Mùa Chay Suy Niệm Sự Chết

Mùa Chay là thời gian của Ơn Cứu Độ “ Chúa phán: Ta sẽ nhậm lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta Cứu Độ. Vậy đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa Cứu Độ” ( 2C 6, 2). Bởi vì mục đích của Ơn Cứu Độ là để  vượt qua cõi chết hầu bước vào cõi sống đời đời thế nên Mùa Chay cũng là thời gian thích hợp để cho ta có dịp suy gẫm về sự chết. Có thể nói chưa có thời  đại nào con người lại sống bất an như thời này. Sự bất an ấy thể hiện qua các phương tiện truyền thông hàng ngày hàng giờ. Mở các kênh truyền hình trong chương trình thời sự quốc tế quốc nội chúng ta thấy nào là chiến tranh nơi này nơi kia. Nào là dịch bệnh hết đợt này đợt khác. Nào là thiên tai  bão lụt sóng thần lở đất tàu chìm máy bay rơi. Nào là tai nạn giao thông đường thủy đường bộ liên tục diễn ra trên khắp mọi miền đất nước v.v…Trước những cái chết dù bởi thiên tai hay do con người gây ra cũng đều khiến cho ta có chút thương cảm chạnh lòng nhưng rồi nó sẽ qua đi mau chóng để nhường chỗ cho cuộc sống lúc nào cũng bon chen tất bật.

Người đời coi cái chết như một điều gì đó cấm kỵ rất ít khi nhắc  nhở đến nó. Trái lại người Công giáo chúng ta thường  là sống quây quần trong một giáo xứ thế nên có thể nói cái chết đã trở nên như một phần không thể thiếu của  cuộc sống. Nghe chuông báo hiệu có người chết gọi là chuông sầu, mọi người  âm thầm đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn nào đó mới qua đời…chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ cho các linh hồn được lên chốn Nghỉ Ngơi đời đời….Tiếp đó là tang lễ, người chết được đưa đến nhà thờ để cùng với cộng đoàn dự một Thánh lễ sau hết trước khi về với lòng đất. Những ngày tiếp theo có khi suốt cả  một tháng, thân nhân họ hàng, các hội đoàn đều đến đọc kinh  lần hạt cầu nguyện rất đông đủ.

Với một giáo xứ nhất là những giáo xứ có đông đảo giáo dân thì việc tổ chức tang lễ là thường xuyên ít ra cũng có vài đám trong một tháng. Dĩ nhiên trong những dịp như thế người Công giáo chúng ta đã được nhắc nhở về cái chết một cách sinh động và chắc chắn cũng đã mang lại rất nhiều ơn ích về mặt tâm linh. Mặc dầu vậy những ơn ích ấy sẽ còn gia tăng gấp bội nếu chúng ta nhận ra được ý nghĩa sâu xa của  sự  chết. Ngược lại những việc làm ấy có thể chỉ mang tính hình thức và rồi sẽ mất đi theo năm tháng một khi thế hệ này qua đi.

Thật sự thì chẳng cần thế hệ cao niên này qua đi mà ngay bây giờ trong thời Tục Hóa  dường như cái chết đã không được hiểu như nó cần được hiểu. Thắc mắc về cái chết là đề tài muôn thuở của triết học = Con người sinh ra bởi đâu ( Nhân sinh hà tại ? ) Sống trên đời để làm gì ( Tại thế hà như ? ) và  chết rồi đi đâu ( Hậu thế như hà ? ). Có thi sĩ người Ba Tư vừa đùa vừa thật nói rằng triết học là bản thảo lúc đem đi in đã để lạc đâu mất trang đầu và trang cuối. Triết học có ba trang mà lại để lạc mất trang đầu, trang cuối như thế có nghĩa nó không thể giải quyết được vấn đề sinh và tử. Một khi đã không giải quyết được vấn đề sinh  bởi đâu và chết rồi đi về đâu thì hẳn nhiên là cũng không thể biết sống trên đời này để làm gì.

Sống trên đời cần phải có mục đích và mục đích ấy có thể chỉ là những việc thường nhật trong đời sống như học hành để mong đỗ đạt bằng này cấp kia. Tập luyện thể thao để mong có được thành tích này nọ. Lấy vợ lấy chồng để mong có con cháu nối dòng v.v…Ngoài những mục đích có tính…đời thường như thế con người còn ôm ấp những hoài bão lớn lao chẳng hạn như đi làm  chính trị cách mạng  để mưu tìm độc lập tự do cho dân tộc. Hoặc vùi đầu vào các phòng thí nghiệm để hòng tìm ra một thứ thuốc đặc trị, một phương pháp chữa bệnh hữu hiệu cho nhân quần xã hội v.v…

Tất cả những mục đích dù tầm thường hay cao cả như thế đều  đem ích lợi đến cho con người  trong một chừng mực nào đó. Thế nhưng cuối cùng rồi ra cũng trở thành vô nghĩa khi phải đối diện với cái chết. Thật vậy có chăm chỉ học hành đỗ đạt lấy vợ lấy chồng sinh con đẻ cái đầy đàn rồi sao nữa ? Dù cho có chữa được bệnh có làm cho con người  được sống lâu khỏe mạnh  rồi sao nữa ? Những câu hỏi …rồi sao nữa, rồi sao nữa khiến  con người không khỏi băn khoăn muốn tìm cho ra câu trả lời thỏa đáng = chết là hết đời hay ngoài đời sống này có một đời sống khác và đời sống ấy là gì ?

Câu hỏi  đã được triết học nêu lên và mỗi trường phái  đều có những câu trả lời khác biệt = Thuyết Duy Vật cho rằng chết thuộc quy luật sinh lý tức là sự trao đổi chất. Khi sự trao đổi  chất này không còn nghĩa là không ăn uống, hít thở nữa thì gọi là chết. Thuyết Nhị nguyên cho rằng chết là linh hồn ra khỏi xác. Còn những nhà Hiện Sinh hữu thần như Karl Jaspers như Gabriel Marcell lại nhấn mạnh cái chết như là chỗ hoàn thành ý nghĩa của hiện sinh. Riêng với triết gia vô thần hiện sinh  Jean Paul Sartre thì hoàn toàn bác bỏ cho rằng cái chết chỉ là phi lý. Chết là hết đời và cũng là hết chuyện bởi vì chết rồi còn  có…tôi nữa đâu để nói rằng…tôi chết ?

Dù cho có nhìn nhận hay không ý nghĩa của cái chết thì đó vẫn là hiện tượng không thể phủ nhận. Đối với triết học dù là Đông hay Tây, cái chết vẫn là một nan đề không thể giải quyết. Khổng Tử khi được đệ tử hỏi = Người chết rồi có biết gì nữa không ? Ngài trả lời rằng nếu ta nói người chết rồi mà còn biết thì sợ những con cháu hiếu thảo liều chết để theo ông cha. Nếu ta nói người chết rồi mà không biết gì thì sợ con cháu bất hiếu cha mẹ chết bỏ không chôn. Ngươi muốn biết người chết rồi có biết hay không biết; chuyện đó không phải là chuyện cần kíp ngay bây giờ, rồi sau sẽ biết” ( T.T. Kim – Nho Giáo – Quyển thượng ).

Thật ra cái chết không phải không là chuyện cần kíp ngay bây giờ. Tại sao ? Bởi vì chết là điều chắc chắn không một ai tránh khỏi. Mặt khác cái chết lại đến cách bất ngờ không ai biết nó đến vào ngày tháng năm nào, giờ phút nào. Chết là quy luật của muôn loài sinh linh vạn vật. Hễ đã có sống thì phải có chết, có sinh thì ắt có tử. Biết chết là một quy luật đó là có trí tuệ, ngược lại thì không. Tuy nhiên biết cái chết là quy luật như thế chưa đủ mà còn cần phải biết  chuẩn bị cho cái chết, đó mới thật là người có trí. Biết mình thể nào cũng chết mà không làm chi cho cái chết ấy thì cũng vô lý nếu không nói là điên khùng giống như  người nọ thấy nhà mình đang cháy mà cứ ở lỳ trong đó. Trong trường hợp này Đức Ki Tô đưa ra ví dụ “ Có phú hộ kia trúng mùa rất lớn bèn cho rằng cần phải xây kho lẫm cho thật lớn và nhủ mình rằng = Linh hồn ta ơi, ngươi đã có lắm của cải để dành nhiều năm. Thôi hãy nghỉ ngơi ăn uống vui chơi đi. Song ĐCT phán cùng người ấy  = Hỡi kẻ ngu dại kia. Ngay đêm nay linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại thì những của cải ngươi đã dự bị sẽ về tay ai ? Kẻ nào dồn chứa của cải cho mình mà không giàu có nơi ĐCT thì cũng như vậy” ( Lc 12,16 -21).

Người phú ông chết bất thình lình đang khi không có sự chuẩn bị gì. Điều ấy thật nguy hiểm bởi vì ông ta chết trong sự mê muội. Con người sống trên cõi đời dù mê hay tỉnh thì cũng giống như người đi đường. Tuy nhiên có sự khác biệt lớn lao giữa kẻ tỉnh người mê. Kẻ tỉnh thì biết đường mình đi, trái lại người mê thì không. Có biết đường đi thì mới có được sự an tâm và chắc chắn  người đó sẽ đến được nơi mình muốn đến. Ngược lại  không biết đường thì cũng giống như người quờ  quạng  đi trong đêm tối, không có cách chi tránh khỏi sa hầm sụp  hố.

Đường đời có trăm vạn nẻo thì đường tâm linh cũng vậy cũng có trăm vạn nẻo. Người có đạo tức là đã có cho mình con đường tâm linh để đi và con đường của chúng ta chính là Đức Giesu Ki Tô “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14,6)

Chúa khẳng nhận mình là con đường và là con đường duy nhất để đến với  Đấng  Cha. Lý do cần khẳng định như thế là bởi đây là con đường đi sâu vào bản tâm là con đường rất khó để vào. Thiên chúa quả thật là Đấng Cha của mỗi người nhưng do bởi vô minh che lấp nên không một ai nhận biết, duy chỉ Đức ki Tô biết và Ngài đến là  để  dẫn đường chỉ lối cho chúng ta. Chúa là Đấng dẫn đường còn về phần chúng ta thì phải hết lòng tin tưởng và đi theo Ngài. Mùa Chay là thời gian của Ơn Cứu độ cũng là ngày Thiên Chúa thi ân hầu giúp chúng ta quay trở về với Ngài “ Bấy giờ Chúa phán: Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh nước mắt và than van. Hãy xé lòng chứ đừng xé áo các ngươi. Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa các ngươi vì Người nhân lành từ bi nhẫn nại giầu lòng thương xót và biết hối tiếc về tai họa” ( Ge 2, 12).

Phải trở về với Chúa trong chay tịnh nước mắt và than van. Tại sao thế ? Bởi vì đấng Chúa ấy từ muôn thuở vẫn hằng ở với ta mà ta lại không hề hay biết. Cũng bởi không biết nên ta mới quay lưng phản bội Ngài gây ra biết bao điều gian ác kinh tởm. Người con hoang đàng sau phút giây tỉnh ngộ đã quyết tâm trở về để nói lên lòng sám hối ăn năn “ Ta sẽ đứng dậy trở về cùng cha mà thưa rằng = Cha ôi ! Con  đã phạm tội với trời và với cha, con  chẳng đáng được gọi là con cha nữa xin hãy đãi  con như đứa làm thuê của cha vậy” ( Lc 15, 11 -19).

Trước tấm lòng  thành tâm thống hối của đứa con tội nghiệp, người cha đã dủ lòng thương xót và nói với gia nhân đầy tớ rằng = Chúng ta hãy ăn mừng vì con ta đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm được” ( Lc 15, 11 -24). Mỗi người trong chúng ta dù già dù trẻ dù gái dù trai dù có hay không có tôn giáo đều đang trên con đường về nghĩa là trong thân phận phải chết. Thế nhưng trên con đường về ấy có người xác định được hướng có người không. Không xác định được hướng thì có thể nói đó không phải là trở về nhưng là còn  mải mê trong cõi mịt mờ bất định như câu thơ tự thú của thi sĩ Vũ Hoàng Chương “ Lang thang từ độ luân hồi. U minh nẻo trước xa xôi dặm về”. Ki Tô Hữu là những con người đã xác định được  con  đường về bởi vì chúng ta có sự xác tín vào lời hứa của Đức Ki Tô” Lòng các ngươi chớ bối rối đã tin ĐCT thì cũng hãy tin Ta nữa. trong Nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở. Bằng chẳng vậy Ta đã nói cho các ngươi rồi. Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi Ta sẽ trở lại tiếp các ngươi về với Ta hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó” ( Ga 14, 1 -3)

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment