Trong tập Dự Báo Về TK 21, một tác giả đã xót xa viết: “ Con người hiện đại đang hưởng thụ một nền vật chất cao chưa từng có trong lịch sử thì đồng thời cũng đang bị dày vò bởi những nỗi thống khổ mà loài người chưa từng gặp phải. Rene’ Dumont cũng đưa ra nhận định: Loài người đang phải đối phó với một loạt các hiểm họa lớn lao chưa từng có, vì lần đầu tiên trong lịch sử, con người đang phải đặt lại vấn đề tồn vong của chính mình” ( Dionigi Tetta Mangi & Guy Durand – Tân Đạo Đức Sinh Học Ki Tô ).
Các hiểm họa lớn lao chưa từng có mà nhân loại hôm nay phải đối phó đó có thể là nạn ô nhiễm môi sinh, môi trường. Hiệu ứng nhà kính khiến cho trái đất nóng lên từng ngày. Băng tan trên hai đầu cực. Nạn rác thải nhựa tràn ngập v.v…
Những vấn đề trên đây đã và đang gây ra những mối hiểm họa. Thế nhưng đây thực sự chưa phải là những hiểm họa có thể đe dọa sự tồn vong của con người. Nói đúng hơn đó mới chỉ là phần hiện tượng của một bản chất sâu xa hơn làm nguyên nhân cho nó.
Nguyên nhân ấy chính là sự suy đồi về đạo đức của con người thời đại: “ Trên thực tế, ai cũng thấy rằng ngày nay các tiêu chuẩn đạo đức truyền thống không còn đủ khả năng đáp ứng cách thỏa đáng các vấn nạn nổi cộm lên từ những đổi thay sâu xa liên quan đến khoa học, kỹ thuật, tính dục hay quyền con người. Sự ngờ vực đối với quyền bính đạo đức truyền thống đã dẫn đến tình trạng hầu như sụp đổ của cả hệ thống. Có thể nói, đối với não trạng con người tân thời, không một cá nhân nào hay một tập thể nào hội đủ điều kiện để đưa ra những phán quyết tuyệt đối về mặt đạo đức. Thực tế này đã mở đường cho nhiều nền luân lý dị biệt và một loạt các hệ thống giá trị cùng tồn tại và cùng được tôn trọng. Chính sự phát triển của xu hướng đa nguyên trong lãnh vực xã hội và luân lý truyền thống đã đẩy mạnh ước muốn và nhu cầu khai thông một con đường mới là Đạo Đức Sinh Học nhằm đối phó với những thách đố mới của thời đại liên quan đến sự sống con người” ( Tân Đạo Đức Sinh Học Ki Tô đã dẫn ).
Mục đích của Đạo Đức Sinh Học được đề ra là để khai thông con đường mới nhằm đối phó với những thách đố của thời đại bao gồm trong nhiều lãnh vực chẳng hạn: Nhân bản vô tính. Phá thai. Trợ tử v.v…
Những vấn đề nêu trên sở dĩ trở thành thách đố bởi vì nó đã đụng chạm sâu xa tới tận căn nền đạo đức truyền thống Thiên Chúa giáo. Đạo đức truyền thống Thiên Chúa giáo luôn có sự tin tưởng mang tính phổ quát vào sự sinh thành của Đấng Tạo Hóa: “ ĐCT dựng nên loài người như hình Ngài. Ngài dựng nên loài người giống hình ĐCT. Ngài dựng nên người nam cùng người nữ. ĐCT ban phước cho loài người và phán: Hãy sanh sản thêm nhiều, làm cho đầy dẫy mặt đất. Hãy làm cho đất phục tùng. Hãy quản trị loài cá dưới biển. Loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất” ( St 1, 27 -28 ).
Tin tưởng có Đấng Tạo Hóa sinh thành vạn vật trong đó có con người. Hơn nữa còn sinh ra có nam có nữ. Đây là niềm tin không lay chuyển của Thiên Chúa giáo. Tuy nhiên trong thời tiến bộ vượt bực của khoa học và y học hiện nay cho thấy sự tin tưởng ấy đã bị đổ vỡ khó bề cứu vãn.
Lòng tin Đấng Tạo Hóa đổ vỡ do nhiều vấn đề được đặt ra như Thiên Văn học, Di truyền học, Tiến hóa luận….và đặc biệt mới đây là Nhân Bản Vô Tính.
I/- Nhân Bản Vô Tính
Nhân loại nói riêng và muôn loài động vật nói chung sở dĩ có thể tồn tại tới nay, tất cả là do sự truyền giống và để có thể thực hiện việc truyền giống ấy thì nhất định cần phải có nam có nữ. Có đực có cái…
Tuy nhiên với sự tiến bộ của khoa học hiện nay thì cái công việc truyền giống đương nhiên phải có trước đây có thể bị thay thế bằng việc Nhân Bản Vô Tính. Việc Nhân Bản Vô Tính trong giới thực vật người ta đã làm từ rất lâu bằng cách giâm cành hoặc chiết cây v.v…Nhưng ở nơi động vật có vú thì chưa từng có và trường hợp cừu Dolly đây là lần đầu tiên.
Tháng 2/1997, một nhóm nhà nghiên cứu sinh học ở Edinburh ( Scotland ) đã cho ra đời một con cừu đặt tên là Dolly. Đặc biệt con cừu này không phải là kết quả của một sự phối giống.
Thông thường muốn có một con cừu con, cần có sự phối hợp giữa tinh trùng của một con cừu đực và trứng một con cừu cái. Nhưng ở đây người ta lấy cái nhân một tế bào bất kỳ của một con cừu trưởng thành đoạn cấy vào trứng của con cừu cái đã loại bỏ nhân để tạo ra một cái phôi rồi cấy phôi đó vào tử cung một con cái mang thai đẻ…giùm.
Như vậy mục đích của Nhân Bản Vô Tính này là để tạo ra nhiều cá thể giống hệt cá thể gốc bởi vì cùng có một gien di truyền. Việc Nhân Bản Vô Tính ấy còn được các nhà khoa học Hàn Quốc tiến hành thành công để sinh sản ra một con bò sữa…
Khoa học luôn có những bước…tiến của nó và sẽ không bao giờ ngừng. Việc Nhân Bản Vô Tính ấy đã và đang được nghiên cứu áp dụng cả đối với con người “ Tháng 8/2000, một tế bào của cơ thể người cũng được cấy thành công thành phôi. Nhóm cũng thành công trong việc phân đoạn một cái trứng đã thụ tinh ở giai đoạn phôi. Cái trứng này có được nhờ cấy một tế bào lấy từ tai một người đàn ông 36 tuổi vào trứng của một phụ nữ. Nhóm đã đăng ký bản quyền phương pháp với 15 quốc gia trong đó có Hoa Kỳ” ( Nguồn: Tỉnh Dòng La San VN – Thường huấn 13/01/2002 – SH Hoàng Gia Quảng ).
Nhân Bản Vô Tính ở nơi người sẽ là một hiểm họa khôn lường cho nhân loại. Chính vì nhận thức được điều ấy thế nên hầu hết tổ chức kể cả Quốc Hội Âu Châu, Giáo Hội Công Giáo cũng đều lên tiếng ngăn cản và chỉ rõ những nguy cơ tiềm tàng do nó gây ra.
Để có thể ngăn chặn cách hữu hiệu mối nguy cơ tiềm tàng ấy chúng ta nhất thiết cần nhận ra nguyên ủy của vấn đề đó là việc Nhân Bản Vô Tính ở nơi người như vậy là đã tiên thiên triệt hạ cái bản năng sinh tồn vốn có ở nơi muôn loài.
Bản năng sinh tồn được thể hiện ở nơi loài vật qua việc truyền giống. Còn ở con người đó là hôn nhân. Dù cùng là việc truyền giống ở nơi loài vật hay hôn nhân thì cũng luôn có khởi đầu là Tình Yêu. Mặt khác Tình yêu không những là cái khởi đầu mà còn cần thiết cho việc dưỡng nuôi. Con cái không thể lớn lên từng ngày, từng tháng trong sự yêu thương chăm sóc của cha mẹ.
Mục đích hôn nhân là để lưu truyền nòi giống. Trái lại Nhân Bản Vô Tính thì hoàn toàn không. Tại sao ? Bởi vì trong việc lưu truyền nòi giống này chính là để lưu truyền cái phần “ Tính” ở nơi con người. Đang khi đó Nhân Bản Vô Tính thì còn đâu có “ Tính” để mà truyền lưu ?
Trong ý nghĩa sâu xa của Hôn Nhân Công Giáo thì việc lưu truyền ấy còn là để lưu truyền nòi giống Con Thiên Chúa từ đời nọ sang đời kia. Trong đêm thành hôn, Tô Bia nói với vợ là nàng Sa Ra: “ Chúng ta là con cháu các Thánh ( Tính ). Chúng ta không thể kết bạn như những dân ngoại. Họ không nhìn biết Thiên Chúa” ( Tb 8, 5 ).
II/- Vấn đề phá thai.
Theo số liệu của WHO, năm 2017 số cas nạo phá thai trên toàn cầu là 55, 7 triệu ca strong đó số cas phá thai không an toàn là 25, 5 triệu cas. Riêng ở Việt Nam số cas nạo phá thai theo con số chính thức của các BV đưa ra là 300.000 ( ba trăm ngàn ) mỗi năm và được xếp vào danh sách một trong 5 nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới và là nước có tỷ lệ phá thai cao nhất Châu Á.
Phá thai có tội hay không có tội ? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta không thể không liên hệ với định nghĩa thế nào là…người. Hoặc cụ thể hơn với một bào thai thì vào thời điểm nào mới được gọi là…người ? Vấn đề sẽ còn phức tạp hơn trong thời đại ngày nay khi người ta vin vào Luật Nhân Quyền hay chính xác hơn đó là Luật Bảo Vệ Bà Mẹ để giết hại ngay đứa con mình khi còn trong trứng nước.
“ Năm 1981, Hội Nghị Đại Kết các giáo hội Tin Lành cho rằng quyền sống của thai nhi tùy thuộc vào phẩm chất sự sống. Nếu sự sống quá tồi tệ, cha mẹ có quyền phá thai. Lý do là vì đối với họ, thai nhi chưa thực sự là người. Harry David Aiken thì lập luận rằng chỉ những “ Hữu Thể người toàn vẹn” mới thực sự là người và có quyền sống. Vì chỉ là những hữu thể không đầy đủ các phôi thai dị tật sẽ không bao giờ làm người và việc ngưng sự sống không phải là người của chúng sẽ là một việc làm bắt buộc của lòng thương xót” ( Tân Đạo Đức Sinh Học Ki Tô ).
Nếu “ Thai nhi chưa phải là người” thì đương nhiên phá thai là không có tội ! Tuy nhiên đây cũng chỉ là một quan niệm và quan niệm này không thể chấp nhận. Lý do là vì con người xét về mặt tâm linh đã được tác tạo ngay từ thuở ban đầu là Hình Ảnh Thiên Chúa ( St 1, 26 ).
Chân lý cao cả con người được tác tạo là Hình Ảnh Thiên Chúa đã được ghi chép rõ ràng trong Kinh Thánh. Nhưng để triển khai chân lý ấy tức đưa ra định nghĩa chân xác về con người đó lại là vấn đề khác. Trong nhiều thế kỷ, thần học Kinh Viện ( Scholastique ) do chịu ảnh hưởng của triết Hy Lạp nên đã định nghĩa “ Người là con vật có lý trí” ( L’Animal raisonnable ). Với định nghĩa ấy mà đã khiến Giáo Hội lâm hết khủng hoảng này đến khủng hoảng khác.
Nếu thần học Duy Lý chỉ đưa ra định nghĩa có tính đại thể chung chung về con người như thế ( Có lý trí ) thì đến lượt triết học Hiện Sinh hữu thần mà đại diện của nó là Gabriel Marcell ( 1899 – 1973 ) lại có cho mình định nghĩa bằng đại từ…Tôi “ Tôi là thân xác tôi” ( Je suis mon corps ).
Tôi là xác tôi. Điều này có nghĩa không thể tách rời thân xác khỏi linh hồn, linh hồn và thân xác là một. Định nghĩa của G. Marcell về sau đã được thần học chấp nhận bằng cách minh định “ Con người không phải có xác và hồn nhưng con người là xác và hồn.
Với định nghĩa con người là xác và hồn như thế đã đặt ra nhiều vấn đề nan giải và một trong những vấn đề đó là lý thuyết về sự…phú hồn. Sự thật khi nói đến…phú hồn thì…hồn ở đây thực chất chỉ là sự sống vật chất “ Một số tác giả ngày nay đồng ý với Alberto Magno tái khẳng định rằng sự sống con người đã khởi đầu ngay từ lúc trứng thụ tinh như E. Sgreccia hay D. Tettamanzi. Họ cho rằng trứng thụ tinh chất chứa một nhân tế bào ( DNA ) duy nhất, độc đáo và không thể lặp lại được. Tuy đã có đến hàng tỷ những kết hợp giữa các gen nhưng thống kê cho thấy không thể có hai cá vị giống hệt nhau được. Thực tế này chứng minh rằng trứng thụ tinh là một thực thể hoàn toàn mới và khác biệt với những tế bào gen của cha mẹ nó” ( Tân Đạo Đức Sinh Học Ki Tô ).
Nói…phú hồn nhưng lại không có…hồn nào để phú. Đang khi đó sự phú hồn tức sự phú bẩm Linh Tánh đã được Thiên Chúa thực hiện ngay từ khi tác tạo con người: “ Giê hova ĐCT bèn lấy bụi đất nắn lên hình người. Hà sanh khí vào lỗ mũi thì người trở nên một loài sanh linh” ( St 2, 7 ).
Một khi Thiên Chúa đã phú bẩm linh hồn từ khi được tạo dựng thì con người đã đích thực là một huyền nhiệm và tính chất huyền nhiệm ấy đã sẵn đủ ngay khi vừa mới thụ thai trong lòng mẹ chứ không cần đợi cho tới vài tuần tuổi như nhiều quan niệm chủ trương.
Nhận ra như vậy để cho thấy việc phá thai không những là tội sát hại một sinh mạng mà sinh mạng ấy còn mang nơi mình phẩm vị Con Thiên Chúa. Sát hại sinh mạng mang phẩm vị Con Thiên Chúa đó cũng là phá hủy đi cái Nguồn Tình Yêu ở nơi chính mình.
III./- Vấn đề trợ tử
Trợ tử, nói cách dễ hiểu đó là giúp cho người khác được…chết. Có nhiều cách trợ tử hoặc trực tiếp tức là có ý đầu độc ( tiêm chích, truyền dịch…) hoặc bỏ đói bệnh nhân. Hoặc gián tiếp tức là theo yêu cầu của bệnh nhân nan y quá ư đau đớn không còn muốn tiếp tục sống nữa. Trường hợp này gọi là tự tử có tiếp tay.
Dù bằng cách nào thì trợ tử cũng phải được coi là việc giết người. Thế nhưng cái việc giết người ấy lại có liên quan đến cái gọi là…quyền được chết. Nghe qua cái…quyền được chết này có vẻ khó hiểu nhưng đó là sự thực. Nếu con người có quyền sống thì tại sao lại không có quyền…chết ?
Thực tế cho thấy có những bệnh nhân nan y trong thời kỳ cuối, đau đớn ghê gớm muốn chết cho xong đời đi mà không chết được. Trong trường hợp này người ấy lúc còn tỉnh táo có yêu cầu bác sĩ hay người nhà giúp cho mình được chết ( Trợ tử ) thì đó chẳng phải là … quyền của họ sao. Có lý do gì bắt buộc người ấy cứ phải sống trong khổ đau vô ích ?
Đã có sống thì ắt có chết. Đó là quy luật của muôn đời. Mặc dù vậy, cái bản năng sinh tồn của mọi loài sinh linh đều tham sống sợ chết. Đã gọi là bản năng thì khó để lý giải. Tuy nhiên vấn đề trọng đại của con người chính là cái việc sống và chết. Chết có phải là…hết hay không ? Nếu chết là hết thì không còn gì để nói, cũng chẳng còn có tôn giáo hay triết lý gì nữa !!!
Chết là hết sống, thông thường ai cũng cho là như vậy. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là: Vậy thì cái gì …chết ? Thân xác chết, chôn xuống đất, thối rữa đi gọi là chết. Điều ấy đã rõ nhưng còn linh hồn thì sao ? Nó có chết không và nếu nó không chết thì đi đâu ? Tồn tại ra sao ? v.v…
Trở lại với việc Trợ Tử tức là người bệnh muốn được chết thì sau khi trích thuốc độc, tim người ấy ngừng đập, hơi thở không còn gọi là chết. Cái chết ấy gọi là chết sinh lý nhưng tâm thức mà người Công giáo gọi là linh hồn ấy thì đâu có chết. Chẳng những không …chết mà còn hoạt động cách mãnh liệt hơn trước.
Hoạt động của tâm thức trong giây phút lâm chung hấp hối rất ư mãnh liệt. Nhà Phật gọi giây phút ấy là bị gió nghiệp lôi cuốn. Con người ta sống là do cái nghiệp thúc đẩy để rồi cũng sẽ kết thúc bằng Cận Tử Nghiệp. Sống với nghiệp nhân nào ắt sẽ có nghiệp quả đó. Tạo nghiệp lành sẽ về cõi lành. Tạo nghiệp ác sẽ về cõi ác.
Một người vì hoàn cảnh nào đó không chịu được đau đớn xác thân lại muốn chết bằng cách trợ tử. Điều ấy thật sự nguy hiểm bởi lẽ tâm thức họ sẽ phải đối diện với sự tuyệt vọng giống như người tự tử. Một trong những nguyên nhân khiến người ta tự tử là do khi sống đã lấy xác thân này làm cứu cánh. Chỉ biết chăm lo, vun đắp cho xác thịt mà quên đi cái phần cứu cánh linh hồn. “ Người thuộc bụi đất thể nào thì những kẻ thuộc bụi đất cũng thể ấy. Người thuộc về trời thể nào thì những kẻ thuộc về trời cũng thể ấy. Như chúng ta đã mang hình tượng thuộc bụi đất nhưng cũng mang hình tượng thuộc về trời. Vậy anh em ơi !Tôi nói rằng thịt và huyết ( Xác thân ) chẳng có thể thừa thọ Nước ĐCT đâu. Sự hay hư nát cũng không thể thừa thọ sự chẳng hay hư nát được đâu” ( 1C 15, 48 -50 ).
Chịu đau đớn xác thân kể cả sự thử thách đức tin trong giờ lâm chung nhưng nhờ Ơn Chúa mà vượt qua được. Đó là ơn phúc vô cùng lớn lao của các Thánh, cách riêng là Thánh Teresa Hài Đồng Giê Su “ Rồi bỗng dưng Teresa ngửa mặt lên như có tiếng nhiệm gọi, người mở mắt ra, gương mặt sáng láng, bình an, vui vẻ lạ thường. Đôi mắt cứ đăm đăm nhìn lên phía trên ảnh Đức Mẹ lâu bằng thời gian đọc Kinh Tin Kính. Đoạn linh hồn Thánh ấy trở nên như mồi ngon cho Phượng Hoàng Cực Thánh tha về tổ phước Thiên Đàng” ( Một Tâm Hồn )./.
Phùng Văn Hóa