Chuyện mỗi tuần – chuyện về “Những lĩnh vực cần được phát triển”…

Đức Thánh Cha hiểu rằng nhiều người trẻ đã học biết  để “nếm hưởng sự thinh lặng và sống thân mật với Chúa” …Và ngày càng có  nhiều nhóm trẻ tập họp đễ “tôn thờ Thánh Thể và cầu nguyện dựa trên Lời Chúa”…Đức Thánh Cha yêu cầu chúng ta “không được coi thường khả năng của người trẻ trong việc cầu nguyện chiêm niệm”…Điều cần – đấy là tìm ra “cách thức” và “kiều mẫu” để giúp họ dấn thân vào “kinh nghiệm quý giá này” – nghĩa là vào “khả năng cầu nguyện chiêm niệm”…Trong thánh lễ kính thánh Batôlômêô Tông Đồ sáng thứ ba ngày 24/8 vừa qua, người viết có lưu ý về hai lần Chúa nhắc đến việc thấy Batôlômêô – Nathanaen “ngồi dưới cây vả” – nghĩa là chàng trai này thích sự thinh lặng…để có thể suy gẫm những gì xảy ra trong Kinh Thánh…Điều đó làm cho Chúa thấy mến anh ta…ngay từ giây phút đầu gặp gỡ…Liên quan đến việc thờ phượng và cầu nguyện, Đức Thánh Cha cho rằng điều mà giới trẻ Công Giáo mong muốn có được: đấy là “một đường lối phụng vụ mới mẻ, đích thực và vui tươi, đem đến cho họ những giờ phút cầu nguyện và những buổi cử hành bí tích có thể lay động đời sống thường ngày”…Và vì vậy Đức Thánh Cha muốn chúng ta giúp bạn trẻ biết tận dụng tối đa những “thời nhịp mạnh” của Năm Phụng Vụ – đặc biệt là Tuần Thánh, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, và Giáng Sinh…Và dĩ nhiên những dịp Lễ khác “ngắt” nhịp sống bình thường cũng giúp các bạn trẻ “sống kinh nghiệm đức tin” [224]…Người viết thấy rằng – thời gian ở Trung Tâm Mục Vụ Đông Á Châu (IAPI) – mỗi nhóm văn hóa sẽ có một Thánh Lễ và một Giờ cử hành Phụng Vụ Lời Chúa theo tập tục văn hóa của nhóm mình…Hầu hết các nhóm của nền văn hóa Mỹ – Phi châu – và các quần đảo ở Thái Bình Dương…đều rất vui nhộn, đầy âm nhạc rộn ràng…Nền văn hóa Nhật – Hàn – Trung Quốc và Việt Nam…thì nghiêng về sự tĩnh lặng…Những trung tâm mang tính quốc tế sẽ giúp giao thoa giữa các nhóm văn hóa…và cũng là cách làm cho các nghi lễ địa phương đa dạng văn hóa hơn…khi họ học hỏi lẫn nhau…

+ Đức Thánh Cha nhắc chúng ta rằng “những việc phục vụ của người Ki-tô hữu là một cơ hội ưu việt để người trẻ phát triển và mở lòng mình ra để đón nhận ơn huệ đức tin và đức ái do Chúa ban”, đồng thời “nhiều người trẻ được lôi cuốn bởi các cơ hội giúp đỡ người khác, nhất là trẻ em và người nghèo”…Ngài cũng thấy rằng “ việc phục vụ này là bước đầu tiên để khám phá và tái khám phá đời sống Ki-tô hữu và Hội Thánh”…Nhiều khi quá mệt mỏi với những chương trình huấn luyện giáo lý và thiêng liêng, người trẻ ước mong có được những cơ hội tham gia tích cực vào hoạt động giúp ích tha nhân [ 225]…Hơn bao giờ hết, trong thời gian Dịch Bệnh này, từng lớp từng lớp người trẻ lên đường đến với anh chị em nhiễm bệnh của mình trong các Trung Tâm chữa trị luôn có nguy cơ lây nhiễm…Và người viết thấy rằng thời gian này cũng là thời gian hồng ân để – qua những người trẻ có đức tin – Chúa đến với mọi người…

+ Đức Thánh Cha đề cập đến lãnh vực “ các diễn tả nghệ thuật, như kịch nghệ, hội họa, và nhiều thể loại khác”…cũng được giới trẻ ưa thích…và là những phương thế trình bày đức tin Công Giáo cho mọi người – đặc biệt là người trẻ…Ngài dừng lại và nhấn mạnh đến lãnh vực âm nhạc : “ Tầm quan trọng của âm nhạc vô cùng đặc biệt; âm nhạc là một môi trường thực sự và giới trẻ thường xuyên ngụp lặn trong đó, ( âm nhạc) như một loại văn hóa và một loại ngôn ngữ có khả năng khơi dậy cảm xúc và xây dựng căn tính. Ngôn ngữ âm nhạc cũng là một lợi ích cho mục vụ, đặc biệt là cho phụng vụ và canh tân phụng vụ”…Ngài chia sẻ tiếp : “Ca hát có thể là một lực đẩy quan trọng đối với người trẻ khi họ đi trên con đường trần thế ”…Và để khích lệ người trẻ trong , “nhịp chân sáo” và “tiếng huýt sáo” trên con đường đi tới, Ngài trích lời thánh Augustinô : “Hãy ca hát, nhưng cũng hãy tiếp tục bước. Hãy hát ca để công việc của bạn được nhẹ bớt, đừng lười biếng. Hãy hát, nhưng cũng hãy tiếp tục bước […] Khi tiến bước, bạn sẽ tiếp tục hành trình… Nhưng hãy tiến bước trong nhân đức, trong đức tin chính thức và những việc làm thiện lương. Hãy ca hát và bước tới.” [226]…Rất mừng là ngày nay các nhạc sĩ Công Giáo ở Việt Nam khá là đông đảo – nhất là trong hàng Giáo Sĩ – nên những sáng tác cũng có thể  được coi là đa sắc màu…Người viết – dù rất thích hát – nhưng “bẩm sinh” thuộc dạng “mù” âm nhạc…và kinh Lạy Cha…mỗi tuần…một giọng !!! Tuy nhiên người viết thấy rằng hình như có một thể loại âm nhạc “mới” dựa trên nền “cũ”…khá là dễ nghe…được các nhạc sĩ và ca sĩ trẻ biểu diễn : đấy là chèo, hát xẩm, đồng bóng…được phối khí theo thể loại acoustic, jazz, semi classic…Người viết nhớ ngày xưa – ngay sau 1975 – có dịp được dâng Thánh Lễ Chúa Nhật tại Nhà Thờ Chính Tòa  Giáo Phận Bắc Ninh…và rất thích thú với  bộ kinh Thương Xót – Vinh Danh theo làn điệu Quan Họ…Khuynh hướng làm mới và phụng tự hóa những làn điệu dân ca hay âm nhạc các sắc tộc thiểu số…cũng đáng để giới chuyên môn quan tâm đến…

+ Đức Thánh Cha nói đến lãnh vực thể thao trong giáo dục…Ngài cho rằng  “việc luyện tập thể thao nơi giới trẻ có tầm quan trọng đặc biệt” và “Giáo Hội không được đánh giá thấp tiềm năng của thể thao trong lĩnh vưc giáo dục và đào tạo”…Tuy nhiên Ngài yêu cầu “thế giới thể thao cần được giúp để khắc phục những thái độ tiêu cực đi kèm, chẳng hạn như sự sùng bái chức vô địch, phục vụ lợi ích thương mại và ý muốn phải thành công bằng mọi giá”…Điều quan trọng và cốt yếu của thể thao là “niềm vui : niềm vui được vận động, niềm vui qui tụ với nhau, niềm vui sống và đón nhận những quà tặng mà Đấng Tạo Hóa ban cho ta mỗi ngày”…Đức Thánh Cha cũng có ý nhắc đến ý kiến của một vài Nghị Phụ THĐ cho rằng thể thao giúp người trẻ “vượt qua sự chây lười hoặc nhàn rỗi”…Đặc biệt Ngài chia sẻ suy tư của thánh Basiliô Cả – khi viết cho người trẻ – đã lấy ví dụ trong thể thao để diễn tả điều thánh nhân muốn trình bày…Theo thánh nhân thì  – cũng như những vận động viên cần phải cố gắng tập luyện để thi đấu thành công  –  cũng vậy, sự hy sinh – xét như một phương thế rất cần thiết –  nhằm giúp người ta lớn lên về mặt nhân đức… “Những người ấy – tức những vận động viên – phải chịu đựng muôn vàn hy sinh, sử dụng đủ mọi phương tiện để rèn luyện (hầu có thể) gia tăng thể lực, đổ mồ hôi khi tập luyện các bài tập luyện thể lực vất vả, […] và, nói tóm lại, họ sống cả cuộc đời trong kỷ luật để chuẩn bị cho cuộc thi đấu, […] họ đặt nền bằng cách đầu tư cho các nguồn sức mạnh thể lý và tâm lý của họ, để dành cho được vòng hoa chiến thắng. vậy thì chúng ta đang mong đợi trong cuộc sống kia – tức là cuộc sống trên trời – những phần thưởng kỳ diệu không miệng lưỡi nào có thể mô tả được, làm sao chúng ta có thể nghĩ mình sẽ dành được phần thưởng ấy nếu chỉ biết sống nhàn rỗi và làm việc ỳ ạch” [227]…

+  Đức Thánh Cha nói đến vấn đề thiên nhiên và người trẻ…Người trẻ – theo Ngài – rất thích thiên nhiên và nhạy cảm với việc bảo vệ môi trường…Ngài nhắc đến Phong Trào Hướng Đạo và một số những Nhóm Trẻ thích tổ chức những những ngày sống giữa thiên nhiên, cắm trại, đi bộ, thám hiểm và các chiến dịch bảo vệ môi trường…Ngài nhăc đến linh đạo của thánh Phanxicô Assisi và ước mong những sở thích ấy của người trẻ được thấm nhuần linh đạo của thánh nhân để những cơ hội gặp gỡ giữa thiên nhiên làm nảy sinh tình huynh đệ sâu xa cũng như giúp sống đời cầu nguyện chiêm niệm trong thiên nhiên [ 228]…Với thánh Phanxicô…thì “Anh Mặt Trời”, “Chị Mặt Trăng” gần gũi và thân thương vô cùng…

+ Đức Thánh Cha yêu cầu giới hữu trách phải luôn nhớ rằng – bên trên những cơ hội người trẻ gặp gỡ nhau trong thiên nhiên cũng như nhiều cơ hội khác thuận lợi cho việc Phúc Ấm hóa người trẻ, bên trên sự thay đổi của lịch sử và của cảm thức người trẻ…còn có “những ơn huệ của Chúa luôn tặng ban cách hợp thời” – nghĩa là trong tất cả, Thiên Chúa luôn có những ơn huệ có một sức mạnh vượt trên mọi thời đại và mọi hoàn cảnh…Những ơn huệ ấy là Lời của Chúa luôn sống động và hiệu nghiệm, là sự hiện diện của Đức Ki-tô trong thánh Thể để nuôi sống chúng ta, là bí tích Giải Tội mang lại cho chúng ta sự tự do và sức mạnh…Đức Thánh Cha cũng nhắc đến kho tàng thiêng liêng vô tận vốn là các chứng tá của các thánh cũng như giáo huấn của các Ngài…Điều Đức Thánh Cha mong muốn là người trẻ được hướng dẫn để tận hưởng “nguồn suối của sự sống” này [229]…

Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp

Chia sẻ Bài này:

Related posts