Gia đình cầu nguyện

Cách đây ít lâu, tạp chí Reader’s Digest có đăng một bài báo tựa đề “thăm dò gia đình”. Bài này gồm 12 câu hỏi dành cho các bậc cha mẹ. Một trong những câu hỏi đó như sau: “Hôm lễ Giáng Sinh, trong bữa ăn tối có mời khách, bạn có cảm thấy thoải mái, dễ dàng khi bạn yêu cầu bất cứ một đứa con nào của bạn đọc kinh không?”. Câu hỏi này khiến ta phải lưu ý tới một trong những vấn đề chính yếu phải quan tâm của mọi gia đình đó là đời sống cầu nguyện trong gia đình.

Đời sống cầu nguyện trong gia đình phải được thực hiện dưới ba hình thức khác nhau:

Trước hết là hình thức cầu nguyện riêng tư, cá nhân. Mỗi người trong gia đình cầu nguyện riêng với Thiên Chúa. Chẳng hạn người cha cầu nguyện trên đường đi tới sở làm việc. Người mẹ cầu nguyện khi chăm sóc đứa con sơ sinh bị đau. Các con trong nhà cầu nguyện trước khi đi ngủ. Có nhiều cách cầu nguyện riêng một mình.Có thể cầu nguyện bằng cách đọc kinh đã làm sẵn, chẳng hạn như kinh Lạy Cha, vừa đọc vừa suy gẫm những lời ta đọc. Cũng có thể cầu nguyện bằng Thánh Kinh bằng cách đọc một đoạn ngắn rồi suy gẫm những tư tưởng trong đó. Chúng ta cũng có thể cầu nguyện bằng chính những lời lẽ của mình, tự do nói với Thiên Chúa những tâm tình từ trái tim mình.

Chúa Giêsu thường cầu nguyện một mình. Chẳng hạn Ngài cầu nguyện khi để Gioan tẩy Gỉa rửa tội cho mình tại dòng sông Giođan. Ngài cầu nguyện khi thi hành tác vụ rao giảng Tin Mừng của Ngài. Ngài hay cầu nguyện ở trong các khu vườn.

Một trong những món qùa qúi báu nhất mà cha mẹ có thể ban tặng cho con cái là làm cho chúng biết yêu thích và thường thức những giây phút cầu nguyện một mình. Không có cách nào thực hiện điều đó tốt hơn là dùng chính những gương sáng của mình.

Dorothy Day là một phụ nữ được báo New York Times gọi là “người có nhiều ảnh hưởng nhất trong lịch sử công giáo Hoa kỳ”, bà nói rằng một trong những hấp lực đầu tiên lôi kéo bà đến với đạo công giáo là khi còn nhỏ bà được nhìn thấy một người công giáo đứng tuổi đang cầu nguyện. Bà viết: “hôm đó vào khoảng 10 giờ sáng, tôi đến nhà Kathryn để thăm và để rủ cô ấy đi chơi. Lúc đó không có ai ngoài hành lang hay trong nhà bếp cả…Tôi bước đại vào nhà thì thấy bà Barrett đang qùi đọc kinh ở phòng ngoài. Bà quay lại bảo tôi rằng Kathryn và bọn trẻ đã đi ra cửa hàng mua đồ, rồi bà lại tiếp tục cầu nguyện. Thế là tôi cảm thấy có một niềm yêu thương ấm áp nẩy sinh trong tâm hồn tôi đối với bà Barrett”. Đó là một cảnh tượng thật đẹp, và tôi chắc chắn rằng nhiều người trong chúng ta cũng có thể kể những thí dụ tương tự về những người công giáo đã lớn tuổi đang cầu nguyện như thế.

Hình thức thứ hai của việc cầu nguyện trong gia đình là cầu nguyện chung: mọi người trong gia đình cầu nguyện chung với nhau. Chẳng hạn cầu nguyện lúc mọi người tề tựu chung quanh bàn ăn để dùng bữa hay lúc chuẩn bị đi ngủ, hay vào những lúc thuận tiện khác. Đức Giêsu thường cầu nguyện chung với gia đình Ngài. Người Do Thái đặt rất nặng việc cầu nguyện chung trong gia đình, đặc biệt vào các bữa cơm gia đình. Người Do Thái có một câu tục ngữ cổ nói rằng ai ăn mà không tạ ơn Thiên Chúa thì đó là người ăn cắp của Thiên Chúa. Đức Giêsu thường cầu nguyện trong các bữa ăn. Chẳng hạn Người cầu nguyện khi cho đám dân chúng đang đói được ăn no trên sườn đồi (Lc.9,16). Ngài cầu nguyện trong bữa tiệc ly (Lc.22, 19). Ngài cầu nguyện khi ăn chung với hai môn đệ làng Emmau (Lc 24,30).

Một lần nữa, ta có thể nói rằng một trong những món qùa qúi báu nhất mà cha mẹ có thể ban tặng cho con cái là làm cho chúng biết yêu thích và thưởng thức việc cầu nguyện chung cho gia đình. Trong tiểu sử của tướng Douglas Mac Arthur, Couttney Whitney có trưng dẫn một câu nói của ông: “Tôi là một quân nhân chuyên nghiệp, tôi hãnh diện về điều ấy. Nhưng tôi còn hãnh diện hơn, hãnh diện hơn rất nhiều vì được làm một người cha…và niềm hy vọng của tôi là: Khi tôi đã về bên kia thế giới, thì con tôi vẫn nhớ đến tôi không phải với những hình ảnh ở trận chiến mà là những hình ảnh ở nhà tôi, khi tôi cùng đọc với nó bài kinh thường đọc hàng ngày: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”

Cuối cùng là hình thức cầu nguyện với cộng đoàn, trong đó gia đình cầu nguyện với những gia đình khác, vào các ngày Chúa nhật. Dĩ nhiên không phải lúc nào cũng tổ chức được những buổi cầu nguyện chung cho nhiều gia đình như thế. Nhưng nếu các gia đình đều cố gắng thực hiện những điều đó, thì vẫn có thể tổ chức được dưới hình thức này hay hình thức khác. Chẳng hạn các gia đình công giáo ở gần nhau, trong cùng một khu vực, một xóm hay một làng, có thể cùng tụ họp ở một gia đình nào đó, luân phiên nhau nay nhà này mai nhà khác, để cùng cầu nguyện chung với nhau hằng ngày hay hằng tuần. Nhờ vậy các gia đình trở nên gần gũi nhau hơn, sự gắn bó và đoàn kết các gia đình trở nên chặt chẽ hơn. Thông thường hơn cả là các gia đình tụ họp chung tại nhà thờ họ đạo vào những giờ giấc nhất định trong ngày, chẳng hạn như vào các buổi tối, như một sinh hoạt bình thường của họ đạo.

Đức Giêsu thường cầu nguyện theo kiểu này. Ngài cùng cầu nguyện chung với các gia đình khác. Thánh Luca có viết trong Tin Mừng của ngài: “Đức Giêsu trở về Nazaret nơi Ngài sinh trưởng, hôm đó là ngày Sabat, Ngài đến hội đường (để đọc Kinh Thánh và cầu nguyện ) như thường lệ (Lc. 4.16)

Lễ Thánh Gia hôm nay là một dịp để chúng ta tự vấn về chất lượng cầu nguyện trong gia đình của mình. Nói cụ thể hơn là chúng ta – cha mẹ, con trai, con gái- đã góp phần vào đời sống cầu nguyện trong gia đình như thế nào. Chúng ta hãy nhớ lại cách mà bài “thăm dò về gia đình” đặt vấn đề đối với các bậc cha mẹ: “hôm lễ Giáng Sinh, trong bữa ăn tối có mời khách, bạn có cảm thấy thoải mái, dễ dàng, khi bạn yêu cầu bất kỳ đứa con nào của bạn đọc kinh không ?” Nếu chúng ta trả lời không (nghĩa là không thoải mái dễ dàng), thì những bài đọc Thánh Kinh hôm nay là một sứ điệp quan trọng đối với chúng ta.

Để kết thúc, chúng ta hãy cầu nguyện bằng một bài kinh. Tướng Douglas Mar Artur viết bài kinh này khi ở Philippines trong những ngày mở đầu cuộc chiến tranh tại Thái Bình Dương. Mặc dù đó là bài kinh ông cầu nguyện cho các con trai ông, nhưng nó cũng thích hợp cho các thiếu nữ. Xin mọi người hãy im lặng và cùng cầu nguyện với tôi:

“Lạy Chúa, xin hãy ban cho đứa con trai của con được đủ sức mạnh để biết được lúc nào nó yếu đuối, đủ dũng cảm để đối diện với chính mình khi nó cảm thấy sợ hãi…Xin đừng để cho đứa con trai của con chỉ biết ước muốn mà không dám hành động…Xin Chúa đừng để nó đi vào con đường thích dễ dãi tiện nghi, nhưng hãy hướng dẫn nó đi vào con đường bắt buộc nó phải cố gắng vượt qua những khó khăn thử thách.

“Xin hãy tập cho nó đứng vững trong bão tố, nhưng lại biết thông cảm với những ai gục ngã.

“Xin hãy ban cho đứa con trai của con có một trái tim trong sạch, có một mục đích cao cả, biết tự chủ lấy mình trước khi muốn làm chủ người khác, biết lo lắng cho tương lai mà không bao giờ quên qúa khứ.

“Và khi Chúa đã ban cho nó tất cả những điều ấy, xin Chúa hãy ban cho nó có đủ tính khôi hài để nó có thể luôn luôn nghiêm nghị nhưng không bao giờ nghiêm nghị một cách qúa đáng.

“Như vậy, là cha nó, con dám tự nhủ rằng con đã không sống một cách vô ích”.

Cha Mark Link, S.J.

Chia sẻ Bài này:

Related posts