Sau khi được ơn trở lại, Thánh Phao Lô đã nói lên lời khẳng khái: “ Vì tôi đã quyết định rằng ở giữa anh em, tôi chẳng biết sự gì khác ngoài Chúa Giê Su Ki Tô và Giê Su Ki Tô chịu đóng đinh trên thập tự giá” ( 1C 2, 2 ).
Không biết sự gì khác, ngoài Chúa Giê Su Ki Tô chịu đóng đinh trên thập tự giá và quả thật ngài đã không lầm vì…cái biết đó khi nói với môn đệ mình là Timotheo: “ Vì ta sắp phải đổ máu mình ra như của lễ thiêu. Giờ qua đời của ta đã gần. Ta đã đánh trận tốt đẹp và ta đã giữ vững được đức tin. Giờ đây ta chỉ còn chờ đợi triều thiên công chính sắp dành cho ta. Chúa là quan án chí công, sẽ ban triều thiên cho ta trong ngày đó. Chẳng những cho ta mà còn cho mọi kẻ yêu mến sự hiện ra của Ngài nữa” ( 2Tm 4, 6 -8 ).
Đời sống Ki Tô Hữu là một đời chiến đấu và chúng ta chỉ có thể hoàn tất cuộc chiến đó khi có lòng trông đợi sự hiện đến của Chúa trong giờ sau hết. Thế nhưng làm sao có thể có được lòng cậy trông ấy nếu trong suốt cuộc đời, chúng ta không có lòng yêu mến Thập Giá Chúa Ki Tô ?
Có thể nói…yêu mến Thập Giá đó là khoa học tối ưu của con đường nên Thánh. Trái lại những ai không yêu mến và vác thập giá đời mình thì chắc chắn đó không phải là môn đệ Chúa Ki Tô. Trong thời Tục Hóa cao độ hiện nay, người ta chẳng những không yêu mến, trái lại còn muốn… đạp đổ thập giá dưới nhiều hình thức khác nhau !!!
Trong một tác phẩm của mình, A.W Tozer viết: “ Thập giá cũ giết chết con người, thập giá mới cứu sống nó, thập giá cũ kết án con người, thập giá mới làm vui nó, thập giá xưa hủy diệt niềm tin vào thân xác, thập giá mới khích lệ nó, tiết lộ “ Một Kế Hoạch Cho Thân Xác” từ Thiên Chúa” ( Nguồn ĐBĐM – 25/2/2022 – Lm Minh Anh – Một kế Hoạch Cho Thân Xác ).
Làm gì có cái chuyện…thập giá cũ, thập giá mới bởi nếu “ Đức Ki Tô hôm qua, hôm nay và cho đến muôn đời vẫn chỉ là một ( Dt 13, 8 ) thì làm gì có thập giá…cũ, thập giá…mới ở đây ? Sở dĩ có cái gọi là thập giá cũ, thập giá mới là bởi xuất phát từ quan niệm… Một Kế Hoạch Cho Thân Xác. “ Tư tưởng của A.W Tazer một lần nữa toát lên trong Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay. Thánh Vịnh đáp ca: Chúa là Đấng từ bi, nhân hậu. Lời Thánh Giacobe: Chúa đầy lòng thương xót và lân mẫn cho thấy tình yêu ngàn đời của Ngài đối với con người. Thiên Chúa tạo dựng loài người có nam có nữ và ngài có một kế hoạch cho thân xác của nó: Chúng đã nên một thân xác” ( Nguồn ĐBĐM 25/2/2022 đã dẫn ).
Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ nhưng nếu cho rằng việc Cứu Độ ấy là… Kế Hoạch Dành Cho Thân Xác thì cần gì Đức Giê Su Ki Tô phải xuống thế làm người đến nỗi đã phải chết nhục nhã đớn đau trên cây thập tự ? Chúa Giê Su cần phải chết để chúng ta được sống và chính cái chết đó mà Ngài đã thể hiện Tình Yêu lớn lao của Thiên Chúa dành cho nhân loại: “ Vì Thiên Chúa thương yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài hầu cho hễ ai tin Con ấy sẽ không bị hư mất nhưng có được Sự Sống Đời Đời” ( Ga 3, 16 ).
Tin Chúa Giê Su có nghĩa là tin vào sự chết và sống lại của Ngài. Có thể nói cách quả quyết rằng nếu không qua cái chết…tự nguyện ấy thì sẽ không có Giáo Hội mà đã không có Giáo Hội thì làm gì có các Bí Tích ban Sự sống Đời Đời ? Cái lầm chí tử của thần học là đã giải Sách Sáng Thế theo nghĩa…mặt chữ ( Sens Litteral ) về Đấng Tạo Dựng và vì thế đã không thể nhận ra Công Cuộc Cứu Độ của Đức Ki Tô: “ Thật vậy, chúng ta là những tạo vật của Thiên Chúa. Chúng ta được dựng nên trong Chúa Giê Su Ki Tô để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp đã dành cho chúng ta” ( Eph 2, 10 ).
Ở đây ta thấy có hai quan niệm hoàn toàn khác biệt về…Tạo Dựng. Đối với thần học thì lẽ dĩ nhiên có đấng tạo thành vũ trụ vạn vật trong đó ông A Dong, bà Eva là hai con người đầu tiên. Thế nhưng quan niệm này đã bị đánh đổ bởi triết học Hiện Sinh Vô Thần và học thuyết Tiến Hóa của Darwin. Còn với Thánh Phao Lô thì toàn thể tín hữu đã được dựng nên trong Chúa Giê Su Ki Tô hầu thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã dành cho con người.
Công trình tốt đẹp đó chính là Con Đường Thập Giá Chúa Ki Tô. Thật vậy, ngay trong thời Cựu Ước…công trình này đã được loan báo cùng với sự xuất hiện của Đức Ki Tô:“ Này đầy tớ Ta đây là kẻ Ta nâng đỡ là kẻ Ta chọn lựa là kẻ mà linh hồn Ta lấy làm đẹp lòng. Ta đã đặt thần Ta trên Người. Người sẽ tỏ ra sự công bình cho dân ngoại. Người sẽ chẳng kêu la, chẳng lên tiếng, chẳng để ngoài đường phố nghe tiếng mình. Người sẽ chẳng bẻ cây sậy đã giập và chẳng dụi tim đèn còn cháy. Người sẽ lấy lẽ thật mà tỏ ra sự công bình” ( Is 42, 1 -3 ).
Lời tiên báo của tiên tri Isaia về Đức Ki Tô cho thấy Con Đường Cứu Độ của Thiên Chúa cũng chính là Con Đường Thập Giá mà qua đó con người sẽ nhận biết Sự Thật. Chúa Giê Su nói với những người Do Thái đã tin Ngài rằng: Nếu các ngươi cứ ở trong đạo Ta thì thực là môn đệ Ta, các ngươi sẽ nhận biết sự thật và sự thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 -32 ).
Con người sẽ được giải thoát một khi nhận biết Sự Thật và Sự Thật đó chính là mỗi người được sinh ra đều là Hình Ảnh Thiên Chúa là Con Thiên Chúa ( St 1, 26 ). Tuy vậy để nhận biết được Sự Thật ấy là điều rất khó bởi từ muôn thuở con người không ai là không vướng vào cái chấp sâu dày cho xác thân này là mình ( Ngã Chấp ). Chính vì thế khi nghe Chúa Giê Su nói về việc giải thoát, người Do Thái liền phản ứng:“ Chúng tôi là dòng giống Apraham chưa hề làm tôi mọi ai. Vậy sao Thầy lại nói: Các ngươi sẽ được tự do ?” ( Ga 8, 32 -34 ).
Chúa Giê Su đáp: “ Quả thật, Ta nói cùng các ngươi: Hễ ai phạm tội đó là tôi mọi của tội”( Ga 8, 34 ). Bao lâu còn …chấp xác thân là mình thì còn sống trong tội và như thế sẽ còn mãi xa cách Thiên Chúa, Đấng ở nơi mình:“ Vậy chúng ta hãy luôn vững lòng vì biết rằng khi chúng ta ở trong thân xác thì còn xa cách Chúa. Vì chúng ta bước đi bởi đức tin chứ chẳng phải bởi mắt thấy. Vậy chúng ta hãy vững lòng, thà nguyện lìa khỏi thân xác này để ở cùng Chúa thì tốt hơn. Cho nên chúng ta hoặc còn ở hoặc lìa khỏi cũng lập chí sao cho đẹp lòng Ngài” ( 2 C, 4, 6 -9 ).
Để đạt được thành công trong bất cứ lãnh vực nào dù là đời thường hay tâm linh thì ai cũng phải cố gắng hết mình. Tuy nhiên mục đích đạt được lại rất khác nhau:“ Mọi người đấu sức trong cuộc đua thì tiết chế mọi sự. Vả họ làm vậy chẳng qua là để lãnh lấy mão miện hay hư nát. Còn chúng ta thì để lãnh lấy mão miện chẳng hay hư nát” ( 1C 9, 25 ).
Để đạt được mão miện chẳng hay hư nát là Nước Thiên Đàng Hằng Vui, Hằng Sống thì Ki Tô Hữu chúng ta cần phải chiến đấu không phải với kẻ thù địch bên ngoài nhưng là với chính “ Cái Tôi” ảo tưởng nơi mình: “ Vậy tôi thấy trong tôi có luật này: Khi tôi muốn làm điều thiện thì điều ác lại cặp theo tôi. Vì theo người bề trong, tôi vẫn vui thích luật pháp của Thiên Chúa. Nhưng tôi thấy trong thân thể tôi có một luật khác chiến đấu với luật trong tâm trí tôi, bắt tôi làm nô lệ cho luật của tội lỗi vẫn ở trong thân thể tôi. Ôi ! Tôi là kẻ khốn nạn dường nào. Ai sẽ giải cứu tôi khỏi thân thể của sự chết này ? Cảm tạ Thiên Chúa, nhờ Đức Giê Su Ki Tô, Chúa chúng ta” ( Rm 7, 21 -25 ).
Chỉ nhờ Đức Ki Tô, chúng ta mới được cứu nhưng nên nhớ việc …cứu đó là cứu phần hồn chứ không phải là cứu cái thân thể…hay chết này. Thân xác con người nói riêng và cõi thế gian nói chung đều mang tính chất…hay chết có nghĩa là vô thường chóng qua nay còn mai mất: “ Sự sống anh em là chi ? Chẳng qua như là chút hơi nước, hiện ra một lát rồi lại tan mất” ( Gc 4, 14 ).
Thế gian là cõi vô thường, do duyên hợp tạm có và có đấy rồi lại mất liền ngay đấy. Thế nhưng người đời vì u mê, lầm lạc cho là thật có để rồi bị nó cuốn lôi vào những đam mê, dục lạc khiến phải chuốc lấy muôn vàn khổ đau mà không biết.
Đức Ki Tô từ trời xuống có sứ mạng đem đến Sự Thật nhưng con người lại không nhận ra. Chúa Giê Su nói với Nicodem, một trí thức hàng đầu Do Thái: “ Quả thật, Ta nói cùng ngươi. Chúng ta nói điều đã thấy, còn các ngươi thì chẳng nhận lời chứng của chúng ta. Ví bằng Ta nói với các ngươi việc thuộc về đất, các ngươi còn chẳng tin. Huống chi Ta nói việc thuộc về trời thì các ngươi tin sao được ? ( Ga 3, 11 -12 ).
Chúa nói với Nicodem những việc thuộc về trời nhưng…trời đây không phải là cõi trời trong không gian vật lý nào đó nhưng chính là ám chỉ cho Tâm Thể vốn sẵn có ở nơi mỗi người. Tâm Thể ấy có khi Chúa Giê Su gọi là Nước Trời có khi là Đấng Cha v.v…Tuy danh xưng có khác nhưng vẫn là Thực Tại Tâm duy nhất.
Thực Tại Tâm ấy Chúa đã tỏ bày cho các Tông Đồ, trước khi Ngài ra đi hiến thân chịu chết: “ Môn đồ thưa: Kìa ! bây giờ Thầy đã nói tỏ tường , không nói bằng dụ ngôn nữa. Nay chúng tôi biết rằng Thầy biết mọi sự không cần ai hỏi Thầy. Bởi đó chúng tôi tin rằng Thầy đến từ Thiên Chúa. Chúa Giê Su đáp: Bây giờ các ngươi tin chăng ? Này giờ sắp đến và thật đã đến rồi, các ngươi sẽ tan tác, ai đi đường nấy bỏ Ta một mình. Nhưng Ta không ở một mình đâu vì Cha ở cùng Ta. Những điều đó Ta đã nói cho các ngươi hầu cho các ngươi được bình an trong Ta. Các ngươi sẽ có hoạn nạn trong thế gian nhưng hãy vững lòng, Ta đã thắng thế gian rồi” ( Ga 16, 29 -33 ).
Chúa nói những lời tâm huyết sau cùng này đang khi còn ở thế gian nhưng hầu như các Tông Đồ vẫn chưa hiểu và rồi đúng như Chúa đã báo trước. Các ông tản mác mỗi người mỗi ngả cùng với tâm trạng chán nản, thất vọng. Chúa Giê Su hiện đến với hai môn đệ trên đường về Em Mau nhưng họ không nhận ra và sau khi đã kể lể về cái chết của Chúa họ than: “ Nhưng chúng tôi đã hy vọng chính Ngài sẽ chuộc dân Itsraen” ( Lc 24, 21 ).
Dù rằng Chúa đã thực sự sống lại như nhiều lần đã hứa nhưng các Tông Đồ vẫn chưa tin, lại còn sợ hãi khi Ngài hiện ra với họ: “ Lúc họ đang bàn tán về những việc ấy, chính Chúa Giê Su bất ngờ đứng giữa họ và phán: Bình an cho các con. Nhưng họ đều kinh hoảng sợ hãi, tưởng đã thấy…ma. Ngài lại phán: Sao các ngươi bối rối và sao trong lòng các ngươi lại nổi lên những ý tưởng làm vậy ? Hãy xem tay Ta, chân Ta, thật chính là Ta đây. Hãy rờ vào Ta xem, vì ma thì đâu có thịt xương như các ngươi thấy Ta có đây. Nói xong Ngài chỉ cho họ xem tay và chân Ngài. Đương khi họ chưa dám tin vì cả mừng và rất lấy làm lạ thì Ngài phán: Ở đây các ngươi có cái chi ăn không ? Họ trao cho Ngài một miếng cá nướng, Ngài nhận lấy mà ăn trước mặt họ” ( Lc 24, 36 -42 ).
Thật sự thì Chúa Ki Tô Phục Sinh không có tay, chân xương thịt và ăn uống như những người bình thường. Nhưng vì lòng thương yêu vô bờ bến và muốn vỗ về an ủi họ nên Ngài mới tỏ ra như thế. Lòng thương yêu của Chúa tất nhiên không chỉ dừng lại trên những người thân cận hoặc dân tộc Ngài mà còn muốn trải rộng đến cho toàn nhân loại.
Trước khi Chúa về trời, các Tông Đồ nhóm lại và hỏi: “ Có phải lúc này là lúc Ngài khôi phục nhà Itsraen hay không ? Ngài đáp: Thời hạn và nhật kỳ là do Cha quyết định, các ngươi chẳng nên biết. Nhưng khi Thánh Thần giáng trên các ngươi thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền năng rồi làm chứng nhân cho Ta tại Gierusalem, cả Giudea, Samari và cho đến tận cùng trái đất” ( Cv 1, 6 -8 ).
Mặc dù các Tông Đồ đã được đầy ơn Chúa Thánh Thần trong ngày Lễ Ngũ Tuần nhưng các ngài vẫn gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong việc làm chứng nhân đến nỗi đã phải bị bắt bớ, giam cầm và cả cái chết. Tại sao việc làm chứng cho Chúa lại gặp nhiều khó khăn đến thế ? Bởi vì việc làm chứng ấy là làm chứng cho Sự Thật mà thế gian khó thể chấp nhận.
Trước tòa, Philat cật vấn Chúa Giê Su: “ Dân ngươi cùng các thầy tế lễ cả đã nộp ngươi cho ta. Vậy ngươi đã làm điều gì ? Chúa đáp: Nước Ta chẳng thuộc về thế gian này. Ví bằng nước Ta thuộc thế gian này thì thần bộc Ta chắc hẳn sẽ chiến đâu để Ta khỏi bị nộp về tay người Do Thái. Nhưng nay nước Ta chẳng thuộc đời này. Philat bèn nói: Thế thì ngươi làm vua sao ? Chúa Giê Su đáp: Như ngươi nói, Ta là vua. Cốt vì cớ ấy mà Ta sanh ra cũng cốt vì cớ ấy mà Ta đến thế gian để làm chứng cho sự thật. Hễ ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng Ta. Philat hỏi: Sự thật là gì ? ( Ga 18, 35 -38 ).
Chúa Giê Su không trả lời câu hỏi của Philat bởi dù có giải nghĩa thì ông ta cũng không thể hiểu. Tại sao ? Bởi để nhận biết Sự Thật thì không có cách nào khác là phải thực hành. Không thực hành thì cũng như người muốn tới được đích lại không chịu cất dù chỉ một bước.
Trong lãnh vực tâm linh cũng vậy, nếu không thực hành thì tôn giáo chung quy chỉ là một mớ giáo điều và những hình thức cầu nguyện, vái van chẳng ích lợi gì ! Tôn giáo là …đạo tức con đường thực hiện tâm linh nhưng hễ có đường thì phải bước đi trên đó, mới có thể đến được cái nơi mình muốn đến. Thánh Giacobe nói: “ Hãy làm theo đạo, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình. Vì nếu ai nghe đạo mà không làm theo thì có khác nào người kia soi mặt mình trong gương, thấy rồi thì đi, liền quên mặt mình ra thế nào ?” ( Gc 1, 22 -24 ).
Học hỏi cho nhiều, kiến thức trang bị đầy mình mà không thực hành thì cũng giống như người soi gương rồi đi không còn nhớ…mặt mũi mình ra sao ! Qua ví dụ cụ thể này cho thấy thực hành tôn giáo chẳng có gì khác là để NHỚ lại cái Bộ Mặt Xưa Nay ( Bản Lai Diện Mục ) của mình mà thôi ?
Bộ Mặt Xưa Nay đó chính là địa vị Con Thiên Chúa vốn …sẵn có ở nơi mình mà vì vô minh nên đã không NHỚ gì đến. Thánh Phao Lô sau biến cố Da Mat đã trở thành con người hoàn toàn mới đó chính là do đã “Không biết sự gì khác ngoài Chúa Giê Su Ki Tô và Giê Su Ki Tô chịu đóng đinh trên cây thập tự.”.
Con người ngày nay, từ đứa trẻ con đến chị hàng rau, hàng cá ngoài chợ, suốt buổi chỉ trừ khi ngủ cứ dán mắt vào cái điện thoại…thông minh để chơi game, nghe nhạc, xem hết phim này phim khác khiến đầu óc suốt ngày lơ mơ chẳng biết đến sự gì khác !
Mặt khác, trong lãnh vực tôn giáo, các tu sĩ chỉ chú trọng vào việc học hành đủ thứ, ngoài triết, thần học còn học về Giáo Hội Học về Giáo Luật về Nhân Bản v.v…và v.v…Thế nhưng cái điều chính yếu là…Biết Mình thì lại chẳng biết gì cả.
“Biết Mình” có nghĩa là biết mình từ đâu đến và chết rồi sẽ…đi về đâu ? Chúa Giê Su thì biết rõ điều ấy và chúng ta cũng vậy nếu hết lòng tin và quyết chí theo Ngài: “ Ta ra từ Cha mà đến thế gian lại lìa thế gian mà về cùng Cha” ( Ga 16, 28 )./.
Phùng Văn Hóa