5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 01-2013

20/01/12                                CHÚA NHẬT TUẦN 2 TN – C

                                                                              Ga 2,1-11

TIN VÀO CHÚA

Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người. (Ga 2,11)

Suy niệm: Qua phép lạ đầu tiên này, Chúa Giêsu cho các môn đệ biết căn tính của Người: Ngài là Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta (Ga 1,14) để ai tin vào Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời (Ga 3,16). Kể từ đây, các môn đệ bắt đầu tin vào Chúa. Tin là theo Chúa với trọn tấm thân, cả con tim, tâm hồn và cuộc sống. Nói cách khác, tin Chúa là đi theo ý định, chương trình và làm theo ước muốn của Ngài. Nhờ tin trọn vẹn vào Chúa Giêsu, chúng ta không những trở nên tốt lành, mà còn nên một với Chúa trong sứ vụ là loan báo Tin Mừng cho mọi người để họ tin và chịu Phép Rửa hầu được cứu độ (Mc 16,15-16).

Mời Bạn: Tin là ra đi khỏi những tính toán an toàn của bản thân, phó thác đời mình cho Chúa, khởi đầu bằng việc hoán cải, đổi mới cái nhìn, suy nghĩ; kế tiếp là sẵn sàng vâng theo giáo huấn của Chúa Giêsu, đồng thời quyết tâm dấn thân phục vụ Người và tha nhân. Mời bạn tích cực loan báo Tin Mừng, thông truyền đức tin cho người chưa biết Chúa qua việc sống những giá trị Tin Mừng Nước Trời, thực thi bác ái trong Năm Đức Tin này.

Sống Lời Chúa: Trong mọi hoàn cảnh và biến cố tôi sẽ luôn thưa với Chúa: “Lạy Chúa này con xin đến để thực thi ý Chúa” (Tv 40,8-9).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con nguyện tin và theo Chúa suốt cuộc đời. Dù bão tố thét gào quanh con, hay những tai ương bất ngờ xảy đến, xin cho con luôn tin tưởng và an lòng bước theo Chúa, xác tín Chúa mãi đồng hành với con trên đường đời. Amen.


21/01/13                                             THỨ HAI TUẦN 2 TN

Th. Anê, trinh nữ, tử đạo                                 Mc 2,18-22

THÍCH NGHI MÀ KHÔNG VÁ VÍU

“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ?… Chẳng ai lấy vải mới vá áo cũ…” (Mc 2,19.21)

Suy niệm: Người ngày nay ăn chay để giảm cân, chữa bệnh, nhưng gặp tiệc tùng thì cứ ăn, vì thỉnh thoảng mới có tiệc tùng, chuyện gì sau đó hãy tính. Trong việc xây dựng nhiều người sính theo kiểu “tân cổ giao duyên” cho lạ đời, bắt mắt, không nhận ra sự vá víu, rằng chúng có thể sớm lỗi thời, phá vỡ cảnh quan chung. Não trạng “tổng hợp” thích nghi cách vá víu đó cũng dễ gặp thấy trong sinh hoạt tôn giáo, cụ thể là qua câu chuyện giữa người Pharisêu và Chúa Giêsu về việc ăn chay hay không ăn chay. Không có chuyện áp đặt người phải giống ta và ta phải theo người. Ai có thể cấm ta ăn chay để tiết chế dục vọng, và ai có thể ngăn ta vui với niềm vui của người khác? Tiêu chí cho mọi sự “thích nghi” là Chúa Kitô, là “chàng rể” đang hiện diện nơi bàn tiệc Nước Trời mà mọi người được mời tham dự.

Mời Bạn: Điều được coi là “thích nghi” này dễ bị lạm dụng và khiến nó trở nên tệ hại hơn những gì tốt đẹp đã có trước đó. Vì thế ta phải biết suy xét thấu đáo trước khi đem áp dụng cho mình, hay dạy cho người ta làm như vậy, đặc biệt trong việc giáo dục con cái. Giáo dục không phải là sự hoài cổ, nhưng cũng không nên quá cấp tiến.

Chia sẻ: Trong Năm Đức Tin này chúng ta học hỏi giáo huấn Công Đồng Vatican II với những thích nghi, nhưng không nên sáng kiến tuỳ tiện mang tính chủ quan cá nhân.

Sống Lời Chúa: Hãy vui với người vui và hãy khóc với người khóc!

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin soi sáng cho con biết việc mình phải làm, và biết từ bỏ việc không nên làm, dù điều ấy làm con thích thú hơn. Amen.


22/01/13                                              THỨ BA TUẦN 2 TN

Th. Vinhsơn, phó tế, tử đạo                            Mc 2,23-28

GIỮ NGÀY SA BÁT

“Con Người làm chủ ngày sabát!” (Mc 2,28)

Suy niệm: Trong ngày sabát, được phép làm gì, bị cấm làm gì: đó là nội dung nhiều cuộc tranh luận gay gắt giữa Chúa Giêsu và biệt phái. Giới lãnh đạo Do Thái Giáo đã đặt ra tới 39 qui định tỉ mỉ liên quan đến việc giữ ngày sabát, trói buộc con người vào luật đến độ có thể nói chết luật; Chúa Giêsu lại muốn con người sống nhờ luật: nếu khi nào luật ngăn cản sự sống thì luật đó không còn giá trị! Trong Cựu Ước, người Do Thái đã cởi trói luật hưu lễ, tự vệ để sống còn (x. 1Mcb 2,29-44). Cũng thế, nếu trong ngày sabát bứt một gié lúa để ăn cho đỡ đói mà bị khép vào luật cấm gặt lúa trong ngày sabát, thì luật đó quả là khe khắt, phi nhân, phải loại bỏ đi. Luật kiêng việc xác ngày sabát phải hướng đến một chủ đích cao hơn, đó là trong ngày sabát, con người không bận tâm vào việc mưu sinh (tự nhiên), để dành trọn cho việc thờ phượng Chúa (siêu nhiên). Hội Thánh vẫn mời gọi con cái mình hướng đến chủ đích trên trong ngày của Chúa (Chúa nhật).

Mời Bạn: Thật đáng tiếc, ngày nay khi cuộc sống đầy đủ hơn, thì nhiều người chỉ nghĩ đến việc chăm lo sự sống thể lý (ăn, chơi) mà hờ hững chăm lo sự sống thiêng liêng! Đứng trước hiện tượng ngày càng có nhiều người dễ dàng bỏ lễ Chúa Nhật, bạn hãy cảnh tỉnh để sống thật ý nghĩa ngày của Chúa.

Sống Lời Chúa: Ghi nhớ câu Lời Chúa: “Của Xêda hãy trả cho Xêda ; của Chúa hãy trả cho Chúa” (Mt 22,21).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con hiểu rằng con không chỉ sống cho riêng mình hay cho tha nhân, nhưng con chỉ thật sự sống, nếu trên hết và trước hết, con sống cho Chúa, nhờ Chúa và vì Chúa. Amen.


23/01/13                                              THỨ TƯ TUẦN 2 TN

                                                                                Mc 3,1-6

VÔ CẢM

Rồi Người nói với họ: “Ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” Nhưng họ làm thinh. Đức Giêsu giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: “Anh giơ tay ra!” Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường. (Mc 3,4-5)

Suy niệm: Chỉ vì muốn bắt bẻ Chúa Giêsu mà những người Pharisêu đã vô cảm trước nỗi khổ của người bị bại tay. Lấy anh ta làm cớ để xem thử Chúa Giêsu có vi phạm lề luật hay không. Tuy nhiên, câu hỏi của Chúa Giêsu đã cho họ thấy cái sai căn bản vì họ đã không hề hiểu mục đích thật sự của luật nghỉ ngày Sabát: “Ngày Sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” Sabát là ngày của Thiên Chúa, ngày của yêu thương, ngày của sự sống, chứ không phải của luật buộc hay của cái gì khác.

Mời Bạn: Chúa Giêsu giận dữ và buồn khổ vì lòng người Pharisêu chai đá trước nỗi đau của đồng loại. Điều này nhắc ta đừng thờ ơ, vô cảm trước đau khổ của người xung quanh. Theo gương Chúa Giêsu, ta cần có thái độ sẵn sàng, mau mắn trong việc giúp đỡ người khác.

Chia sẻ: Có lần nào bạn cảm thấy ân hận khi bỏ qua một cơ hội giúp đỡ người hoạn nạn, đang cần sự giúp đỡ của bạn? Xin mời bạn chia sẻ.

Sống Lời Chúa: Ghi nhớ và thực hành câu Lời Chúa: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,39).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, vì sợ phiền hà, vì những tính toán riêng tư, đôi khi con trở nên vô cảm trước những đau khổ của người anh em. Xin giúp con có tinh thần sẵn sàng và tấm lòng rộng mở, để biết nhạy cảm và mau mắn giúp đỡ những ai đang cần đến con trong cuộc sống. Amen.


24/01/13                                           THỨ NĂM TUẦN 2 TN

Th. Phanxicô Salêsiô, giám mục, tiến sĩ HT    Mc 3,7-12

ĐẾN VỚI CHÚA VỚI CẢ TẤM LÒNG

Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có tật nguyền cũng đổ xô đến để sờ vào người. Còn ma quỷ hễ thấy Chúa Giêsu thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: “Ngài là Con Thiên Chúa.” (Mc 3,10-11)

Suy niệm: Ta hãy mở to mắt để nhìn một cảnh tượng thật ngoạn mục: dân chúng từ khắp nơi đổ xô về được nhìn thấy Chúa, bệnh nhân thì cố gắng đến gần sờ vào Ngài để được chữa lành, còn ma quỷ sấp mình phục lạy Ngài. Thế nhưng, có vẻ Đức Giêsu không hồ hởi lắm trước thành công vang dội này: Ngài bảo môn đệ dành sẵn một chiếc thuyền nhỏ để khỏi bị dân chúng chen lấn; với ma quỷ, Ngài cấm ngặt chúng không được phát ngôn bừa bãi. Tại sao Đức Giêsu lại không phấn khởi trước những kết quả mỹ mãn như vậy? Chắc chắn Ngài biết rõ lòng người, họ đổ xô đến với Ngài vì tinh thần vụ lợi; Ngài cũng biết rõ lòng dạ ma quỷ, chúng làm vậy chẳng qua là để lừa bịp dân chúng.

Mời Bạn đến với Chúa, gặp gỡ Ngài không vì một ý hướng vụ lợi, cầu cạnh, cũng chẳng vì lợi ích, thú vui thiêng liêng nào. Bạn hãy đến cùng Chúa với tâm tình của người con thảo cần gặp gỡ người Cha, vị Chúa của mình.

Chia sẻ: Tôi thường làm các việc đạo đức với ý hướng nào: nhằm xin ơn, vì lòng sốt sắng hay vì muốn gặp gỡ, tiếp xúc với Ngài mà thôi?

Sống Lời Chúa: trung thành đọc Lời Chúa mỗi ngày với ý hướng muốn gặp gỡ Chúa và sống giống Ngài hơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con không coi Chúa như một công ty bảo hiểm, một kho tàng chứa ơn lành, mà biết nhìn Chúa và đến với Chúa chỉ vì yêu mến Ngài với tâm tình thảo hiếu mà thôi. Xin cho chúng con mỗi ngày nên giống Chúa hơn. Amen.


25/01/13                                            THỨ SÁU TUẦN 2 TN

Th. Phaolô tông đồ trở lại                             Mc 16,15-18

THEO GƯƠNG THÁNH PHAOLÔ

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15)

Suy niệm: Cha Cantalamessa diễn tả sự kiện Phaolô trở lại qua hình ảnh sau: Một người đi trong đêm tối cẩn thận giữ ánh sáng ngọn nến khỏi tắt; khi bình minh ló rạng, ánh nến trở nên nhợt nhạt, vô dụng trước ánh sáng rực rỡ của mặt trời. Tim đèn leo lét là công trạng cá nhân trong việc tuân giữ lề luật của Phaolô. Một ngày kia Đức Kitô, mặt trời công chính, đã bừng lên trong lòng ông. Ông ngộ ra công trạng cá nhân chẳng là gì so với ơn cứu độ, sự sống mới của Đức Giêsu. Từ khoảnh khắc ấy, Phaolô “coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Giêsu, Chúa của tôi” (Pl 3,8). Từ nay, cuộc đời Phaolô chỉ có một hướng: loan báo Đức Giêsu và Tin Mừng của Ngài cho mọi người.

Mời Bạn: “Giáo Hội hiện hữu là để loan báo Tin Mừng” (Đức Phaolô VI). Tin Vui ấy không được giữ riêng để chỉ mình bạn, nhưng phải được loan truyền rộng rãi cho mọi người cùng mừng vui. Giáo phận, giáo xứ, hội dòng, đoàn thể, gia đình bạn chỉ hiện hữu có ý nghĩa khi quan tâm, nỗ lực cho công cuộc quan trọng này. Bạn và cộng đoàn của bạn đã coi đây là nhiệm vụ số một chưa?

Sống Lời Chúa: Tôi và gia đình của mình sẽ coi loan báo Tin Mừng như trung tâm đời sống, chi phối mọi sinh hoạt khác của gia đình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con noi theo mẫu gương nhiệt thành truyền giáo của thánh Phaolô, coi truyền giáo như lẽ sống của mình giữa thế giới. Chúng con xin ghi nhớ lời Chúa dạy hôm nay: luôn nỗ lực cộng tác với nhau để đưa Tin Mừng Chúa đến cho đồng bào chúng con. Amen.


26/01/13                                            THỨ BẢY TUẦN 2 TN

Th. Timôtê và Titô, giám mục                            Lc 10,1-9

ĐƯỢC GỌI ĐỂ ĐƯỢC SAI ĐI

“Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con vào giữa bầy sói.” (Lc 11,3)

Suy niệm: Chúa gọi 72 môn đệ và sai các ông từng hai người một đi trước chuẩn bị cho Người đến. Nhiệm vụ không đơn giản chút nào vì không được mang theo những dụng cụ mà người hoạt động như vậy thông thường cần phải có. Đi truyền giáo đâu có phải là cuộc dạo chơi lý thú, đi du lịch hay đi làm đặc phái viên của một tổ chức. Đi rao giảng Tin Mừng là một cuộc phiêu lưu đầy nguy hiểm như “chiên con vào giữa bầy sói.” Dù vậy, các môn đệ không bơ vơ vì Đấng sai họ đi hằng ở với họ, để nâng đỡ, khích lệ. Thành công của sứ vụ không đến từ nỗ lực của con người mà trước hết từ Thiên Chúa, vì Ngài muốn mọi người được nhận biết Ngài. Một khi các môn đệ thi hành ý muốn ấy là các Ngài sẽ thành công, bằng không chỉ là thất bại.

Mời Bạn: Bạn đã được chọn để làm chứng cho Nước Chúa giữa trần gian: trong môi trường làm việc, trong gia đình… Bạn đã trang bị cho mình những phương tiện nào: tiền bạc, của cải vật chất hay là nhiệt tình làm cho Tin Mừng của Chúa được mọi người biết đến?

Chia sẻ: Khi được sai đi đến với người khác bạn phản ứng thế nào? – Vui vẻ hay tìm cách thoái thác bằng nhiều lý do được coi là chính đáng?

Sống Lời Chúa: Truyền giáo là sự sống còn của Giáo Hội trần thế, là đòi hỏi thiết yếu của người Kitô hữu. Hãy đặt ra cho mình một quyết tâm truyền giáo trong Năm Đức Tin này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy ban cho chúng con trở nên những môn đệ nhiệt thành loan báo Nước Thiên Chúa.

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts