5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 06-2021



20/06/21 
CHÚA NHẬT TUẦN 12 TN – B
Mc 4,35-41

BẠN ĐÃ ĐÁNH THỨC CHÚA CHƯA?

…Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào gối mà ngủ… (Mc 4,37-38)

Suy niệm: Cơn bão đêm ấy trên Biển Hồ thật ác liệt. Các ngư dân lão luyện như các tông đồ cũng phải kinh hoảng. Các ông mải chống chọi với những cơn sóng dữ không để ý thái độ kỳ lạ của Thầy Giê-su vẫn say sưa giấc điệp ở đàng lái thuyền. Lúc tình hình đã trở nên tồi tệ không thể cứu vãn nữa, các ông mới đánh thức Chúa để cầu cứu… may ra…! Sự can thiệp của Chúa thật đơn giản. Ngài quát một tiếng, sóng gió tan biến, biển liền im lặng như tờ. Có thế, các môn đệ mới xác tín về chân tính của Thầy: Ngài là Đấng mà “gió và biển cũng phải tuân lệnh.”

Mời Bạn: Không ít bạn trẻ ngày nay cảm thấy những điều mà từ nhỏ mình vẫn tin một cách đương nhiên thì nay bị lung lay tận gốc rễ. Những phát minh của khoa học kỹ thuật, những trào lưu tư tưởng khiến các bạn cảm thấy niềm tin vào Thiên Chúa trở thành đáng hoài nghi; nếp sống hưởng thụ, phóng túng của thời đại khiến các bạn cảm thấy việc sống theo Mười Điều Răn của Chúa làm mình không thể phát huy hết mọi phẩm chất tự do cao quý của con người. Con tàu đức tin của mình không còn êm ả lướt sóng nữa mà chao đảo trước cơn sóng gió vỗ đập. Thế mà sao Chúa vẫn im lặng? Bạn nhớ rằng dù Chúa có ngủ thì Ngài cũng đang đồng thuyền đồng hội với bạn. Bạn hãy nói gì với Chúa đi! Bạn hãy đánh thức Chúa dậy đi bằng tâm tình chân thành nhất của bạn!

Chia sẻ về một kinh nghiệm bị thử thách về đức tin của mình.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành 5 phút để tâm sự với Chúa.

Cầu nguyện: Đọc Kinh Tin.



21/06/21 
THỨ HAI TUẦN 12 TN
Th. Lu-y Gon-za-ga, tu sĩ 
Mt 7,1-5

HÃY BAO DUNG!

“Đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán.” (Mt 7,1)

Suy niệm: Những lời khuyên của Đức Giê-su không chỉ hữu ích trong tương quan giữa người với người, mà còn được nâng lên tầm mức siêu nhiên, và có giá trị trước mặt Thiên Chúa: Đừng xét đoán không chỉ vì lợi ích thực tiễn mà còn “để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán.” Chúa Giê-su dạy con người sống khoan dung trong lời ăn tiếng nói cũng như trong cung cách cư xử, vì một lý do vô cùng cao cả là Thiên Chúa đã bao lần thể hiện tình bao dung nhân từ, tha thứ cho biết bao tội lỗi của con người.

Mời Bạn: Dân gian thường gán những hỗn danh ‘bà tám buôn dưa lê’ chuyên ‘ngồi lê đôi mách’ để nói đến thói tật cố hữu là nói xấu, phê phán, chỉ trích người khác. Có một thực tế là nói xấu người thứ ba, nhất là khi người ấy vắng mặt, thì dễ và ‘sướng miệng’ hơn là nói tốt về người ấy. Thói xấu đó xuất phát từ một con tim hẹp hòi cay nghiệt, muốn đưa mình lên bằng cách hạ bệ người khác. Thái độ đó chắc chắn là đi ngược với lệnh truyền yêu thương của Tin Mừng, phản nghịch lại tinh thần bác ái Ki-tô giáo. “Để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán” thì hãy bao dung nhân từ như Thiên Chúa, Cha chúng ta là Đấng nhân từ (x. Lc 6,36). Ai biết tha thứ và bao dung, sẽ được Chúa xét xử khoan hồng đại lượng.

Sống Lời Chúa: Thay vì xét đoán và nói xấu, bạn làm ngược lại, bạn giải thích ý tốt và nói tốt, khen ngợi những ưu điểm, phát huy những điều tích cực nơi người khác.

Cầu nguyện“Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con mặc lấy tâm tình từ bi nhân hậu của Chúa để con biết nhận ra điều tốt đẹp nơi anh em con. Và nếu phải xét đoán anh em, xin cho con xét đoán với tình bác ái.” Đọc kinh Kính Mến.



22/06/21 
THỨ BA TUẦN 12 TN
Th. Pô-li-nô, giám mục
Mt 7,6.12-14

ĐỂ MẦU NHIỆM THÁNH KHÔNG BỊ XÚC PHẠM

“Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em.” (Mt 7,6)

Suy niệm: Người ta có thể lấy làm lạ về lời nói khó hiểu này của Chúa Giê-su, vì có vẻ như Ngài cổ vũ cho óc cực đoan và kỳ thị là điều đối nghịch với tinh thần bao dung nhân hậu của Ngài. Bởi thế, đây chính là lời cảnh báo của Đức Giê-su nhằm bảo vệ sự nguyên tuyền và linh thánh của mầu nhiệm cứu độ. Mầu nhiệm thánh, đó là “của thánh,” là viên ngọc quý mà Chúa dặn dò phải trân quý, giữ gìn. Mối nguy mầu nhiệm thánh bị xúc phạm có thể đến từ bên ngoài bởi những người chủ trương giáo lý sai lạc; từ những người bất tín, báng bổ, không chấp nhận sứ điệp Tin Mừng. Mối nguy cũng có thể xuất phát từ bên trong do chính các tín hữu sống theo lối thế gian, làm tục hoá các mầu nhiệm thánh.

Mời BạnTrong đêm Chúa giáng sinh, thiên thần ca hát “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Nước Trời được ban cho những người có lòng thành tâm thiện chí, những người cảm nhận niềm vui hạnh phúc được thuộc về Đức Ki-tô. Vì thế, ăn mặc xứng hợp, có thái độ cử chỉ cung kính, trang nghiêm khi đọc kinh cầu nguyện, tham dự thánh lễ, ngay cả khi phải hiệp thông qua thánh lễ trực tuyến, điều đó nói lên niềm tin và sự trân quý đối với “viên ngọc quý” là các mầu nhiệm đức tin linh thánh.

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ cung kính đón nhận “của thánh” cao trọng là Bí tích Thánh Thể qua việc chuẩn bị tâm hồn sốt sắng trước và sau khi rước lễ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa ban Của ăn thánh cho con qua Thánh Thể. Xin giữ con luôn cung kính, yêu mến Thánh Thể Chúa! Amen.



23/06/21 
THỨ TƯ TUẦN 12 TN
Mt 7,15-20

NHÌN HOA QUẢ KHIÊM NHƯỜNG ĐỂ BIẾT CÂY

“Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt.” (Mt 7,18)

Suy niệm: Dựa vào kinh nghiệm cơ bản của nhà nông, Đức Giê-su đưa ra một nguyên tắc chắc chắn: “Cây tốt không thể sinh quả xấu.” Do đó suy ngược lại cứ xem quả thì biết cây tốt hay xấu. Qua ví dụ đó, Chúa Giê-su dạy chúng ta tiêu chuẩn phân biệt ngôn sứ giả: “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả… Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai” (Mt 7,15-16). Nhìn quả để biết cây, quan sát việc làm để biết con người tốt hay xấu, thật hay giả, chứ không phải chỉ qua lời nói, lý luận. Nhân dịp này, Chúa cũng nhắc ta xem lại hoa quả cuộc đời mình. Thế mà hoa quả căn bản nhất là hoa quả khiêm nhường. Qua việc làm, tôi đã sinh hoa quả nào? Hoa quả khiêm nhường hay hoa quả kiêu ngạo? Hoa quả rộng rãi hay hoa quả hà tiện? Hoa quả khiết tịnh hay hoa quả mê dâm dục?

Mời Bạn:  ĐTC Phanxicô cho chúng ta tiêu chí phân biệt hoa quả nào đến từ Chúa, hoa quả nào đến từ ma quỷ. Hoa quả đến từ Chúa khi tôi biết mở lòng ra; hoa quả đến từ ma quỷ lúc tôi khép lòng lại. Hoa quả đến từ Chúa khi tôi sống giây phút hiện tại; hoa quả đến từ ma quỷ lúc nó thích đưa ta trở về quá khứ cay đắng. Hoa quả đến từ Chúa  khi tôi hướng về khung trời hy vọng; hoa quả đến từ ma quỷ khi nó thích đưa ta vào góc tường bế tắc. Đâu là hoa quả bạn gặt hái hằng ngày trong các hoa quả trên đây?

Sống Lời Chúa: Chiêm ngắm Thánh Tâm Chúa Giê-su khiêm nhường để tôi học theo, thực hành, để sinh hoa trái khiêm nhường.

Cầu nguyện: Sốt sắng đọc kinh Cải tội bảy mối có bảy đức.



24/06/21
 THỨ NĂM TUẦN 12 TN
Sinh nhật thánh Gio-an Tẩy giả
Lc 1,57-66.80

LỚN LÊN TRONG CHÚA

Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào ?” Vì quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em … Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. (Lc 1,66.80)

Suy niệm: Một điều chắc chắn là ai cũng yêu thích trẻ em. Cứ quan sát một em nhỏ trong đám đông, sẽ thấy ai ai cũng chú ý đến nó. Hình ảnh đơn sơ, trong sáng của trẻ nhỏ đã được Chúa Giê-su đặt làm tiêu chí để vào Nước Trời (x. Mt 18,3). Người lớn nào cũng đã từng là trẻ thơ, từng trải qua tuổi xinh đẹp ấy. Thế nhưng, khi lớn lên, hình ảnh dễ thương ngày nào dần dà biến mất. Tại sao thế? Do lắng lo cơm áo gạo tiền chăng? Hay do lòng tham sân si chăng? Nhưng dù sao đi nữa, mọi người, lớn hay nhỏ, trẻ hay già, trước mặt Thiên Chúa, đều là những người con cái của Ngài. Vậy để không đánh mất đi nét đẹp đơn sơ trong sáng ấy, nhất là trước mặt Thiên Chúa, thì cần lắm “bàn tay Chúa phù hộ,” để chúng ta “càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh”.

Mời Bạn: Để thành công, người ta phải học từ trường lớp cũng như tích luỹ kinh nghiệm sống trong đời thường. Để lớn lên trong Chúa, chúng ta cần để bàn tay mình trong bàn tay Chúa, để “bàn tay Chúa luô phù hộ”, như lời Thánh vịnh: “Làm thế nào để giữ tuổi xuân trong trắng? Thưa phải tuân theo Lời Chúa dạy” (Tv 119,9).

Sống Lời Chúa: Trung thực và vâng phục thánh ý Chúa là hai nhân đức trẻ thơ được vào Nước Trời. Mời bạn thực thi hai nhân đức trẻ thơ này với ý thức của người trưởng thành.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa yêu mến những ai có tâm hồn thơ bé. Xin cho chúng con luôn biết sống trong ân tình của Chúa, để chúng con được Chúa và người khác yêu thương. Amen.



25/06/21 
THỨ SÁU TUẦN 12 TN
Mt 8,1-4

NẾU CHÚA MUỐN

“Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” (Mt 8,2b)

Suy niệm: Bất cứ ai đau ốm bệnh tật đều mong muốn chóng bình phục. Đó chính là niềm khao khát của người phong trong Tin Mừng hôm nay. Mong muốn được lành mạnh, trở lại cuộc sống bình thường mãnh liệt đến nỗi anh bất chấp mọi luật lệ cấm kỵ để tìm gặp Chúa Giê-su, diện đối diện. Tuy nhiên, dù hết lòng mong muốn được chữa lành, nhưng anh không hề nài ép Chúa làm theo ý của anh, mà khiêm tốn đặt mong ước đó cho lòng thương xót của Chúa: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Anh tin tưởng vào quyền năng của Chúa Giê-su, mà còn hơn thế anh tin rằng Chúa biết điều gì tốt đẹp nhất, đem lại sự bình an cho cuộc đời anh. Niềm tin ấy giúp anh nhận biết ĐIỀU CHÚA MUỐN thì quan trọng hơn điều anh muốn. Vì thế, anh vừa trao dâng ao ước của mình cho Chúa cũng như sẵn lòng đón nhận tất cả điều Chúa muốn.

Mời Bạn: Cơn đại dịch Covid đang hoành hành, gây bao bất ổn, tổn thương cho đời sống mọi người. Mong mỏi lớn nhất của rất nhiều người lúc này là cơn dịch bệnh mau chấm dứt. Thế nhưng, bài học đức tin của người phong lại nói với chúng ta rằng điều Chúa muốn thì quan trọng hơn. Thế nên, bạn và tôi được mời gọi đừng chỉ dừng lại ở lời cầu xin cho mọi sự như chúng ta mong ước, mà hãy xin Chúa cho chúng ta nhận ra Ý CHÚA và can đảm đón nhận từ Chúa tất cả.

Sống Lời Chúa: Trung thành dành ít nhất 5 phút suy gẫm Lời Chúa mỗi ngày để biết và sống điều Chúa muốn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, NẾU CHÚA MUỐN, xin cho cơn dịch bệnh mau chấm dứt. Amen.



26/06/21 
THỨ BẢY TUẦN 12 TN
Mt 8,5-17

KHIÊM TỐN VÀ NHẠY BÉN

“Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.” (Mt 8,8)

Suy niệm: Viên bách quân đội trưởng La mã này nếu không phải là người ‘thét ra lửa’, thì cũng thuộc hạng có địa vị, quyền thế ở đời. Vậy mà chính con người thế giá ấy đã sẵn sàng lặn lội xa xôi đến với một ngôn sứ bị xã hội nghi ngờ, tẩy chay, coi rẻ. Nơi người bách quân đội trưởng này, chúng ta thấy anh biết chấp nhận thực tế giới hạn của mình: tuy có quyền nhưng bất lực trước cơn bệnh của gia nhân mình. Thứ đến ông tỏ ra rất nhạy bén với quyền năng của Chúa Giê-su, ông tin Ngài bất chấp sĩ diện hay những thái độ của người khác đối với Chúa Giê-su. Sau cùng ông can đảm quyết tâm tìm đến với Chúa Giê-su, bày tỏ lòng tin vào Ngài và cầu xin Ngài chữa lành cho người đầy tớ.

Mời Bạn: Không thiếu những yếu kém giới hạn nơi cá nhân hay tập thể của mình. Nhưng có điều chúng ta có nhìn nhận và can đảm thay đổi hay không. Khiêm tốn ở đây giúp ta sống đúng với thực tế của mình, không che đậy trốn tránh nhưng biết đối mặt, tận dụng các cơ hội và ơn Chúa để vươn lên.

Chia sẻ: Thử xem lại các giờ giáo lý, cách tổ chức điều hành, các sinh hoạt như kiệu rước, kinh nguyện, hội họp của chúng ta có còn thích hợp hay cần phải đổi mới không?

Sống Lời Chúa: Tôi năng kiểm điểm đời sống hằng ngày. Tôi biết can đảm vượt quá chính mình để tìm ra ý Chúa để chu toàn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa vẫn đến với con và đồng hành với con trong cuộc sống. Xin cho biết nhận ra Chúa, nghe tiếng Chúa nói với con và biết đáp lại bằng lòng tin tưởng chân thành và can đảm. Amen.

Chia sẻ Bài này:

Related posts