Rước lễ cách thờ ơ nguội lạnh như một…thói quen và như thế làm sao có thể…nghe được Tiếng Chúa. Nhưng giờ đây khi cùng với mấy người thân yêu trong gia đình,  qua kinh nguyện  đơn sơ chân thành cùng với tấm lòng khao khát  thì  chắc chắn Chúa…nghe ta và nhờ đó chúng ta  trong sự kiên trì cũng  nghe được Tiếng Chúa./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts