Chuyện mỗi tuần – chuyện về một “sáng kiến mục vụ…”

Ông lão ấy tên là Peter Dupont 72 tuổi, sống một mình…

Ông làm việc trong một ngân hàng với nhiệm vụ chuyển thư từ, tài liệu từ văn phòng này tới văn phòng khác…

Ông làm việc cần mẫn, đầy trách nhiệm…và hầu như không bao giờ nghỉ…Thậm chí khi mẹ ông qua đời trong đêm, ông đến xin Giám Đốc cho ông nghỉ nửa ngày để lo hậu sự cho bà cụ…Giám đốc kêu trời…và buộc ông nghỉ một tuần ở nhà để lo công việc…Được ba ngày, ông điện thoại xin Giám Đốc cho ông đi làm lại…kẻo ông cũng “chết”…Hỏi…thì ông đơn giản lý luận : Được sống trong xã hội đầy đủ như thế này, ta nợ biết bao nhiêu người…Nếu không làm việc để trả lại những ân nghĩa ta vay…thì ta nợ đến bao giờ mới trả nổi ?

Và cái cách trả món “nợ đời” của ông khá độc đáo…nên người viết nhìn thấy ở đấy một “sáng kiến mục vụ”  không có trong “đầu” của những người chuyên làm mục vụ…

“Công việc mục vụ” – cái tựa của người viết –  ấy là trong suốt 20 năm, mỗi năm, cứ đến mùa Giáng Sinh, ông lão lại đến dưới chân cây cầu Lausanne dựng lều, cắm trại ở đó…Bởi vì trời Thụy Sĩ mùa đông buồn quá, dễ làm cho những người sống cô dơn bị trầm cảm, và họ hay nghĩ đến chuyện nhày cầu…

Ông dựng trại, mua ít chai rượu chát, sô-cô-la…và vài món quà nho nhỏ…Khi thấy một ai đó có dáng vẻ không được vui và những dấu chỉ tệ tệ trên cầu…là ông tiếp cận ngay…Gợi chuyện, ân cần…và mời họ bước xuống căn lều của ông làm vài ly rượu chát, nhâm nhi ít thỏi sô-cô-la…và tâm sự…cho đến khi họ bỏ ý định nhảy cầu…Khi ra về, thế nào họ cũng được ông trao một món quà nho nhỏ…cùng với số điện thoại để khi nào cần nói chuyện , họ gọi cho ông…Ông làm việc âm thầm và không dựa vào bất cứ hội đoàn nào…

Ông bị bệnh…và đã đi xe lăn đến gặp người bạn đồng nghiệp thân tình nhất của ông trong ngân hàng…để trăng trối …Ông trao cho anh ta toàn bộ các hóa đơn thuê nhà, thuê đất, bill điện nước…và xin anh bạn thanh toán giùm ông…Ông nói : Ta biết ta sắp ra đi…Ta muốn nhờ anh giúp trang trải hết những món nợ còn sót lại này…Ta không muốn còn nợ nần gì nữa khi giã biệt cõi trần…

Tuy không nhiều tiền trong trương mục, nhưng sau khi thanh toán tất cả mọi sự…thì vẫn còn dư chút đỉnh…Anh bạn hỏi xem ông muốn làm gì với số tiền còn lại ấy…Ông gợi ý : Làm gì cũng được, nhưng ta còn một người cháu họ xa xa năm nay cũng đã 70 tuổi…Hay là anh trao số tiền cho chú ấy với lời nhắn nhủ của ta là : Giáng Sinh năm nay, chú hãy ra cây cầu Lausanne này, chỉ một năm thôi cũng được, ra, dựng lều, mua sắm chút đỉnh…để có thể giúp ai đó tìm được lý do để mà sống…Chắc là ta sẽ mỉm cười thanh thản ở bên kia thế giới…

Hai ngày sau, ông nhẹ nhàng rời xa cuộc sống tại một bệnh viện gần nhà…

“Công việc mục vụ”  này độc đáo đấy chứ…và không biết đã có trong đầu của những người làm mục vụ như một sứ vụ và trách nhiệm không ?

Năm 1969, tác giả Nguyễn Ngọc Lan có cho xuất bản một tập sách với cái tựa đề “Đường hay pháo đài”…Người viết hoàn toàn không muốn nói gì đến nội dung tập sách…mà chỉ muốn mượn cái tựa sách với hai hình ảnh “Con Đường” và “Pháo Đài”…để có  vài ba suy nghĩ…

“ Đường”…thì dĩ nhiên rồi…và lúc nào cũng vẫn thế…

Trong bữa ăn cuối với môn đệ trước khi vào cuộc Thương Khó & Tử Nạn, giữa những cảm xúc nhiều cung bậc ở cả Thầy lẫn Trò, Đức Giê-su loan báo về cuộc “ra đi để dọn chỗ” – nghĩa là một  cuộc ra đi đưa đến sự vắng mặt về thể lý giữa Thầy và Trò, cuộc ra đi…để đến nơi Người dọn chỗ…mà Người cho rằng các ông đã biết ĐƯỜNG rồi…Hóa ra là các ông vẫn mù tịt, hầu như chưa biết gì cả…

Thế cho nên Người công bố rất rõ : Chính Thầy là Con Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống. (Gio 14 , 6)

“Con Đường” ấy là duy nhất…để có thể đi và đến được với Thiên Chúa…

Thế nhưng “Pháo Đài”…thì không phải lúc nào cũng là như thế…Có những giai đoạn, những thời gian, những hoàn cảnh, “pháo đài” cần, nhưng lại đến những giai đoạn, những thời gian, những hoàn cảnh “pháo đài” vẫn có đó, nhưng phải chấp nhận mở toang mọi cánh cổng nam – bắc – đông – tây… và người ra, kẻ vào khi này, khi khác…Vấn đề là những người và những nhiệm vụ trong “pháo đài” này – trong hôm nay – phải sắp xếp ra sao và có trách nhiệm như thế nào…để có thể đáp ứng những yêu cầu của “con cái Thiên Chúa” – bao gồm những người đã biết và những người chưa biết, thậm chí chưa một lần nghe nói về Thiên Chúa…

Có lần tại nguyện đường thánh Matta, nhân dịp lễ kính thánh sứ Marcô (25 / 4 / 2017), Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã chia sẻ : Dựa trên trình thuật của thánh Marcô, Chúa Giê-su đã trao phó cho các Tông Đồ một sứ mệnh : đó là “không ở lại Giê-ru-sa-lem nhưng ra đi khắp tứ phương thiên hạ để loan báo Tin Mừng cho muôn dân, không bao giờ dừng lại nhưng luônluôn trên hành trình . Đức Thánh Cha nói : “ Những Ki-tô hữu đi đến những nơi mà Chúa Giê-su chưa được biết đến hoặc nơi mà Chúa Giê-su đang bị bách hại hoặc những nơi mà hình ảnh của Người đang bị méo mó để loan báo Tin Mừng cách thật sự. 

Tình cở dừng lại dăm ba phút để chào hỏi một vị linh hướng trẻ…Ngài cho biết là đang dọn một bài thuyết trình về việc “đồng hành với các chủng sinh và những thách đố” để trình bày trong một dịp Thường Huấn…Rồi ngài thú nhận : Con thấy cuối cùng thì ra thách đố lớn nhất là chính bản thân mình…Nghĩa là bản thân mỗi người tin – và làm mục vụ – có thể là một “pháo đài”…khi không thể ra khỏi chính mình…

Chuyện kể rằng : Ngày kia một lão thiền sư cùng đồ đệ đi hóa duyên ở một vùng nọ. Trên đường, hai thầy trò gặp một bà lão ăn xin tàn tật bên đường…Lão thiền sư nói với tiểu đồ đệ : Con lấy chút lương khô của thầy trò mình và số ngân lượng còn lại cho bà lão kia đi…Tiểu đồđệ nghe xong, lòng không vui, không tình nguyện nhưng miễn cưỡng làm theo ý vị thiền sư…Nhìn thấy thế, thiền sư nói: Sinh tử và công đức chỉ ở một niệm. Chỗ ngân lượng và lương khô này – với chúng ta – chẳng qua cũng chỉ là tạm thời duy trì cuộc sống, nhưng – với bà cụ – thì dấy lại là vật cứu mạng…Tuy không hiểu hết ý thầy, nhưng tiểu đồ đệ cũng thưa : Lời thầy dạy, con xin ghi khắc…Đợi đến lúc con tích được nhiều tài vật cho nhà chùa rồi, con nhất định sẽ cứu giúp những người nghèo khó…Nghe lời trò nói, vị thiền sư im lặng lắc đầu thở dài…Trước khi viên tịch, ông có trao cho đồ đệ một tâm thư…

Đồ đệ sau này trông nom ngôi chùa thầy để lại và không ngừng lo quyên góp để xây dựng…Từ một ngôi chùa nhỏ cũ nát, tiểu đồ đệ đã biến thành một ngôi chùa rộng rãi, khang trang…với ý nghĩ : Khi nào hoàn tất công việc xây dựng, mình sẽ lo chuyện cứu tế…theo lời dạy của sư phụ…

Hoàn tất việc xây dựng, tiểu đồ đệ lại bắt tay vào việc mở rộng ngôi chùa, và vẫn tự nhủ : Khi nào xong công việc, mình sẽ lo đi cứu tế…

Ngôi chùa đã trở thành một ngôi chùa trăm gian, tường vách sáng lạn…và tiểu đồ đệ ngày nào cũng đã trở thành một lão ông 80 tuổi…Thế nhưng mấy chục năm qua, bận rộn và miên man với điệp khúc “xây – đập/ đập – xây” …nên chẳng thể làm được một việc thiện tích công đức nào…Chợt nhớ tới bức tâm thư thầy để lại, ông chậm rãi mở ra…

Duy chỉ một giòng duy nhất : Giúp người một lần hơn hẳn tụng kinh mười năm !

 

Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp

Chia sẻ Bài này:

Related posts