CHUYỆN MỖI TUẦN – CHUYỆN VỀ “ ƠN GỌI ” …

Bạn trẻ mến,

Hành trình chúng ta cùng đi với nhau qua suốt bảy chương của Tông Huấn “Đức Ki-tô Đang Sống – Christus Vivit” này…với một ông lão “gần đất xa trời” không biết có giúp được gì cho bạn không, nhưng với lão…thì đấy là một niềm vui, vì càng đi, càng đọc, càng thấy mình có vẻ như “trẻ trung” lại…Hai chương cuối đưa chúng ta đến với một quyết định : chương 7 là “Ơn Gọi” …và chương 8 là “Phân Định”…Người viết nghĩ rằng đây là dịp tốt để mình  nhìn lại về Ơn Gọi của mình và có được những Phân Định chín chắn hơn nữa trước khi bước vào Vĩnh Cửu…

+ Đức Thánh Cha bảo rằng :  “Từ “Ơn Gọi”…có thể hiểu theo nghĩa rộng là một tiếng gọi của Thiên Chúa”…Và Ngài khai  triển hết ý nghĩa của tiếng gọi của Thiên Chúa : – đấy có thể là tiếng gọi “ đi vào hiện hữu”; – tiếng gọi “sống tình bạn với Ngài” ; – tiếng gọi “nên thánh”…Và Đức Thánh Cha giúp chúng ta hiểu rằng : khi suy nghĩ về tất cả những khía cạnh ấy của Ơn Gọi, nó buộc mỗi chúng ta “ đặt đời sống chúng ta trước tôn nhan Chúa – Đấng yêu thương chúng ta, và cho chúng ta hiểu rằng không có gì phát sinh bởi hỗn mang vô nghĩa, nhưng mọi sự đều ở trên con đường đáp lại tiếng Chúa…Ngài có một kế hoạch tuyệt vời cho mỗi chúng ta” [248]…

+ Đức Thánh Cha cho biết là  – trong Tông Huấn “Gaudete et Exultate – Vui Mừng và Hoan Lạc” – Ngài đã nói về ơn gọi của mọi người là “lớn lên để làm vinh danh Chúa”, đồng thời Ngài cũng tỏ ý muốn “nhắc lại lời mời gọi nên thánh theo một phương cách thực tiễn cho thời đại chúng ta – một thời đại vốn chất chứa nhiều rủi ro, thách đố và cơ hội”…Chính Công Đồng Vaticanô II “giúp chúng ta ý thức lại lời mời gọi này – lời mời gọi được gửi đến mỗi chúng ta”, đấy là “tất cả các Ki-tô hữu , dù trong hoàn cảnh hay bậc sống nào, cũng đều được Chúa kêu gọi, để mỗi người mỗi cách, vươn tới sự thánh thiện trọn hảo như Chúa Cha là Đấng trọn lành” [249]…

Và Ngài khai triển “lời mời gọi làm bạn với Chúa”…

+ Đức Thánh Cha cho biết “Điều mà Đức Giê-su muốn nơi mỗi người trẻ trước hết là làm bạn với Người…Và điều chúng ta cần làm là “phân định và khám phá ra” lời “mời gọi làm bạn”  ấy của Chúa…Đức Thánh Cha đã lấy lại câu hỏi quan trọng trong cuộc đối thoại giữa Đấng Phục Sinh và Simon Phêrô “Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy không ?” (Ga 21, 16)…để giải thích ý muốn của Người : “Anh có muốn Thầy là bạn của anh không ?”… Và dĩ nhiên “sứ mạng mà Phêrô nhận lãnh để chăm sóc đoàn chiên của Đức Giê-su với tình yêu vô cầu này, với tình yêu bằng hữu này” cũng là để diễn tả cách trọn vẹn “lời mời gọi làm bạn với Chúa” [250]…

  

+ Và Đức Thánh Cha cũng muốn trình bày với người trẻ chúng ta một cuộc gặp gỡ khác nữa trong Tin Mừng mà Ngài gọi là “một cuộc gặp gỡ lạc điệu” – cuộc gặp giữa Đức Giê-su và chàng thanh niên giàu có…Không dài dòng về nội dung của cuộc gặp gỡ đó, nhưng Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến  sự việc là “ người bạn trẻ ấy  đã không cảm nhận được cái nhìn yêu thương của Chúa”  (x. Mc 10, 21)… Anh ta buồn rầu…sau những hăm hở ban đầu…vì anh không thể buông bỏ những  thứ anh đang sở hữu (x. Mt 19 , 22)…Anh ta đã bỏ lỡ cơ hội lẽ ra có thể hình thành một tình bạn tuyệt vời với Chúa…Và Đức Thánh Cha bảo rằng…sau cái cơ hội đã mất ấy – cơ hội mà Đức Giê-su âu yếm nhìn anh và chìa tay ra cho anh –   chúng ta chẳng biết thêm gì về anh nữa…Anh trở thành “vô danh” [251]…Đúng vậy – một sự “vô danh” tội nghiệp và mịt mù…

+ Bởi vì – như Đức Thánh Cha chia sẻ – “cuộc đời mà Đức Giê-su trao cho chúng ta là một chuyện tình – một câu chuyện của một cuộc đời muốn hòa quyện vào cuộc đời chúng ta và đâm rễ sâu trong mảnh đất của mỗi chúng ta” Và Đức Thánh Cha bảo rằng : “Cuộc đời ấy không phải là  một ơn cứu độ được lưu trong “đám mây” chờ được chúng ta tải xuống, cũng không phải là một “ứng dụng” mới chờ khám phá, hay một thực hành kỹ thuật thăng tiến tinh thần…Cuộc đời mà Chúa ban tặng chúng ta càng không phải là một “bản hướng dẫn”  giúp chúng ta học hỏi điều mới nhất” – Hoàn toàn không phải vậy, nhưng “ơn cứu độ là một lời mời gọi dự phần vào một câu chuyện tình đan kết với những câu chuyện của riêng mỗi chúng ta”…Câu chuyện tình và những đan kết ấy “sống động và muốn được sinh ra giữa chúng ta”…để chúng ta có thể “sinh hoa trái nơi chúng ta đang sống, như chúng ta LÀ…và với những người cùng sống quanh mỗi chúng ta” , bởi – chính vì như thế – mà Chúa đến để “gieo” và để “được gieo” trong lòng mỗi con người cũng như nơi toàn thể nhân loại [256]…Giáo huấn này của Đức Thánh Cha làm người viết nghĩ đến không ít những “ảo tưởng” về chính mình nơi nhiều Đấng Bậc trong Giáo Hội…Câu chuyện giữa chúng ta với Chúa phải là một “chuyện tình” nghĩa là được diễn tả cách rất tự nhiên qua mắt nhìn, miệng cười…và những trình bày về nhau có chiều sâu, có thâm tình…làm người khác nhận ra tình yêu của cả hai…chứ không phải những thao thao bất tuyệt…chẳng ăn nhập đâu vào đâu…Có vị chỉ lo moi móc những “chú giải”, những “chuyên môn” trong trình bày Lời Chúa mỗi khi chủ tế Thánh Lễ…Cộng đoàn góp ý là họ không thể hiểu chủ tế muốn trình bày thứ gì…liền bị chê : Quá kém…nên không đủ trình độ để hiểu !!! Đấy không thể là “chuyện tình” …

 

Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp

Chia sẻ Bài này:

Related posts