Chết rồi đi đâu?

        Trước các thảm họa thiên nhiên  diễn ra liên miên  và ngày càng dữ dội. Một số nhà khoa học  đã đưa ra  cảnh báo rằng sẽ có một tỷ người  cần phải …rút lui khỏi các  bờ biển …ngay khi có thể: “ Đối mặt với sự nóng lên toàn cầu, mặt nước biển dâng cao và các hiện tượng tiêu cực liên quan đến biến đổi khí hậu. Câu hỏi đặt ra là hiện nay không phải là liệu một số dân cư có  chấp nhận di chuyển người và  tài sản  ra khỏi  khu vực nguy hiểm hay không ? Mà là tại sao họ phải làm như thế ? Thực hiện việc di tản ở những đâu, thực hiện thế nào và  bằng cách thức như thế nào ?” ( Nguồn: Blog Một Thế Giới – 26/8/2019 ).

          Hỏi tức là trả lời và câu trả lời ở đây là hoàn toàn vô vọng, bởi lẽ một tỷ người ấy sau khi rút lui ( Nếu  thực sự diễn ra…) khỏi các bờ biển thì rồi sẽ sống ở đâu và làm gì  để sống ?

          Tuy nhiên cái  viễn cảnh  nước biển dâng và tràn ngập  các thành phố ven biển là điều có thật sẽ xảy đến trong một tương lai cũng chẳng còn xa xôi gì nữa !!! Những cảnh báo và cả  những kế hoạch  cụ thể đã   được các chính phủ và các tôn giáo  đưa ra hầu cứu vãn tình hình  đã đến hồi nguy ngập. Thế nhưng đối với tuyệt đại đa số thì thật sự chẳng có ai quan tâm. Trái  đất này có ra sao, đó là chuyện của thiên hạ…còn mình thì  cứ phải lo cho mình, cho con cái gia đình mình trước đã. Mình mà không…lo thì ai lo cho mình đây ?

          Con người chỉ biết lo cho mình. Điều ấy là cái lẽ…thường tình.  Thế nhưng thử hỏi lo như thế để được gì một khi  rồi ra  ai  cũng phải chết ? Có người sẽ nói  đúng là ai  mà chẳng chết nhưng chết là…hết  thì có gì phải lo ?

          Thật sự thì con người  ta chết có phải…hết hay không là một  vấn đề lớn đặt ra cho cả tôn giáo cũng như triết học. Ông Khổng Tử nói: Chưa biết được  việc sống thì biết  thế nào  việc chết ? ( Vị tri sinh, an tri tử ) với ngụ ý rằng hãy cứ lo cho việc sống đi còn việc chết thì cứ hãy…để đó ?

          Nếu  chỉ lo việc sống mà không lo…việc chết  thì cũng giống như người đi đường mà chẳng biết mình đi đâu,  về đâu ? Đi như thế, thi sĩ Vũ Hoàng Chương  gọi là…đi lang thang:

          “ Lang thang từ  độ luân hồi…

          …U minh nẻo trước, xa xôi dặm về”

          Không lo cho cái chết  thì không thể biết mình chết rồi sẽ đi đâu. Trái lại biết lo cho cái chết là người khôn ngoan, có trí tuệ. Vả lại biết lo như thế sẽ tránh cho mình  khỏi mọi nỗi phiền muộn không đáng có. Bực cổ đức nói “ Lo cái lo xa sẽ tránh  cái buồn gần”.

          Luôn nhớ nghĩ đến cái chết của chính mình. Đó không phải là bi quan yếm thế nhưng sẽ tạo cho mình một đời sống cao thượng. Không để tâm chấp chước những điều nhỏ nhặt, tầm thường. Trái lại  biết sống yêu thương, tha thứ cho người …bởi vì rồi ra ai cũng chết thì còn ganh ghét, hơn thua với người để chi ?

          Mặt khác và đây  là điều vô cùng quan hệ bởi vì lo cho cái chết cũng chính là lo cho phần rỗi linh hồn mình:  Nếu ta xác tín rằng  phần rỗi là việc hệ trọng hơn hết mọi việc khác  thì chắc chắn ở đời này ta chỉ chăm chú  để chu toàn việc ấy. Thánh Kinh có nói: Chỉ có một việc cần mà thôi ( Lc 10, 42 ). Xưa kia Thánh Benado khóc thương  cho những kẻ có đạo ăn ở lầm lạc, không lo lắng cho phần rỗi của mình mà chỉ  chú trọng tới lợi lộc trần gian. Thật là lầm lẫn biết bao: Được lời lãi cả và thế gian. Mất linh hồn thì nào được ích gì? ( Mt 16, 26 )”.

          Giáo lý dạy: Linh hồn là giống thiêng liêng chẳng hề chết được. Nói…mất linh hồn là để ám chỉ  cho những người khi chết còn mắc tội trọng không chịu thực lòng ăn năn sám hối sẽ phải sa xuống Hỏa Ngục  khốn nạn đời đời.

          Tin có sự chết, phán xét, Hỏa Ngục, Thiên Đàng gọi là Bốn Sự Sau Hết ( Tứ Chung – Novissimis ) đó là niềm tin cố hữu của người Công Giáo chúng ta. Nhưng trong thời Tục Hóa này  niềm tin ấy  đã bị sai lạc: “ Họ vẫn tin vào Thiên Chúa nhưng chỉ tin  có Thiên Đàng thôi. Luyện ngục và Hỏa Ngục  không thể có  được  bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu ( 1Ga 4, 16 ). Ngài không bao giờ  dựng nên những thứ khủng khiếp ấy để trừng phạt hay hành hạ con cái của Ngài. Luyện Ngục và Hỏa Ngục là những thứ  mà Giáo Hội dựng nên để hù dọa người ta mà thôi” ( Nguồn Lm Ansgar Phạm Tĩnh – Tháng các linh hồn. Tìm hiểu Thiên Đàng – Luyện Ngục và Hỏa Ngục )

          Chỉ tin có Thiên Đàng mà không tin có Luyện Ngục, Hỏa Ngục như vậy là đã …bỏ qua  một yếu tố vô cùng  quan hệ đó là sự “ Phán  Xét” hay còn gọi là sự …thưởng phạt  của Thiên Chúa; “ Kẻ lành lên Thiên Đàng. Kẻ dữ sa Hỏa Ngục chịu  phạt vô cùng ( Kinh Nghĩa Đức Tin ).

          Sở dĩ thời nay người ta không chấp nhận sự  “ Phán Xét” đó là do hệ quả của quan niệm Đấng  Tạo Hóa  đã bị…khai tử bằng chính cái gọi là Thần học về cái chết của Thiên Chúa ( Theologie de la mort de Dieu ). Mặc dù quan niệm Đấng Tạo Hóa bị khai tử nhưng không vì thế  mà sự Phán Xét không còn giá trị nếu hiểu rằng sự phán xét ấy  chính là Luật Nhân Quả mà Chúa Giê Su đã nhiều lần đề cập cách này cách khác: “ Không có cây tốt lại sanh trái xấu. Cũng không có cây xấu lại sanh trái tốt. Vì cứ xem quả thì biết cây. Người ta không hái trái vả nơi  bụi gai. Cũng không hái trái nho nơi  bụi rậm.  Người thiện do lòng chứa thiện mà phát ra điều thiện. Kẻ ác do lòng chứa ác mà phát ra điều ác. Vì do sự đầy rẫy trong lòng mà miệng mới nói ra” ( Lc 6, 43 -45 ).

          Nhân quả là một định luật và định luật ấy chi phối  toàn thể vũ trụ vạn vật từ vật giới cho đến tâm giới. Nước đun nóng tới một trăm độ thì …sôi và bốc hơi. Hạ xuống dưới không độ thì đóng băng. Hơi nước bốc lên thành mây. Mây tụ lại rơi xuống thành mưa….

          Lại nữa cũng chính với Luật Nhân Quả  mà ta thấy không có cái chi …mất đi, đó chỉ là sự chuyển hóa. Quả cam trên cây rụng xuống, vùi vào trong đất một thời gian, nhờ độ ẩm, không khí, ánh sáng …lại mọc lên thành  nhiều cây cam khác….

          Tất cả chỉ là sự chuyển hóa, ngay với con người cũng vậy. Chúng ta nói khi con người tắt hơi, chôn xuống đất gọi là chết là mất nhưng thực sự  thì không có mất,  đó chỉ là sự chuyển hóa từ kiếp sống này sang kiếp sống khác: “ Nhưng có kẻ sẽ hỏi rằng  người chết được sống lại thể nào ? Lấy thân thể nào mà đến ư ? Ớ kẻ ngu dại kia. Vật gì ngươi gieo, nếu không chết đã thì không sống lại được. Còn như vật ngươi gieo ấy không phải là hình thể sẽ có, chẳng qua là cái hột như hột lúa mì hay là giống gì khác. Nhưng ĐCT  cho nó hình thể tùy ý Ngài, mỗi giống cho một hình thể riêng. Mọi xác thịt chẳng phải đồng một xác thịt. Nhưng xác thịt của loài người khác. Của loài thú khác. Của loài chim khác. Của loài cá  lại khác nữa. Lại có hình thể thuộc về trời. Cũng có hình thể thuộc về đất. Nhưng vinh quang của hình thể thuộc về  trời là một thứ. Vinh quang của hình thể thuộc về  đất lại là một thứ khác” ( 1C 15, 35 -40 ).

          Chết không phải  hết nhưng là sự chuyển hóa  và sự chuyển hóa ấy mỗi loài mỗi khác. Loài người khác với động vật, động vật lại khác với loài chim, cá v.v…Chẳng những loài người khác với động vật  nhưng ngay trong loài người cũng không hề giống nhau. Có người sống lại, chuyển hóa  thành thân phận nghèo hèn,  sống đời khốn khổ. Có người trong cảnh giàu sang, phú quý. Có người yểu mệnh, chết sớm. Có người trường thọ sống lâu  v.v. và v.v…

          Do đâu  mà sự chuyển hóa ấy lại có sự khác nhau như vậy ? Đó có phải là do sự định đoạt của một đấng thần linh nào đó hay không ? Hoàn toàn không phải  vậy bởi nếu như thế  chẳng hóa ra Đấng  Tạo Hóa lại quá bất công hay sao ?

          Nếu không do Đấng  Tạo Hóa  thì  tất cả sự chuyển hóa ấy  do đâu ? Xin thưa tất cả là do nơi định luật Nhân Quả và định luật ấy không chỉ diễn ra trong một đời nhưng trải qua vô vàn kiếp sống  quá khứ, hiện tại, vị lai.

          Về định luật Nhân Quả,  dù diễn ra ở nơi thiên nhiên vạn vật hay con người  thì cũng không nên hiểu cách máy móc rằng hễ có Nhân thì ắt có Quả nhưng  cần một yếu tố vô cùng quan hệ khác là Duyên tức những điều kiện. Hạt lúa gieo xuống đất nếu không có đủ Duyên tức những điều kiện như độ ẩm, không khí, ánh sáng, không bị sâu bọ cắn xé… thì không thể nứt mộng mộng  thành cây…

          Cũng vì yếu tố Duyên  ấy  mà định luật Nhân quả  áp dụng cho con người  là loài có linh tánh được gọi dưới cái tên Luật  Nghiệp Báo. Nghiệp Báo có nghĩa  hễ gây tạo Nghiệp nào thì sẽ có quả báo đó. Tạo nghiệp lành sẽ có quả lành. Tạo nghiệp ác sẽ có quả ác không bao giờ sai chạy mảy may.        

          Tất cả hạnh phúc hay khổ đau  của con người đều  được quyết  định bởi Nghiệp mà Nghiệp lại do  chính mình tự tạo lấy cho mình chứ chẳng phải ai khác:

          “ Đã mang lấy nghiệp vào thân…

            Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa”

          Câu thơ của thi hào  Nguyễn Du không nên hiểu Nghiệp  là một thứ gì đó…ở bên ngoài nhưng là do ý muốn của người đó tạo nên. Nói cách khác phải có ý muốn ( Tác ý ) thì mới tạo nghiệp và Nghiệp chính là một thứ tập quán, thói quen đã được lập đi lập lại mãi mà thành. Một thiếu niên chưa biết hút thuốc, uống rượu nhưng do bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo không cưỡng lại được  nên lâu ngày thành nghiện, khi ấy  dù có muốn bỏ cũng  khó mà  được. Một bác thợ mộc giỏi là vì  đã sử dụng tay nghề thành thạo hết ngày này sang ngày khác. Ngay cả việc ác cũng chẳng phải một ngày mà nên cớ sự: “ Tôi giết vua, con giết cha, đó không phải việc một sớm một tối. Cái căn do dần dần đã lâu mà thành ra vậy” ( Thần thí quân, tử thí kỳ phụ, phi nhất triêu, nhất tịch chi cố. Kỳ sở do lai giả tiệm hỹ – Dịch – Văn Ngôn Truyện ).

          Nghiệp một khi đã được tạo thì khó mà dứt bỏ. Tuy nhiên nếu Nghiệp là do mình tạo thì cũng chỉ có mình mới có thể chuyển hóa, cải tạo được nó. Công việc chuyển hóa ấy  được gọi là TU và mục đích của việc TU là để chuyển hóa từ nghiệp xấu ác sang nghiệp thiện lành.

          Để sống đời sống tâm linh thì nhất định cần phải TU: “ Vậy tôi thấy trong tôi có luật này. Khi tôi muốn làm điều thiện thì điều ác lại cặp theo tôi. Vì theo người bề trong, tôi vẫn vui thích luật pháp của ĐCT. Nhưng tôi lại thấy trong tôi có một luật khác chiến đấu  với luật trong tâm trí tôi, bắt tôi làm nô lệ cho luật của tội lỗi vẫn ở trong chi thể tôi. Ôi ! Tôi là người khốn nạn dường nào. Ai có thể giải cứu tôi khỏi thân thể của sự chết này ? Cảm tạ ĐCT, nhờ Chúa Giê Su Ki Tô Chúa chúng ta” ( Rm 7, 24 -25 ).

          Như vậy, ở nơi mỗi một con người đều tồn tại hai thứ luật. Luật của Chúa tức luật của lương tâm và luật của ma quỷ, thế gian, xác thịt. Chạy theo luật nào sẽ bị luật đó  chi phối để rồi  sẽ tạo thành Nghiệp và  Nghiệp một khi đã được tạo thì sẽ có báo ứng của Nghiệp đó.

          Sự báo ứng của Nghiệp là điều không sao tránh khỏi, bởi  đó cho nên chúng ta là con cái Chúa thì phải quyết chí tạo cho mình  Nghiệp lành tối thượng hầu được về bên Chúa, sống cuộc sống vinh hiển trên  Nước Trời.

          Trong số những Nghiệp Lành thì  Nghiệp Lành tối thượng đó chính là biết vâng theo Thánh Ý Chúa trong mọi sự: “ Chẳng phải mỗi kẻ nói cùng Ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời đâu. Nhưng chỉ kẻ  biết vâng theo Ý Cha Ta trên trời mà thôi. Trong ngày đó, nhiều người  sẽ nói cùng Ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa  chúng tôi há chẳng từng nhân danh Chúa  mà nói tiên tri sao ? Nhân danh Chúa mà đuổi quỷ sao và nhân danh Chúa mà làm nhiều việc quyền năng sao ? Khi ấy Ta sẽ nói  với họ rằng: Hãy lìa khỏi Ta, ớ những kẻ gian ác kia” ( Mt 7, 21 -23 ).

          Nói tiên tri, trừ quỷ, làm phép lạ…Đó là những việc lớn lao được thế gian tôn vinh. Nhưng với Chúa đó lại là những việc gian ác. Tại sao ? Bởi vì những việc ấy đã chỉ  được làm vì “ Cái Tôi” của họ mà thôi. Bao lâu còn suy nghĩ hay hành động  chỉ vì “ Cái Tôi”  thì  vẫn là ác. Trái lại bỏ đi được “ Cái Tôi” đó là làm theo Thánh Ý Chúa.

          Biết vâng theo Thánh Ý Chúa là đã tạo cho mình một thứ  Nghiệp Lành tối thượng. Thế nhưng như đã biết Nghiệp là  ý muốn được lập đi lập lại trong một khoảng thời gian lâu dài và để  có thể chuyển  từ Nghiệp ác sang Nghiệp thiện thì phải  thay ý riêng bằng Ý Chúa. Có một phương pháp để làm được điều này  đó  là theo Pythagor nhà toán học thiên tài: “ Hãy chọn việc tốt nhất. Thói quen sẽ làm cho nó thú vị và dễ dàng” ( Optimum lege suave et facile illud faciet consuetude )

          Việc tốt nhất của người Công Giáo chúng ta đó là ngoài Bí Tích Thánh Thể thì duy  chỉ có Kinh Mân Côi, được gọi là Á Bí Tích  do Đức Mẹ truyền dạy. Gia  đình nào quay quần  kiên trì  đọc Kinh Mân Côi hàng ngày  chắc chắn sẽ được Chúa ban bình an, phước lành. Cá nhân nào theo đuổi thực hành Kinh này suốt  đời sẽ nhận được vô vàn ơn lành hồn xác và ơn lành  cần thiết nhất cho phần rỗi  đó là được gìn giữ không bao giờ bị lôi cuốn vào con đường lạc giáo.

          Tại sao nói ơn lành bậc nhất đó là không bị lôi cuốn theo lạc giáo ? Đó là vì trong  cái thời hết sức nguy nan do nạn Tục Hóa  gây ra, con  người rất khó để nhận biết đâu là  chánh đâu là tà. Một khi đã không biết phân biện chánh, tà thì con người rất  dễ rơi rớt vào con đường tà. Lý do là vì con người  trong… thời cuối này không những chỉ phải chiến đấu với ma quỷ, thế gian, xác thịt mà còn phải  đối mặt  với một thứ thiên ma ba tuần vô cùng quỷ quyệt “ Vì chúng ta chiến đấu chẳng phải chỉ với đam mê xác thịt bèn là với quyền bính, bá chủ của đời  tối tăm này  và với lũ tà linh độc ác ở thiên không” ( Eph 6, 12 ).

          Cuộc chiến đấu trường kỳ khốc liệt giữa Sa Tan và Người Nữ Maria ( St 3, 15 ) phải chăng đã đến hồi kết thúc ?  Hãy dõi cái nhìn vào thế giới hôm nay  sẽ thấy cơn nguy khốn đang chờ chực và lời tiên báo của Chúa Giê Su về  Ngày của Chúa  chẳng còn xa nữa: “ Cũng vậy, khi các ngươi thấy mọi điều ấy thì khá biết rằng Con  Người đã  gần như đang ở trước cửa” ( Mt 24, 33 ).

          Chỉ những ai… “thấy mọi điều ấy” rồi  ngẫm suy  thì mới  có thể  vững tâm trên con đường lành. Trái lại: “ Trong những ngày đó, người ta sẽ cầu chết mà không sao chết được. Họ muốn chết mà sự chết lại tránh xa” ( Kh 99, 6 ).

          Muốn chết mà không chết được, đó là cái chết thứ nhất. Còn cái chết thứ hai tức là cái chết tâm linh  còn đáng sợ hơn: “ Lại có một sách khác mở ra nữa là Sách Sự Sống. Những kẻ chết bị xét đoán tùy  công việc của họ cứ như điều đã ghi trong sách ấy. Biển giao lại những kẻ chết trong nó. Chết và âm phủ cũng giao lại kẻ chết trong nó. Chúng đều bị xét đoán mỗi người theo công việc của họ. Chết và Âm Phủ bị quăng xuống hồ lửa. Hồ lửa là cái chết thứ hai. Nếu có ai không  được ghi vào Sách Sự Sống thì bị quăng xuống hồ lửa” ( Kh 20, 12 -15 )./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts