Ăn Chay và Truyền Giáo

Với tiêu đề rất chi gợi sự tò mò “ Cơm chay trên (đánh máy sai là…trân) bàn thịt chó”, linh mục Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh đã nhắc lại bữa ăn họp mặt của Ban Thường Trực Hội Dòng Họ Vũ, Võ tỉnh Bình Định hôm đó gồm  10 người thì phía ăn mặn có 03 là Công giáo ( 02 linh mục, 01 giáo dân ) và 04 người ngoài Công giáo. Còn phía ăn chay có 03 người trong đó có cả cha Khánh. Theo như lời cha nói, mục đích khi kể ra câu chuyện này là để tránh cho người Công giáo khỏi một ngộ nhận bất công “ Chẳng phải tôi lập dị nhưng tôi ước mong xóa bỏ một cái nhìn “ bất công” đối với người Công giáo, có thể là do bị gán ghép mà cũng có thể chính người Công giáo Việt Nam có phần chịu trách nhiệm về ngộ nhận này. Lắm nhà truyền giáo phương Tây chỉ vừa nghe mấy tiếng “ ăn thịt chó” đã đủ thấy buồn nôn. Họ lấy làm quái gở không hiểu được  tại sao một số dân tộc Viễn Đông lại ăn cả giống vật trung thành và gần gũi với con người đến thế. Như vậy nếu ta ăn thịt chó chính vì ta là người Việt Nam chứ không phải vì ta là người Công giáo. Thế mà ngày nay anh chị em Lương Dân lại nghĩ rằng ăn thịt chó là tệ tục của người Công giáo, do người Công giáo bày đầu ! Nguyên cớ vì đâu ? Thiết tưởng vì lợi ích tối thượng của Tin Mừng, mỗi người chúng ta cần suy nghĩ lại và cẩn trọng hơn về chuyện này”.( Nguồn Ephata 593 – Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh – 50 năm thờ cúng tổ tiên )

Đúng là người đời khi gán ghép cho người Công giáo…bày đầu trong việc…ăn thịt chó là bất công. Thế nhưng chắc chắn cái việc ăn thịt chó ấy nói riêng và ăn chay nói chung của người Công giáo có ảnh hưởng rất lớn đến việc truyền giáo. Thật vậy làm sao một người có thể nói cho người khác nghe về chân lý cao cả của tôn giáo mình khi mà chính mình lại không hề thực hiện chân lý ấy ? Mặt khác cũng chẳng phải vì người Công giáo  Việt Nam ăn thịt chó mà công cuộc truyền giáo không  kết quả. Bằng chứng tại các nước phương Tây người Công giáo có ăn thịt chó đâu mà đạo chẳng những không truyền được mà ngày càng biến mất. Rõ ràng vấn đề không phải ở chỗ ăn hay không ăn thịt chó nhưng là do người Công giáo đã không ăn chay theo đòi buộc của Tin Mừng.

Ăn chay là truyền thống rất lâu đời của các tôn giáo từ đông sang tây, từ cổ chí kim. Thế nhưng vì mỗi tôn giáo có tôn chỉ riêng của mình nên tất nhiên phải có những quan điểm khác nhau về việc ăn chay. Đương thời Chúa Giêsu có người nêu thắc mắc “ Sao môn đệ của Gioan và người Pharisiêu đều ăn chay còn môn đệ của thầy lại không ăn chay ? Chúa đáp = chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay ? Khi chàng rể còn ở với họ thì họ không thể ăn chay được. Nhưng khi tới ngày chằng rể bị đem đi rồi bấy giờ họ mới ăn chay. Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ vì như vậy miếng vá mới đã vá vào sẽ kéo vải cũ khiến chỗ rách lại càng rách thêm. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy rượu cũ sẽ làm nứt bầu thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới bầu cũng phải mới” ( Mc 2, 18, 22).

Trả lời cho thắc mắc của người Do Thái là những người hết sức trọng lề luật Chúa Giêsu đã lấy những ví dụ rất cụ thể = Không thể lấy vải mới để vá vào áo cũ cũng như không thể đổ rượu mới vào bình cũ. Vải mới rượu mới ở đây là quan niệm của Đức Ki Tô về việc ăn chay. Còn áo cũ bầu cũ là của những người còn khư khư bám giữ lấy những luật lệ cũ của cha ông họ. Ăn chay theo Đạo Cũ ( Cựu Ước ) là giữ luật chỉ vì luật, bởi đó cho nên đó chỉ là những hình thức đạo đức bề ngoài chẳng những chẳng giúp ích gì cho việc giải thoát. Trái lại càng ngày càng trở nên khô cứng xa rời thực tại. Ăn chay theo Đạo Mới ( Tân Ước ) thì hoàn toàn khác Đạo Cũ ở chỗ phải phát xuất từ ở nơi Tâm, không bị ràng buộc bởi những hình thức bề ngoài “ Khi các ngươi ăn chay chớ làm bộ buồn rầu như bọn giả hình vì họ nhăn nhó để tỏ vẻ ăn chay với người ta” ( Mt 6, 16 ).

Quan niệm ăn chay của người Do Thái lúc đương thời Chúa Giêsu đã bị sơ cứng, giữ luật chỉ vì luật mà không hề biết đến mục đích của nó. Đang khi đó việc ăn chay luôn đòi hỏi phải đi đôi với việc sám hối ăn năn chừa cải tội lỗi mình “ Bấy giờ Chúa phán = các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van. Hãy xé lòng chớ đừng xé áo. Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa các ngươi vì Người nhân lành, từ bi nhẫn nại giàu lòng thương xót và biết hối tiếc về tai họa” ( Ge 2, 12 – 18).

Sở dĩ ăn chay cần phải gắn với sám hối ăn năn bởi chỉ có như vậy chúng ta mới có thể trở về với Đấng Chúa ở nơi mình. Trở về chỉ có thể là về với Đấng Chúa ở nơi mình. Chính bởi vậy việc ăn năn sám hối cần diễn ra ở nơi Tâm chứ không phải ở hành vi bên ngoài ( xé lòng chứ không xé áo). Sự ăn năn diễn ra ở bên trong tức ở nơi nội tâm nhưng nó cần phải thể hiện ra bên ngoài  bằng các giới luật. Đời cũng như đạo luôn cần có những luật lệ, phép tắc mới có thể duy trì và phát triển.  Đời có luật của đời như luật giao thông, luật kinh tế, luật bầu cử, kể cả giang hồ cũng có luật của nó v.v…Đạo có luật của đạo cũng gọi là giới răn thuộc lãnh vực tâm linh. Luật  đời khác luật đạo ở chỗ luật đời do Tòa Án phân xử còn luật  tâm linh do lương tâm phán xét. Luật đời người ta có thể dùng thế lực tiền bạc mà chèn ép, bẻ cong. Còn luật lương tâm tuy vô hình nhưng chí công vô tư, hễ gây nhân nào thì lãnh quả đó không bao giờ sai chạy.

Tôn giáo suy cho cùng chỉ là áp dụng luật nhân quả để có được quả lành tối thượng. Quả tối thượng  của Đạo Công giáo chúng ta là rỗi linh hồn có nghĩa được lên Thiên Đàng hưởng phúc lộc đời đời đồng thời tránh khỏi sa Hỏa Ngục muôn kiếp. Tin có Thiên Đàng, tin có Hỏa ngục, tin sự thưởng phạt của Thiên Chúa chí công đây chính là “ giá trị cuốn hút” cha ông chúng ta xưa kia  mà cha Khánh đã đề cập tới chứ chẳng phải điều chi khác. Cũng chính do nơi sự cuốn hút đó mà công cuộc truyền giáo của Giáo Hội đã đạt được những thành quả lớn lao “ Dấn thân truyền giáo, tôi nhận ra rằng thuở ban đầu người Việt hăm hở đón chào Tin Mừng Cứu Rỗi vì khám phá ở đó những giá trị trổi vượt hẳn những gì họ đang có. Cả  tín lý và luân lý Công giáo đều hợp lý trong sáng và cao cả đáng tin nhận. Thừa sai Marie André Garin ( 1854 – 1885 ) làm việc tại Quảng Ngãi chưa đầy sáu năm đã rửa tội hơn 1200 người lớn  và hơn 10.000 trẻ nhỏ. Người ta háo hức  theo tôn giáo của ông Tây trẻ tuổi, nói tiếng Việt trọ trẹ vì nhận thấy ở đó những giá trị cao cả mà tập tục văn hóa cổ truyền không sao sánh được. Thế nhưng ngày nay không còn đơn giản như thế. Có những tài liệu xuyên tạc Đạo Chúa bắt đầu với Tây Dương Gia Tô Bí Lục và tiếp tục với nhiều sách báo phim ảnh và những trang mạng vu khống bôi nhọ Đạo Chúa, bởi như thế mà anh chị em Lương Dân hiện đang có những ấn tượng xấu rất khó phai mờ về người Công giáo” ( Nguồn Ephata 593 đã dẫn ).

Người Việt sở dĩ hăm hở đón chào Tin Mừng Cứu Rỗi là do các vị thừa sai người nước ngoài đã không quản ngại hy sinh gian khổ kể cả tính mạng đến để rao truyền chân lý cho chúng ta. Điều này cho thấy giữa truyền giáo và hy sinh luôn có sự tương tác với nhau, hễ ở đâu có hy sinh thì việc truyền giáo có kết quả, còn ngược lại thì không. Lý do của sự tương tác ấy là vì sự đòi buộc của Tin Mừng, hễ ai rao giảng Tin Mừng thì phải chịu khổ đau. Thánh Phao Lô tông đồ  của dân ngoại đã nói “Vì Tin Mừng ấy tôi phải chịu khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi. Nhưng lời Thiên Chúa đâu có thể bị xiềng xích. Bởi vậy tôi cam chịu mọi sự để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn để họ cũng đạt tới  Ơn Cứu Độ trong đức Giêsu Ki Tô và được hưởng vinh quang muôn đời” ( 2Tm 2, 9 -10).

Vào thuở xa xưa ấy cha ông chúng ta cũng như bao xứ truyền giáo khắp nơi đã nhiệt thành đón nhận Tin Mừng nhờ sự hy sinh quên mình của các vị thừa sai. Thế nhưng ngày nay tình trạng đã hoàn toàn thay đổi = Tại các quốc gia Châu  Âu  như Pháp, Ý Tây Ban Nha v.v..hầu như đã công khai chối bỏ căn tính Công giáo của mình. Nguyên nhân đưa đến sự chối bỏ ấy là do ảnh hưởng của nạn tục hóa, các giá trị tâm linh bị phá hủy một cách có hệ thống bởi đủ loại triết học và nguy hại nhất chính là Thuyết Tương Đối như đức nguyên giáo hoàng Benedicto XVI đã cảnh báo “ Chủ nghĩa cá nhân tuyệt đối đang thắng thế trong nền văn hóa hiện đại ( chính cá nhân mới đáng kể chứ không phải gia đình, công ích) sẽ dẫn đến cái nhìn về tự do của con người và nó là một trong những biểu hiện của Thuyết Tương Đối này = Không công nhận bất cứ cái gì là vĩnh hằng, chỉ giữ lại như biện pháp cuối cùng là cái tôi với những ham muốn của nó và với bề ngoài là tự do sẽ trở nên một nhà tù cho mỗi người” ( Diễn văn đọc tại Rô Ma ngày 06/6/2005 ).

Thế gian không nhìn nhận cõi vĩnh hằng nhưng không vì vậy mà không có Hỏa Ngục, đó là nơi giam giũ đời đời cho những kẻ không tin vào sự hiện hữu của nó. Còn người Công giáo chúng ta dẫu đức tin còn yếu kém nhưng xin lắng nghe và  hãy có quyết tâm xin vâng với Đức Mẹ Mễ Du “ Các con thân yêu ! Hôm nay Mẹ kêu gọi các con hãy cầu nguyện và ăn chay cho các ý chỉ của Mẹ, bởi Sa Tan đang muốn hủy hoại kế hoặch của Mẹ. Cùng với Giáo Xứ này Mẹ đã bắt đầu kế hoặch của Mẹ ở nơi đây và đã mời gọi toàn thể thế giới. Có nhiều người đã đáp lại nhưng còn vô số người không muốn lắng nghe hoặc đón nhận lời kêu gọi của Mẹ. Vì thế hỡi các con là những kẻ đã thưa vâng, các con hãy mạnh mẽ và kiên quyết. Cảm ơn các con đã đáp lại lời kêu gọi của Mẹ” ( Nguồn Mẹ Maria. Org – Lm Gabriele Amorth – Chuyên gia trừ quỷ hàng đầu của GP Roma – Than phiền về sự lãnh đạm đối với Đức Mẹ Mễ Du ) ./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment