CỐT TỦY CỦA CUỘC ĐỜI KITÔ HỮU

Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” (Ga 15:9). Chắc chắn Chúa Giêsu đã nói điều này với các tông đồ của Ngài nhưng hôm nay Ngài cũng nói điều đó với chúng ta! Thiên Chúa là tình yêu trọn vẹn, Ngài không thể yêu nửa vời, và tình yêu của Ngài dành cho Chúa Giêsu là trọn vẹn. Chúa Giêsu yêu thương chúng ta với chính tình yêu trọn vẹn này. Chúng ta có thể hình dung điều này như thế nào?

  1. Tình yêu Chúa Giêsu dành cho chúng ta chính là tình yêu Chúa Cha dành cho Ngài.

Chúa Giêsu không yêu chúng ta như chúng ta yêu người lân cận, hay một người có cùng quan điểm với chúng ta. Không phải thế! Ngài yêu thương chúng ta, từng người một, bằng tình yêu trọn vẹn, vô điều kiện! Dù chúng ta là ai, dù chúng ta nói hay làm gì, Chúa Giêsu cũng yêu thương chúng ta nhiều như vậy! Ngài yêu thương chúng ta đến nỗi Ngài đến trong thế gian, chịu chết trên thập tự giá để chúng ta có được sự sống đời đời! Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta hoàn toàn nhưng không. Ngài không nói “nếu anh em là thánh thì Ta sẵn sàng chết trên thập tự giá vì anh em!” Không, Ngài sẵn sàng chết trước khi chúng ta bày tỏ mong muốn nên thánh. Ngài đã hiến thân vì chúng ta ngay khi không có bất cứ sự đảm bảo nào rằng chúng ta sẽ hoán cải! Mọi người đều được Thiên Chúa yêu thương. Mỗi người chúng ta ở đây đều được Chúa Giêsu yêu thương và tuyển chọn cách đặc biệt. Đây là điều ấn tượng nhất trong tình yêu của Chúa Giêsu, là chi phiếu tình yêu mà Ngài đã ký khống cho mỗi người chúng ta trên thập tự giá, chờ đợi chữ ký của từng người.

Trong bài đọc thứ hai hôm nay Thánh Gioan nói: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4: 9 -10).

Đức Thánh Cha Phanxicô nói về niềm vui ở lại trong tình yêu của Chúa Giêsu: “Chúa Giêsu mời gọi chúng ta ở lại trong tình yêu của Ngài để niềm vui của Ngài ở trong chúng ta và niềm vui của chúng ta được trọn vẹn: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 15: 9-11). Chúng ta hãy tự hỏi: tình yêu mà Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy tuân theo để có được niềm vui của Ngài là tình yêu gì? Đó là tình yêu bắt nguồn  từ Chúa Cha, bởi vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8). Tình yêu này của Thiên Chúa, của Chúa Cha, chảy như dòng sông trong Chúa Giêsu, Con của Ngài, và qua Chúa Giêsu đến với chúng ta, những thụ tạo của Ngài. Thật vậy, Chúa Giêsu nói: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” (Ga 15:9). Tình yêu mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta cũng giống như tình yêu mà Chúa Cha yêu mến Ngài: tình yêu thuần khiết, tình yêu vô điều kiện, tình yêu được trao ban nhưng không. Tình yêu đó không thể mua được, tình yêu đó được cho không. Khi trao tình yêu đó cho chúng ta, Chúa Giêsu đối xử với chúng ta như những người bạn. Với tình yêu này, Ngài làm cho chúng ta biết Chúa Cha, và Ngài lôi kéo chúng ta vào cùng sứ mệnh của Ngài vì sự sống của thế giới… Anh chị em thân mến, việc ở trong tình yêu của Chúa sẽ dẫn đến đâu? Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 15:11). Và Chúa muốn niềm vui của Ngài ở trong chúng ta bao lâu chúng ta được hiệp nhất với Ngài, bởi vì Ngài hoàn toàn hiệp thông với Chúa Cha. Niềm vui khi biết rằng chúng ta được Thiên Chúa yêu thương bất chấp sự không chung thủy của chúng ta giúp chúng ta có thể tự tin đối mặt với những thử thách của cuộc sống, khiến chúng ta sống qua những cơn khủng hoảng để thoát khỏi chúng tốt hơn. Việc trở thành những chứng nhân đích thực của chúng ta hệ tại ở việc sống niềm vui này, bởi vì niềm vui là dấu hiệu đặc biệt của một Kitô hữu đích thực. Kitô hữu đích thực không buồn; họ luôn có niềm vui đó trong lòng, ngay cả trong những thời điểm khó khăn.” (Kinh Lạy Nữ vương Thiên Đàng với các tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, ngày 9 tháng 5 năm 2021).

  1. Chúa Giêsu mong đợi điều gì nơi chúng ta hôm nay?

Điều duy nhất mà Chúa Giêsu mong đợi nơi chúng ta hôm nay là nhận ra tình yêu của Ngài dành cho chúng ta, và trên hết là đón nhận tình yêu của Ngài để sống nhờ tình yêu đó. Trên trần thế này nhiều người trong chúng ta sống không cần Chúa Giêsu, như thể Ngài không hiện hữu! Cuộc đời của chúng ta chỉ có ý nghĩa đích thực khi chúng ta đồng ý sống trọn đời trong tình yêu thương của Ngài. Nhưng làm thế nào để sống trong tình yêu của Chúa Giêsu? Chỉ có một cách duy nhất và Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Ngài” (Ga 15: 10).

Nhưng Chúa Giêsu đang nói về những điều răn nào? Ngài nói với chúng ta: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15:12). Chúa Giêsu biết rõ rằng nếu không có thứ tình yêu căn cốt này thì con người sẽ không thể thực sự yêu thương bất cứ ai, dù là Thiên Chúa hay người khác. Thật vậy, nếu tôi thực sự có lòng yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu thương tôi, thì tôi sẽ thảo kính cha mẹ mình, không làm hại ai, không tham lam trộm cắp, không nói gian làm dối, không bê tha theo tình tư dục… nhưng nếu tôi không yêu như Chúa Giêsu yêu thì tâm trí và lòng dạ tôi sẽ mở ra cho mọi ý nghĩ và mọi hành động xấu xa.

Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta một chuẩn mực rất cao. Ngài không bảo chúng ta hãy yêu thương nhau hết sức có thể. Không phải thế, Ngài bảo chúng ta, “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Chuẩn mực tình yêu mà Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta phải có là “yêu như Chúa yêu.”

Severus, môn sinh của Thánh Augustinô, trong thư gửi cho Thầy mình bàn về tình yêu Thiên Chúa, đã nói một câu nổi tiếng : “Mức độ của tình yêu là tình yêu không mức độ” (Ep. 109, 2). Còn chính Thánh Augustinô thì nói: “Có tình yêu là có tất cả” (chú giải về Gioan. 32, 8). Thánh nhân nhấn mạnh: “Dilige, et quod vis fac – Yêu đi, và làm điều bạn muốn” (Tractatus in epistulam Johannis 7,8). Thánh nhân giải thích: “Tình yêu đối với Chúa và đối với tha nhân là nội dung của toàn bộ Sách thánh, là tổng hợp của triết lý, là đích điểm của thần học, là linh hồn của giáo dục học, là bí quyết của chính trị, là yếu tính và mức độ của sự hoàn hảo Kitô hữu, là tuyệt đỉnh của mọi nhân đức, là hứng khởi của ân sủng, là ơn ban xuất phát từ mọi linh ân” (A. Trapé, S. Agostino. La Regola, Ancora, Milano 1971). Theo Ngài thì tình yêu tóm lược toàn bộ Kinh thánh: “Tình yêu chiếm một chỗ thật cao cả và trải rộng trong từng trang Kinh thánh. Vậy nếu bạn không có thì giờ đào sâu tất cả các trang Kinh thánh, hãy yêu đi … Bạn sẽ đạt được những điều bạn đã học trong Kinh thánh và thậm chí, đạt được cả những điều bạn chưa học …Vì thế, ai có tình yêu trong cuộc sống thì sẽ có tất cả những điều được bày tỏ và còn ẩn giấu trong lời Chúa” (Bài giảng 350, 2-3).

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta yêu thương nhau: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15:12), nghĩa là chúng ta yêu thương nhau như chúng ta đã thấy Chúa Giêsu yêu thương. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng Chúa Cha kêu gọi chúng ta làm tông đồ và sai chúng ta đi sinh hoa trái, các việc làm của tình yêu.

  1. Nhưng người khác mà tôi phải yêu là ai?

Người khác ấy trước hết là vợ/chồng của tôi, vì chúng tôi đã hiến thân cho nhau trong cuộc hôn nhân, chia sẻ cả cuộc đời mình, sống với nhau chứ không chỉ bên cạnh nhau. Người khác ấy cũng là những đứa con mà chúng tôi có, bởi vì những đứa con đó không phải là kết quả của việc tình cờ, mà là một món quà mà Thiên Chúa đã giao phó cho chúng ta và mong đợi chúng ta biến chúng thành những con người có trách nhiệm và trọn vẹn, cũng như nhận ra tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng. “Gia đình nhỏ” của tôi là “Hội thánh tại gia”, nơi đầu tiên tôi được mời gọi sống yêu thương như Chúa Giêsu! Chính khi yêu thương và chăm sóc từng thành viên trong nhà là tôi đang sống trong tình yêu của Thiên Chúa.

Những người khác nữa là những bạn bè, đồng nghiệp, thành viên giáo xứ, hàng xóm, v.v. Khi yêu thương như Chúa yêu, chúng ta mới có thể đến với nhau và đến với Chúa một cách thật lòng. Lệnh truyền của Chúa Giêsu là chúng ta phải yêu thương người khác không do dự, không định kiến, nghĩa là đem lại sự sống cho người khác. Và đây là nguồn mạch của những ân sủng lớn lao, bởi vì khi chúng ta sống tình yêu của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta và Ngài thực sự làm cho chúng ta nên trọn hảo, trong tất cả những gì làm nên cuộc sống của chúng ta!

Không có điều gì liên quan đến chúng ta hoặc những tội lỗi nào chúng ta đã phạm có thể khiến Chúa Giêsu sợ hãi! Và nếu thực sự có một lỗi lầm nào đó trong quá khứ khiến chúng ta thực sự xấu hổ, hoặc trong hiện tại chúng ta vẫn chưa sống theo tình yêu của Chúa và cản trở chúng ta yêu thương nhau – chúng ta đừng do dự, vì trong bí tích tha thứ, Chúa Giêsu vẫn chờ đợi chúng ta, trả lại cho chúng ta sự bình an và sức mạnh tình yêu của Ngài để chúng ta ngày càng có khả năng sống với Ngài trong mọi sự.

Mẹ Maria cũng chỉ cho chúng ta con đường yêu thương này. Mẹ đơn thành và tự do dâng hiến hết trái tim, tất cả sức lực của mình để yêu mến Chúa Giêsu và Thánh Giuse, quan tâm giúp đỡ các gia đình chung quanh. Vì thế, trong tháng Năm này, chúng ta hãy cầu xin Mẹ Maria cầu bầu cho chúng ta biết đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và sống tình yêu đó mỗi ngày, trong cuộc sống của chúng ta.

Phêrô Phạm Văn Trung

Chia sẻ Bài này:

Related posts