HÃY CHẬM LẠI. ĐỢI ĐÃ. HÃY KIÊN NHẪN.

Giống như câu chuyện dụ ngôn về người gieo giống và hạt giống trong bản văn Tin mừng tuần trước, hôm nay Chúa Giêsu cũng dùng các câu chuyện dụ ngôn khác để thách thức người nghe phải suy nghĩ. Ở đây Chúa Giêsu kể dụ ngôn thứ hai về việc gieo hạt giống, lần này là về hai người gieo giống – một người gieo hạt giống để mọc lên lúa tốt, và kẻ thù gieo cỏ lùng vào giữa lúa tốt.

Đối với dụ ngôn này, Chúa Giêsu cũng đưa ra một cách giải thích cho các môn đệ một cách riêng tư. Giống như chuyện dụ ngôn về người gieo giống, trong chuyện dụ ngôn về lúa tốt và cỏ lùng này, Chúa Giêsu đưa ra một cách nhìn về sự chống đối Ngài, về sự tồn tại dai dẳng của sự dữ trên thế giới, đồng thời cũng cho thấy cách giải quyết đầy lòng thương xót nhẫn nại của Ngài.

  1. Lúa tốt và cỏ dại

Người gieo giống đã gieo hạt giống tốt trên cánh đồng của mình để có một mùa lúa bội thu. Nhưng trong đêm tối, một kẻ thù đã đến và gieo cỏ dại vào giữa lúa tôt. “Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện” (13:26).

 

Mátthêu sử dụng thuật ngữ Hy Lạp ζιζανια – zizania, theo thuật ngữ thực vật hiện đại đó là cỏ dại. Tuy nhiên, điều mà Mátthêu rất có thể đề cập đến là cỏ mọc lẫn lộn với lúa hay một giống cỏ làm hại lúa, một loại cỏ dại độc hại trông gần giống với lúa mì và có rất nhiều ở Israel. Sự khác biệt giữa cỏ lùng và lúa mì thật chỉ rõ ràng khi chúng trưởng thành và các bông lúa xuất hiện. Bông lúa mì thật nặng và trĩu xuống, trong khi bông cỏ lùng đứng thẳng.

Khi đầy tớ của chủ nhà nhận thấy cỏ dại, phản ứng đầu tiên của người ấy là đặt câu hỏi về chất lượng của hạt giống. “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?” (Mt 13:27) Khi người chủ trả lời rằng: “Kẻ thù đã làm đó!” (Mt 13: 28), những người đầy tớ lo lắng giải quyết vấn đề, nhổ tận gốc những loại cỏ dại khó chịu đó. Nhưng người chủ ngăn cản những người giúp việc: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cảhai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi” (13:28-30).

Sau đó, Chúa Giêsu cho các môn đệ biết hầu hết mọi chi tiết của dụ ngôn tượng trưng cho điều gì: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần” (13:37-39). Tuy nhiên, Chúa Giêsu không nói những người đầy tớ đại diện cho ai.

Có lẽ những người đầy tớ đại diện cho các môn đệ, hoặc bất cứ ai nghe dụ ngôn này và cách giải thích của Ngài. Ai trong chúng ta lại không đặt câu hỏi tại sao Thiên Chúa lại cho phép điều ác lớn lên và phát triển? Ai trong chúng ta lại không muốn tự mình giải quyết vấn đề và nhổ tận gốc cái ác ở giữa chúng ta? Người chủ ngăn không cho đầy tớ làm bất cứ điều gì tương tự. Một mặt, không dễ phân biệt cỏ dại với lúa mì, mặt khác, rễ của chúng đan xen vào nhau dưới mặt đất. Nhổ tận gốc cỏ dại cũng sẽ nhổ bật gốc lúa tốt, gây thiệt hại cho mùa màng nhiều hơn là cứ để cỏ dại mọc lên.

 

Chúa Giêsu nói rằng thợ gặt – chứ không phải những người đầy tớ – sẽ lo việc này vào mùa gặt. “Con Người sẽ sai các thiên thần của Ngài tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Ngài, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ” (13:41-43). Chính các thiên thần – chứ không phải bất cứ con người nào – là những người được phép nhổ cỏ dại ra khỏi lúa tốt.

  1. Chướng ngại vật

Chúng ta có thể thấy bản văn Tin mừng này phân chia ra hai nhóm người và điều này làm cho chúng ta lo ngại. Dường như có hai nhóm người trên thế giới – con cái của Nước Trời và con cái của ma quỷ, lúa tốt và cỏ dại – và số phận của họ đã được ấn định ngay từ đầu. Chúa Giêsu nói rằng vào cuối thời đại, các thiên thần sẽ “tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác” (ςκανδαλo – gương mù gương xấurồi quăng chúng vào lò lửa” (Mt13:41-42).

Ở một chỗ khác, Chúa Giêsu cảnh báo những ai gây ra cớ vấp phạm (σκανδαλιστής –  người gây ra cớ vấp phạm) trước mặt bất cứ “kẻ bé mọn” nào rằng thà buộc cối đá vào cổ chúng và dìm xuống biển còn hơn: “Nhưng ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn. Khốn cho thế gian, vì làm cớ cho người ta sa ngã. Tất nhiên phải có những cớ gây sa ngã, nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta sa ngã” (Mt 18:6-7). Tương tự như vậy, Chúa Giêsu cảnh báo rằng nếu bàn tay, bàn chân hoặc mắt của bạn khiến bạn phạm tội (σκανδαλιζω – gây tai tiếng), tốt hơn là chặt hoặc móc nó ra vì thà mù hoặc què cụt thân thể mà được vào cuộc sống đời đời, còn hơn là bị ném vào “ngọn lửa địa ngục” với thân xác nguyên vẹn: “Nếu tay hoặc chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; thà cụt tay cụt chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay hai chân mà bị ném vào lửa đời đời. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; thà chột mắt mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào lửa hoả ngục” (18:8-9).

Tất nhiên, đây là cách nói cường điệu, nhằm để chúng ta nhận ra mức độ nghiêm trọng của bất cứ điều gì đưa dẫn chúng ta hoặc người khác phạm tội. Cách nói này dường như gợi ý rằng một cớ gây vấp phạm có thể là một điều gì đó ở trong lòng dạ con người hơn là thân thể của họ. Chúng ta biết rằng không phải tay, chân hay mắt của chúng ta thực sự khiến chúng tôi phạm tội. Tội lỗi phát xuất từ ​​lòng người (καρδιά – kardia – lòng dạ), tiếng Hy Lạp ám chỉ nội tâm, tâm trí và ý chí: “Những cái gì từ miệng xuất ra, là phát xuất tự lòng, chính những cái ấy mới làm cho con người ra ô uế. Vì tự lòng phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống. Đó mới là những cái làm cho con người ra ô uế; còn ăn mà không rửa tay thì không làm cho con người ra ô uế” (Mt 15:18-20). Không người nào có thể nhổ bỏ nội tâm của ai đó như nhổ bỏ một thứ cỏ dại.

Có lẽ khi Chúa Giêsu nói rằng các thiên sứ sẽ gom tất cả các “kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác” để đốt trong lửa, Ngài muốn nói rằng mọi thứ bên trong chúng ta gây ra tội lỗi sẽ bị thiêu cháy.

Tuy nhiên, ở một chỗ khác, dù Chúa Giêsu nói với Phêrô: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16: 23), nhưng Chúa Giêsu không từ bỏ ông; trái lại, Ngài giao phó tương lai sứ mạng của mình cho ông và những môn đệ khác của Ngài, như quên đi những lời mạnh mẽ Ngài đã nói và sự chối bỏ của Phêrô, cũng như sự bỏ chạy của các môn đệ khác.

Vì vậy, câu chuyện dụ ngôn không nên được nhấn mạnh theo nghĩa đen. Ai cũng biết, trong thế giới, cỏ dại không bao giờ trở thành lúa mì. Tuy nhiên, câu chuyện của Mátthêu mang lại hy vọng ngay cả cho những người vấp ngã, ngay cả đối với người mà Chúa Giêsu gọi là “chướng ngại cản lối”!

  1. Việc của Chúa – Không phải việc của chúng ta

Dụ ngôn về cỏ lùng, một dụ ngôn độc nhất của thánh Mátthêu trong số bốn sách Tin mừng quy điển, (Mt 13:24-30), cho chúng ta thấy thánh Mátthêu tin rằng thời điểm hiện nay là thời kỳ ân sủng, trong đó Thiên Chúa cho phép cỏ lùng và lúa mì cùng nhau phát triển và chỉ mình Thiên Chúa mới là Đấng có quyền phán xét cái nào tốt, cái nào xấu. Vì vậy, chúng ta không được phán xét lẫn nhau, nhưng chúng ta phải sống ý thức rằng việc sàng sảy này sẽ xảy đến trong bàn tay của Thiên Chúa.

Có lẽ trong hội thánh của Mátthêu có một số “người nhổ cỏ” quá nhiệt tình muốn thanh tẩy cộng đoàn bằng cách nhổ tận gốc hạt giống xấu. Đây dường như là một cám dỗ cho những người theo Chúa Giêsu trong mọi thời đại. Chúng ta muốn nhổ cỏ dại cho mau, chúng ta cho rằng mình chắc chắn biết sự khác biệt giữa cỏ dại và lúa mì, giữa người tốt lành và kẻ tội lỗi, và chúng ta biết cách đối phó với cỏ dại! Chúng ta không kiên nhẫn lắm. Chúng ta không thích chờ đợi Thiên Chúa mà thay vào đó, chúng ta tìm cách tự mình giải quyết vấn đề. Chúng ta say mê làm bất cứ điều gì chúng ta nghĩ rằng cần thiết để khiến mọi thứ trở nên “đúng”. Và chúng ta làm điều này bằng bất cứ cách nào, tin chắc rằng mục tiêu của chúng ta là chính nghĩa, rằng chúng ta đang ở “phía đúng của lịch sử” và có trách nhiệm “thay đổi thế giới” vì Thiên Chúa!

Dụ ngôn của Chúa Giêsu cho thấy rõ rằng bất cứ nỗ lực nào nhằm nhổ tận gốc cỏ dại sẽ chỉ gây thêm thiệt hại cho mùa màng. Điều này đã diễn ra quá nhiều lần trong các cộng đoàn lớn nhỏ của Giáo hội, với một số người quyết tâm loại trừ bất cứ ai không đồng ý với cách giải thích “đúng” của mình, chẳng hạn về lối sống đạo, về thực hành phụng vụ hoặc quan điểm về một vấn đề cụ thể. Cũng có những người đưa ra các tuyên bố phán xét những người ngoài Giáo hội – chẳng hạn như những người theo tín ngưỡng khác – tuyên bố họ đã bị định sẵn án phạt đời đời. Cho dù sự phán xét như thế có xảy ra trong hay ngoài Giáo hội, thì nó cũng gây thiệt hại nghiêm trọng cho Giáo hội và sứ mạng của Giáo hội.

Chúa Giêsu nói rõ rằng chúng ta không thể chắc chắn ai là “lúa tốt” hay ai là “cỏ lùng”. Trên thực tế, sự phán xét của Thiên Chúa về những vấn đề này sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên:

  • Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao? ” Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!” (Mt 7:21-23).
  • Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ábraham, Idaác và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 8:11-12).

Tạ ơn Chúa, sự phán xét đó không tùy thuộc vào chúng ta! Chúng ta có thể để việc nhổ cỏ cho các thiên thần, các sứ giả của Chúa, và tiếp tục sứ mạng mà Chúa Giêsu đã giao cho chúng ta – công bố Tin mừng về Nước Trời đang đến gần.

 

Phêrô Phạm Văn Trung.

Chia sẻ Bài này:

Related posts