Đặt lại vấn đề Truyền Giáo và Đối Thoại

Công Đồng Vatican II được mệnh danh là Công Đồng của đối thoại và thực tế cho thấy từ khi chủ trương này được thực hiện thì công cuộc truyền giáo ngày càng đi vào chỗ bế tắc “ Chẳng có gì mới mẻ khi nói rằng Giáo Hội từ sau Công đồng Vatican II đang học cách bước đi với hai chân, một chân là nhìn nhận  giá trị nơi các tôn giáo khác, một chân là công bố tính ưu việt của Đức Ki Tô Gie Su. Đây là hai cực mà tài liệu “ Đối Thoại và Rao Truyền”  một tài liệu liên kết giữa Hội Đồng Giáo Hoàng Đối Thoại Liên Tôn với Bộ Phúc Âm Hóa các Dân Tộc. Làm sao chúng ta có thể cùng lúc vừa khẳng định các tôn giáo và các nền văn hóa vừa đồng thời  loan báo về Đức Ki Tô ? Đối thoại và rao truyền có thể cùng là những chiều kích đích thực của sứ mạng  truyền giáo của Giáo Hội không ? Tận sâu thẳm trong  tâm hồn chúng ta có niềm hy vọng đối thoại liên tôn dẫn tới sự hoán cải không ? Đó có phải là những công việc còn được giấu kín không ? ( Nguồn Đối thoại và Chân lý – Tham luận của Donald. J Goergen O.P tại Hội Nghị Đối Thoại Liên Tôn tổ chức tại Bankok từ ngày 7 đến ngày 12/02/2001).

Hỏi tức là trả lời và câu trả lời ở đây là không thể vừa khẳng định các tôn giáo vừa loan báo về Đức Ki Tô. Tại sao ? Bởi vì khẳng định có nghĩa là nhìn nhận các tôn giáo khác cũng có Ơn Cứu Độ. Còn loan báo về Đức Ki Tô thì phải nhìn nhận Ngài là Đấng Trung Gian  duy nhất “ Vì chỉ có một Đấng Trung Gian ở giữa ĐCT và loài người là Đức Gie Su Ki Tô cũng là người” ( 1Tm 2, 5). Một khi đã nhìn nhận Đức Ki Tô là Đấng Trung Gian duy nhất thì đương nhiên không thể khẳng định giá trị Ơn Cứu Độ ở nơi các tôn giáo khác. Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là nếu không nhìn nhận giá trị cứu độ ở nơi các tôn giáo khác thì chẳng lẽ tất cả họ đều không thuộc phạm vi cứu độ của Thiên Chúa hay sao ? Trả lời vấn nạn này CĐ Vatican II cho biết “ CĐ Vatican II khẳng định lại Ơn Cứu Độ  có được do bởi Đức Ki Tô bởi niềm tin và bởi Bí Tích Rửa Tội. Tuy nhiên Công Đồng cũng coi việc thuộc về Giáo Hội là cần thiết để được cứu độ nhưng những người không Ki Tô giáo cũng có thể  được cứu độ do họ có liên hệ với Giáo Hội cách  này hay cách khác. Có hai cách cơ bản trong tương giao với Giáo Hội: Thuộc về Giáo Hội ( Các tín hữu) Có tương giao với GH ( Không Ki Tô giáo ). Những người không Ki Tô giáo này gồm 5 nhóm = 1/- Do Thái giáo –  Kiến thức của  Do Thái giáo về Thiên Chúa rất gần với  đức tin Ki Tô giáo vì dựa trên mạc khải. Theo đó họ có một mối tương  giao đặc biệt đối với Đức Ki Tô và Giáo Hội của Người. 2/- Hồi giáo  –  Người Hồi giáo tuyên xưng đức tin có từ thời Abraham . Cùng với Ki Tô Hữu họ tôn thờ một Thiên Chúa nhân từ. 3/- Những người thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa. Họ là những người thuộc về  các tôn giáo ngoài Ki Tô giáo còn lại. 4/- Những người không do lỗi của họ chưa khám phá ra được Thiên Chúa cách minh nhiên. 5/- Những người tuy không có ơn sủng vẫn sống một cuộc đời tốt lành theo lương tâm ngay thẳng. Theo nghĩa này họ không thuộc về bất cứ một tôn giáo nào họ chỉ là những người thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa hoặc không do lỗi của họ” ( Thời Sự Thần Học số 30 ).

Cứ theo lập luận này thì có hai loại người cũng  được  Ơn Cứu Độ. Một là những người thuộc về Giáo Hội ( Các Tín Hữu ) và hai là có tương giao với Giáo Hội ( Không  phải Ki Tô giáo ). Nên nhớ những người thuộc Giáo Hội ở đây được hiểu  bao gồm cả các hệ phái Tin Lành cũng như Chính Thống giáo và Anh giáo. Còn những người có tương giao với Giáo Hội đó là Do Thái giáo và Hồi giáo. Nếu hai loại ….thuộc về và tương giao này đều có Ơn Cứu Độ  thì phải chăng họ không phải là đối tượng của việc truyền giáo cũng như cần  đối thoại ?

Sự thật hoàn toàn không phải như thế nếu chúng ta nhận ra mệnh lệnh truyền giáo của Chúa Ki Tô Phục Sinh “ Hãy ra đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Ai tin và chịu Phép Rửa thì được cứu. Còn ai không tin thì bị luận phạt” ( Mc 16, 15). Mệnh lệnh của Chúa  đưa ra thật hết sức rõ ràng = Ai tin thì được cứu. Ai không tin sẽ bị luận phạt. Lời Chúa là lời hằng sống, lời chân thật. Dẫu vậy để có được lòng tin và Phép Rửa thì nhất định  phải có giáo Hội Công Giáo Tông Truyền. Không có Giáo Hội Tông Truyền thì không thể có lòng tin, có Phép Rửa và như vậy cũng chẳng làm gì có việc rao giảng Tin Mừng. Chính bởi lẽ đó mà Giáo Hội đã đề ra nguyên tắc “ Ngoài Giáo Hội không có Ơn Cứu Độ” ( Extra Ecclesiam nulla salut ). Ngoài Giáo Hội ở đây tức là ngoài GH Công Giáo bao gồm không  những các tôn giáo khác như Do Thái giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo v.v… mà cả các hệ phái Tin Lành, Anh giáo, Chính Thống giáo v.v…

Giáo hội  Công giáo được gọi là Tông Truyền bởi vì do chính Chúa Gie Su Ki Tô thiết lập. Chúa nói với Phero “ Còn Ta lại bảo ngươi rằng ngươi là Phero. Ta sẽ lập Hội Thánh Ta trên tảng đá này. Cửa Hỏa Ngục chẳng thắng được nó. Ta sẽ giao chìa khóa Nước Trời cho ngươi hễ điều gì ngươi cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc. Còn điều gì ngươi cởi mở dưới đất thì trên trời cũng cởi mở” ( Mt 16, 18 -19). Chúa giao chìa khóa Nước Trời cho chỉ một mình Thánh Phero cùng với năng quyền tối thượng như thế để làm gì nếu không phải là để bảo vệ cho tính chân truyền của Ơn Cứu Độ ? Tính chân truyền ấy chỉ có thể có được do lòng tin vào Tin Mừng của Đức Ki Tô = Ai tin và chịu Phép Rửa thì được cứu. Còn ai không tin sẽ bị luận phạt. Lý do sâu xa cần phải có lòng tin vào Tin Mừng của Chúa đó là vì Tin Mừng ấy nói về Nước Trời mầu nhiệm nội tại “ Người Pharisieu hỏi Chúa Gie Su về Nước ĐCT chừng nào đến thì Ngài đáp = Nước ĐCT không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không nói được = Đây này hay đó kia. Vì này Nước ĐCT ở trong lòng  các ngươi” ( Lc 17, 20 -21).

Khi nghe Chúa Gie Su rao giảng Nước Trời thì người Do Thái tưởng rằng Ngài có ý nói đến một thể chế chính trị mới sẽ được thiết lập để thay thế cho chế độ cai trị hiện hành của người La Mã. Thế nhưng Nước Trời mà Đức Ki Tô rao giảng lại hoàn toàn khác với những gì  con người quan niệm. Nước ấy đến …cách mắt  không thấy được bởi vì đó là một thực tại vượt ngoài không gian thời gian. Thực tại này tùy từng đối tượng có khi Đức Ki Tô gọi là Nước Trời, có khi gọi là đấng Cha v.v…Dù với bất cứ danh hiệu nào thì đó cũng vẫn là thực tại Tâm mà con người chỉ có thể  hội nhập duy bằng đức tin thôi. “ Đạo ở gần ngươi ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi tức là Đạo Đức Tin mà chúng tôi rao giảng đây. Vậy nếu miệng ngươi  nhận Gie Su là Chúa và lòng ngươi tin ĐCT đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại thì ngươi sẽ được cứu. Vì bởi lấy lòng tin  mà được nên công chính và bởi lấy miệng thừa nhận mà được cứu rỗi” ( Rm 10, 8 -10).

Để  nhận được Ơn Cứu Độ cần  có hai điều kiện, một là thừa nhận có nghĩa  đặt hết niềm tin vào Chúa Gie Su và hai là  tích cực sống niềm tin ấy nơi các Bí Tích Chúa  thiết lập. Lý do cần đặt hết niềm tin vào Chúa bởi vì Ngài là con đường duy nhất dẫn đưa ta đến với Đấng Cha  cũng là Sự Sống Đời Đời “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không  qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).

Một khi Chúa đã khẳng định như vậy thì phải đúng thật như thế có nghĩa không có  bất cứ triết học  hay tôn giáo nào ngoài Đức Ki Tô  và Giáo Hội của Ngài có thể dẫn đưa con người đến được với Cha cũng là Sự Sống Đời Đời. Đặt  trọn niềm tin yêu vào Chúa Gie Su và con đường của Ngài đó phải là tất cả cơ sở đối thoại của việc truyền giáo. Thực tế cho thấy dù xưa hay nay dù trong hoàn cảnh nào, việc truyền giáo cũng gắn liền với đối thoại mà nguyên do là bởi  có sự khác biệt về niềm tin. Ngược lại nếu không có sự khác biệt ấy thì  đâu cần gì phải đối thoại ? Thánh Phero nói “ Hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải  trả lời cách hiền hòa và với sự kính trọng. Hãy giữ lương tâm ngay thẳng khiến những kẻ phỉ báng anh em, vì anh em ăn ở ngay thẳng trong Đức Ki Tô thì chính họ phải hổ thẹn vì những điều họ vu khống” ( 1Pr 3, 15 -16).

Như đã nói sở dĩ có đối thoại là vì có sự khác biệt về niềm tin. Đương thời Chúa Gie Su luôn bị người Do Thái ra mặt chống đối  bởi vì những điều Ngài rao giảng hoàn toàn  trái ngược với những gì mà bấy lâu họ vẫn tin tưởng về một đấng thần linh vô đối “ Người Do Thái lại lấy đá để ném Ngài. Chúa Gie Su phán = Ta do Cha ta mà tỏ nhiều việc lành cho các ngươi. Vậy vì việc trong đó mà các ngươi ném đá ta ? Người do Thái đáp rằng = Ấy chẳng phải vì một việc lành mà chúng ta ném đá ngươi đâu nhưng vì  ngươi lộng ngôn. Ngươi vốn là người mà lại tự tôn là ĐCT” ( Ga 10, 31 -33).

Chúa Gie Su đã làm nhiều phép lạ cả thể như trừ quỷ, làm cho người chết sống lại và còn quả quyết đây là thời Thiên Chúa đến đoái thăm Dân Người ( Lc 7, 16).  Ấy vậy  mới chỉ nhận mình là Con Thiên Chúa được sai đến mà Ngài đã bị khép vào tội lộng ngôn phạm thượng. Lòng tin hay nói đúng hơn sự cố chấp vào đấng thần linh hữu ngã vô đối của người Do Thái thật hết sức nặng nề khó bề giải gỡ. Tuy nhiên cũng chính vì cái khó ấy mới cần đến Đức Ki Tô xuất hiện nơi đời đồng thời lôi kéo được biết bao tâm hồn quảng đại sẵn sàng cho lý tưởng cứu nhân độ thế. Một trong những con người ưu việt đó là Phao Lô, chính ngài đã kể lại với vua  Ạc Rippa  về sự trở lại trong biến cố Da Mat và những lời truyền dạy của Chúa Ki Tô “ Tôi hỏi = Thưa Chúa, Chúa là ai ? Chúa đáp rằng = Ta là Gie Su mà ngươi đang tìm bắt bớ đây. Song hãy trở dậy đứng lên vì Ta đã hiện ra cho ngươi để lập ngươi làm thừa sai và chứng nhân về cả những việc ngươi đã thấy lẫn những việc Ta sẽ hiện ra mách bảo cho ngươi nữa. Ta cũng sẽ giải cứu ngươi khỏi dân này và người ngoại bang mà Ta sai ngươi đến để mở mắt họ xây khỏi tối tăm mà hướng về sự sáng, khỏi quyền bính của Sa Tan mà hướng về ĐCT hầu cho họ nhận được sự tha tội và cơ nghiệp trong vòng những kẻ được nên Thánh bởi đức tin đến Ta” ( Cv 26, 15 -18).

Truyền giáo là được sai đi và người được sai đi thì cũng sẽ nhận được  những ơn cần thiết và ơn cần thiết  nhất đó chính là khả năng đối thoại. Chúng ta cứ giả thử như không có một Phao Lô trở lại thì sao ? Tất nhiên  sẽ chẳng có những Thánh Thư vô giá  cho người La Mã cho người Do Thái cho tín hữu Phillip cho Timotheo v.v…tất cả những thư này đều mang tính chất đối thoại phong phú và khôn ngoan rất mực của mọi lãnh vực và cho từng đối tượng khác nhau.

Mặt khác người truyền giáo cũng đồng thời là những chứng nhân. Có thể nói không có con người truyền giáo  đích thực nào mà lại không  là chứng nhân. Tại sao thế ? Bởi  vì  truyền giáo luôn là một với việc rao giảng  Tin Mừng của Đức Ki Tô  nhưng Tin Mừng này lại đối nghịch với thế gian và  vì thế mà không thể không bị bách hại “ Cũng vì Tin Mừng đó mà ta đã được lập làm người truyền giáo, sứ đồ và giáo sư. Lại cũng vì cớ ấy mà ta phải chịu những nỗi khổ này. Dầu vậy ta chẳng hổ thẹn đâu vì ta biết Đấng mà ta  đã tin rồi và cũng tin chắc rằng Ngài có thể giữ sự ta đã phó thác cho Ngài đến ngày đó. Hãy lấy đức tin và sự thương yêu trong Chúa Gie Su Ki Tô mà giữ  lấy mẫu mực của đạo thuần chánh mà con đã nghe ở nơi ta” ( 2Tm 1,  11 -13).

Lịch sử truyền giáo của Giáo Hội trong hai mươi thế kỷ nay ghi nhận đã có không biết bao nhiêu là những chứng nhân cho Tin Mừng và hễ đã là chứng nhân thì ắt sẽ phải chịu bắt bớ giam cầm kể cả cái chết. Thế gian sẽ không bao giờ  hiểu được điều này bởi lẽ tất cả đều là do ơn sủng của Chúa “ Ơn Ta đủ cho ngươi. Vì quyền năng của Ta  nên trọn vẹn trên sự yếu đuối. Vậy tôi lấy làm vui thà khoe khoang về sự yếu đuối  tôi hầu cho quyền năng của Chúa Ki Tô ở trên tôi. Cho nên vì cớ Chúa Ki Tô, tôi vui lòng chịu sự yếu đuối nhục nhã túng ngặt bắt bớ khốn khổ, vì khi tôi yếu đuối ấy là lúc tôi mạnh mẽ” ( 2C 12, 9 -10)./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment