Lạy Chúa, xin cứu con – Chương 7: Đứa trẻ nói: “Con vốn là đứa lang thang, Nhưng em sẽ không đi lang thang nữa đâu”

Đứa bé gái nói:

“Em nghe nói Soeur có thể giúp em.

“Soeur chỉ cần cho em một chiếc bánh sandwich, và rồi chẳng cần tưởng nghĩ gì đến em nữa.

“Em không muốn làm phiền Soeur.”

Nhìn vào đôi mắt u buồn, không được ai yêu thương của đứa bé gái, tôi cảm thấy trái tim mình bị nhói đau xuyên thấu.

Em gái này khoảng 14 hoặc 15 hoặc 16 tuổi, mặc một chiếc quần jeans màu xanh và một chiếc áo thun mà lẽ ra nên vứt vào sọt rác cách đây nhiều tháng trước rồi. Em gái này là một trong số những đứa trẻ bụi đời chúng tôi vẫn thường gặp thấy, một loại trẻ lang thang không nhà không cửa, cà bơ cà bất, đầu đường xó chợ, thế rồi bỗng đâu xuất hiện tại ngưỡng cửa nhà chúng tôi, mặt mũi đầy những cáu ghét, bẩn thỉu.

Tôi phải khó khăn lắm nhưng vẫn không sao đoán được tuổi chính xác của đứa bé gái, bởi vì trên gương mặt của nó nhem nhuốc những bụi bặm và đượm một vẻ đau đớn.

Nhưng không thể lầm vào đâu được cái vẻ dịu dàng và sự tốt lành của nó. Dưới ánh sáng lờ mờ của buổi chiều tối vào một ngày đầu xuân, từ xa cả cây số, chúng ta vẫn có thể nhận ra những đặc điểm ấy nơi đứa bé gái này. Các bạn nhất định sẽ cảm thương đứa bé này nếu như các bạn lại gặp thấy nó …

Đứa bé gái nói:

“Xin cho em một chút gì để uống? Có phiền Soeur lắm không?”

Tôi đáp:

“Ô, mời em vào nhà trước đã. Chúng tôi có rất nhiều thực phẩm. Mời em, chúng tôi rất vui mừng vì em đã đến đây.”

Đứa bé gái cố mỉm cười đáp lễ, nhưng tôi biết chắc từ lâu lắm rồi, nó đã không cười. Nó gật đầu nhè nhẹ và mau mắn đi vào bên trong.

Tôi giới thiệu:

“Ở dưới nhà, còn có một phòng ăn tự chọn nữa kìa…

“Tại sao mình không rửa tay cho mát mẻ, rồi thay đồ thay đạc cái đã. Sau đó Soeur sẽ đưa em đến đó. Tên Soeur là Mary Rose – thế tên em là gì nào?”

Đứa trẻ đáp:

“Dana.”

Tôi hỏi thêm:

“Thế em từ đâu đến đây?”

Dana đáp:

“Chẳng từ đâu cả.”

Tôi thắc mắc:

“Thế nghĩa là gì?”

Dana trả lời:

“A… Em có ý nói rằng em vốn là đứa lang thang, nhưng em sẽ không đi lang thang nữa đâu.”

Rồi Dana hỏi lại tôi:

“Phải đây là lối xuống phòng ăn tự chọn phải không, thưa Soeur?”

Tôi cầm tay Dana, dẫn đến một chiếc bồn rửa, đưa một cục xà bông, để nó có thể tự rửa ráy sạch sẽ những lớp bụi ghét đầy hai bàn tay và cánh tay của nó. Thực ra, không phải là rửa ráy sơ sơ đâu – phải mất một lúc tôi mới có thể nhìn ra được nước da hồng hào, nhưng nhiều sứt sẹo, của đứa bé gái. Sau khi tay Dana đã khô, tôi vội vã dẫn nó xuống phòng ăn tự chọn, nơi đã có sẵn món súp nóng và bánh mì sandwich được sắp xếp ngay ngắn trên các quầy.

Dana múc lấy ba hay bốn món, vội vã nhưng lịch sự đi đến chiếc bàn trống thứ nhất và ngồi vào đó. Dana phải mất đến năm phút đồng hồ mới ăn hết chiếc khay ấy.

Dana nói:

“Cám ơn Soeur. Thật là tốt quá. Em có thể trở lại đây được không?”

Dana nói như nửa hỏi, nửa thông báo, và hy vọng tôi sẽ đáp ứng tích cực.

Tôi đáp:

“Ngay bây giờ em có thể ở lại đây cũng được đấy chứ. Chúng tôi có rất nhiều giường chiếu sạch sẽ. (Nói rất nhiều là hơi phóng đại, bởi vì nhà chúng tôi lúc ấy có rất đông các trẻ, nhưng tôi cố gắng thuyết phục Dana hãy ở lại với chúng tôi). Em cứ việc tự nhiên.

Dana cứ búng nhẹ vào chiếc khăn bàn, không biết phải nói gì. Tôi tin rằng nó đã bắt đầu cảm thấy thích thú….

Tôi đề nghị:

“Em hãy nói một chút về bản thân đi. Năm nay em bao nhiêu tuổi?”

Dana đáp:

“Mười sáu.”

Tôi lại hỏi:

“Soeur có cần phải gọi điện thoại cho ai để thông báo em đang ở đây hay không?”

Dana trả lời:

“Trước kia thì có; bây giờ thì không.”

Tôi lấy làm lạ:

“Em nói như vậy là sao? Soeur rất muốn giúp em mà.”

Dana nhìn tôi một lúc rất lâu, vân vê chiếc khăn bàn, cố gắng quyết định cả trăm vấn đề một lúc:

“Tôi có nên nói ra hay không?

“Tôi có nên đi hay không?

“Tôi có thể tin người đàn bà trước mặt đây không?

“Chỗ này là chỗ nào?

“Tại sao tôi lại ở đây?

“Đầu đuôi chuyện này xảy ra thế nào?

“Đây có phải là người tôi có thể tin tưởng được không?

“Nếu không ngủ ở đây, tối nay, tôi sẽ đi ngủ ở đâu?

“Tôi phải làm gì bây giờ?”

Cả trăm câu hỏi… tất cả đều quan trọng, đều thương tâm, đều khẩn cấp, khiến một đứa trẻ mười sáu tuổi phải lo lắng.

Sau cùng, dòng nước mắt ứa tràn trên đôi mắt của Dana, và em đã quyết định một cơ hội. Dana quyết định tin tưởng nơi chúng tôi.

Dana chậm rãi nói:

“Trước kia em sống trong một mái nhà thực sự. Em có một người mẹ, một người cha, và năm đứa em trai.

“Nhưng chuyện ấy đã lâu lắm rồi.

“Thế rồi, năm ngoái, cha em bỏ đi. Vào một hôm, ông ấy bỗng nhiên bỏ đi… Ông ấy không nói cho em biết ông ấy đi đâu cả… Ông ấy cứ bỏ đi mà thôi.

“Mẹ em… Mẹ em không thể chịu nổi như vậy. Bà ấy phải đi tìm một công việc làm… nhưng công việc quá vất vả.

“Khoảng chừng hai tháng sau đó, mẹ em đến và nói với em rằng em phải ra đi. Mẹ em nói: ‘Dana à, con đã mười sáu tuổi đầu, con lớn nhất trong nhà… Mẹ không thể lo liệu được cho tất cả các con nữa rồi… con sẽ phải ra đi thôi.’

“Thưa Soeur, em trố nhìn mẹ em và tưởng bà ấy nói đùa. Thưa Soeur, em muốn nói là bỏ đi để làm gì. Em mới mười sáu tuổi… Em biết nơi nào mà đi.

“Nhưng mẹ em cứ bắt em phải ra đi. Bà ấy nói, ‘Dana, con phải tự lập. Con đã mạnh khỏe. Hãy sắp xếp đồ đạc. Mẹ buồn lắm, nhưng con phải ra đi thôi.’”

Dana vừa kể, vừa khóc, hai hàng nước mắt từ trên đôi má của em lã chã rơi xuống. Những hàng nước mắt oán than, đau đớn, tức tưởi của một đứa bé gái mới mười sáu tuổi đầu đã phải phiêu bạc giữa đường phố.

Tôi cầm tay Dana và nói lại rằng chúng tôi rất vui mừng vì em đã đến với chúng tôi.

Dana khóc một lúc nữa, và cố gắng nói tiếp:

“Lúc đầu… lúc đầu, em vẫn nghĩ mình có thể tự lập được. Ngày đầu tiên, em gặp được một thằng bạn ở đường phố. Em nghĩ mình có thể sống chung với nó.

“Nhưng … nhưng, không được… nhưng không được.”

Tôi lại hỏi:

“Thế từ hồi đó đến giờ, em sống ở đâu?”

Dana trả lời:

“Em đi lang thang.

“Soeur biết đó, những đứa trẻ đường phố tìm đến các hẻm nhỏ, đường xe điện ngầm, những ghế đá công viên và bất cứ nơi nào có thể tìm được một chỗ để ngủ qua đêm.”

Tôi nói:

“Chúng tôi rất muốn em ở lại đây với chúng tôi. Chúng tôi còn nhiều chỗ cho em.”

Dana đáp:

“Em cũng thích như vậy.”

Nói đến đó, nó nấc lên, thổn thức. Phải mất một lúc rất lâu, Dana mới nín được.

Tối hôm ấy, tôi nhờ ban điều hành trung tâm chăm sóc đặc biệt cho Dana. Chúng tôi đem đến cho em một bộ đồ ngủ còn mới nguyên, và sắp cho em một phòng gần một người cố vấn, để em có thể hỏi han gì cũng được vào lúc đêm hôm.

Tôi không biết đêm hôm ấy Dana có được yên giấc được hay không.

Tôi muốn nói là Dana đã mệt nhoài. Có lẽ em không có được một giây phút nào bình an suốt từ ngày rời xa gia đình. Bao nhiêu vấn đề cứ hiện lên, chập chờn qua lại trong đầu óc của em… Tôi biết chúng đã làm cho Dana không sao ngon giấc được.

Có lẽ tâm trí Dana sẽ hiện lên nhiều câu hỏi:

“Nếu tôi ở luôn lại đây thì sao?

“Tôi đã làm điều gì sai trái?

“Rồi tôi vẫn phải cô đơn mãi mãi hay sao?

“Có lúc nào tôi sẽ được yên thân hay không?

“Tôi có thể tin tưởng vào những con người ở đây hay không?

“Tại sao mẹ tôi lại không yêu thương tôi?
“Tại sao chẳng có ai thương yêu tôi?

“Liệu có ai thương yêu tôi hay không?”

Phần tôi, tôi chỉ biết có một điều. Chúng tôi sẽ làm mọi sự có thể để giúp đỡ Dana xây dựng lại cuộc đời của em (như chúng tôi đang làm hết sức, tôi sẽ cầu nguyện thật nhiều để xin Thiên Chúa ban ơn trợ giúp).

Tôi có ý nói rằng, với tất cả những câu hỏi đáng sợ và đau lòng mà Dana đã phải đối diện tối hôm ấy, có một câu hỏi em không bao giờ cần phải hỏi, đó là:

“Liệu tôi có tìm thấy hy vọng ở đây không?

 

Tôi không coi mình là một tín đồ, nhưng chỉ là một tâm hồn trơ trụi bơ vơ giữa một thành phố man rợ, một con người bước đi trên con đường bạc bẽo trong cuộc đời.

Brian, sau sáu tháng lang thang trên các đường phố

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment