Được Chúa Giêsu đem lên núi cao

Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta được mời bước vào những giây phút riêng tư với Chúa Giêsu mà Phêrô, Giacôbê và Gioan đã trải qua. Là người Do Thái, các ông hẳn đã quen thuộc với các thị kiến được tường thuật trong Sách Thánh, và điều này sẽ giúp các ông hiểu ý nghĩa của những gì các ông đã trải qua trên ngọn núi đó. Chúa Cha đã mặc khải cho ba tông đồ thấy Chúa Giêsu là Đấng vĩ đại hơn cả Môsê hay Êlia. Chúa Giêsu thực sự là Con Người, Đấng Mêsia mà dân Israel mong chờ từ lâu, như đã được mạc khải trong sách Đaniel: “Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa: có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến. Ngài tiến lại gần bên Đấng Lão Thành và được dẫn đưa tới trình diện. Đấng Lão Thành trao cho Ngài quyền thống trị, vinh quang và vương vị: muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Ngài. Quyền thống trị của Ngài là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một: vương quốc của Ngài sẽ chẳng hề suy vong” (Đaniel 7: 13-14). Con Người, hình ảnh báo trước về Chúa Giêsu, xuất hiện trong vinh quang và uy lực của Thiên Chúa: “Tôi đang nhìn thì thấy đặt những chiếc ngai và một Đấng Lão Thành an tọa. Áo Ngài trắng như tuyết, tóc trên đầu Ngài tựa lông chiên tinh tuyền. Ngai của Ngài toàn là ngọn lửa, bánh xe của ngai cũng rừng rực lửa hồng. Từ trước nhan Ngài, một sông lửa cuồn cuộn chảy ra. Ngàn ngàn hầu hạ Ngài, vạn vạn túc trực trước Thánh Nhan. Toà bắt đầu xử, sổ sách được mở ra” (Đaniel 7: 9-10).

  1. Những Ân Sủng Bất Ngờ:

Ba tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan đã có cuộc gặp gỡ giống như thế này trên núi – là nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và dân Ngài trong Cựu Ước, và tất nhiên, cả Êlia và Môsê cũng đã gặp gỡ Thiên Chúa trên núi. Giống như Êlia và Môsê, Phêrô, Giacôbê và Gioan được đặc ân đi với Chúa Giêsu lên đỉnh núi, nơi Ngài biến hình trước mặt họ. Thật là một cảnh tượng huy hoàng: Chúa Giêsu trò chuyện với Môsê và Êlia ngay trước mắt họ, bên cạnh họ và các ông kinh ngạc trước những gì đang diễn ra. Như vậy, Chúa Giêsu muốn cho các ông hiểu rằng Ngài thực sự là nhân vật bí ẩn được mô tả trong sách Đaniel: “Rồi Ngài biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Ngài chói lọi như mặt trời, và y phục Ngài trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và bỗng các ông thấy ông Môsê và ông Êlia hiện ra đàm đạo với Ngài” (Mt 17: 2-3). Ba tông đồ như chứng kiến quang cảnh thần linh, vinh quang rực rỡ, quyền năng uy hùng, khôn tả trong Cựu ước: “Vinh quang Thiên Chúa ngự trên núi Xinai và mây bao phủ núi sáu ngày…Vinh quang Thiên Chúa xuất hiện trên đỉnh núi trông giống như ngọn lửa thiêu, trước mắt con cái Israel” (Xh 24: 16-17). Chính vì vậy: “Các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất” (Mt 17: 6).

Đây là cách Chúa Kitô ở với mỗi chúng ta. Khi chúng ta ít mong đợi nhất, Ngài ban cho chúng ta ân sủng tuyệt vời để củng cố chúng ta trong bước đi với Ngài. Tuy nhiên, đặc ân này không chỉ đơn giản là để chúng ta ngắm nhìn và ngưỡng mộ; nhưng là lời kêu gọi đáp lại lời mời yêu thương của Ngài. Chúa Giêsu đang kêu gọi ba tông đồ này đạt đến một mức độ yêu mến và tin tưởng sâu xa hơn vào Ngài; Ngài cũng đang kêu gọi chúng ta như vậy.

  1. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, hãy vâng nghe Lời Ngài.

Khi Chúa Giêsu từ Galilê đến gặp Gioan ở sông Giođan để ông làm phép rửa và “Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Ngài thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Ngài. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Ngài” (Mt 3: 16-17). Hôm nay, tiếng từ trời ấy nhắc lại nguyên văn câu tuyên bố đó như muốn tái khẳng định rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa “Có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Ngài” (Mt 17: 5). Qua biến cố Biến hình, Chúa Cha mặc khải cho ba tông đồ, và các Kitô hữu mọi thời đại, rằng Rabbi Giêsu không chỉ là một vị Thầy như các rabbi Do thái khác, ngay cả không phải là vị lãnh đạo dù vĩ đại như Môsê hoặc nhà tiên tri dù lớn lao như Êlia mà dân Do thái tôn kính hết lòng, mà Ngài chính là “Con yêu dấu của Ta”, là Con Thiên Chúa, được Thiên Chúa gửi đến để thực hiện kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Sự cứu độ nhân loại đang được thực hiện nơi con người của Chúa Giêsu và con người được mời gọi cộng tác vào sự cứu độ của chính mình bằng cách: “Các ngươi hãy vâng nghe lời Ngài!” (Mt 17:5).

Chúa Kitô kêu gọi chúng ta chăm chú lắng nghe những lời của Ngài. Ngài mong muốn những ai nghe Lời Ngài đáp ứng bằng hành động hơn là bằng lời nói. Chính Chúa Giêsu đã hành động, Ngài tự nguyện chết trên thập giá để rồi sau đó sống lại trong vinh quang. Đó là giây phút mà cuộc biến hình hôm nay của Chúa Giêsu muốn hướng chúng ta tới. Khi Chúa Giêsu chết trên thập giá, bóng tối bao trùm: “Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín” (Mt 27: 45), nhưng “Chúa Kitô đã được vinh hiển ngay khi Ngài sống lại; điều này được chứng tỏ qua các đặc tính mới và siêu phàm mà thân thể của Ngài được hưởng từ đó và mãi mãi về sau” (GLGHCG, số 588). Sự vinh quang huy hoàng của Ngài, vốn được mặc khải cho ba môn đệ trong biến cố Hiển Dung hôm nay, lại được tỏ lộ: “Lần hiện ra cuối cùng của Chúa Giêsu được kết thúc bằng việc nhân tính của Ngài tiến vào vinh quang thần linh một cách vĩnh viễn; vinh quang này được tượng trưng bằng đám mây, nơi từ nay Ngài ngự bên hữu Thiên Chúa” (GLGHCG, số 594) như thánh Máccô diễn tả: “Sau khi nói với họ, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa” (Mc 16,19). Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo còn nói rõ: “Khi nói rằng Ngài ngự bên hữu Chúa Cha, chúng ta muốn nói đến danh dự và vinh quang của thần tính, trong đó Con Thiên Chúa, với tư cách là Thiên Chúa và đồng bản thể với Chúa Cha, đã hiện hữu từ trước muôn đời, nay sau khi trở thành xác phàm, Ngài ngự một cách có thể nói được là thể lý, với thân thể Ngài đã đảm nhận, trong chính vinh quang đó” (số 663).

Như thế, sự Biến Hình của Chúa Giêsu hướng đến ơn cứu độ sắp đến qua cái chết và sự phục sinh của Ngài. Chúa Giêsu chết trên Núi Sọ, bên ngoài Giêrusalem. Ngọn núi này là nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và nhân loại; nơi trời chạm đất, nơi mỗi người gặp gỡ Chúa Giêsu, Đấng đã chịu chết để chúng ta được sống. Thánh Phêrô diễn tả trong bài đọc thứ hai: “Thật vậy, khi chúng tôi nói cho anh em biết quyền năng và cuộc quang lâm của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Ngài. Quả thế, Ngài đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Ngài: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quý mến”. Tiếng đó, chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Ngài. Như vậy chúng tôi lại càng thêm tin tưởng vào lời các ngôn sứ” (2 Pr 1:16-18).

Như vậy, ánh sáng vinh quang đã thực sự chiến thắng bóng tối, Chúa Giêsu sống lại đã chiến thắng sự chết, để chúng ta sống cuộc đời mới. Quang cảnh thoáng qua về Chúa Giêsu biến hình vinh hiển mà ba tông đồ được chiêm ngưỡng trên núi giờ đây đã trở thành hiện thực – Ngài là ánh sáng thật đã chiến thắng bóng tối, là Chúa của ánh sáng. Ngài kêu gọi chúng ta đến với Ngài, trao cho Ngài mọi tội lỗi và mọi tan vỡ của chúng ta và đón nhận ánh vinh quang ban sự sống mới của Ngài: “Anh em chú tâm vào đó là phải, vì lời ấy như chiếc đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm, cho đến khi ngày bừng sáng và sao mai mọc lên soi chiếu tâm hồn anh em” (2 Pr 1:19). Chúng ta cũng được mời gọi trở thành nguồn phúc lành cho người khác, lôi kéo mọi người đến với sự sống của Ngài, bởi vì Ngài yêu thương mỗi người chúng ta và muốn mọi người nhận biết tình yêu, vinh quang và kế hoạch của Ngài cho cuộc đời họ.

  1. Chỗi dậy đi, đừng sợ!

Khi sự Biến Hình của Ngài kết thúc, Chúa Giêsu “lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Chỗi dậy đi, đừng sợ!” (Mt 17: 7). Kinh nghiệm này về Chúa Kitô vượt quá sức cảm nhận và hiểu thấu của họ. Tuy nhiên, Chúa Kitô đang dạy họ biết về bản tính thật, bản tính thần linh của Ngài. Họ không cần phải hiểu hoặc được giải thích trọn vẹn về bản tính đó; điều họ cần phải làm là hành động trong đức tin.

Đây là những gì chúng ta được kêu gọi: hành động trong đức tin. Không có thời gian để chúng ta sợ hãi về những gì tương lai sẽ mang lại. Chúng ta phải bước ra khỏi cái tôi của mình, lắng nghe Chúa Giêsu Kitô và làm theo lời Ngài trong đức tin, qua cầu nguyện và đồng thời tạo nên sự biến đổi thực sự trong trần thế bằng cách giúp cho nhiều tâm hồn nhận biết, yêu mến và sống cho Chúa Kitô.

Lạy Chúa Giêsu, việc Chúa biến hình dạy con phải lên núi cao, tách xa khỏi mọi vướng bận trần gian, để tìm chiêm ngắm Chúa, trong cầu nguyện, suy ngẫm Lời Chúa, lãnh nhận các bí tích, nhất là Mình Máu Thánh Chúa. Nhưng Chúa cũng dạy con rằng sự vui thỏa trong sự hiện diện vinh quang của Chúa cần phải được kéo dài trong sự hiệp hành với Chúa, với Hội thánh, với anh chị em, vào các cộng đồng con người chung quanh con: khu xóm, họ đạo, giáo xứ, trường học, bệnh viện, nhà máy…còn nhiều người đau khổ, thiếu thốn vật chất, tinh thần, tình thương. Xin cho con luôn gẫm suy trong lòng Lời cùa chính Chúa: “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành” (Mt 7:24-26).

Phêrô Phạm Văn Trung.

Chia sẻ Bài này:

Related posts