Bài đọc và Suy niệm Lời Chúa Tuần 7 Phục Sinh C

 

THỨ BẢY

Bài Ðọc I: Cv 28, 16-20. 30-31

Khi chúng tôi đến Rôma, Phaolô được phép ở nhà riêng với người lính canh. Sau ba hôm, ngài mời các đầu mục người Do-thái đến. Khi họ đến, ngài nói với họ: “Thưa anh em, dầu tôi đây không làm điều gì phạm đến dân tộc hay tục lệ tổ tiên, mà tôi đã bị bắt tại Giêrusa-lem và bị nộp trong tay người Rôma. Khi đã điều tra, họ muốn thả tôi vì tôi không có tội gì đáng chết. Nhưng người Do-thái chống lại, nên tôi buộc lòng phải nại đến hoàng đế, nhưng không phải là tôi có gì kiện cáo dân tôi. Do đó tôi đã xin gặp anh em và nói chuyện: Chính vì niềm hy vọng của Israel mà tôi phải mang xiềng xích này”.

Suốt hai năm, ngài trú tại ngôi nhà đã thuê, tiếp nhận tất cả những ai đến gặp ngài, ngài rao giảng nước Thiên Chúa và dạy dỗ những điều về Chúa Giêsu Kitô một cách dạn dĩ, không có ai ngăn cấm.

 

Phúc Âm: Ga 21, 20-25

Khi ấy, Phêrô quay lại, thấy môn đệ Chúa Giêsu yêu mến theo sau, cũng là người nằm sát ngực Chúa trong bữa ăn tối và hỏi “Thưa Thầy, ai là người sẽ nộp Thầy?” Vậy khi thấy môn đệ đó, Phêrô hỏi Chúa Giêsu rằng: “Còn người này thì sao?” Chúa Giêsu đáp: “Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con? Phần con, cứ theo Thầy”. Vì thế, có tiếng đồn trong anh em là môn đệ này sẽ không chết. Nhưng Chúa Giêsu không nói với Phêrô: “Nó sẽ không chết”, mà Người chỉ nói: “Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con”.

Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra, và chúng tôi biết lời chứng của người ấy xác thật. Còn nhiều việc khác Chúa Giêsu đã làm, nếu chép lại từng việc một thì tôi thiết tưởng cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách viết ra.

 

Suy Niệm

Lời Chúa hôm nay cho con chiêm ngắm về người môn đệ được Chúa thương mến.

Ông là người đã “nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu trong bữa ăn tối” (Ga21,20). Điều này thể hiện ông rất yêu mến Chúa nên hiểu Chúa. “Nghiêng đầu vào ngực” có nghĩa là ông đã đụng chạm đến con tim của Chúa.

Ông là người làm chứng cho Chúa một cách xác thực: “Chính môn đệ này làm chứng về điều đó và đã viết raChúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực” (Ga21,24). Lời chứng về Chúa một cách xác thực là lời chứng về tình yêu của Chúa, vì chính Gioan đã định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu”. Sở dĩ ông có thể làm chứng về tình yêu một cách xác thực là bởi vì ông đã yêu mến Chúa.

Nhưng sự thật khó hiểu nhất về Gioan chính là việc: “Do đó, có tiếng đồn giữa anh em là môn đệ ấy sẽ không chết” (Ga21,23). Có phải là Gioan có khả năng bất tử không? Tin Mừng hôm nay cũng giải thích điều đó: “Đức Giêsu không nói với Phêrô là “Anh ấy sẽ không chết”, mà chỉ nói “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh” (Ga21,23).Như vậy rõ ràng Gioan chỉ “ở lại” thôi chứ không phải là không chết. “Ở lại” là gì? “Ở lại” không phải là thân xác, mà là những lời làm chứng, những sách vở và nhất là quyển Tin Mừng thứ Tư của Gioan.

Từ đoạn Tin Mừng hôm nay cho con những cảm nghiệm sau đây:

1/ Điều quan trọng nhất trong cuộc đời là con cảm nghiệm được tình yêu thương của Chúa và đáp trả lại tình yêu thương đó bằng những hành động cụ thể.  Hành động cụ thể của tình yêu thương là: “Mến Chúa và Yêu Người”. Tình yêu của con đáp trả lại tình yêu thương của Chúa là việc giữ những lời dạy bảo của Ngài, cụ thể qua việc con tuân giữ những điều răn của Ngài. Tình yêu của con dành cho anh chị em con thể hiện qua việc tôn trọng, giúp đỡ và không làm hại họ. Tình yêu thương đó lan tỏa ra trong cuộc sống của con, để những ai tiếp xúc với con có thể cảm nhận được sự bình an, thanh thản và một sự an ủi.

2/ Chính cách sống yêu thương của con sẽ là lời làm chứng về Chúa một cách đắc lực nhất. Con không cần rao giảng những mầu nhiệm cao siêu về Chúa, nhưng con chỉ cần minh chứng về một Thiên Chúa yêu thương qua cuộc sống của mình.

3/ Những cảm nghiệm về một Thiên Chúa yêu thương không thể giữ lại cho riêng cõi lòng con, mà còn phải được san sẻ cho nhiều người bằng nhiều cách, tùy theo khả năng mọi người.

Lạy Chúa, xin cho con cảm nghiệm được tình yêu của Chúa và sống tình yêu đó một cách cụ thể trong cuộc sống của mình.

Chia sẻ Bài này:

Related posts