5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 10-2022

 

16/10/22 CHÚA NHẬT TUẦN 29 TN – C
Lc 18,1-8

 

NIỀM TIN VÀ CẦU NGUYỆN

“Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao?” (Lc 18,7)

Suy niệm: Có người nhận xét các tín hữu mở miệng cầu nguyện là xin, xin hết điều này đến điều khác: Chữ cầu chả đi liền với chữ xin là gì! Vậy mà Chúa Giê-su vẫn khẩn khoản kêu gọi các môn đệ phải cầu nguyện nhiều hơn, phải cầu nguyện luôn, không được sờn lòng nản chí, bởi vì Ngài khắc khoải mong cho loài người được cứu độ. Ngài đưa ra hai hình ảnh hết sức tương phản để sánh ví: bên này ông quan toà bất lương rốt cuộc cũng phải xử vụ kiện cho bà goá chỉ vì bà kiên trì nài xin; bên kia là Thiên Chúa quyền năng và nhân hậu, chắc chắn Ngài sẽ đáp lời cầu xin của chúng ta cách mau chóng và đại lượng gấp vạn lần ông quan toà bất lương kia.

Bạn thân mến: Thiên Chúa muốn chúng ta luôn tin tưởng vào tình thương của Ngài để luôn kiên trì cầu xin. Thế nhưng lắm khi chúng ta đã xin không đúng, hoặc có khi chúng ta không đủ kiên trì: Ta thường cầu xin cho được như ý của mình chứ không phải như ý Chúa. Và đã xin thì ta muốn phải được nhãn tiền. Nếu không được có khi chúng ta kêu trách và bỏ cuộc. Phải chăng vì thế mà Chúa không thôi lo lắng: Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”

Sống Lời Chúa: Trong mọi sự luôn đặt niềm tin tưởng vào Chúa để luôn bình an trước mọi nghịch cảnh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con rất dễ nản lòng, mất niềm tin vào Thiên Chúa khi những lời cầu xin của chúng con không được như ý. Xin Chúa gia tăng niềm tin cho chúng con. Để nhờ đó, chúng con thêm can đảm bày tỏ niềm tin cho anh chị em.

 

17/10/22 THỨ HAI TUẦN 29 TN
Th. I-nha-xi-ô An-ti-ô-ki-a, giám mục, tử đạo
Lc 12,13-21

 

CỦA CẢI Ở ĐÂU RỒI?

“Không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” (Lc 12,15)

Suy niệm: Lòng ham mê tìm kiếm của cải của con người dường như không có giới hạn. Thời xưa, người ta tưởng chỉ cần đủ ăn đủ mặc; ngày nay mức sống cao hơn nhưng người ta chưa lấy thế làm đủ mà vẫn miệt mài tìm kiếm thêm nhiều của cải để hưởng thụ nhiều hơn nữa. Đó chính là suy tính của “ông phú hộ kia” khi ông xây thêm nhiều nhà kho để chứa hết “của cải ê hề” của ông và rồi “ăn uống vui chơi cho đã”. Chúa cho biết “ông phú hộ kia” quên mất một điều: cuộc sống của ông sẽ kết thúc vì ông không phải là chủ của mạng sống ông; và lúc đó ông không thể trả lời được của cải mà ông thu tích đó “sẽ về tay ai”.

Mời Bạn: Có người nói: “Tiền bạc có thể mua được món ăn ngon, nhưng không mua được sự ngon miệng, tiền bạc có thể sắm được phòng ngủ sang trọng, nhưng không đem lại giấc ngủ ngon, tiền bạc có thể xây được căn nhà lộng lẫy, nhưng chưa chắc đã tạo được mái ấm hạnh phúc”. Của cải đời này cần thiết thật nhưng chúng chỉ thực sự tốt đẹp chúng được đầu tư để mua được Nước Trời mai sau. Những việc cầu nguyện hy sinh, lãnh nhận bí tích và chia cơm sẻ áo cho những ai khốn cùng từ những của cải chúng ta tích luỹ được ở đời này chính là cách chúng ta tích luỹ của cải thiêng liêng trên Nước Trời.

Sống Lời Chúa: Làm việc lương thiện, sử dụng của cải cách tiết độ và chia sẻ trợ giúp người nghèo khó, đó là những phương thế làm giàu trong Nước Trời

Cầu nguyện: Lạy Chúa, mọi sự con có đều hồng ân Chúa ban. Xin Chúa giúp con biết sử dụng chúng như người quản gia trung tín và khôn ngoan, để chia sẻ với những ai đang gặp cảnh khổ đau, cùng khổ. Amen.

 

18/10/22 THỨ BA TUẦN 29 TN
Th. Lu-ca, tác giả sách Tin Mừng
Lc 10,1-9

 

SỨ ĐIỆP BÌNH AN

“Vào bất cứ nhà nào, trước tiên anh em hãy nói: Bình an cho nhà này!” (Lc 10,5)

Suy niệm: Khi sai các môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng, Chúa truyền cho các ông lời đầu tiên phải nói là lời chúc bình an. Lời chúc bình an được gửi đến một cách vô điều kiện, không phải là kết quả của những cuộc thương thuyết lâu dài; cũng không tuỳ thuộc ở hoàn cảnh bên ngoài: người môn đệ vẫn nói lời bình an dù trong tư thế của “con chiên ở giữa bầy sói”. Dù lời chúc bình an có được đón nhận hay không, trước hết sự bình an ấy vẫn “quay về với người môn đệ” và tồn tại nơi họ, và như thế biến họ thành những nhân tố xây dựng một “môi trường hoà bình”. Tuyên ngôn Tám Mối Phúc Thật gọi đó là đặc điểm nhận biết người môn đệ đích thực của Chúa Ki-tô: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con cái Thiên Chúa” (Mt 5,9).

Mời Bạn: Không cần những hành động to tát, bạn có thể đặt những viên đá đầu tiên xây dựng nền hoà bình thế giới bằng cách gửi đến những người anh em chung quanh bạn những lời nói bình an. Công việc này lắm khi lại đơn giản tới mức bạn chỉ cần loại trừ ra khỏi môi miệng bạn những lời gắt gỏng, chua cay, thoá mạ, thô tục…

Chia sẻ: Thử đưa ra một phương thế giúp nhau chữa thói quen hay nói tục.

Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn hãy chủ ý nói một lời bình an thực sự với một người đang sống gần bạn hoặc đang công tác cùng với bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thông ban cho con sự hiền lành dịu dàng của Chúa, để con trở nên con cái của sự bình an góp phần xây dựng nền văn minh tình thương cho thế giới hôm nay.

 

19/10/22 THỨ TƯ TUẦN 29 TN
Th. Gio-an Brê-bớp, linh mục, th. I-sa-ác Giô-gơ, linh mục và các bạn tử đạo
Lc 12,39-48

 

TRUNG TÍN VÀ KHÔN NGOAN

“Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc?’’ (Lc 12,48)

Suy niệm: Ông chủ trong bài Tin Mừng hôm nay để cho người quản gia tự do chọn lựa cung cách thi hành chức vụ của mình. Ông không cài người cũng không đặt ‘camera’ để theo dõi giám sát công việc của  anh ta. Nếu anh là người tốt, đáng tin cậy, khi chủ đến bất kỳ lúc nào cũng thấy anh ta tận tụy với công việc của mình. Ngược lại nếu khi vắng chủ, anh chỉ lo thụ hưởng cá nhân, lạm dụng quyền hành, tự tung tự tác, không lo phục vụ, chủ về bất chợt, anh sẽ hứng chịu số phận của kẻ bất tín bất trung. Chúa Giê-su mời gọi môn đệ của Chúa hãy sống với Chúa với anh em như người tôi tớ trung tín khôn ngoan, luôn sẵn sàng với giờ Chúa đến.

Mời Bạn: Bạn được mời gọi để sống trung tín và khôn ngoan: dù bất cứ nơi đâu, cũng luôn sống dưới cái nhìn âu yếm của Chúa. Trong những tình huống phức tạp, có những lựa chọn khác nhau, bạn biết cầu nguyện xin Chúa ban cho ơn khôn ngoan để biết chọn điều gì phù hợp thánh ý Chúa và cho vinh quang Chúa hơn.

Sống Lời Chúa: Thỉnh thoảng trong ngày khi đang làm việc, bạn dừng lại một vài khoảnh khắc để nhớ Chúa và đọc một lời nguyện tắt (ví dụ: “Lạy Chúa Giê-su, con tín thác vào Chúa”) hoặc thầm thỉ một câu kinh, một câu hát …

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu. Chúa luôn hiện hữu với với con trên đường đời. Con mong được luôn trung thành mến yêu và phụng sự Chúa. Chớ gì bất cứ lúc nào Chúa đến với con, Chúa cũng thấy con luôn sẵn sàng đón Chúa và sống thân tình với Chúa.

 

20/10/22 THỨ NĂM TUẦN 29 TN
Lc 12,49-53

 

CÙNG NÉM LỬA VỚI ĐỨC GIÊ-SU

Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Thầy đã đến ném lửa vào trái đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất.” (Lc 12,49-50)

Suy niệm: Trong Cựu Ước, Đức Chúa đã hiện ra với ông Mô-sê trong một bụi gai bốc cháy; trong Tân Ước, Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ dưới dạng lưởi lửa. Đức Giê-su đến ném lửa vào trái đất là Ngài ném Thiên Chúa, ném Thánh Thần vào thế giới để Lửa Thiên Chúa, Lửa Thánh Thần ấy sưởi ấm, soi sáng, thanh luyện nhân loại. LỬA sưởi ấm nhân loại khỏi thái độ lạnh lùng giữa người với người, sự dửng dưng giữa người với Thiên Chúa. LỬA soi sáng cho nhân loại biết con đường dẫn đưa đến hạnh phúc thật sự. LỬA thanh luyện con người khỏi tính ích kỷ, khỏi các tính hư tật xấu, khỏi những gì bất xứng với con cái Thiên Chúa.

Mời Bạn: Cộng tác với Thiên Chúa, với Thánh Thần để cùng ném Lửa Thiên Chúa, Lửa Thánh Thần vào thế giới của bạn. Thế giới của bạn chính là gia đình, học đường, xí nghiệp, chợ búa… Bạn là trợ lý tích cực của Chúa Giê-su khi dám để Lửa Thiên Chúa biến đổi bạn và hơn nữa để chính bạn cũng biến thành lửa và tiếp tục sưởi ấm, soi sáng, thanh luyện những người mà bạn tiếp xúc.

Sống Lời Chúa: Tối nay trước khi đi ngủ, bạn dành vài phút cầu nguyện và xét xem: bạn thường lạnh lùng, dửng dưng trước người anh em, chị em nào? Bạn cư xử với người khác dựa trên động lực nào? Bạn sẽ để Lửa Thiên Chúa sửa đổi bạn thế nào?

Cầu nguyện: Sốt sắng quỳ hát bài “Thắp sáng lên trong con tình yêu Chúa, thắp sáng lên trong con tình tuyệt vời…”

 

21/10/22 THỨ SÁU TUẦN 29 TN
Lc 12,54-59

 

XIN ĐƯỢC ƠN PHÂN ĐỊNH

“Cảnh sắc đất trời thì các ngươi biết nhận xét, còn thời đại này, sao các ngươi lại không biết nhận xét?” (Lc 12,56)

Suy niệm: Xin ơn phân định sống đời Ki-tô hữu là một trong những ưu tiên của Hội Thánh, đặc biệt trong tiến trình dẫn tới Thượng Hội đồng Giám mục thế giới 2023 sắp đến. Thực ra, không đợi đến ngàn năm thứ ba, Chúa Giê-su đã nói với ta sự phân định ấy từ lâu rồi,  từ khi Ngài bắt đầu công cuộc rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Việc người Ki-tô hữu phải sáng suốt, biết phân định những gì tốt xấu, lựa chọn những giải pháp tối ưu cho cuộc sống chứng tá trước tiên là nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Thứ đến là sự cộng tác của ta với Chúa, ngoan ngoãn, mềm mại để Ngài hướng dẫn theo đường đi nước bước của Thánh Thần ấy giữa thế giới, thế hệ đa đoan và “gian tà” này.

Mời Bạn: Khoa học kỹ thuật tiến bộ giúp ta “giải thiêng” những gì trước đây được coi là mầu nhiệm; song khoa học không thể thay thế ta làm tất cả. Nước Thiên Chúa đang phát triển trong thế giới cách huyền nhiệm, cần đến sự cộng tác, phân định của bạn trước hoàn cảnh mới hiện nay, hầu có thể làm chứng cho những giá trị của Nước Thiên Chúa ấy trong đời sống mỗi ngày của mình. Vì thế, bạn hãy nhìn bối cảnh sống hôm nay để nghiệm xem Chúa muốn bạn đáp ứng thế nào.

Sống Lời Chúa: Hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa nói qua lương tâm, vạn vật, trong Thánh Kinh, đừng chỉ nghe suông, nhưng hãy hành động.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin ban cho con ơn khôn ngoan để con biết phân định, chọn lựa đúng đắn  các bậc thang giá trị của cuộc sống trong tư thế người môn đệ Chúa Ki-tô. Amen.

 

22/10/22 THỨ BẢY TUẦN 29 TN
Th. Gio-an Phao-lô II, giáo hoàng
Lc 13,1-9

 

SINH TRÁI NGỌT CHO ĐỜI

“Xin ông cứ để nó lại năm nay nữa… May ra sang năm nó có trái…” (Lc 13,8-9)

Suy niệm: Người ta trồng cây vả để hái trái, chứ không phải “hái” lá! Cây vả này lại được trồng trong vườn nho, nghĩa là có được một chỗ ưu tiên, nhằm sản sinh trái ngọt, chứ không phải để mọc lá xanh xum xuê. Cây vả trên đây là hình ảnh những người Ki-tô hữu sống an phận, chỉ bằng lòng với việc đọc kinh, dự lễ, thiếu những hoa thơm trái ngọt của Thánh Thần là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5,22-23). Một cây vả không ra trái – là cây vả “đực” theo kiểu nói dân gian – thông thường chủ vườn sẽ cho chặt, do sự cằn cỗi của nó. Trái lại, nếu cây đời của người Ki-tô hữu cằn cỗi, Đức Giê-su, người làm vườn kiên nhẫn, sẽ tăng thêm những chăm sóc đặc biệt để cây đời của họ sinh sản trái thơm ngọt.

Mời Bạn: Có thể bạn hài lòng vì không làm gì xấu. Bạn quên rằng các xác chết ở nghĩa trang cũng vậy! Cũng tựa như cây vả cằn cỗi làm hại đất mầu, bạn đang phung phí ơn Chúa do thái độ tiêu cực, bỏ qua các điều lành của bạn. Chúa nhân lành kiên nhẫn chờ đợi bạn cho đến kỳ hạn cuối cùng. Mời bạn đọc dụ ngôn chiên và dê (Mt 25,31-46) để thấy sự nghiêm trọng của tội thiếu sót.

Sống Lời Chúa: Nhìn lại những hoa quả thơm ngọt của Thánh Thần nơi thư Ga-lát (5,22-23), bạn thấy mình đang thiếu trái ngọt nào. Cố gắng thực hành trái ngọt đó trong ngày hôm nay với những người lân cận của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa là người làm vườn nhẫn nại của dụ ngôn. Chúa không bao giờ mất niềm hy vọng vào khả năng sinh hoa trái thơm ngọt nơi chúng con. Xin cho chúng con xứng đáng với sự kỳ vọng của Chúa. Amen.

Chia sẻ Bài này:

Related posts