Lịch sử Kinh Mân Côi và lễ Đức Mẹ Mân Côi

Trong số các lễ nhớ Đức Maria, ngoài lễ Đức Mẹ Lộ Đức và lễ Đức Bà Camêlô, còn có lễ Đức Mẹ Mân Côi, do Đức Giáo Hoàng Gregorio XIII thành lập năm 1573. Nhưng để biết nguồn gốc của lễ này trước hết phải tìm hiểu lịch sử Kinh Mân Côi ”Rosario”. Từ Rosario phát xuất từ chữ Latinh ”Rosarium” có nghĩa là vườn hồng, khóm hồng, tràng hoa hồng, hoặc chuỗi hoa hồng, và cũng còn gọi là Kinh Mân Côi.

Sở dĩ gọi là ”chuỗi hoa hồng” hay ”tràng hoa hồng” là vì nó bao gồm nhiều hạt. Mỗi một hạt là một kinh Kính Mừng. Khi đọc nó giống như một đóa hồng tín hữu dâng kính Mẹ Thiên Chúa. Rồi nó cũng được gọi là Kinh Mân Côi, vì Mân là tên của một loại ngọc, Côi là một thứ ngọc tốt, ngọc quí lạ. Kinh Mân Côi là “Kinh Ngọc”, là ”chuỗi ngọc Mân và ngọc quí lạ”. Mỗi một kinh Kính Mừng dâng lên Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Đấng đầy ơn phước, Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, là ngọc Mân, ngọc đẹp quí lạ tín hữu dâng lên Đức Trinh Nữ Maria.

Từ thế kỷ XIII trở đi Tràng hạt chuổi hạt, hay Kinh Mân Côi mang ý nghĩa một vòng hoa hồng thiêng liêng dâng lên để ca tụng Mẹ Thiên Chúa và xin Mẹ bầu cử cho trước ngai tòa Thiên Chúa Tối Cao, Đấng đã tuyển chọn và chuẩn bị cho Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế.

Các đan sĩ Certosino và các tu sĩ dòng Đa Minh đã có công phổ biến Kinh Mân Côi trong Giáo Hội. Để phổ biến thói quen đạo đức đơn sơ bình dân này các đan sĩ Certosino thường kể lại hai thị kiến. Một câu chuyện đã được biết tới ngay hồi thế kỷ XIII. Chuyện kể rằng một ngày kia có một đan sĩ Certosino phải du hành. Tới một cánh rừng, vị tu sĩ dừng ngựa lại để đọc 50 kinh kính Đức Mẹ như đan sĩ có thói quen làm mỗi ngày. Đang khi đan sĩ ấy sốt sắng lần hạt kính Đức Mẹ, thì có một tên cướp từ trong rừng nhào ra cướp lấy ngựa và mọi thứ, rồi toan tính giết vị đan sĩ. Nhưng anh ta bỗng trông thấy một Bà rất xinh đẹp cầm trên tay một sợi dây dùng để làm chuỗi hạt. Vào mỗi kinh Kính Mừng vị đan sĩ đọc, thì Bà hái lấy trên môi vị đan sĩ một đóa hoa hồng và gắn vào sợi dây. Sau khi tràng chuỗi đủ 50 hoa hồng, Bà đội vòng hoa hồng lên đầu rồi biến mất. Tên cướp tới gần vị đan sĩ và hỏi người Đàn Bà đó là ai. Vị đan sĩ kể lại cho anh ta biết là mình đang đọc kinh kính Đức Mẹ và bảo đảm với anh là đã không trông thấy ai cả. Tên cướp liền hiểu rằng Bà đep ấy chỉ có thể là chính Đức Trinh Nữ Maria. Anh ta liền trả lại cho vị đan sĩ mọi sự đã lấy và bỏ đi.

Câu chuyện thứ hai là thị kiến mà một đan sĩ Certosino khác là thầy Adolfo thành Essen đã nhận được vào năm 1492. Trong khi lần hạt kính Đức Mẹ, thầy Adolfo trông thấy Đức Trinh Nữ được triều thần thiên quốc vây quanh và hát Kinh Mân Côi với các câu kết mà tập sinh Domenico Helian, cũng gọi là Domonico người Phổ, năm 1409 đã thêm vào mỗi lời chào của sứ thần Garbiel sau tên Giêsu. Trong thị kiến thầy Adolfo trông thấy khi hát tới tên Maria, thì toàn triều thần thiên quốc đều cúi đầu, nhưng tới tên Giêsu, thì mọi người qùy gối. Sau cùng là kết thúc việc hát Halleluia thêm vào câu kết. Kể từ đó đan sĩ Adolfo thành Essen cũng thêm Halleluia sau chữ Amen của mỗi suy tư kết thúc.

Trong tự sắc ”Consueverunt romani Pontifices” công bố ngày 17 tháng Chín năm 1569, Đức Giáo Hoàng Pio V định nghĩa Kinh Mân Côi như sau: ”Chuỗi Mân Côi hay sách thánh vịnh của Đức Trinh Nữ Maria rất diễm phúc là một kiểu cầu nguyện rất đạo đức và là lời cầu dâng lên Thiên Chúa, một kiểu dễ dàng trong tầm tay của tất cả mọi người, bao gồm việc ca ngợi chính Đức Trinh Nữ rất diễm phúc bằng cách lập lại lời chào của sứ thần 50 lần, giống như 50 thánh vịnh của vua Đavít, trước mỗi chục có lời kinh Lậy Cha của Chúa, với các suy niệm xác định minh giải toàn cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.

Định nghĩa trên đây của Đức Giáo Hoàng Pio V tóm tắt nòng cốt và hình thể chính của Kinh Mân Côi. Tài liệu nói trên của Đức Pio V là một chặng ghi dấu và là điểm quy chiếu trên con đường lịch sử dài và phức tạp của lòng sùng kính này và nó là môt chặng nền tảng. Thật ra, lịch sử Kinh Mân Côi đã không nảy sinh với tự sắc này, nhưng tìm thấy nơi đó một loại thánh hiến chính thức từ phía giáo quyền, và trong đó có xác định các hình thái tựu trung giống các hình thái Kinh Mân Côi chúng ta đọc ngày nay.

Thế Kinh Mân Côi đã nảy sinh như thế nào?

Hầu như trong mọi tôn giáo tín hữu đều có thói quen dùng chuỗi hạt để cầu nguyện. Ấn giáo có chuỗi Japa mala, Phật giáo có chuỗi Mala. Mala trong tiếng Phạn có nghĩa là vòng hoa. Còn Japa là đọc hay hát hoặc lập lại một mantra hay tên hoặc các tên của một vị thần. Có loại Mala gồm 16, 27, 54 hoặc 108 hạt. Phật giáo Tây Tạng dùng loại 108 hạt. Cũng có loại 21 hay 28 hạt tín hữu dùng để phủ phục sát đất. Hồi giáo có chuỗi Tasbeeh hay Tespih, Misbaha, Sebha hay Subha tùy theo thổ ngữ A rập thuộc các quốc gia khác nhau. Nó gồm loại 99 hạt cộng với 1 hạt, hay loại 33 cộng với một hạt. Loại giản lược gồm 34 hạt. Tín hữu đọc nó bằng cách xướng lên 99 tên gọi đẹp của Allah để chỉ nhớ tới Thiên Chúa và không nghĩ tới những gì không phải là Thiên Chúa. Tín hữu chính thống có chuỗi Comvoschini. Và tín hữu công giáo có tràng hạt Mân Côi.

Kiểu lập đi lập lại một lời kinh này có nguồn gốc đông phương. Có thuyết cho rằng các đạo binh Thập Tự quân tiếp xúc với người Hồi đã du nhập chuỗi hạt cạu họ rồi thích ứng lời kinh Kitô. Nhưng cũng có giả thuyết cho rằng thói quen lần hạt đã có từ thời các vị ẩn tu trong sa mạc thuộc các thế kỷ thứ III thứ IV, tức trước thời các Thập tự quân rất lâu. Các vị ẩn tu dùng các hòn sỏi nhỏ trơn tru, hay các hạt, hoặc bất cứ vật dụng nào gọn nhẹ để đếm kinh. Rồi tín hữu dùng dây thắt nút lại, và từ từ đi tới giai đoạn dùng các hạt bằng gỗ, hay bằng các chất liệu khác nhau như thấy ngày nay.

Người ta đã tìm thấy các tràng hạt, rất gống như tràng hạt ngày nay, thuộc thánh nữ Gertrude viện mẫu tu viện Biển Đức Nivelles, qua đời năm 664. Sự kiện này chứng minh cho thấy thói quen lập lại lời sứ thần Gabriel chào Đức Trinh Nữ Maria đã có từ thế kỷ thứ VII hay trước đó nữa.

Tuy nhiên cũng có thể nói rằng nguồn gốc thói quen lần hạt phát xuất từ Ailen trong môi trường của các đan viện, nơi các tu sĩ kiếm tìm sự hiệp thông với Thiên Chúa qua đời cầu nguyện với việc đọc 150 thánh vịnh của vua Đavít, tức toàn sách Thánh Vịnh của Thánh Kinh Cựu Ước. Nhưng chung quanh các đan viện cũng có các nhóm giáo dân ngày càng ước ao lời cầu nguyện chiêm niệm liên tục. Nhưng vào các thế kỷ xa xưa ấy ít có giáo dân biết đọc biết viết, và việc học thuộc lòng 150 thánh vịnh bằng tiếng Latinh cũng là điều rất khó. Vì thế để giúp các giáo dân này thỏa mãn ước vọng của họ, cần phải tìm ra hình thức nào thích hợp với các nhu cầu, mức độ văn hóa và tiết nhịp cuộc sống của họ. Vào khoảng năm 850 một đan sĩ Ailen gợi ý là cho các giáo dân này đọc 150 kinh Lậy Cha thay cho 150 Thánh Vịnh, cũng chia thành ba phần, mỗi phần 50 kinh, tương đương với ba lần đọc kinh Thần Vụ trong ngày của các đan sĩ.

Thói quen này lan sang các nước Âu châu khác. Ít lâu sau đó hàng giáo sĩ và giáo dân trong các vùng khác của Âu châu, chẳng hạn như trong vùng sông Rhein Flamand, bắt đầu thay thế kinh Lạy Cha bằng lời sứ thần Gabriel chào Đức Trinh Nữ Maria ”Ave Maria”, là phần đầu của kinh Kính Mừng hiện nay. Nhưng để cho lời cầu nguyện duy trì được tính cách chiêm niệm của nó và tránh cho việc đọc kinh trở thành máy móc, 150 kinh gọi là thánh vịnh Lạy Cha Pater Noster hay thánh vịnh của Đức Maria tùy theo công thức sử dụng, người ta giảm xuống còn 50 kinh. Đó là hình thức của Tràng hạt Mân Côi ngày nay.

Có thể nói rằng việc đọc Kinh Mân Côi đã phát triển giữa các thế kỷ XII và XVI. Vào đầu thế kỷ XII đã được phổ biến bên Tây Phương thói quen đọc kinh Kính Mừng, hay đúng hơn lời sứ thần Gabriel chào Đức Trinh Nữ trong ngày truyền tin, tức phần đầu của Kinh Kính Mừng. Dĩ nhiên, lời sứ thần Gabriel chào Đức Maria đã được các tín hữu kitô biết từ lâu trước đó, vì nó đã được ghi lại trong các Phúc Âm và cho tới thế kỷ thứ VII đã được dùng như điệp khúc hát trong lúc dâng lễ vật trong Thánh Lễ Chúa Nhật thứ IV Mùa Vọng, là Chúa Nhật nêu bật vai trò của Mẹ Maria.

Nhưng ở đây trong Kinh Mân Côi người ta muốn nhận ra sự mới mẻ của việc sùng mộ lập lại lời kinh Kính Mừng, giống như đã có với Kinh Lậy Cha được lập lại 150 lần. Lời Kinh Kính Mừng chỉ có câu chào của sứ thần Gabriel và lời chúc tụng của bà Elidabét. Tên Chúa Giêsu và từ Amen đã chỉ được thêm vào khoảng cuối thế kỷ XV, khi câu ”Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen” trở thành thói quen phổ biến năm 1483.

(Thánh Mẫu Học bài 345)

Linh Tiến Khải

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment