THÁNH  FAUSTINA  VÀ  ĐỜI  SỐNG  NỘI  TÂM

          Có thể nói, giáo hội đã bước vào cao trào của cơn khủng hoảng khi xảy ra liên tiếp  những vụ việc được coi là…đại nghịch bất đạo và gần đây nhất  đó là có người đàn bà  đã được mời…đồng tế trong một Thánh Lễ: “ Bà Monica Schmid 65 tuổi cho đến thời gian gần đây đã phụ trách cộng đoàn giáo xứ St Martin ở Illnau – Effretikon gần thành phố Zurich. Ngày 28/8/2022 vừa qua trong thánh lễ từ biệt nhiệm vụ trước khi về hưu bà đã đồng tế thánh lễ, mặc áo đời, đứng tại bàn thờ cạnh linh mục và cũng hành động như một linh mục đồng tế, đọc chung Kinh Nguyện Thánh Thể với lời truyền phép” ( Nguồn Vietcatholic News 08/9/2022 – Quá điên: Lm ưu ái mời người đẹp cùng đồng tế thánh lễ, giám mục và giáo dân ngỡ ngàng bối rối ).

          Mời một người đàn bà…đồng tế với mình, vị linh mục nọ chẳng những mắc vào Tội Phạm Thánh nghiêm trọng mà còn chẳng hiểu gì về thiên chức linh mục của mình. Tại sao ? Bởi vì thiên chức ấy qua Bí Tích Truyền Chức Thánh đã trở nên một Ki Tô Khác ( Alter Christus ) hầu thi hành sứ mạng được giao phó: “ Này con đây, con đến để thực thi Ý Cha” Dt 10, 7 ).

          Sứ mạng của Đức Ki Tô cũng như của các Linh Mục là để hướng dẫn Dân Chúa thực thi Thánh Ý Thiên Chúa. Thế nhưng làm sao có thể thực hiện điều ấy nếu không quay về với nội tâm mình ? Thánh Faustina đã trải qua cuộc đời từ thuở ấu thơ cho đến khi nhắm mắt lìa đời để sống Ơn Gọi Trở Về ấy.

I/- Thời thơ ấu

          Faustina sống trong một gia đình tuy nghèo nhưng tràn đầy đức tin Công giáo. Ngay từ tấm bé, Helenka ( tên thường gọi ở nhà ) đã được dạy các kinh thường nhật và nhờ sáng dạ, chỉ qua hai ba lần  là thuộc làu. Khi mới lên năm bé đã tỉnh giấc, ngồi lên cầu nguyện vào lúc nửa đêm, bà mẹ thấy con có lối đạo đức…bất thường như thế đã nhẹ nhàng nói: Thôi nằm xuống ngủ đi không có thì điên mất đấy. Helenka trả lời: Ồ không thưa mẹ, thiên thần bản mệnh đánh thức con dậy cầu nguyện đấy chứ !

          Khi vừa lên bảy lên tám, nhờ được bố cho đọc truyện các Thánh  và do có một trí nhớ tốt nên cô bé thường hay tụ tập đám trẻ con quanh xóm kể lại cách sinh động  và khi  kết thúc câu chuyện, bé nói một cách nghiêm túc rằng một ngày kia khi lớn lên mình sẽ rời bỏ gia đình để sống chung với các ẩn sĩ trong rừng, chỉ ăn rễ cây và rau dại hoặc  trở thành một nhà thừa sai đi giảng đạo cho các dân ngoại !

          Trong khi vẫn sống trong gia đình, chăm chỉ làm việc nhưng tâm trí của cô thiếu nữ Helen luôn tự nhủ cuộc đời mình là để toàn tâm phụng sự Thiên Chúa. Mặc dù chưa mường tượng  nổi đời sống tu dòng như thế nào nhung chị biết sẽ có một nếp sống như vậy ở một nơi nào đó và nếp sống ấy là để dành cho mình.

II/- Hết lòng tìm kiếm

          Thế chiến thứ nhất bùng nổ, toàn bộ đất nước Ba Lan lâm cảnh điêu linh, gia đình lâm cảnh bần cùng. Helen khi ấy đã 15 tuổi xin với mẹ cho phép đi giúp việc nhà cho người ta. Nhưng sau một thời gian chị trở về nhà xin cha mẹ cho đi tu dòng nhưng cả hai ông bà đều rất mực từ chối với lý do  gia đình mình quá nghèo không kiếm đâu ra của hồi môn như thể lệ các dòng tu thời ấy.

          Bị từ chối, Helen cảm thấy khổ sở nhưng rồi chị  vẫn cương quyết lên thành phố đến sống nhờ nhà ông chú và đi giúp việc cho mấy phụ nữ thuộc Dòng Ba Phan Xi Cô. Người chú vì thấy đứa cháu  ngoan, chịu thương chịu khó  lại có ý định đi tu nên thường hay trêu đùa có ý can ngăn. Nhưng Helen tỏ ra cương quyết: “ Cháu sẽ phụng sự Thiên Chúa vì đó là điều quyết tâm của cháu từ khi còn nhỏ và cháu sẽ làm được điều ấy”.

          Cùng với quyết tâm ấy, Helen trong một lần kia đang khi cầu nguyện  trong đêm khuya thanh vắng đã được nghe tiếng Chúa: “ Con hãy giã từ trần thế mà vào dòng”. Tiếng gọi ấy một lần nữa đã thôi thúc trở về nhà nói rõ ý định đi tu của mình nhưng vẫn bị cả cha lẫn mẹ nhất quyết từ chối. Quá chán nản, Helen đã bỏ ý định đi tu và cố gắng không lưu tâm, thậm chí còn cố trấn áp những cơn soi động của Chúa bằng cách  lao vào những thú vui  như mải miết chăm lo ngoại hình hay mua sắm đồ thời trang, đua đòi theo bạn bè tham dự cuộc vui khiêu vũ v.v…

          Trong một buổi khiêu vũ, khi mọi người hết sức hào hứng vui vẻ còn Helen lại cảm thấy u uất. Khi điệu nhảy bắt đầu, chị cảm nhận một kinh nghiệm thần bí. Chúa Giê Su mình đầy thương tích, nhìn chị như oán thán và nói: “ Cha còn phải chịu đựng con cho đến bao giờ. Con còn phụ rẫy Cha cho đến bao giờ nữa đây ?”

          Lập tức rời bỏ vũ trường cách êm thấm, Helen nhắm thẳng hướng đến nhà thờ chính tòa, sấp mình xuống trước nhà tạm, chị van nài Thiên Chúa soi sáng  cho biết việc phải làm, bỗng có tiếng nói: “ Con hãy lập tức đi Warsaw, con sẽ vào một tu viện ở đó”. Helen chỗi dậy, ngưng cầu nguyện và ngay sáng hôm sau, chào biệt chị Josephin và trở lại nhà ông chú báo tin  và nói chú chuyển bộ quần áo  này cho mẹ cháu. Ông chú ngạc nhiên nói: “ Thế cháu lấy gì mà mặc ? Helen đáp: Những gì trên người cháu đây đã đủ rồi. Chúa Giê Su sẽ lo liệu mọi nhu cầu cho cháu”.

          Mặc dù với lòng tin và quyết tâm như thế nhưng chiều hôm ấy khi tàu đến sân ga Warsaw, chị rùng mình hoảng sợ, bị cuốn theo dòng người nhưng thật tình chị chẳng quen biết một ai và cũng chẳng biết đi đâu về đâu ? Helen sợ hãi và than thở cùng Mẹ Thiên Chúa: “ Lạy Mẹ Maria xin dìu dắt, hướng dẫn con”. Ngay khi ấy chị được nghe tiếng nói hãy  đến một làng lân cận ở ngoại ô, nơi đó sẽ có chỗ trú ngụ an toàn.

          Qua Nhật Ký của chị Thánh Faustina cho thấy trong việc tìm kiếm  và thực thi Thánh Ý Chúa, dường như không bao giờ không gặp trở ngại. Thế nhưng nếu có lòng cậy trông, tin tưởng  thì luôn có Chúa ở bên cạnh để đỡ nâng soi sáng từng bước một.

          Sau một đêm ở trọ, ngay sáng sớm hôm sau, Helen đến tham dự Thánh Lễ nơi một nhà thờ gần đó và xin Chúa cho biết những bước tiếp theo và được nghe tiếng Chúa: “ Con hãy đến gặp vị linh mục, cho ngài biết tất cả, ngài sẽ dạy con phải làm gì tiếp theo”. Thế  rồi sau Thánh Lễ, Helen vào  nhà xứ gặp cha tỏ bày mọi sự. Ngài khuyên con hãy vững lòng tin tưởng nơi Chúa  và trao cho chị một lá thư giới thiệu  đến giúp việc cho một bà giàu có trong vùng hầu có dịp sẽ xin vào nhà dòng trong thành phố.

          Trong những ngày chờ đợi ấy, hễ có dịp Helen tìm đến các tu viện xin được gặp bề trên nhưng nơi nào cũng không muốn nhận vì thấy cái vẻ ngờ nghệch lại đang sống bằng cái nghề…giúp việc chẳng danh giá gì ! Helen  tuy chán nản nhưng vẫn đặt hết hy vọng vào Chúa và ơn gọi của mình. Lần kia, chị đến gõ cửa tu viện Đức Mẹ Nhân Lành nhưng thoạt đầu bị mẹ bề trên từ khước nhưng sau giây lát chần chừ bà nói: Hãy đến gặp chủ nhân của nhà dòng xem sao. Helen hiểu ý bèn đến quỳ trước Nhà Tạm cầu xin với Chúa thì nghe được lời này: “ Cha nhận con. Con ở trong trái tim Cha”.

          Dù đã được nhận vào dòng đúng như ước nguyện bấy lâu nhưng chỉ sau vài tuần sống tại nơi ấy chị đã bị cám dỗ nặng nề muốn ra đi  để tìm đến một nhà dòng khác để được sống cách nghiệm ngặt hơn và sau khi xin gặp mẹ bề trên không được Helen đến bên Nhà Tạm xin với Chúa nhưng Ngài đã hiện ra mình đầy thương tích. Chị  cất tiếng hỏi: Lạy Chúa, ai đã làm cho Chúa đớn đau như vậy ? Chúa đáp: Chính con đã gây cho Cha nỗi đớn đau này nếu như con rời bỏ tu viện. Đây là nơi Cha đã gọi con chứ không phải một nơi nào khác và Cha đã dọn nhiều Ơn Thánh cho con”.

          Trong việc tìm kiếm, đó không phải là…tìm Chúa nhưng là tìm Thánh Ý Ngài dù rằng Thánh Ý Chúa không bao giờ phù hợp với ý mình ? Helen vì muốn rời bỏ dòng Đức Mẹ Nhân Lành để tìm đến một nhà dòng có lối tu nhiệm nhặt hơn nhưng Ý Chúa lại không  như vậy !

III/- Gian nan, thử thách

          Sau lần khấn dòng lần thứ nhất, Helen được đổi tên thành Mary Faustina có nghĩa  là may mắn, diễm phúc, được chúc lành. Thế nhưng việc …chúc lành ấy chỉ Thiên Chúa mới biết còn người đời thì không. Để nhận được sự chúc lành ấy, các thánh cũng như Faustina không phải là ngoại lệ nghĩa là trải qua “ Đêm Tối Đức Tin”. Thử thách này kéo dài trong suốt sáu tháng trời  và chị không hề cảm nghiệm được một chút an ủi nào trong khi vẫn dốc lòng cầu nguyện.

          Khi ấy những khốn khó nội tâm lại chồng chất thêm vào  những gian truân bên ngoài. Chị đã liên tục làm nhiều tuần bát nhật  để xin ơn soi sáng nhưng  xem ra chẳng ích lợi gì ! Bỗng trong một giấc mơ chị thấy Thánh Teresa Hài Đồng Giê Su hiện ra nói: “ Trong chuyện này em đừng lo lắng gì cả nhưng hãy tín thác hơn nữa vào Chúa. Trước kia chị cũng đau khổ khủng khiếp lắm”.

          Con đường đi sâu vào nội tâm không sao tránh khỏi thử thách, thế nhưng cũng chính là với những thử thách ấy đã khiến cho các thánh càng thấy mình cần đặt niềm tin vào Chúa Giê Su, Đấng là đường là sự thật và là sự sống…Cơn thử thách ngày càng khốc liệt khi Sa Tan nhập vào tâm trí chị và nói rằng Thiên Chúa đã ruồng bỏ mày, không còn trông mong gì ở Ngài nữa đâu. Faustina ngất đi vì sợ hãi, thân thể rã rời…

          Tới tận lúc chiều muộn, có người báo và mẹ bề trên đến nhân danh Chúa truyền cho chị ngồi dậy đồng thời nhỏ nhẹ an ủi: “ Chị hãy vững lòng tín thác, Thiên Chúa lúc nào cũng là Hiền Phụ của chúng ta kể cả khi Người gửi thử thách đến chúng ta”.

          Những thử thách gặp phải trên con đường thực hiện tâm linh là cần thiết để linh hồn  được tôi luyện. Thế nhưng con người không thể vượt qua nếu không có Ơn Chúa. Một hôm mẹ Michael  nói  với Faustina: “ Này chị, trên đường đi của chị, những đau khổ trổi lên từ lòng đất. Tôi nhìn chị như một nạn nhân bị đóng đinh. Nhưng tôi thấy Chúa Giê Su có nhúng tay trong vụ này. Chị hãy trung thành với Người”

          Có câu hỏi không thể không đặt ra: Trung thành với Chúa và chịu đau khổ như thế để làm gì. Có phải đau khổ chỉ để đau khổ hay sao ?  Trong dòng người ta đồn thổi  cho rằng Faustina chỉ giả vờ bệnh để …trốn việc. Chị rất khổ tâm thưa với Chúa và được Ngài an ủi: “ Không phải con sống cho chị em nhưng là cho các linh hồn và các linh hồn sẽ được hưởng lợi rất lớn từ những đau khổ của con. Việc đau khổ triền miên của con sẽ đem lại cho họ ánh sáng và sức mạnh để chấp nhận Thánh Ý Cha”.

          Ý nghĩa đau khổ các Thánh phải chịu đã được Chúa Giê Su tỏ bày nhưng có những thử thách ngày càng dữ dội dường như đã… đánh ngã chị. Chúa Giê Su ngỏ ý sẽ thành lập một hội dòng mới để chuyên tâm việc cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa. Faustina trong một lần đã nói ý nguyện của Chúa như vậy  và đã bị cha giải tội quở trách: “ Này chị, chị không được nghe theo bất kỳ một xúi bẩy nào nữa. Chị hãy vứt quách thứ ấy ra khỏi đầu óc. Đừng lưu ý gì đến những điều chị nghe trong linh hồn và hãy cố gắng chu toàn những bổn phận bên ngoài của chị cho tốt. Đừng nghĩ ngợi gì đến những điều này và vứt cho xa khỏi tâm trí của chị đi”.

          Nghe theo tiếng nói nội tâm để đem ra thực hành, việc ấy đem đến những nỗi khổ đau đáng ghê sợ đối với  Faustina nhưng đây là sứ mạng mà Chúa đã trao phó và cũng là niềm hy vọng lớn lao của chị: “ Tôi biết nếu như tôi đã hoàn thành tất cả những điều Thiên Chúa đã tiền định cho tôi trên chốn dương gian này ắt Người không để tôi lại trên cõi đời này nữa vì Thiên Đàng mới là quê hương đích thực. Nhưng trước khi trở về quê hương, chúng ta phải chu toàn Thánh Ý Chúa tức là các thử thách và chiến đấu phải được nên trọn nơi chúng ta”.

IV/-  Tìm kiếm để trở về

          Ngay từ tấm bé, Helen đã quyết chí phụng sự Thiên Chúa  và cuối con đường tìm kiếm, chính là nhận ra Thiên Chúa Đấng ở nơi mình hay nói cách khác việc tìm kiếm ấy chỉ có thể thành tựu nếu con người biết quay trở về với chính mình. Chúa nói với Faustina: “ Nhân loại sẽ không được bình an cho đến khi nào quay về với lòng thương xót của Cha với niềm tín thác. Ôi ! Cha đã phải chịu đau đớn biết bao  vì sự nghi ngờ của một linh hồn. Họ tuyên nhận Cha là Đấng Thánh Thiện  và Công Bằng  nhưng không tin Cha là Tình Thương và không tin vào lòng nhân lành của Cha. Đến như ma quỷ cũng tán dương ưu phẩm công bình của Cha nhưng chúng không tin vào lòng nhân lành của Cha. Trái tim Cha sung sướng với tước hiệu Thương Xót…

          …Con hãy công bố Lòng Thương Xót là ưu phẩm vĩ đại nhất của Thiên Chúa. Tất cả công trình tay Cha thực hiện đều được tôn vinh với lòng thương xót”. Là người không ai không muốn cho mình được sống trong an bình, hạnh phúc nhưng hầu như tất cả đều làm điều ngược lại với lòng tham lam, sân hận, ích kỷ….Có điều nghịch lý thế gian không bao giờ hiểu đó là muốn có được hạnh phúc cho mình thì hãy …quên mình đi bằng cách đem hạnh phúc đến cho người. Muốn tránh thoát khổ đau thì đừng theo ý mình mà biết vâng theo Ý Chúa dù Ý Chúa nhất thời không dễ để chấp nhận.

          Trong ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời, Faustina đắm chìm trong cầu nguyện và được Mẹ soi sáng: “ Chúng ta không thể làm hài lòng Thiên Chúa  nếu không vâng phục Thánh Ý Người. Mẹ hết lòng ước mong con  hãy trổi vượt  trong việc chu toàn Thánh Ý Chúa trước tất cả mọi hy sinh và của lễ toàn thiêu”

          Người đời phải gánh chịu hết khổ đau này đến khổ đau khác với lòng oán than trách móc nọ kia mà không biết rằng những khổ đau ấy  là do chính mình tạo nên. Đang khi đó khổ đau nếu biết thông phần kết hợp với khổ đau của Đức Ki Tô đó lại là  niềm vui khôn tả. Chúa nói: “ Ái nữ của Cha, con hãy biết rằng nếu  Cha cho con cảm nghiệm và hiểu biết sâu xa những đau khổ của Cha thì đó là một hồng ân. Nhưng khi tâm trí con mù mịt và những đau đớn của con trở nên dữ dội, lúc ấy con được tham dự tích cực vào cuộc thương khó của Cha và Cha đang cho con được hợp nhất với Cha cách sung mãn hơn. Lúc ấy nhiệm vụ của con là hãy phó mình cho Thánh Ý Cha hơn những lúc khác”.

          Để trở về với Thiên Chúa, Đấng Giàu Lòng Thương Xót thì nhất thiết cần có đức ái tinh ròng. Trong Thánh Lễ Tuần Thương Khó, Chúa nói với Faustina: “ Hỡi học trò của Cha, con hãy có một đức ái cao cả với những người làm con đau khổ. Con hãy làm lành với những kẻ ghét con. Chị Thánh thưa lại: Lạy tôn sư của con, Chúa thấy quá rõ, con không cảm thấy thương yêu họ chút nào và điều ấy khiến con phiền não. Chúa trả lời: “ Không phải lúc nào năng lực  của con cũng có thể kiểm soát được các xúc cảm. Con sẽ nhận ra mình có đức ái nếu sau khi chịu phiền não và chống đối con vẫn không mất bình an nhưng cầu nguyện và ước muốn điều lành cho những người đã làm con đau khổ”

          Cầu nguyện và tha thứ cho những kẻ làm khốn mình. Lời Chúa đã vang vọng suốt bao thế kỷ nhưng để thực hành là điều khó vạn nan. Tuy nhiên đối với Thiên Chúa, Ngài vẫn có phương thế Cứu Độ dành cho những kẻ còn có lòng tin dù  thật  mỏng manh: “ Vậy Thiên Chúa há chẳng thân oan cho tuyển dân Ngài là kẻ đêm ngày kêu cầu Ngài, dẫu Ngài đã nín nhịn họ khá lâu rồi ư ? Ta nói cùng các ngươi, Ngài sẽ kíp thân oan cho họ. Dầu vậy, khi Con Người đến há sẽ tìm được đức tin trên mặt đất này chăng ? ( Lc 18, 7 -8 ).

V/-  Ảnh và Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót

          Bất cứ công cuộc lớn lao nào của Thiên Chúa dành cho nhân loại cũng bị chối từ và trường hợp Bức Ảnh Chúa Thương Xót mà Chúa Giê Su mạc khải cho Faustina cũng vậy:“ Ngay sau khi chị thánh Faustina được Chúa truyền thực hiện bức ảnh của Người, các nữ tu đã công khai  coi chị như một thị nhân điên khùng. Những lời đồn thổi mỗi ngày một nhộn nhạo hơn. Có nữ tu cảm thấy thương hại nên thành thực nói với Faustina: Này chị ! Tôi nghe người ta nói chị là người hoang tưởng và có nhiều thị kiến. Người chị em đáng thương của tôi ơi ! Chị hãy giữ mình trong vấn đề này”.

          Thấy mình không được ai trợ giúp, chị thánh chạy đến với Chúa Giê Su: “ Lạy Chúa nếu Thánh Ý Chúa muốn con cứ sống mãi trong tình trạng phấp phỏng này, nguyện Thánh Danh Chúa được chúc tụng. Lạy Chúa con nài xin Chúa hướng dẫn linh hồn con và ở với con vì con chỉ là hư vô !”.

          Trước bất cứ trở ngại nào nhất là về phương diện tâm linh cũng phải cần đến Ơn Chúa, nếu không thì không thể không thất bại: “ Vì ngoài Ta các con không thể làm gì được” ( Ga 15, 5 ). Ơn Chúa luôn có đấy với những ai biết cậy trông nơi Ngài. Tuy nhiên đối với việc xin phổ biến Bức Ảnh Chúa Thương Xót thì sự thử thách đối với Faustina là …quá nặng nề. Một ngày kia khi đến trình bày  đã bị  một bề trên  mắng như tát nước vào mặt: Cái chị dở hơi, đồ thị kiến điên khùng, cút xéo ra khỏi phòng này ngay, đừng có mà nói vớ nói vẩn chị kia”.

          Faustina trở về phòng, cõi lòng tan nát và tự nhủ phải chăng đây là phần thưởng dành cho mình vì sự trung thành và thực tâm hay sao ? Chị chỉ còn biết than thở với Chúa: Lạy Chúa Giê Su, lạy Chúa Giê Su con không thể tiếp tục được nữa. Trong lòng chị thánh dường như không còn có ai nương tựa. Đột nhiên chị nghe tiếng Chúa: “ Đừng sợ, Cha ở với con” Một ánh sáng soi trong tâm trí  và chị đã hiểu rằng không nên đầu hàng trước những phiền sầu như thế !

          Tại sao Bức Ảnh Chúa Thương Xót lại bị ngay chính bề trên  cũng như cha giải tội linh hướng nhà dòng chê chối như thế ? Đó là vì người thụ khải là một nữ tu tầm thường, nghèo khó, dốt nát…Con người ta chỉ  chuộng những gì là trí thức, danh giá có chức có quyền mà không biết rằng Chúa chỉ  tỏ mình và ban ơn cho những kẻ đơn sơ bé mọn và đây chính là trường hợp của Faustina và của nhiều chứng nhân trong thời đại hôm nay.

          Không những Bức Ảnh Chúa Thương Xót từ đầu đã không được nhìn nhận ngay từ nơi phát tích mà còn bị giáo hội  cấm cản sau khi phong trào tôn sùng của giáo dân lan rộng. Vào năm 1959 Vatican đã ban hành cấm không được truyền bá việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa. Mãi đến năm 1978  thời đức thánh cha Gioan Phao Lô II  việc sùng kính Bức Ảnh Chúa Thương Xót và chuỗi kinh Lòng Thương Xót mới được khôi phục.

          Như đã nói, phương thế Cứu Độ của Thiên Chúa  cho thời đại hầu như   mất đức tin hôm  nay chính là Bức Ảnh Chúa Thương Xót cùng với lời nguyện ghi ở bên dưới: “ Lạy Chúa Giê Su, con tín thác vào Chúa”. Cùng với Bức Ảnh là Chuỗi Kinh Lòng Chúa Thương Xót đã nói lên tính chất khẩn trương dành cho những ai đã và đang trông chờ Ngày Chúa đến.

          Ngày, giờ của Chúa thì không thể biết nhưng cái chết của mỗi người là điều chắc chắn không ai tránh khỏi. Cây nghiêng chiều nào sẽ đổ chiều ấy. Chúa hứa với Thánh Faustina đồng thời cũng là cho mỗi người trong chúng ta: “ Trong giờ sau hết của đời mình, Ta sẽ bảo bọc mọi linh hồn đã đọc chuỗi kinh này như vinh quang riêng của Ta”./.

Phùng  Văn  Hóa

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts