5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 06-2023

 

11/06/23 CHÚA NHẬT TUẦN 10 TN – A


Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô
Ga 6,51-58

 

VUN ĐẮP TÌNH CHÚA BAN

“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy”. (Ga 6,56-57)

 

Suy niệm: Lời Chúa Giê-su nói trên đây khiến nhiều người nghe chói tai lại là lời an ủi và niềm hy vọng cho các tín hữu. Bởi mỗi lần cử hành Thánh Lễ là một lần Chúa Giê-su ban chính Mình Ngài cho các tín hữu. Nhờ cử hành ấy, Hội Thánh được nối kết với cuộc Khổ Nạn hồng phúc của Chúa, được Chúa ở cùng mọi ngày cho tới ngày Chúa lại đến. Khi tham dự Thánh Lễ, Ki-tô hữu hiểu rằng lúc này Lời không còn là lời nói suông mà đã trở thành hiện thực. Đó chính là Mình Máu Chúa, nay được trao cho con người làm lương thực cho con người lữ hành trên đường dương thế. Đó chính là việc Chúa đến ở với con người, “cắm lều” trong tâm hồn con người để chia sẻ với họ mọi nỗi niềm của thân phận con người. Từ nay, kẻ ăn Mình Ngài hiểu rằng, trong họ không chỉ có sự sống tự nhiên mà còn có sự sống thần linh của Chúa nữa.

 

Mời Bạn: Mỗi lần tham dự Thánh Lễ là một dịp bạn đụng chạm với mầu nhiệm Thiên Chúa trao ban Thân Mình Con Yêu Dấu của Ngài. Bạn có cùng với Hội Thánh xác tín tuyên xưng niềm tin ấy trong Thánh Lễ và trong đời bạn không?

 

Chia sẻ: Điều gì sẽ xảy ra khi Chúa ở lại trong bạn?

Sống Lời Chúa: Tâm niệm nhiều lần câu sau đây: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến.”

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, tai con không cảm thấy chói khi nghe lời Chúa, chân con không rời xa Chúa vì những lời khó hiểu, nhưng xin giúp con yêu Chúa, vì yêu Chúa mới thực ở trong Chúa.

 

 

12/06/23 THỨ HAI TUẦN 10 TN
Mt 5,1-12

 

HẠNH PHÚC THẬT

“Phúc thay anh em, khi vì Thầy mà bị người ta vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao.” (Mt 5,12)

 

Suy niệm: Trả lời cho câu hỏi thế nào là hạnh phúc, hẳn là mười người có mười câu trả lời khác nhau. Có người cho rằng ‘có tiền mua tiên cũng được’ nên phải có nhiều tiền thì mới hạnh phúc. Có người chỉ cảm thấy hạnh phúc khi sở hữu thật nhiều của cải, được ăn sung mặc sướng. Có người mong tìm thấy tột đỉnh hạnh phúc khi nắm giữ mọi quyền lực trong tay… Tuy nhiên, tất cả những thứ đó lại không phải là hạnh phúc thật, bởi vì trước hết chúng rất tạm bợ chóng qua, và sau nữa chúng cũng không làm thoả mãn được khát vọng sâu thẳm nơi tâm hồn con người. Chính vì thế, trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su dạy cho chúng ta biết có tám con đường đưa tới hạnh phúc thật. Cả tám con đường ấy đều khác xa với quan điểm thông thường của con người về hạnh phúc, bởi vì điểm đến chung của chúng là hạnh phúc tròn đầy và vĩnh cửu, và phải trải qua hy sinh, đau khổ của thập giá mới có thể đạt tới được.

 

Mời Bạn: Hạnh phúc do Chúa ban luôn ở trong tầm tay bạn nhưng đồng thời cái giá phải trả cũng không hề rẻ. Muốn có được hạnh phúc của Chúa, bạn phải cố gắng và nỗ lực chiến đấu mỗi ngày để đi theo con đường Tám mối phúc thật. Bạn có muốn “lội ngược dòng” đối với thế gian để đi theo con đường này không?

 

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày chọn một mối phúc, ví dụ chọn mối phúc hiền lành, để quyết tâm thực hiện và tiếp tục hôm sau chọn thực hành một mối phúc khác.

 

Cầu nguyện: Hát hoặc đọc: “Nguyện xin Chúa giúp con bắt đầu và lại bắt đầu. Này con chiến đấu, này con chiến thắng, tươi sáng hy vọng.”

 

 

13/06/23 THỨ BA TUẦN 10 TN
Th. An-tôn Pa-đô-va, linh mục, tiến sĩ HT
Mt 5,13-16

 

KI-TÔ HỮU CHÍNH DANH

Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chính anh em là muốn cho đời… Chính anh em là ánh sáng cho trần gian…” (Mt 5,13.14)

 

Suy niệm: Ki-tô hữu không chỉ đơn thuần là người thuộc về Đức Ki-tô nhờ lãnh nhận bí tích Rửa tội, tuân giữ một số lề luật, thực hành một số lễ nghi. Bằng hình ảnh hạt muối và ánh sáng, Chúa Giê-su cho biết căn tính và sứ mạng của họ không phải là đóng băng, co cụm trong nội bộ của mình mà phải toả lan như ánh sáng, phải tác động và làm tươi mới như muối ướp trần gian. Người ki-tô hữu chính danh phải là một tông đồ, một chứng nhân của Đức Ki-tô bằng tất cả cuộc sống của mình, chứ không phải chỉ giới hạn tại một số nơi, trong một số thời gian nào đó, hoặc trong một số lãnh vực nào đó mà thôi.

 

Mời Bạn: Muốn được như thế, người ki-tô hữu phải nên như một chén thánh chứa đầy Chúa Ki-tô nhờ cuộc sống kết hợp thân thiết với Ngài bằng bí tích Thánh Thể và bằng đời sống cầu nguyện, nghiền ngẫm đến độ thấm nhuần Lời Chúa. Người ki-tô hữu chính danh như thế sẽ trở nên giống Đức Ki-tô đến mức mọi tư tưởng, lời nói cũng như việc làm của họ, nói tắt cả cuộc sống họ trở nên như hoạ ảnh, là hiện thân của chính Đức Ki-tô. Mời bạn kiểm điểm đời sống và lượng giá xem mình đã trở nên giống Đức Ki-tô được bao nhiêu phần trăm cuộc sống của bạn rồi.

 

Sống Lời Chúa: Khi bắt đầu một ngày sống, trước khi khởi sự một công việc, bạn định tâm tự hỏi trong việc này, trong hoàn cảnh này, Đức Ki-tô muốn bạn hành xử như thế nào, và bạn sẽ làm theo ơn soi sáng đó của Chúa.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa xin ban cho chúng con lửa yêu mến nồng nàn, để con luôn biết làm chứng cho Chúa trong mọi việc của cuộc sống hằng ngày.

 

 

14/06/23 THỨ TƯ TUẦN 10 TN
Mt 5,17-19

 

HỒN CỦA LỀ LUẬT

“Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.” (Mt 5,17)

Suy niệm: Nhà nghệ sĩ thiên tài Michelangelo được ca tụng như là người đã thổi hồn vào trong đá. Với tài năng siêu phàm, ông đã biến những tảng đá vô hồn thành những kiệt tác sống động, bất hủ như tượng Pietà, tượng Đa-vít, Mô-sê. Đối với lề luật của người Do thái, Chúa Giê-su nói Ngài không hủy bỏ; Ngài thổi hồn vào trong lề luật, để kiện toàn nó. Ngài mang đến giáo huấn và sức sống mới mẻ giúp cho việc giữ luật được đầy đủ ý nghĩa và đạt tới cứu cánh của lề luật. Ngài ban cho ta Thánh Thần là nguồn sức mạnh nội tâm để tuân giữ lề luật (Cv 1,8; Ga 16,13). Nếu người ta giữ luật về sự thờ phượng Thiên Chúa trong tinh thần và sự thật như Ngài, họ sẽ cùng với Ngài sống đạo làm con với Cha trên trời đúng như ý Thiên Chúa mong muốn.

Mời Bạn: “Việc chu toàn Lề Luật cách trọn hảo chỉ có thể được thực hiện bởi Đấng ban hành Lề Luật của Thiên Chúa, là Ngôi Con, được sinh ra dưới Lề Luật” (GLHTCG580). Chúa Giê-su lên án lối giữ luật vụ hình thức. Đối với Ngài, luật phải được ghi vào lòng dạ, vào tâm khảm (x. Gr 31,33), tức là phải giữ với trọn cả tâm tình yêu mến. Mời bạn tự vấn: Lâu nay, bạn đã giữ luật, như dự lễ Chúa nhật, với thái độ nào? Vì mến Chúa hay chỉ làm cách miễn cưỡng chiếu lệ?

 

Sống Lời Chúa: Tự nguyện làm một việc luật không bắt buộc như dự lễ và rước lễ ngày thường trong tuần.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần. Ngài là Đấng ban sự sống và thánh hóa các tâm hồn. Ngài đang hoạt động cách mầu nhiệm để đổi mới trần gian này. Xin Chúa đốt lửa tình yêu Chúa trong lòng chúng con, giúp chúng con tuân giữ các giới răn của Chúa cách tự nguyện, vui tươi và chân thành. Amen.

 

 

15/06/23 THỨ NĂM TUẦN 10 TN
Mt 5,20-26

 

CÔNG CHÍNH TỪ TƯ TƯỞNG

Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 5,20)

 

Suy niệm: Chúa Giê-su vẫn thường lên án các kinh sư và người Pha-ri-sêu là đạo đức giả vì họ chỉ tuân giữ luật theo hình thức bên ngoài. Để được coi là công chính hơn những người như thế, đòi hỏi không chỉ là không làm điều chi bất chính. Công chính hay không, trước tiên đều bắt đầu từ tư tưởng. A-đam và E-và trước khi ăn trái cấm, đã có tư tưởng muốn bằng Thiên Chúa để không còn phụ thuộc vào Ngài nữa. Cũng thế, lòng ghen tỵ đã đẩy Ca-in đến chỗ giết chết A-ben, em mình. Vì thế, tư tưởng tiêu cực như thế đã đủ yếu tố cấu thành tội rồi: tội trong tư tưởng. “Công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu” có nghĩa là không đợi đến lúc xuống tay lấy đi mạng sống người khác mới là vi phạm giới răn “Chớ giết người” mà khi “giận ghét, mắng chửi anh em mình” cũng đã là “giết người trong tư tưởng” rồi.

 

Mời Bạn: Tội trong tư tưởng là ưng thuận theo cơn cám dỗ mà ma quỷ khơi lên trong tâm trí con người qua những ý tưởng tiêu cực, những ước muốn bất chính. Đối lại Chúa cũng ban cho chúng ta những phương thế để sống “công chính hơn”, đó là những ý hướng tích cực qua tiếng lương tâm, sự nhắc nhở của thiên thần bản mệnh đồng thời với việc suy niệm Lời Chúa và cả lời cầu nguyện: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.

Sống Lời Chúa: Thường xuyên xét mình và học gương Chúa Giê-su đã chiến thắng cơn cám dỗ của ma quỷ như thế nào.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết tránh xa những điều vô bổ, để nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng những dưỡng chất tốt, như trang sách hay, hoặc điệu nhạc thánh, và nhất là Lời Chúa. Amen.

 

 

16/06/23 THỨ SÁU TUẦN 10 TN
Thánh Tâm Chúa Giê-su
Mt 11,25-30

 

THÁNH TÂM CHÚA GIÊ-SU, TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA

“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghĩ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28)

 

Suy niệm: Chiêm ngắm “Thánh Tâm Chúa Giê-su” nơi trái tim bị đâm thâu của Ngài trên thập giá để chúng ta cảm nghiệm được phần nào Tình Yêu của Thiên Chúa: – Một tình yêu đi bước trước, Chúa đã yêu thương chúng ta trước, từ thuở đời đời, khi chúng ta còn là tội nhân (x. Rm 5,8; 1Ga 4,19); – Một tình yêu luôn trung thành với giao ước của Ngài dù chúng ta vẫn mãi bất trung (x. 2Tm 2,13); – một tình yêu “đã yêu thì Ngài yêu đến cùng” (x. Ga 13,1). Đó chính là tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su, là tình yêu thúc đẩy Ngài hiến thân trên thập giá, đổ ra đến giọt máu cuối cùng để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi; và cũng vì yêu, Ngài kêu gọi, tuyển chọn, qui tụ chúng ta ở lại trong Trái Tim yêu thương của Ngài: “Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.” (1Ga 4,16).

 

Mời Bạn: Tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giê-su đó đang mời gọi bạn: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Trước lời mời gọi ấm áp từ trái tim yêu thương thánh thiện của Chúa, bạn đáp lại thế nào?

 

Chia sẻ: Bạn có bao giờ cảm nghiệm được tình Chúa yêu thương bạn? Mời bạn chia sẻ trong nhóm của mình cảm nghiệm đó.

 

Sống Lời Chúa: Dành một khoảnh khắc thinh lặng để chiêm ngắm Thánh Tâmn Chúa Giê-su và xin được ở lại trong tình yêu của Ngài.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giê-su hiền hậu và khiêm nhường, xin Chúa uốn lòng chúng con nên giống như rất thánh trái tim Chúa!

 

 

17/06/23 THỨ BẢY TUẦN 10 TN
Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ
Lc 2,41-51

 

CÙNG NHỊP VỚI TRÁI TIM CHÚA

Đức Ma-ri-a, mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều đó trong lòng. (Lc 2,51)

Suy niệm: Với tiến bộ của y khoa hiện đại, việc cấy ghép tạng có thể cứu sống nhiều bệnh nhân trên bờ vực tử thần. Một trong những khó khăn của việc ghép tạng là cơ thể người được cấy ghép không tiếp nhận vật thể lạ. Tuy không phải là việc cấy ghép đó, nhưng khi đón nhận từ Thiên Chúa sứ vụ làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Ma-ri-a đã trải qua những khó khăn tương tự và còn cam go gấp bội phần. Ngay từ khi được truyền tin để thụ thai Ngôi Hai nhập thể làm người, Mẹ đã phải đối diện với những nan đề bí hiểm khó chấp nhận và không có lời giải đáp thoả đáng. Tin Mừng hôm nay thuật lại việc lạc mất Đức Giê-su rồi tìm thấy trong đền thờ, Mẹ lại đụng phải một tình huống nan giải tương tự: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha con sao?” (Lc 2,49). Nhưng Mẹ đã hoá giải những khúc mắc đó để trái tim Mẹ luôn đập cùng một nhịp với trái tim Chúa bằng cách “hằng ghi nhớ những kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19) với sự vâng phục trong đức tin và lòng mến.

 

Bạn thân mếnChúng ta cũng được trao sứ vụ thiêng liêng là cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa giống như Đức Mẹ. Chúng ta đã ý thức về sứ vụ đó như thế nào? Và chúng ta đã làm gì để có chung nhịp đập với Trái tim Chúa và Trái tim Mẹ khi thi hành sứ vụ đó? Hãy cùng Mẹ thưa “xin vâng” trong lòng tin mến và cùng Mẹ suy đi nghĩ lại ý Chúa thể hiện qua trong đời của chúng ta.

 

Sống Lời Chúa: Dâng lời cầu xin Mẹ trợ giúp trong giờ suy niệm hằng ngày.

 

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, Mẹ là nữ tỳ trung tín trong việc thi hành sứ vụ của Thiên Chúa. Xin hướng dẫn chúng con từng bước thực thi Lời của Thiên Chúa mỗi ngày trong cuộc sống.

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts