Đời sống tâm linh và…cái chết

        Người ta sống  ở đời không ai mà không có những mối lo. Khi còn trẻ thì lo học hành để mong có ngày đỗ đạt bằng này cấp kia.  Khi lớn lên thì lo cuộc mưu sinh, sự nghiệp cùng với biết bao hệ lụy do nó đem  đến. Những mối lo toan ấy không bao giờ dứt  và có thể nói  đó là  số kiếp  con người !

          Dẫu vậy, có câu hỏi không thể không đặt ra đó là con người…lo như thế rút cục để được  chi ? Xin thưa ngay là chẳng được  chi cả. Tại sao ? Bởi vì  trước cái chết mọi sự đều chấm dứt và  như vậy  mọi thứ tài sản, sự nghiệp, công danh, địa vị  v.v..mà người ta  nhọc công  có được  khi ấy  còn  giá trị gì ?

          Chính vì cái chết đến chấm dứt mọi sự thế nên triết gia hiện sinh J.P. Sartre mới cho đời người là phi lý và chết là cái phi lý hơn cả. Đối với những người theo thuyết Hiện Sinh Vô Thần  thì cố nhiên  cho cái chết  là  phi lý. Hay nói theo quan niệm  dân gian: Chết là hết chuyện !!!. Thế nhưng đối với tôn giáo thì  chết không phải  hết nhưng là sự biến đổi…( 1C 15, 51 ).

          Triết học dù  Đông hay Tây  đều  không sao lý giải được cái chết. Trái lại tôn giáo  có mặt là để giải quyết vấn đề sinh tử, tử sinh của con người. Sở dĩ có sự khác biệt ấy là vì  một đàng triết học theo như định nghĩa của nó là một môn học nhắm đến sự phân tích, chia chẻ, biện phân tức luôn ở trong lãnh vực của nhị nguyên phân biệt. Đang khi đó  tôn giáo chủ trương…phi nhị nguyên và cũng chỉ trong tính chất phi nhị nguyên ấy chúng ta mới  có thể nhận ra giữa sống và chết  có một mối liên hệ sâu xa không thể tách rời. Mối liên hệ ấy  giống như hai giai đoạn  của cùng một tiến trình và tiến trình này được ví như  một luồng trôi chảy mà nếu hiểu được đầu này  thì cũng sẽ hiểu được đầu kia.

           Biết được chết sẽ  biết được sống  và đây chính là  vấn đề cốt lõi của đời sống tâm linh. Nếu chỉ biết…lo cho đời sống vật chất xác thân  mà không …lo ( biết ) cho cái chết  ( chắc chắn ) của chính mình  thì khi cái chết đến  sẽ là một nỗi tuyệt vọng  lớn lao không thể lấy chi  bù đắp. Chính vì …lo cho xác thân là điều vô ích  thế nên Chúa nói với  Mattha và cũng là cho mỗi một người chúng ta: “ Ớ Mattha, con lo lắng và bối rối về nhiều điều quá. Nhưng chỉ có một điều cần yếu thôi. Maria đã  chọn phần tốt nhất là phần không ai có thể đoạt lấy của nàng được” ( Lc 10, 41 -42 ).

           Chúa truyền dạy: Chỉ có một điều cần phải lo đó là lo tìm kiếm Nước Trời ( Mt 6, 33 ). Mặt khác để thực hiện việc tìm kiếm ấy chúng ta nhất định cần  chuẩn  bị cho cái chết của chính mình. Lý do là vì  sống  sao thì chết vậy. Sống lành thánh  sẽ  chết lành thánh, trái lại sống ác dữ  sẽ  chết ác dữ.

          Chuẩn bị cho cái chết  đó là đòi hỏi vô cùng cần thiết cho những ai quyết chí sống đời  tâm linh. Thật vậy cái chết đến  đó là  bước ngoặt  rất ư quan trọng  khiến con người dẫu  muốn hay không  cũng  phải  bước vào một thế giới hoàn toàn bí ẩn và sự bí ẩn  đây  chính là vì khi ấy người ta không còn mang thân xác nữa.

          Khi còn tồn tại trên cõi dương gian, con người ta sống với Thân và Tâm tức linh hồn. Nhưng khi chết đi thì linh hồn…lìa khỏi xác và đây là sự thật, giáo lý cũng dạy như vậy. Tuy nhiên vấn đề linh hồn lìa khỏi xác  để rồi có tồn tại và tồn tại như thế nào trong thế giới tâm  linh  bí ẩn đó thì đây lại  là vấn đề đòi hỏi cần có lời giải đáp.

          Theo quan niệm của Phật giáo Tây Tạng ( Tạng Thư ) thì sau khi chết, thần thức ( linh hồn ) sẽ ở vào một trong ba trường hợp  sau đây. Hoặc do đã tạo nghiệp  lành tối thượng  sẽ được sanh ngay về cõi Tịnh Độ Cực Lạc. Hoặc đã tạo nghiệp cực ác  lập tức sẽ bị đọa trong Địa Ngục Vô Gián. Ngoài hai trường hợp đó ra  thì  Thần Thức  tồn tại  dưới dạng Thân Trung  Ấm.

          Sở dĩ gọi là…Thân bởi vì  sau khi rời khỏi thân xác  thể lý thì Thần Thức ( Linh Hồn ) cũng  có  hình dạng tương tự như khi  sống nhưng đó chỉ là cái Thân Tịnh Ảo  do khí chất tụ lại mà thành. Trong trạng thái Thân Tịnh Ảo đó, Thần thức người chết vô cùng tỉnh táo. Có thể nhìn rõ tất cả mọi ảnh tượng của cõi thế gian. Song họ lại không thể xác định được bản thân mình đã chết hay chưa. Cũng  vì vậy họ  rất đau khổ, cứ  quẩn quanh  bên cái xác  và những người thân yêu mà không thể  xúc tiếp gì được vì lẽ âm dương cách trở !!!

          Thần thức dưới dạng Thân Trung Ấm sẽ tồn tại nơi Cõi Trung Ấm tức cõi trung gian giữa thời gian sau khi chết  và  tái sanh  đầu thai  trong sáu nẻo luân hồi . Thông thường, khoảng thời gian này kéo dài chừng 49 ngày hoặc có thể hơn tùy theo  Nghiệp của họ. Cứ sau bảy ngày thì chết rồi sống lại để rồi lại chết….Trong tình trạng chết đi sống lại nơi Cõi Trung Ấm ấy, các vong linh phải đối mặt với những nỗi sợ hãi kinh hoàng.

          Nguyên nhân khiến Thân Trung Ấm phải sống trong những nỗi sợ hãi kinh hoàng  bởi các ảnh tượng quỷ thần hung dữ đe dọa. Những cảnh bão tố gầm thét dữ dội. Những âm thanh cuồng nộ chói tai….v.v…chính là  do tác động của  ác nghiệp. Nghiệp được tạo là do  những hành vi có chủ ý trở thành tập quán, thói quen.

          Trong lãnh vực  đạo đức tâm linh, tất cả cũng đều được quyết định bởi Nghiệp. Tạo nghiệp lành sẽ hưởng quả lành. Tạo nghiệp ác sẽ lãnh quả ác. Lại nữa, Nghiệp sở dĩ  lành hay ác  tất cả đều  do Tâm. Một người sống với nghiệp lành là bởi Tâm họ  luôn nghĩ tưởng  điều lành. Trái lại người sống với nghiệp ác là bởi Tâm họ nghĩ ác.

          Nghiệp một khi đã được tạo  thì nó sẽ dẫn dắt con người đến nơi mà nó phải đến và cái nơi phải đến ấy sẽ được quyết định trong giờ phút lâm chung gọi là Cận Tử  Nghiệp. Nếu khi sống Tâm người nào chìm đắm trong dục lạc Tham, sân, Si thì chắc chắn sẽ phải đối diện với sự tái sinh khủng khiếp như là hậu quả của sự chìm đắm ấy.

          Nhân nào thì quả ấy và quả  đây chính là những nơi chốn  con người sẽ phải  thác  sinh vào đó. Những ai khi còn sống ở đời  nếu  giữ lòng sân hận, thù ghét  sẽ  đọa vào Cõi Địa ngục. Giữ lòng tham luyến tài sản, bo bo ích kỷ  sẽ đọa vào Cõi Ngạ Quỷ. Sống trong  ngu si, mê muội sẽ  đọa vào Cõi Súc Sinh. Giữ lòng đấu tranh kiên cố sẽ đọa vào Cõi Atula. Sống khi thiện khi ác sẽ  sinh vào Cõi Người. Sống  có nhiều phước báo sẽ sinh lên Cõi Trời ( Không phải Thiên Đàng của Công giáo ). Khi  thọ  hết phước báo  sẽ  bị đọa xuống các cõi bên dưới.

          Tính chất của Nghiệp không cố định mà có thể thay đổi, chuyển hóa và tôn giáo chính là một thứ phương tiện đắc lực giúp cho việc chuyển hóa ấy. Nguyên nhân  khiến  Nghiệp có thể chuyển hóa đó là vì tất cả đều do Tâm tạo. Tâm tạo Địa Ngục nhưng cũng tạo Thiên đường….

          Tất cả đều do Tâm tạo và sự tạo tác ấy chỉ có thể diễn ra ở nơi Tâm “ Vậy tôi thấy trong tôi có luật này. Khi tôi muốn làm điều thiện thì điều ác lại cặp theo tôi. Vì theo người bề trong, tôi vẫn vui thích luật pháp ĐCT. Nhưng  tôi thấy trong chi thể tôi có một luật khác chiến đấu với luật trong tâm trí tôi, bắt tôi làm nô lệ  cho luật của tội lỗi vẫn ở trong tôi. Ôi ! Tôi là kẻ khốn nạn dường nào. Ai có thể giải cứu tôi khỏi thân thể của sự chết này ? Cảm tạ ĐCT, đó là nhờ nơi Chúa Giê Su  Ki Tô, Chúa chúng  ta” ( Rm 7, 21 -25 ).

          Luật của Thiên Chúa ở trong tâm mà luật của tội lỗi cũng ở trong tâm. Vâng theo luật Chúa thì sống. Ngược lại buông theo đàng tội sẽ  chết “  Đoạn tư dục đã  hoài thai  thì sanh ra tội lỗi. Tội lỗi đã lớn lên thì  sản xuất sự chết” ( Gc 1, 15 ).

          Sống đời tâm linh là sống cuộc chiến đấu giữa thiện và ác. Cuộc chiến đấu ấy nếu chỉ dựa vào sức mình mà không cậy nhờ  công nghiệp  Đức Ki Tô thì chắc chắn chỉ đưa đến thất bại.   Để có được lòng cậy trông  ấy  thì nhất thiết chúng ta cần …ở trong Chúa: “ Ta là cây nho, các ngươi là nhành. Ai cứ ở trong Ta  và Ta ở trong họ thì người ấy kết quả nhiều. Vì ngoài Ta  các ngươi không thể làm chi được. Nếu ai chẳng cứ ở trong Ta  thì bị ném ra như nhánh kia khô héo rồi người ta lượm lấy quăng vào lửa mà đốt đi” ( Ga 15, 5 -6 ).

          Có…ở trong Chúa mới thu đoạt kết quả trên bước  đường  thực hiện tâm linh còn ngoài ra thì không. Chúa đã đưa ra nhiều phương thế  để con người có thể…ở trong  Ngài  chẳng hạn Bí Tích Thánh Thể ( Ga 6, 56 ). Tuân giữ giới răn thương yêu ( Ga 15, 9 -10 ). Cầu nguyện với Đấng Cha nội tại ( Mt 6,6 ).v.v…Tất cả những phương thế ấy đều có giá trị vô song với điều kiện  làm sao để cho Chúa có thể thực sự…ở trong ta với đức tin và lòng yêu mến.

          Đang khi đó dưới ảnh hưởng của  trào lưu Tục Hóa hôm nay, đức tin và lòng yêu mến Chúa hầu như đã…cạn kiệt. Tình trạng bỏ đạo hàng loạt  đã và đang  diễn ra tại  các nước phương Tây. Thản hoặc đây đó giáo dân còn giữ đạo thì phần lớn cũng chỉ là cho có hình thức chiếu lệ !

          Cái gì cũng có nguyên nhân và nguyên nhân  sâu xa nhất  đưa đến Tục Hóa như hiện đang thấy  chính là do quan niệm sai lầm của thần học khi đưa ra định nghĩa: “ Con người là xác và hồn”. Trước đây giáo lý vẫn dạy “  Thiên Chúa dựng nên con người có xác và hồn”  thì nay lại  cho con người…là xác và hồn.

          Thay chữ “ Có” bằng chữ “ Là”. Đây không phải là vấn đề của ngôn ngữ văn tự nhưng là do đã có sự thay đổi về quan niệm. Thực chất  của quan niệm “ Con người…là xác và hồn” chẳng qua đó chỉ là  việc chấp trước  cho cái thân xác hữu hình, hữu hoại này là mình. Một khi đã chấp cho xác thân là mình thì làm sao có thể…Bỏ Mình như lời Chúa dạy ? “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình mà theo” ( Lc 9, 23 ).

          Bỏ mình sao được một khi còn chấp xác thân là mình ? Mặt khác  hễ còn chấp xác thân là mình thì không thể không  có lòng tham ái và lòng tham ái lại là nguồn gốc đưa đến mọi nỗi khổ đau và nỗi khổ đau lớn nhất của con người là phải chết.  Vì lý do nào  người ta ai cũng sợ chết ? Đó là vì sợ cái thân này không còn tồn tại.

          Sợ chết  chính là nỗi sợ …Thân không còn tồn tại và nỗi sợ ấy sẽ còn diễn ra   sau khi chết  với một mức độ  kinh hãi hơn  trong Cõi Trung Ấm. Trong giai đoạn Trung Ấm, ý thức  khi ấy đã hoàn toàn tách rời khỏi thân xác. Không còn thân xác để neo giữ vì vậy  ý thức bị trôi nổi vật vờ trong một cõi không gian u ám hoàn toàn xa lạ. Ý thức khi ấy chỉ cần khởi lên một ý niệm…đi  đến nơi nào thì lập tức  sẽ  đến được nơi ấy.

          Ý thức khi khi không còn  bị neo giữ trong thân xác  thì không phải là nó có…tự do  nhưng là bị trôi nổi theo những cơn gió nghiệp. Khi bị đẩy đi  bởi  cơn gió nghiệp  trong nỗi sợ hãi tột cùng như thế,  các vong linh trong Cõi Trung Ấm  mới khởi lên cái Niệm Tìm Thân tức tìm cho mình  cái  nơi trú ẩn. Nơi trú ẩn ấy tùy theo  nghiệp  duyên  con người đã tạo khi còn ở cõi dương gian để  mà tìm đến. Như  đã biết Nghiệp ác  sẽ sinh vào cõi ác. Nghiệp lành sẽ sinh vào cõi lành.

          Do nơi tính chất của Nghiệp là sự tạo tác có chủ ý ( Tác Ý ) thế nên con  người có thể chủ động tìm kiếm  cái nơi chốn mà mình sẽ  đến trong cõi đời đời. Nói chủ động có nghĩa  trong việc tìm kiếm đó ta luôn phải có phần  tích cực. Nếu không thì dù Chúa  muốn cũng chẳng thể làm gì cho ta ! “ Vậy hễ ai nghe lời Ta đây mà làm theo  thì ví như người khôn ngoan xây nhà mình trên nền đá tảng. Có mưa tuôn, nước đổ, gió thổi bổ vào nhà  ấy cũng không sập vì  đã xây trên nền đá. Còn hễ ai nghe lời Ta đây mà không làm theo  thì ví như kẻ ngu dại cất nhà mình trên cát. Có mưa tuôn, nước đổ, gió thổi đập vào nhà  ấy sẽ sập  đổ nát rất lớn” ( Mt 7, 24 -27 ).

          Người khôn ngoan biết nghe theo thực hành lời Chúa. Đó là đã tạo cho mình một cái  Nghiệp lành tối thượng và khi đã có Nghiệp lành  tất sẽ được vào Cõi Lành. Bởi Nghiệp  được tạo  là do hành vi có chủ ý  trong một thời gian lâu dài thế nên ngoài những việc   đạo đức  như tham dự Thánh Lễ sốt sắng. Làm việc lành phúc đức, ăn chay, bố thí v.v…thì cần có sự kiên trì cầu nguyện nhất là Kinh Mân Côi. Ý nghĩa của cầu nguyện  hệ tại ở chỗ Nguyện  được về sống bên Chúa, Đức  Mẹ cùng các Thánh trên Nước Thiên Đàng đời đời. Hễ có tin, có Nguyện  tất  sẽ được bởi lẽ chính Chúa cũng rất mong cho ta được…ở bên Ngài: “ Lòng các ngươi chớ bối rối. Đã tin ĐCT thì cũng hãy tin Ta nữa. Trong Nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở. Bằng chẳng vậy Ta đã nói cho các ngươi rồi. Ta đi   để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi Ta đi mà sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi thì Ta sẽ trở lại tiếp các ngươi về với Ta, hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó với Ta” ( Ga 14, 1 -3 ).

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts