Gác đời lẻ loi

Sáng nay, một người quen đến gặp và chia sẻ với tôi về cuộc sống của anh, anh yêu mến Giáo Hội tha thiết, trăn trở về những sinh hoạt của Giáo Hội và ao ước đóng góp phần nhỏ bé của mình vào sự lớn mạnh của Giáo Hội. Cùng với những chia sẻ đó, anh nói về cuộc sống gia đình của anh, hạnh phúc nhưng lại trắc trở, anh và chị sống chung không có Bí Tích Hôn Phối, chỉ vì chị đã có Hôn Phối với một người trước anh.

Trong Tòa Hoà Giải, chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp não nề bi đát như vậy, thật khó xử khi luật Giáo Hội xưa nay vẫn không cho phép chúng tôi giải tội để họ được rước lễ, nhưng nghe từng lời tâm sự, từng tiếng lòng tha thiết ước ao được rước Chúa, mới thấu cảm phần nào nỗi đau thương nặng nề họ phải gánh chịu.

Số người ly dị vẫn ngày một tăng, ít ai sau ly dị mà có thể sống độc thân, chuyện tái hôn làm nhiều gia đình lâm vào tình trạng sống đạo một cách không trọn vẹn, và đương nhiên là nhiều tủi thân đau khổ. Một mặt không thể chối bỏ niềm tin, nhưng một mặt cứ phải mang tâm trạng tội lỗi vì không được rước lễ, chưa kể đến các áp lực đến từ dư luận trong cộng đồng.

Thiên Chúa muốn cho mọi người sống hạnh phúc, không bao giờ Thiên Chúa chấp nhận sự đau khổ dằn vặt con người, vậy nếu cuộc hôn nhân sau làm người ta được hạnh phúc hơn trước đó, thì đấy có là phải ý Chúa không ?

Người bệnh cần thuốc để chữa bệnh, nhưng không chỉ là thuốc, dinh dưỡng mới là quan trọng, cắt nguồn dinh dưỡng là cắt luôn sự sống của con bệnh. Bí Tích Thánh Thể là của ăn dinh dưỡng cho Sự Sống đời đời, cắt mất của ăn này, hỏi người bệnh có thể tiếp tục sống để được chữa bệnh không ?

Chúa Giêsu thiết lập các Bí Tích để thông ban cho chúng ta những ân sủng cần thiết, nhưng Chúa Giêsu không hoàn toàn phụ thuộc vào Bí Tích như là một con đường độc nhất để thông ban ân sủng, Ngài còn có trăm phương ngàn cách để thi ân giáng phúc cho chúng ta từ lòng xót thương hải hà của Ngài.

Cách sống Đạo, cách dạy Giáo Lý của chúng ta lắm khi vô tình gây một áp lực rất lờn lên lương tâm của những người tái hôn sau ly dị, phần rất đông bị mặc cảm dày vò khiến lắm khi họ lung lay niềm tin. Giáo Hội không thể phá bỏ kỷ luật cần thiết cho một thế chế trong xã hội, nhưng tổ chức trật tự thế nào đó để bộc lộ được hai chiều kích: lòng nhân từ xót thương của Thiên Chúa và niềm hy vọng của những ai tin vào Thiên Chúa. Rõ ràng đây là một thách đố lớn cho Giáo Hội.

Năm Thánh Hóa Gia Đình để tân Phúc Âm Hóa, phải chăng là một thời điểm thích hợp để Giáo Hội chú tâm chăm sóc đến những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt. Họ cần phải được quan tâm, có quyền được quan tâm. Họ cần phải được hướng dẫn lương tâm về đời sống Đức Tin, chấp nhận hoàn cảnh thực tế, sống niềm tin vào Thiên Chúa mạnh mẽ, lại rao truyền niềm tin ấy đến cho người khác nữa. Dù họ là ai và ra thế nào đi chăng nữa, họ vẫn là con cái của Mẹ Giáo Hội, vẫn là đối tượng mà Chúa Giêsu luôn ân cần ra đi tìm kiếm, rồi yêu thương bồng ẵm trở về.

Năm Thánh Hóa Gia Đình là cơ hội cho chúng ta tạo ra các cuộc gặp gỡ giữa Giáo Hội và những anh chị em có hoàn cảnh đặc biệt, một cuộc đối thoại để cảm thông, hiểu biết, yêu thương và tôn trọng, để anh chị em này sống vui tươi, phát triển và cộng tác tích cực phần của mình trong công cuộc xây dựng của Giáo Hội.

Năm Thánh Hóa Gia Đình là cơ hội để đóng cửa các thứ… “gác đời lẻ loi” !

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 1.6.2014
( Ghi chú: tựa đề bài viết lấy từ lời một bài hát của Phạm Duy )

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment