Muốn Được Cứu Và Xin Được Chúa Cứu

1. Lúc này, Chúa Giêsu hay nói với tôi một lời, mà xưa Người đã nói tại nhà người thu thuế Matthêu: “Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13). Với câu nói đó, Chúa Giêsu an ủi tôi rất nhiều, vì lúc này tôi cảm nhận mình có quá nhiều yếu đuối tối tăm. Với câu nói đó, Chúa Giêsu cũng đã cho tôi hiểu rõ hơn một số điều quan trọng trong việc chúng ta phải cộng tác vào công việc Chúa cứu độ chúng ta.

2. Điều quan trọng thứ nhất là chúng ta phải nhận biết mình cần được cứu. Tự mình nhận ra mình là kẻ tội lỗi, đó là điều đã xảy ra nơi nhiều người và nhiều cộng đoàn. Nhưng chẳng may rất nhiều người và nhiều cộng đoàn đã không tự mình có được nhận thức đó. Số trường hợp không nhận ra như thế là rất đông. Điều này đã xảy ra thời Chúa Giêsu giảng đạo tại Israel. Theo Phúc Âm, một việc mà Chúa Giêsu đã rất để ý làm cho những người dân Chúa thời đó, là cho họ thấy loại người xấu trong dân Chúa là rất đông một cách không ngờ.

– Mười người phong cùi đều được Chúa chữa lành. Nhưng chỉ có một người trở lại cám ơn Chúa. Mà người đó lại là người ngoại đạo (x. Lc 17,11-19).

– Ba người cùng đi đường cùng thấy một nạn nhân bị kẻ cướp trấn lột và đánh nằm bị thương bên vệ đường. Một người là thầy tư tế, một người là thầy Lêvi, một người là người ngoại đạo Samari. Nhưng chỉ có người ngoại đạo đó đã làm việc bác ái, lo chăm sóc nạn nhân (x. Lc 10,29-37).

– Cửa rộng và đường rộng sẽ đưa người ta đến diệt vong. Thế mà số người chọn cửa rộng và đường rộng lại rất đông. Còn cửa hẹp và đường hẹp đưa đến sự sống thì lại được ít người chọn (x. Mt 7,13-14).

Chọn việc xấu hơn việc tốt, đó là một sự thực đau đớn. Nhưng còn một sự thực đau đớn hơn nhiều, đó là chọn người xấu hơn người tốt. Trong dinh tổng trấn, khi được quan Philatô hỏi: Muốn tha tên cướp Baraba hay là Giêsu, thì các thượng tế sách động đám đông đòi quan tha cho Baraba, và giết Chúa Giêsu (x. Mc 15,8-12).

Khi Chúa Giêsu bị khổ nạn, số người trung thành gắn bó với Chúa tới phút sau cùng là quá ít. Hầu hết các tông đồ của Chúa cũng đã thất trung. Thực tế ấy đã cho dân Chúa hồi đó thấy: Phần đông họ chọn việc xấu hơn việc tốt, chọn người xấu hơn người tốt, chọn đường xấu hơn đường tốt. Trước thực tế đó, đáng lẽ họ phải mở mắt ra, mà khiêm nhường nhận mình sai trái. Nhưng phần lớn không nhận ra. Không nhận mình sai trái tất nhiên đi tới chỗ tin mình không cần được cứu. Thế là bế tắc.

3. Chúa đến để kêu gọi mỗi người hãy nhận ra mình cần được cứu. Chúa kêu gọi, chứ không cưỡng ép. Chúa tôn trọng sự tự do của mỗi người. Mỗi người sẽ phải chịu trách nhiệm về thái độ cho mình là không cần được cứu. “Chúng tôi không cần được cứu”. Xem ra nhiều người dám nói như vậy. Hiện tượng thê thảm đó cũng xảy ra trong Hội Thánh ở mọi nơi mọi thời. Thảm hoạ đó cũng có thể đang xảy ra nơi chính chúng ta và cộng đoàn chúng ta.

Rất có thể chúng ta không ưa thích việc lành, mà lại ưa chuộng việc xấu. Rất có thể chúng ta đang tránh đường hẹp ngay chính, mà dấn thân vào đường rộng tội lỗi. Rất có thể chúng ta đã bỏ người Chúa chọn, mà chọn người Chúa không chọn. Chúng ta sai, nhưng chúng ta không chịu nhận mình sai. Chúng ta tự lừa dối mình, rồi lại tin những lừa dối đó là chân lý đem lại hạnh phúc. Thành ra ta đâu có nhận ra mình cần được cứu. Tình trạng mù quáng đó là cực kỳ nguy hại.

4. Điều quan trọng thứ hai là chúng ta phải xin được Chúa cứu. Rất may là hiện nay, nhiều người cũng đã nhận ra mình tội lỗi, sai lầm. Nhưng họ muốn cứu mình bằng ý chí và bằng các phương pháp tự nhiên. Phần tôi, tôi không phủ nhận vai trò của ý chí và của các phương pháp tự nhiên, nhưng tôi cho là không đủ. Để cứu tôi khỏi tội lỗi, tôi thấy mình cần phải xin Chúa cứu. Tôi tin điều đó. Tôi xác tín điều đó. Tôi khẳng định điều đó.

Tôi nghĩ là chúng ta đã có nhiều lỗi lầm. Chúng ta biết chúng ta lỗi lầm, nhưng chúng ta vẫn chưa sửa mình được. Lý do chính là vì chúng ta yếu đuối. Thánh Phaolô nói: “Sự thiện tôi muốn, thì tôi không làm. Nhưng sự ác tôi không muốn thì tôi lại làm” (Rm 7,19). Tôi càng phải thú nhận như vậy. Thú nhận đó làm tôi an tâm. Tôi càng được an tâm, khi tôi thú nhận thêm như thánh Phaolô: “Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 7,24,25). Sự tin nhận Chúa Giêsu sẽ cứu được tôi đã đem lại cho tôi sự bình an ngọt ngào.

5. Sự bình an ấy đang được dần dần tăng lên, khi tôi xin Đức Mẹ cứu tôi. Tôi được Đức Mẹ dạy tôi là không những tôi cần được cứu khỏi những tội lỗi mà cũng rất cần được cứu khỏi những thói quen xấu, tục lệ xấu và phong trào xấu. Thực sự, hiện nay, có nhiều thói quen xấu, tục lệ xấu và phong trào xấu xem ra đang được bảo trì và phát triển một cách trân trọng hơn là Lời Chúa.

Thí dụ thói quen sống theo ý riêng mình, dễ dàng coi ý riêng mình cũng hợp với thánh ý Chúa. Thí dụ thói quen dửng dưng vô tâm trước những cảnh báo Chúa đang gởi đến bằng nhiều cách, về khả năng sẽ xảy ra những khốn khó kinh hoàng, nếu người ta cứ tiếp tục cứng lòng đi theo đường sai trái. Thí dụ tục lệ pha trộn nhiều thứ trần tục vào lãnh vực thánh, dần dần việc tục-hoá lễ thánh, bàn thánh, đền thánh, chức thánh được coi như bình thường. Thí dụ tục lệ bảo vệ và phát triển những lợi ích cục bộ, gây nên phân hoá và chia rẽ. Thí dụ phong trào quá tin vào những sự phù du đời này, mà lơ là với hạnh phúc vững bền đời sau. Thí dụ phong trào đi tìm những hạnh phúc mới, thôi thúc bởi động lực nguỵ tạo tốt, tự lừa dối mình và lừa dối người khác.

6. Để thấy mình cần được cứu và xin được cứu, Đức Mẹ dạy tôi hãy sống đời thơ ấu. Trẻ nhỏ lúc nào cũng thấy mình cần được mẹ cứu và luôn xin mẹ cứu. Tôi hiểu Đức Mẹ muốn dạy tôi phải rất khiêm nhường. Chúa đến tìm tôi, kêu gọi tôi trở về với Chúa. Nếu tôi khiêm nhường nhận biết mình tội lỗi, sai lầm, muốn được trở về, và xin ơn trở về, sẵn sàng đón nhận ơn trở về, thì Chúa sẽ cứu tôi.

Tới đây, tôi nhận ra sự thực này: Khiêm nhường là điều kiện rất quan trọng, trong việc nhận ra mình cần được cứu và xin được Chúa cứu. Càng được Đức Mẹ dạy về khiêm nhường, tôi càng thấy rõ điều này: Cái mà tôi cần xin Chúa cứu tôi thoát khỏi hơn hết, chính là cái tôi của tôi, đó là cái tôi thuộc về thế gian, thích theo ý riêng mình. Để rồi tôi sẽ được trở thành cái tôi thuộc về Chúa, luôn ngoan ngoãn vâng phục thánh ý Chúa. Nếu trong tháng Mân Côi này, tôi có một quyết tâm riêng về khiêm nhường, chăm chú tập luyện sự khiêm nhường, và xin ơn khiêm nhường, thì thiết tưởng đó là một quyết tâm tốt cho cả ba lãnh vực tu đức, mục vụ và truyền giáo của tôi.

Tôi tin Chúa sẽ ban ơn cứu tôi. Nhưng tôi cũng biết là ơn Chúa cứu tôi không miễn cho tôi khỏi phấn đấu và hy sinh.

Lạy Chúa, con muốn được cứu và tha thiết xin được Chúa cứu khỏi những tội lỗi, khỏi những sai lầm và khỏi những nguy cơ. Cúi xin Chúa thương giúp con biết cộng tác vào ơn cứu độ của Chúa.

ĐGM. GB. BÙI TUẦN

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment