NGANG QUA THÁNH GIÁ, THIÊN CHÚA HIẾN MÌNH

Thiên Chúa là Thiên Chúa duy nhất. Thiên Chúa duy nhất ấy không đơn độc trong một ngôi, nhưng Ngài có Ba Ngôi và là chính Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần. mỗi ngôi vị đều bằng nhau về thần tính và ưu phẩm, nhưng không có ba Thiên Chúa ngang nhau mà chỉ có một Thiên Chúa. Thiên Chúa là cộng đồng Ba Ngôi thương yêu nhau, hướng về nhau.

Ba Ngôi là mầu nhiệm thuộc đời sống thâm sâu của Thiên Chúa, vượt mọi khả năng hiểu biết và suy luận của trí khôn con người.

Nơi Thiên Chúa, dù chỉ có một sự sống thần linh duy nhất, nhưng mỗi ngôi vị đều có trọn vẹn sự sống thần linh trong mình.

Đặc biệt, nơi thánh giá Chúa Kitô, Thiên Chúa thể hiện cách hoàn bị hết sức và mãnh liệt tình yêu cứu độ của Ngài.

Nơi thánh giá, Chúa Kitô chấp nhận chịu đau khổ, chịu chết trong tinh thần vâng phục và yêu mến hoàn toàn, yêu mến tuyệt đối đối với Cha.

Chúa Kitô dùng chính thân xác mình, dòng máu mình, con người mình để thiết lập trật tự mới, đó là đưa nhân loại về lại trong tình nghĩa với Chúa Cha. Chính ngài, nơi cái chết và phục sinh của mình, thiết lập giao ước mới và vĩnh cửu với Hội Thánh, dân riêng mới của Thiên Chúa Cha.

Nhìn lên thánh giá, suy nghĩ nông cạn và non nớt của loài người dễ cho rằng, đó là một thất bại to lớn.

Thực ra, đối với Kitô hữu, Thánh giá chính là hiện thân, là sự thành công lớn lao của một tình yêu tận cùng, một tình yêu vượt hết mọi rào cản, vượt thắng tất cả sự tàn nhẫn và tội ác của con người.

Đó là một tình yêu hạ mình, một tình yêu mà Thiên Chúa là Chúa trời đất đã hiến dâng chính mình để cứu lấy con người.

Thánh Gioan ghi nhận lời của Chúa Giêsu, cũng chính là ghi nhận lời của Tình Yêu không cùng ấy: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin ở Người Con ấy thì không phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3, 16).

“Yêu… đến nỗi đã ban”, cụm từ tuy đơn giản nhưng khắc họa sự lớn lao hết sức của tình yêu, đủ nói lên tất cả sức mạnh, tất cả sự tha thiết, tất cả sự mãnh liệt của một tấm lòng yêu thương.

Còn hơn cả một lòng yêu thương, bởi tình yêu của Đấng đã “Yêu… đến nỗi đã ban” ấy không phải như tình yêu con người dành cho nhau, nhưng là tình yêu của Đấng Tạo Thành dành cho thụ tạo của mình. Đó là Tình Yêu của Thiên Chúa hiến dâng cho loài người.

Và tình yêu mà Thiên Chúa đã ban, không phải một cái gì bên ngoài Thiên Chúa, nhưng là chính bản thân Thiên Chúa, là chính Đấng phát xuất từ giữa cung lòng Thiên Chúa. Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người, là hiện thân khôn tả của tình yêu vô cùng mà Thiên Chúa dành cho loài người.

Vì thế, khuôn mặt thánh giá của Chúa Kitô là bằng chứng hùng hồn, là tiếng nói mạnh mẽ, là nét bút tuyệt vời, là vết khắc sâu sắc… về một tình yêu bền vững có một không hai trong lịch sử nhân loại, tình yêu của Thiên Chúa từ trời cao dành cho người trần thế.

Bởi vậy, cái chết của Con Người chịu đóng đinh kia, cho thấy chiến thắng của tình yêu siêu phàm. Cái chết uy hùng kia biểu dương một tình yêu mạnh hơn sự chết, có sức tiêu diệt hận thù và làm phát sinh từ trong cái chết của tội lỗi loài người một nguồn sống vô tận cho cả loài người.

Về phía Thiên Chúa, một khi trao dâng Con của mình, tức là Thiên Chúa trao tặng chính mình, trao tặng chính sự hy sinh lớn lao của bản thân để cứu độ chúng ta.

Vì thế, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa đến vô cùng, hãy cảm tạ Thiên Chúa không phải bằng lời, nhưng bằng cả cõi lòng mình.

Hãy ý thức thật sâu lắng và mạnh mẽ: Chúa yêu thương ta đến nỗi không còn kể mình nữa, miễn là ta được sống.

Hãy ý thức thật nhiều, để niềm ý thức ấy trở nên nung đốt tâm tình cảm tạ trong ta thật mãnh liệt, thật dồi dào, thật trào tràn.

Một lần nữa, từng người hãy nhìn lên thánh giá, hãy chiêm ngắm thánh giá Chúa Giêsu, hãy tỏ lòng trung thành tôn thờ Đấng chịu nạn, hãy mang hết tâm hồn đặt dưới chân Chúa để cảm tạ Chúa, để đoan hứa với Chúa trong tình yêu của chính mình về một quyết tâm chỉ chọn một mình Chúa làm đích điểm của kọi hoạt động, mọi thể hiện sống, mộ nỗ lực xây dựng sự sống của mình và của đồng loại…

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG

Chia sẻ Bài này:

Related posts