Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 02-2019

TRANG CHUYÊN ĐỀ

 

Chân phước Giacôbê Alberione

(1884-1971)

Chân phước Giacôbê Alberione sinh tại miền Bắc nước Ý và là một trong những người tiên phong vĩ đại nhất trong lĩnh vực truyền thông Công Giáo. Khi được giáo viên hỏi sẽ làm gì khi lớn lên, ngài trả lời: “em muốn trở thành linh mục”. Là thần học gia thông thái, ngài lấy được học vị tiến sĩ thần học và dành rất nhiều thời gian trong vai trò giảng dạy và linh hướng. Với mong muốn sử dụng những phương thức truyền thông xã hội hiện đại để loan báo Tin Mừng, ngài thành lập gia đình thánh Phaolô, gồm 10 trường học Công Giáo dành cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân.

Ngài là người tiên phong mong muốn truyền thông xã hội trở nên như phương thức rao giảng Tin Mừng. Công việc của cha Giacôbê được ủng hộ đến nỗi Công đồng Vatican II mời ngài đến tham dự trong vai trò cố vấn thần học. Đức giáo hoàng Phaolô VI rất khâm phục và ủng hộ việc làm của ngài. Đích thân Đức Phaolô VI đã viếng thăm cha Giacôbê khi ngài nằm trên giường bệnh; một giờ sau khi Đức giáo hoàng ra về, cha Giacôbê qua đời. Ngài được an táng tại vương cung thánh đường mà chính ngài đã xây dựng ở Rôma, thánh đường Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II ví cha như vị tông đồ đầu tiên trong sứ vụ tân phúc âm hóa và tuyên chân phước cho cha vào Chúa Nhật Lòng Thương Xót năm 2003.

LÒNG SÙNG KÍNH ĐỨC MARIA

Ngay từ nhỏ, chân phước Giacôbê đã biểu lộ lòng sùng mộ sâu sắc với Đức Maria. Sau khi sinh, thân mẫu thánh hiến hài nhi cho Đức Maria tại đền thờ Đức Bà Các Loài Hoa ở Bắc Ý. Suốt thời thơ ấu, cậu bé Giacôbê thường xuyên lui tới và dành hàng giờ cầu nguyện tại đền thờ này. Với trọng trách của vị mục tử, cha ao ước tất cả mọi việc đều được thực hiện dưới ánh mắt đầy trìu mến và mẫu tử của Đức Maria. Chân phước William Giuse, thánh Vinh Sơn Palotti và Giáo hoàng Lêô XIII là những người có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với cha. Vì Đức Maria, chân phước Alberione nỗ lực thánh hóa bản thân và nhiệt thành trong các hoạt động tông đồ. Ngoài ra, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng về thiên chức làm mẹ của Đức Maria đối với mỗi Kitô hữu, ngài đề cao công việc tông đồ của Đức Maria như Vị Thầy của chúng ta và là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc. Một trong những danh hiệu của Đức Maria mà ngài rất yêu thích, đó là: “Nữ Vương các Thánh Tông Đồ”.

Chân phước Alberione viết rất nhiều lời kinh về Đức Maria, Nữ Vương Các Tông Đồ. Ngài đặc biệt yêu thích tước hiệu đó, đến nỗi ngài đã xây dựng một vương cung thánh đường ở Rôma để tôn kính Đức Maria qua tước hiệu này. Đức Maria là chủ đề quen thuộc và thú vị nhất trong các bài giảng của Ngài. Các văn phẩm của cha Alberione về Đức Maria tổng cộng hơn 1.700 trang. Ngài không bao giờ bỏ lỡ cơ hội giới thiệu Đức Maria trong các hoạt động tông đồ.

CHIẾN SĨ KINH MÂN CÔI

Chân phước Alberione nhận định nếu Đức Maria không được nhận biết, bắt chước, cầu khẩn và yêu mến nhiều hơn, thế giới sẽ không bao giờ được “Kitô hóa”. Ngài đặc biệt nhấn mạnh sứ vụ Kitô hóa thế giới phải được tiến hành thông qua sức mạnh của Kinh Mân Côi. Giống như các vị tiền nhân, ngài tin vào truyền thống đạo đức về nguồn gốc Kinh Mân Côi và thường khẳng định những cuộc chiến mang thắng lợi về cho Đức Kitô và Giáo Hội đều có liên quan đến sức mạnh của Kinh Mân Côi. Dù khi giảng dạy hay viết sách, cha Alberione luôn trưng dẫn nhiều ví dụ về sức mạnh của Kinh Mân Côi trong cuộc đời các thánh. Chân phước Giacôbê rất thích đề cập đến mẫu gương anh hùng của các thánh, vì các ngài nhìn nhận Kinh Mân Côi như nguồn mạch tuyệt vời của việc thánh hóa, ơn sức mạnh, sự chở che và lòng nhiệt thành trong các hoạt động tông đồ.

Bất cứ khi nào chân phước Giacôbê sắp diễn thuyết, việc đầu tiên ngài làm là đọc Kinh Mân Côi, sau đó mới bắt đầu đề tài. Khi đi lại bằng xe hơi, ngài đọc Kinh Mân Côi không ngừng cho đến khi tới nơi. Ngài tin chắc rằng Kinh Mân Côi là lời kinh đơn sơ nhưng hiệu quả, đặc biệt giúp thăng tiến các nhân đức và chiến thắng các kẻ thù của đời sống tâm linh. Nhận biết Kinh Mân Côi là mang lại niềm vui lớn nhất cho Đức Trinh Nữ Maria. Chân phước Giacôbê nhấn mạnh phải đọc Kinh Mân Côi với đức tin, lòng sùng mộ và quyết tâm sửa đổi đời sống. Vì lẽ đó, ngài khuyến khích mọi người đọc Kinh Mân Côi. Chân phước Giacôbê mong rằng mọi người quỳ gối đọc lời kinh ấy khi có thể và bản thân ngài đã nêu gương thánh thiện này.

 

CHUỖI NGỌC MÂN CÔI

Kinh Mân Côi là gì? Lời kinh ấy là mục tiêu cho niềm hi vọng của chúng ta. Những người phiền muộn khi nắm chuỗi Mân Côi trong tay, họ sẽ cảm nhận được một niềm hy vọng mới đang trào dâng trong họ, niềm hi vọng mãnh liệt và thanh bình. Sau thập giá, tôi không nhận thấy bất cứ điều gì khác mang lại bình an cho tâm hồn tôi ngoài chuỗi Mân Côi. Giáo Hội muốn giới thiệu Kinh Mân Côi đến cho mọi người, và mong ước mỗi tín hữu hãy luôn mang theo mình chuỗi Mân Côi, khi đó họ sẽ được sống dưới sự bảo trợ của Đức Maria.

Chân phước Giacôbê Alberione

Ngay từ thời kỳ đầu của Giáo Hội, các tín hữu sùng đạo đã dùng chuỗi Mân Côi, là sợi dây mỏng với nhiều nút thắt để đếm những lời kinh mà họ lặp đi lặp lại. Được Chúa linh hứng, thánh Đa Minh đã ấn định hình thức cho chuỗi Mân Côi. Đây là niềm tin chung nhất và được xác tín qua rất nhiều bản văn huấn quyền.

Chân phước Giacôbê Alberione

Bè rối Albigensê, một nhóm nổi dậy và phạm thượng, đang ra sức tàn phá chân lý đức tin và tiêu hủy những vùng đất xinh đẹp ở Pháp, Tây Ban Nha và Ý. Đầu tiên, thánh Đa Minh cố gắng chống lại bè rối này bằng lời nói tông đồ của ngài, nhưng không hiệu quả. Sau đó, thánh nhân cậy nhờ đến Đức Maria. Ngài đọc Kinh Mân Côi và rất nhiều người cũng bắt chước ngài, vừa đọc vừa suy gẫm về các mầu nhiệm. Đức Maria đã thắng, và hòa bình được lặp lại.

Chân phước Giacôbê Alberione

Thánh Đa Minh là vị tông đồ của chân lý và còn là tông đồ nhiệt thành của lòng sùng mộ Kinh Mân Côi.

Chân phước Giacôbê Alberione

Bè rối Albigensê được chế ngự và hoán cải rất nhiều qua Kinh Mân Côi của thánh Đa Minh.

Chân phước Giacôbê Alberione

Từ Mẹ Maria, thánh Tôma Aquinô liên lỉ tìm kiếm sự khôn ngoan thượng giới với Kinh Mân Côi rất thánh.

Chân phước Giacôbê Alberione

Kinh Mân Côi đem đến nhiều cuộc hoán cải vĩ đại như ở Ratisbone và Harmann Cohen. Lời kinh ấy tạo ra sức mạnh chiến đấu chống lại những cám dỗ bạo lực mà thánh Anphongsô và thánh Phanxicô Salêsiô đã kinh nghiệm. Kinh Mân Côi cũng bảo vệ tính nguyên tuyền của phép Rửa như ở nơi thánh Louis Gonzaga và thánh Rosa Lima.

Chân phước Giacôbê Alberione

Thánh Philípphê Nêri đi bộ trên những con đường ở Rôma với chuỗi Mân Côi trên tay; ngài tìm kiếm những tâm hồn chai đá và khô khan; và nhờ Kinh Mân Côi, thánh nhân mời gọi họ ăn năn hối cải.

Chân phước Giacôbê Alberione

Bất cứ khi nào thánh Vinh Sơn Pallotti, vị tông đồ của Rôma, thăm kẻ liệt, ngài đều đọc Kinh Mân Côi trên đường đi.

Chân phước Giacôbê Alberione

Thánh Clemente Hofbauer, vị tông đồ nước Áo, dâng cho Đức Maria những cuộc hoán cải tuyệt diệu mà ngài nhận được từ các tội nhân và người hấp hối. Trước khi giúp họ trở lại, ngài đọc Kinh Mân Côi và mời gọi những người khác cùng đọc với ngài.

 Chân phước Giacôbê Alberione

Thánh Phanxicô Salêsiô là vị linh mục hiền lành và mạnh mẽ, là vị giám mục nhiệt thành không mệt mỏi, là văn sĩ và thầy giảng của lòng sùng mộ đích thực, là người phi thường bởi những việc phi thường. Tại sao vậy? Ngài đã chiến thắng những thử thách khó khăn nhất bằng cách thực hiện một lời thề: Mỗi ngày sẽ đọc toàn bộ chuỗi Mân Côi, và ngài đã trung tín giữ trọn lời thề này.

Chân phước Giacôbê Alberione

Thánh Gioan Berchman sẵn sàng hi sinh vì thập giá, Kinh Mân Côi và luật dòng của ngài. “Đây là 3 điều đáng quý nhất trong cuộc đời tôi”; ngài còn nói: “với những điều đó, tôi hân hoan chọn cái chết”.

Chân phước Giacôbê Alberione

Thánh vương Louis IX, vua nước Pháp, đọc Kinh Mân Côi mỗi khi ngài dẫn quân đội đi tham chiến.

Chân phước Giacôbê Alberione

Thánh Carôlô Bôrômêô thành lập Hội Mân Côi trong giáo phận của ngài và ra lệnh trong các giáo xứ vào thứ 7 đầu tháng, phải tổ chức một đám rước trọng thể để tỏ lòng sùng kính Đức Maria, trong khi mọi người đọc kinh cầu Đức Bà. Một đêm nọ, khi ngài đang đọc Kinh Tối và Kinh Mân Côi, một tên côn đồ đột nhập vào nhà nguyện và bắn ngài ở cự ly rất gần. Tiếng súng vừa dứt thì lời kinh cũng im bặt. Sự bất ngờ và kinh hoàng bao phủ tất cả những ai đang hiện diện. Mặc dù vết thương khá nặng, nhưng thánh nhân vẫn mỉm cười và bình tĩnh tiếp tục đọc kinh. Cuối cùng, thánh Carôlô đứng dậy và mọi người rất ngạc nhiên khi viên đạn chỉ đâm thủng áo chùng ngoài và rớt ngay chân ngài.

Chân phước Giacôbê Alberione

Kinh Mân Côi là lòng sùng mộ đơn sơ, hiệu quả và phổ biến nhất.

Chân phước Giacôbê Alberione

Chúng ta hãy đọc Kinh Mân Côi thường xuyên và sốt sắng.

Chân phước Giacôbê Alberione

Kinh Mân Côi là bản tóm tắt Kinh Thánh. Lời kinh ấy tổng hợp cuộc sống của Chúa chúng ta, Đức Trinh Nữ Maria và toàn bộ học thuyết Kitô giáo. Vì thế, Kinh Mân Côi được gọi là Kinh Nhật Tụng của Kitô hữu.

Chân phước Giacôbê Alberione

Kinh Mân Côi là lòng sùng kính đơn sơ. Kinh ấy bao gồm những lời nguyện mà mọi người đã thuộc lòng ngay khi còn là trẻ thơ, và được cất lên mà không gặp bất cứ khó khăn hoặc ngăn trở nào. Kinh Mân Côi có thể đọc mọi lúc, mọi nơi và mọi tình huống. Đó là lời kinh làm hài lòng Mẹ vì nguồn gốc và sự tuyệt hảo của lời kinh ấy. Thực tế, Kinh Mân Côi không phải là sản phẩm của con người, nhưng được chính Đức Trinh Nữ gửi đến cho nhân loại và Mẹ có mục đích cao cả để thực hiện công việc này. Đức Maria gửi Kinh Mân Côi đến cho chúng ta như biểu hiện của ơn cứu độ. Mẹ cũng dạy ta cách thức thực hành lời kinh này. Còn gì biểu lộ lòng tôn kính Đức Maria hơn là Kinh Mân Côi không?

Chân phước Giacôbê Alberione

Hơn một lần, nhờ Kinh Mân Côi, tất cả những ai đang loan truyền các sai lầm nghiêm trọng đều bị đánh bại. Nhờ Kinh Mân Côi, tội nhân được hoán cải, trở về cùng Chúa. Nhờ Kinh Mân Côi, tình yêu của Thiên Chúa và Mẹ Maria đã đơm hoa kết trái một lần nữa. Chính Giáo Hội cũng nhìn nhận Kinh Mân Côi là tấm khiên chống trả quân thù. Với khí giới này, Giáo Hội đánh bại tử thần như chiếc ná của Đavít đánh bại gã khổng lồ Goliat. Không phải ngẫu nhiên mà các Giáo hoàng dồn bao tâm huyết giới thiệu phương thức cầu nguyện này và làm cho lời kinh ấy thêm phong phú bằng những ân xá.

Chân phước Giacôbê Alberione

Khi Kinh Mân Côi ở lại trong một gia đình, thì chính Chúa Giêsu, Đấng là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, cũng ở lại gia đình ấy.

Chân phước Giacôbê Alberione

Công trạng của Đức Maria trong công trình cứu độ chiếu tỏa từ các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi.

Chân phước Giacôbê Alberione

Không có Kinh Mân Côi, tôi cảm thấy mình không có khả năng đưa ra một lời huấn dụ nào.

Chân phước Giacôbê Alberione

Chúng ta hãy quyết tâm cầu khẩn Đức Trinh Nữ Maria, đặc biệt qua việc đọc Kinh Mân Côi.

Chân phước Giacôbê Alberione

Vẫn như thế, mọi sự đều được xây dựng bằng Kinh Mân Côi hơn những cách thức khác.

Chân phước Giacôbê Alberione

Trong các thời kì vô thần, Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi đã bày tỏ quyền năng của Mẹ thông qua dấu chỉ là những chiến thắng của Mẹ.

Chân phước Giacôbê Alberione

Hãy đọc Kinh Mân Côi. Chính khi đó, chúng ta biểu lộ lòng sùng mộ với Đức Maria, Nữ Vương Các Tông Đồ, đặc biệt qua cách thức đơn giản là Kinh Mân Côi.

Chân phước Giacôbê Alberione

Kinh Mân Côi mà Giáo Hội vẫn thường nhắc đến, không chỉ đem lại nhiều ơn ích cho những người đang sống mà còn là một cách thức tuyệt hảo giúp đỡ những người đã qua đời.

Chân phước Giacôbê Alberione

Kinh Mân Côi là lời kinh loan báo Tin Mừng cho lương dân. Lời kinh này giúp hoán cải các lạc giáo; làm cho người ly giáo trở lại, biến đổi các Kitô hữu nguội lạnh và yếu đức tin trở nên nhiệt thành và dẫn đưa những Kitô hữu chân chính đến ơn thánh hóa.

Chân phước Giacôbê Alberione

Kinh Mân Côi của Đức Maria là đòn bẩy tuyệt vời, đó là bản nhạc của ơn cứu độ cho xã hội và mỗi cá nhân. Lepanto và Vienna là những cái tên có liên quan đến Kinh Mân Côi. Chiến thắng những người Albigensê, triết học giả hiệu, chủ nghĩa tự do hiện đại đã được sáng tỏ trong lời Kinh Mân Côi.

Chân phước Giacôbê Alberione

Khi một người theo đuổi ơn gọi, họ sẽ bắt đầu một cuộc chiến liên lỷ, bởi ma quỷ ra sức phá đổ ơn gọi đó. Vì vậy, Kinh Mân Côi là cách thế chiến thắng tuyệt diệu.

Chân phước Giacôbê Alberione

Kinh Mân Côi có thể được cầu nguyện mọi nơi: trên đường, trong xe lửa, xe buýt, nhà thờ, phòng khách… Tất cả những nơi này đều được xem là xứng hợp để đọc Kinh Mân Côi.

 Chân phước Giacôbê Alberione

Hãy đọc Kinh Mân Côi với lòng khiêm tốn của thánh nữ Bernadette, hoặc của ba trẻ chăn cừu ở Fatima.

Chân phước Giacôbê Alberione

 

Chuẩn bị làm cha mẹ có trách nhiệm trong việc sinh-dưỡng-dục con cái

Đôi bạn cần phải trao đổi và thỏa thuận với nhau vấn đề con cái trước khi cưới. Họ cần được chuẩn bị tư thế làm cha làm mẹ có trách nhiệm. Điều này càng quan trọng hơn vì khi một đứa con chào đời luôn kèm theo những thách đố làm tràn ngập cuộc sống của họ. Sẵn sàng đón nhận con cái mà Chúa ban cho đôi vợ chồng là một hoa quả của sự phong nhiêu này. Công Đồng Vatican II dạy rằng đôi bạn “sẽ chu toàn bổn phận với ý thức trách nhiệm, vừa của con người, vừa của những Kitô hữu, […] họ sẽ cùng đưa ra một phán đoán chính xác, trong khi vẫn quan tâm đến thiện ích của chính họ cũng như của con cái đã sinh ra hay dự định sẽ có, vẫn cân nhắc về những điều kiện vật chất cũng như tinh thần của hoàn cảnh sống theo từng thời điểm, và sau cùng vẫn lưu tâm đến thiện ích của cả gia đình, của cộng đồng xã hội và của Giáo Hội nữa.” (Gaudium et Spes 50).

Các cha mẹ tự do trong việc lựa chọn môi trường giáo dục và sinh hoạt (nhà trẻ, trường học,…) của con mình, để giúp họ hoàn thành nhiệm vụ giáo dục này, họ cần chọn nơi nào phù hợp nhất với mẫu mực giáo dục Kitô giáo. Nhưng trách nhiệm cuối cùng dù sao cũng là của họ.

Giáo dục Kitô là một giáo dục toàn diện và cơ bản: làm sao giúp cho trẻ phát triển các khả năng, năng khiếu về thể lí, tinh thần, và luân lí cách hài hòa. Mục đích của nền giáo dục này là đào tạo toàn diện hướng tới các chiều kích tâm lí – tâm thần – tinh thần và xã hội của nhân vị. Bởi thế, cha mẹ không thể dùng các phương tiện vật chất (đồ chơi và các thứ thiết bị kĩ thuật,…) bù trừ hoặc thay thế trách niệm phải dấn thân để hiện diện, tạo an sinh, chăm sóc, dạy dỗ con cái. Giáo dục là một “quá trình trao đổi trong đó các cha mẹ – nhà giáo dục đến lượt mình ở mức nào đó cũng được giáo dục. Đang khi họ là thầy dạy nhân bản cho con cái thì họ cũng học nhân bản từ chúng” (Gioan Phaolô II, Thư gởi các Gia đình, 16).

Trong gia đình con trẻ không những có kinh nghiệm đầu tiên sống chung với người khác, mà còn có những kinh nghiệm đầu tiên sống đức tin, về Giáo Hội, về Chúa. Bởi thế, giáo dục Kitô không những hướng tới giáo dục ý thức trách nhiệm và sử dụng đúng đắn tự do, mà còn về niềm tin, cầu nguyện, sống theo Lời Chúa và tiếng gọi của Chúa. Trong bối cảnh đó cả gia đình cùng cầu nguyện rất có ý nghĩa.

 Lược trích từ  Văn phòng HĐGMVN (hdgmvietnam.com)

Chia sẻ Bài này:

Related posts