5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 06-2021



13/06/21 
CHÚA NHẬT TUẦN 11 TN – B
Mc 4,26-34

NƯỚC TRỜI LỚN MẠNH

“Nước Thiên Chúa giống như hạt cải…” (Mc 4,31)

Suy niệm: Giống như những hiện tượng tự nhiên, Nước Trời cũng theo những qui luật của sự phát triển, giống như hạt giống nảy mầm, mọc thành cây lớn. Hạt cải ban đầu nhỏ tí, dần dần phát triển thành một cây đại thụ không phải chỉ vì lợi ích của chính mình, mà dưới những tán lá xum xuê của nó, những chú chim trời bé bỏng có thể đến nương náu. Giáo Hội không cần phải rửa tội cho hết mọi người mới là hoàn thành sứ mạng truyền giáo. Hội Thánh đã truyền giáo và lớn mạnh ngay khi trung thành sống và rao giảng những giá trị cao cả của Tin Mừng để xây dựng một nền văn minh tình thương trên trái đất này. Phải chăng những cơ chế xã hội dựa trên nền tảng luân lý của Tin Mừng, những con người sống theo lương tâm ngay chính đã là những ki-tô hữu vô danh và đã thuộc về Nước Trời mặc dù chưa phải là thành phần của Hội Thánh hữu hình thông qua bí tích rửa tội?

Mời Bạn: Bạn có nhận thấy biết bao nhiêu giá trị Tin Mừng đang góp phần biến đổi xã hội ngày càng trở nên công bằng nhân ái hơn không? Đó chính là hoạt động truyền giáo sâu xa nhất và căn bản nhất. Trong khi làm ăn sinh sống, học tập, vui chơi, trong những công tác nghiệp vụ chuyên môn, nếu bạn luôn cố gắng hoàn thành cách tốt nhất để thực thi lời Chúa dạy, thì bạn đang truyền giáo rồi đấy.

Chia sẻ: Bạn có giải pháp cụ thể nào để đưa một giá trị Tin Mừng (công bằng, tha thứ, khiết tịnh, v.v.) vào trong đời sống xã hội?

Sống Lời Chúa: Tâm niệm: “Mỗi khi ra khỏi nhà để đi làm, (đi học…) là tôi bắt đầu lên đường truyền giáo.”

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.



14/06/21
 THỨ HAI TUẦN 11 TN
Mt 5,38-42

LẤY ĐỨC BÁO OÁN

“Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác…” (Mt 5,39)

Suy niệm: Luật báo oán “Mắt đền mắt, răng đền răng” được nhắc tới nhiều lần trong Cựu Ước (x. Xh 21,24; Đnl 19,21) không chỉ là một đòi buộc của sự công bằng mà còn nhằm ngăn chặn mọi hình thức trả thù bạo lực, cực đoan (x. St 4,23-24); có thể nói luật ấy khá là nhân văn và tiến bộ đối với xã hội đương thời. Tuy nhiên, Chúa Giê-su còn mời gọi các môn đệ Ngài tiến xa hơn: “Nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.” Người không bác bỏ luật Mô-sê, cũng không khuyên người ta phải nhu nhược khuất phục trước sự ác, không bảo chúng ta phải im lặng trước áp bức, bất công. Trái lại, Chúa dạy chúng ta đừng lấy ác báo ác, nhưng lấy đức báo oán: lấy nhân ái để đối xử với kẻ bất lương, lấy hiền lành và tha thứ để tiêu diệt bạo lực và oán thù. Chúa Giê-su kiện toàn lề luật bằng cách mời gọi chúng ta vươn tới tiêu chuẩn lý tưởng của sự thánh thiện là “nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

Mời Bạn: Cuộc sống hôm nay vẫn đầy dẫy những hận thù bạo lực. Thống kê xã hội gần đây cho thấy tình trạng tội phạm gia tăng nhanh chóng và trẻ hoá cả về số lượng và mức độ. Đã vậy, sống hiền lành, khiêm tốn như Chúa dạy lại bị coi như ngu dại, yếu nhược. Mời bạn vâng theo lời Đức Giê-su sẵn sàng tha thứ cho người xúc phạm đến mình, lấy lòng nhân ái, đức hiền lành và quảng đại để đối lại những bạo lực bất công, nhờ đó bạn góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp theo tinh thần Phúc Âm như lòng Chúa mong ước.

Sống Lời Chúa: Bạn chủ động đến làm hoà người lân cận đang có chuyện bất hoà với bạn.

Cầu nguyện: Hát Kinh Hoà Bình.



15/06/21 
THỨ BA TUẦN 11 TN
Mt 5,43-48

YÊU KẺ THÙ

“Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5,44)

Suy niệm: Trong tiếng Hy lạp, có bốn từ khác nhau để nói về tình yêu: tình yêu gia đình ruột thịt, tình yêu nam nữ, tình bạn, tình yêu vô vị lợi. Tương tự, tiếng Việt cũng dùng những từ “yêu”, “thương”, “mến”, v.v… để nói về những sắc thái khác nhau của tình yêu. Chúa Giê-su dạy chúng ta yêu kẻ thù nhưng không phải như yêu người thân của mình. Ngài có kể những người như Phi-la-tô hay Hê-rô-đê là môn đệ yêu dấu được tựa đầu vào ngực Chúa trong bữa Tiệc Ly đâu! Thế nhưng, chắc chắn Ngài cũng yêu họ và muốn họ được cứu độ. Ngài cầu nguyện cho họ, và nhất là, trước khi từ trần trên cây thập giá, Ngài đã xin Chúa Cha tha thứ tội lỗi của những kẻ giết Ngài. Ngài đã lấy chính mạng sống mình để đền bù tội lỗi của muôn người, trong đó có họ, có cả chúng ta. Chúng ta đã chẳng được Ngài yêu thương cứu độ ngay khi còn là tội nhân, nghĩa là “kẻ thù” của Ngài là gì?

Mời BạnTình yêu mà Chúa dạy chúng ta là tình yêu không loại trừ ai, tình yêu vô vị lợi, chỉ mong đem lại cho họ hạnh phúc đời đời, cho dù có phải hy sinh đến cả tính mạng của mình. Tình yêu đó sẵn sàng đón nhận cả những vô ơn, xúc phạm, ngược đãi người khác gây ra mà không hề đáp trả lại bằng oán ghét, báo thù… Chính vì thế, yêu thương là dấu hiệu nhận biết chúng ta là môn đệ Chúa Ki-tô. Cũng vì thế mà đạo Ki-tô được mệnh danh là đạo của tình yêu.

Sống Lời Chúa: Cầu nguyện cho một người mà bạn tự nhiên thấy không ưa, và bày tỏ một cử chỉ thân thiện với người ấy mỗi khi có dịp gặp.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin kiện toàn tình yêu của chúng con để  con có thể yêu người như Chúa yêu con.



16/06/21 
THỨ TƯ TUẦN 11 TN
Mt 6,1-6.16-18

QUI TẮC ỨNG XỬ CỦA NƯỚC TRỜI

“Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ phô trương cho thiên hạ thấy…” (Mt 6,1)

Suy niệm: Cha ông ta ngày xưa dạy “học ăn, học nói, học gói, học mở.” Ngày nay, người ta tìm học nào là “đắc nhân tâm”, nào là “kỹ năng mềm”, là những bí quyết giao tiếp nhằm đạt được thành công trên đường đời. Còn Chúa Giê-su, Ngài dạy những quy tắc ứng xử để đạt được thành quả không phải ở trần thế này, mà là ở đời sau; không phải để được khen thưởng bởi người đời mà để Thiên Chúa, “Đấng thấu suốt những gì kín đáo”, thấy và ân thưởng. Với tầm nhìn đó, Chúa Giê-su dạy các môn đệ, trong cách ăn nết ở, không phô trương, nhưng kín đáo tế nhị; không tự phụ, giả hình nhưng khiêm tốn và quảng đại; từ việc thờ phượng Chúa đến việc bác ái với tha nhân, tất cả không làm vì hư danh mà chỉ vì lòng yêu mến Chúa và để danh Chúa được tôn vinh.

Mời Bạn: Chúa nói: “Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” không có nghĩa là phải giấu giếm mỗi khi làm việc lành, bởi vì Ngài còn nói: “Anh em là ánh sáng cho trần gian,… sự sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,14.16). Tiêu chuẩn để xét chọn là bạn làm việc để tôn vinh danh Chúa hay là để tìm kiếm hư danh cho mình.

Sống Lời Chúa: Để biết mình có làm việc vì hư danh hay không, mời bạn xét mình: Khi tôi làm việc tốt đẹp mà không được người nhận biết, khen tặng tôi có buồn bực, bất mãn hay không?

Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin dạy con biết làm việc mà không chờ một phần thưởng nào khác ngoài việc nhận biết con đã làm theo thánh ý Chúa mà thôi.”



17/06/21 
THỨ NĂM TUẦN 11 TN
Mt 6,7-15

HÀNH TRANG TÔNG ĐỒ

Người sai Nhóm Mười Hai đi… Người chỉ thị cho các ông không được mang gì khi đi đường, chỉ trừ gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo. (Mc 6,7-9)

Suy niệm: Những chỉ thị lên đường của Chúa nghe thật kỳ cục đối với con người trong xã hội hưởng thụ tiện nghi dư dật hôm nay. Bằng cách kể chi tiết các thứ không được bao gồm trong hành trang của người môn đệ lên đường, Phúc Âm theo thánh Mác-cô nhấn mạnh đến cung cách siêu thoát của người rao giảng. Các môn đệ rao giảng gì? Kêu gọi người ta ăn năn sám hối! Có mối liên hệ giữa nội dung lời rao giảng và cung cách rao giảng ở đây. Sám hối là trở về với Thiên Chúa, nhận Thiên Chúa làm điểm tựa. Vậy điều tiên quyết là phải rời khỏi những điểm tựa cố hữu của mình. Đó là tinh thần siêu thoát mà Chúa muốn những người làm sứ vụ rao giảng phải làm gương, qua hành trang thanh thoát nhẹ nhàng. Thật vậy, các phương tiện, dù cần thiết đến mấy, cũng chỉ là phương tiện. Đôi khi để dứt bỏ ràng buộc, người ta cần phải tích cực khước từ ngay cả những gì mình cần.

Mời Bạn: Nhìn lại để thấy rằng trước tiếng gọi của Chúa, biết bao lần bạn đã nói “không” hoặc khất lần khất lữa, viện cớ rằng mình cần những phương tiện nào đó, để làm việc cho Chúa. Hãy chân thành nhìn nhận trước mặt Chúa: ta vẫn có biết bao phương tiện để phục vụ cho Nước Trời mà ta chưa dùng!

Sống Lời Chúa: Hôm nay, bạn áp dụng bài học ‘siêu thoát’ bằng một hành vi chia sẻ.

Cầu nguyện: Đọc kinh Trông Cậy, hoặc hát “Con vẫn trông cậy Chúa”.



18/06/21 
THỨ SÁU TUẦN 11 TN
Mt 6,19-23

NƠI CHẮC CHẮN ĐỂ GIỮ CỦA CẢI

“Kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó.” (Mt 6,21)

Suy niệm: Con người ra sức làm ra của cải để sinh tồn ở thế gian này. Có thứ của cải dùng ngay, có thứ để dành phòng khi hữu sự. Bản năng sinh tồn cộng với hệ luỵ của tội tổ tông khiến của cải trở nên thiết thân. Chính vì thế “của cải, kho tàng ta ở đâu, thì lòng ta cũng ở đó!” Có nhiều người coi của cải là cùng đích chứ không là phương tiện nên cứ lao đầu như con thiêu thân vào đó khiến họ không biết gì khác ngoài của cải. Lời Chúa vừa thực tế mà cũng vừa là cảnh báo đối với những ai chỉ biết đặt tương lai mình vào những sự phù vân ấy.

Mời Bạn: Kinh nghiệm cho thấy càng có nhiều của cải bao nhiêu càng bất an bấy nhiêu. Cất dấu chỗ nào cũng sợ bị đánh cắp. Tâm trí lúc nào cũng suy tính chuyển dịch của cải đến nơi an toàn. Cất trong két sắt hay gởi ngân hàng cũng không yên. Như thế còn thì giờ đâu mà nghĩ tới những sự cao siêu trên trời? Chỉ những ai coi của cải là phương tiện mới có thể sử dụng nó để đạt tới nhiều mục đích khác: nuôi sống bản thân và gia đình, giúp đỡ người đau khổ, xây dựng công trình phúc lợi xã hội… Còn những ai coi của cải là cùng đích, thì chính nó sẽ trói ghì tay chân, đầu óc ta lại để chỉ biết cất giấu và cất giấu mà thôi.

Sống Lời Chúa: Giáo lý dạy: ngôi nhà vĩnh cửu của chúng ta ở trên trời (2Cr 5,1). Vì thế ta hãy dùng của cải mình để mua lấy ngôi nhà ấy khi biết chia sẻ và cho đi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, khi vào trần gian, Chúa đã sống không nhà không cửa, không có nơi gối đầu. Xin dạy con biết dùng của cải chóng qua ở đời này để mua lấy hạnh phúc đời sau, biết cho đi để được lãnh nhận từ Chúa nhiều hơn.



19/06/21 
THỨ BẢY TUẦN 11 TN
Th. Rô-moan-đô, viện phụ 
Mt 6,24-34

BÀI HỌC TỪ LOÀI CHIM

“Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý hơn chúng sao?” (Mt 6,26)

Suy niệm: Đôi cánh, giọng hót, chiếc tổ bé con,… từng chi tiết trong đời sống loài chim là nguồn cảm hứng cho biết bao tác phẩm nghệ thuật hội họa, thi ca, điện ảnh. Mặt khác, mô phỏng các bộ phận cơ thể con chim, các nhà khoa học sáng chế ra nhiều máy móc hữu ích cho con người. Chưa hết, loài vật này còn dạy cho thế nhân một nghệ thuật sống “quẳng gánh lo đi” rất có giá trị. Khi nhận thấy con người quá lo toan cho cuộc sống vật chất, Chúa Giê-su kêu mời họ nhìn vào loài chim để rút ra bài học sống tin tưởng và phó thác nơi Cha trên trời: “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng” (Mt 6,26).

Mời Bạn: Bài học tuy đơn sơ, có vẻ dễ học, nhưng thực ra lại khó: khó nhớ, khó thực hành! Vì lòng tham lam, tính kiêu ngạo muốn tự mình định liệu tất cả cho mình, người ta đánh mất đi tâm tình hồn nhiên phó thác nơi Thiên Chúa. Đấng Toàn Năng quan phòng chăm sóc đến từng sợi tóc của từng người.

Sống Lời Chúa: Luôn dâng lên Chúa công việc bạn sắp làm, xin Ngài chúc lành và xin cho được luôn biết vâng theo thánh ý Chúa và làm mọi việc vì vinh danh Chúa.

Cầu nguyện: “Lạy Cha, con phó mình con cho Cha, xin hãy làm nơi con mọi sự đẹp Ý Cha, Cha làm chi mặc lòng, con cũng cám ơn Cha, con sẵn sàng luôn luôn, con nhận lãnh tất cả, miễn Ý Cha được làm trọn trong con.” (Chân phước Charles de Foucauld)

Chia sẻ Bài này:

Related posts