5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 04-2023

 09/04/23 CHÚA NHẬT PHỤC SINH – A

Mừng Chúa Sống Lại
Ga 20,1-9
 

TÔI ĐÃ THẤY CHÚA PHỤC SINH

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. (Ga 20,1)

Suy niệm: Nhiều người thắc mắc: Tại sao Chúa Ki-tô không thể hiện việc phục sinh một cách tỏ tường, rầm rộ để mọi người dù muốn dù không đều khẩu phục tâm phục, xoá tan mọi thuyết âm mưu? Trái lại, mọi sự diễn ra thật êm ả, hiện trường của sự kiện sống lại chỉ là một ngôi mộ trống: tảng đá lấp cửa mộ đã lăn ra một bên, bên trong mộ tấm khăn liệm với những băng vải được xếp lại gọn gàng. Thế nhưng sự hoang mang ban đầu đã sớm trở thành niềm xác tín. Bà Ma-ri-a Mác-đa-la mới đầu còn hoảng hốt báo tin xác Chúa đã biến mất, nhưng rồi bà đã trở lại, mừng rỡ khẳng định: “Tôi đã thấy Chúa” (Ga 20,18). Còn “người môn đệ được Chúa thương mến” chứng kiến ngôi mộ trống đã điềm đạm cho biết: “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8).

Mời Bạn: Niềm tin Đức Ki-tô phục sinh, ngay từ đầu đã dựa trên những chứng từ vững chắc. 1/ Bao lâu chưa chứng minh được ai đã “lấy trộm xác Chúa” và động cơ hành động là gì thì sự kiện “mộ trống” vẫn là chứng cứ đầu tiên rằng Chúa đã sống lại. 2/ Chứng từ quan trọng và mạnh mẽ nhất đến từ những người môn đệ vốn “nhát sợ, cứng lòng tin” (x. Mt 8,26), đã từng trốn chạy, chối Thầy, nay lại mạnh mẽ tuyên bố: “Chúng tôi đã thấy Chúa, chúng tôi làm chứng” (x. Cv 2,32). Bạn có suy gẫm về những chứng từ này để rồi chính bạn cũng sẽ làm chứng không?

Sống Lời Chúa: Bạn nghiền ngẫm về lời chứng của các tông đồ và quyết tâm làm chứng cho Chúa bằng cả đời sống mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su phục sinh, con xin thưa với Chúa như Tô-ma đã thưa: Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con. Amen. 

 

10/04/23 THỨ HAI TRONG TUẦN BÁT NHẬT PS
Mt 28,8-15
 

niềm vui trong đấng phục sinh

Các bà vội vã rời khởi mộ, tuy sợ hãi những cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay. (Mt 28,8)

Suy niệm: Các phụ nữ đã từng gặp gỡ và đi theo Chúa Giê-su, họ biết và yêu mến Ngài. Cái chết của Ngài khiến họ đau buồn dường như tuyệt vọng. Trong nước mắt, họ đã đến mộ Chúa mà than khóc (x. Ga 20,11). Họ chứng kiến “đất rung chuyển dữ dội”, họ thấy thiên thần Chúa báo tin “Ngài đã trỗi dậy và không còn ở đây nữa”. Thế nhưng bấy nhiêu đó không làm cho họ vơi đi nỗi buồn và lo sợ. Chỉ đến khi Đức Giê-su phục sinh thân hành hiện ra với họ và “chào các chị em”, lúc đó bao nhiêu cảm xúc thân thương ùa về, niềm vui gặp Đấng Phục Sinh xua tan mọi nỗi đau buồn, sợ hãi. Họ hớn hở vội vã về báo tin cho anh em, để chia sẻ niềm vui và lời nhắn của Đấng Phục Sinh hẹn gặp họ ở Ga-li-lê để tham gia vào sứ mạng mới: loan truyền tin vui phục sinh.

Mời Bạn: Nhà côn trùng học J. Fabre, người đã gặp Chúa trong việc nghiên cứu của mình, đã từng khẳng định rằng: “Sau hơn 30 năm quan sát và nghiền ngẫm, tôi không còn nói được là tôi tin vào Thiên Chúa, mà là đã gặp thấy Người.” Quả thật, chỉ nơi những người có kinh nghiệm cá vị gặp gỡ Thiên Chúa, niềm vui ấy mới lâu bền, vượt trên mọi thử thách. Bạn đã cảm nghiệm Đức Ki-tô phục sinh hiện diện trong cuộc sống của bạn và trao cho bạn sứ mạng nào?

Sống Lời Chúa: Bạn chia sẻ cảm nghiệm niềm vui Phục Sinh nơi bạn cho một người sống gần bên bạn bằng một cử chỉ thân ái, bằng tinh thần lạc quan vui tươi và một việc làm bác ái.

Cầu nguyện: Alleluia, Alleluia, Alleluia. Xin Chúa Ki-tô Phục Sinh, xin ban niềm vui của Chúa Phục Sinh cho nhân loại và cho từng người chúng con khi chúng con kết hợp với Chúa. Amen.

 

11/04/23 THỨ BA TRONG TUẦN BÁT NHẬT PS
Ga 20,11-18
 

NHẬN RA ĐỨC KI-TÔ PHỤC SINH

Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về ?” Đức Giê-su gọi bà: “Ma-ri-a!” Bà quay lại và nói: “Ráp-bu-ni!” (nghĩa là “Lạy Thầy”). (Ga 20,11-18)

Suy niệm: Lạ một điều là khi Đức Ki-tô phục sinh hiện ra cho những người thân, rất thân nữa là đàng khác, họ lại không nhận ra Ngài! Ngài mà bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn; hai môn đệ Em-mau nghĩ là khách bộ hành; các môn đệ trên Biển Hồ lầm là khách đi dạo trên biển. Ngài quá thay đổi hay mắt họ có vấn đề? Thật ra, từ nay Đức Ki-tô phục sinh mang chiều kích của cả vũ trụ, không còn bị hạn chế nơi một thân xác thể lý. Ngài hiện diện nơi mọi người, mang lấy khuôn mặt của từng người. Ma-ri-a chỉ nhận ra khi được Ngài gọi đích danh; hai môn đệ nhận ra khi Ngài bẻ bánh; trên Biển Hồ, các môn đệ chỉ khám phá ra Ngài sau mẻ cá lạ. Vậy thì để có thể nhận ra Đức Ki-tô, phải có kinh nghiệm gặp gỡ Ngài, có tương quan cá vị với Ngài.

Mời Bạn: Hãy nhận ra Đức Ki-tô phục sinh đang hiện diện nơi những người thân trong gia đình, nơi bạn bè, thậm chí nơi những kẻ bạn không ưa thích. Bạn có cách nào để dễ nhận diện ra Ngài không?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ nói năng, cư xử thân ái, hoà nhã với mọi người tôi gặp gỡ mỗi ngày để tập nhận ra Đức Ki-tô phục sinh hiện diện nơi họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su phục sinh, xin cho chúng con sự sống của Chúa, sự sống làm đời chúng con mãi xanh tươi. Xin cho chúng con bình an của Chúa, bình an làm chúng con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời. Xin cho chúng con niềm vui của Chúa, niềm vui làm khuôn mặt chúng con tươi tắn. Xin cho chúng con nhận ra Chúa nơi mọi người.

(Rabbouni). 

 

12/04/23 THỨ TƯ TRONG TUẦN BÁT NHẬT PS
Lc 24,13-35
 

THÊM “LỬA”

Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người biến mất. Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24,30-32)

Suy niệm: Nhà văn Ki-tô giáo nổi tiếng N. Kazantzakis nói rằng: “Điều tôi quan tâm không phải là con người, mặt đất, bầu trời, mà là ngọn lửa thiêu đốt con người, mặt đất, bầu trời”. Nếu vậy, ông nghĩ thế nào về hai môn đệ Em-mau hôm nay? Hai môn đệ “hết lửa”! Một đội bóng “hết lửa” chỉ có từ thua đến thua to! Hai môn đệ “hết lửa” với Thầy, với công cuộc của Thầy, chỉ còn nước cờ duy nhất là đào tẩu về nhà! Thế nhưng, khi được gặp Đức Ki-tô phục sinh thì mọi sự đổi khác. Họ được chuyền “lửa”, tiếp thêm “lửa” nhờ Lời và Thánh Thể của Ngài : “Dọc đường, khi Người nói chuyện… lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?” Đầy “lửa” đến độ họ đứng dậy, vượt quãng đường 12 km ngay trong đêm, để gặp các bạn làm chứng rằng mình đã gặp Thầy.

Mời Bạn: Nhìn lại mình để xem bạn còn “lửa” không? Lửa yêu mến Chúa, lửa say mê công cuộc cứu độ cao cả của Ngài, lửa yêu thương đồng loại, lửa yêu mến người thân, nhất là người bạn đời?

Sống Lời Chúa: Để thêm “lửa” trong đời sống đạo, tôi sẽ trung thành đọc Lời Chúa và nỗ lực sống Lời ấy mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con ngọn lửa trong Trái Tim Chúa. Xin làm tim chúng con ấm lại mỗi ngày, nhờ được nghe Chúa nói như hai môn đệ về Em-mau, và được Chúa nuôi bằng bánh ban sự sống. Ước gì chúng con luôn có lửa nhiệt tình để hết lòng phụng sự Nước Chúa, lửa tình yêu để vượt qua những hận thù đố kỵ. Amen.                    

(Rabbouni) 

 

13/04/23 THỨ NĂM TRONG TUẦN BÁT NHẬT PS
Lc 24,35-38
 

NHỊP ĐIỆU PHỤC SINH

Hai ông thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. Các ông còn đang nói, thì chính Chúa Giê-su đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” (Lc 24,35-36)

Suy niệm: Các trình thuật về những lần Chúa Ki-tô phục sinh hiện ra thật dồn dập: Nhóm này đang thuật chuyện mình gặp Chúa thế nào, chưa xong thì nhóm khác lại kể tiếp kinh nghiệm gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh. Kể chưa xong thì Chúa lại hiện đến đứng giữa các ông. Đây không phải là một thủ pháp văn chương của vị thánh sử muốn ghi đậm ấn tượng về biến cố sống lại, mà đó chính là nhịp sống của Hội Thánh ngay từ những ngày đầu cảm nếm mầu nhiệm phục sinh. Điệu luân vũ phục sinh đó gồm mấy động tác cơ bản sau đây : -1/ gặp gỡ Đấng Phục Sinh -2/ quy tụ cộng đoàn -3/ chia sẻ kinh nghiệm gặp Chúa -1/ Chúa Ki-tô phục sinh lại hiện diện giữa cộng đoàn để củng cố và mở ra một kinh nghiệm gặp gỡ mới.

Mời Bạn: Những diễn viên múa lành nghề để cho vũ điệu thấm vào máu thịt, rồi toát ra trong từng cử chỉ, bước đi của mình; là ki-tô hữu, chúng ta đã để cho nhịp điệu phục sinh thấm vào máu thịt và toát ra đời sống của mình chưa?

Chia sẻ: Bạn có ý thức trong cộng đoàn việc cộng tác chia sẻ là nghĩa vụ của mỗi người để xây dựng cộng đoàn không?

Sống Lời Chúa: Mời bạn luyện tập các động tác cơ bản của điệu vũ : -1/ gặp gỡ Đấng Phục Sinh (bằng cách siêng năng rước lễ, suy niệm cá nhân); -2/ quy tụ (gặp gỡ nhóm, gia đình, cộng đoàn của bạn); -3/ chia sẻ (đọc và chia sẻ Lời Chúa); -1/ tiếp tục gặp gỡ Đức Ki-tô. Chúc bạn thành công.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô phục sinh, xin ở lại với chúng con. 

 

14/04/23 THỨ SÁU TRONG TUẦN BÁT NHẬT PS
Ga 21,1-14
 

KHÔNG NHƯ MỘT KỶ NIỆM

Sau đó, Đức Giê-su lại tỏ mình cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Ông Si-mon Phê-rô và các bạn đang ở với nhau. Ông nói với họ: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh”. Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.” (Ga 21,1-3)

Suy niệm: Ta thường trân trọng những kỷ niệm: một món quà lưu niệm, tấm hình ngày xưa còn bé, nhất là người xưa cảnh cũ… Trân trọng kỷ niệm là điều tốt, thế nhưng, coi Đức Giê-su như một kỷ niệm thì không được! Đó là trường hợp các môn đệ bên bờ Biển Hồ hôm nay. Các ông quên lời Thầy: trở thành kẻ lưới người, dường như các ông chỉ quen và thích lưới cá hơn! Thầy Giê-su đã quy tụ các ông thành một nhóm, và rồi hôm nay dường như Ngài không còn hiện diện với các ông nữa mà chỉ là một kỷ niệm đẹp của chuyện ngày xưa! Chính lúc ấy, Đức Giê-su phục sinh hiện đến, nhắc các ông nhớ rằng Ngài vẫn hiện diện bên cạnh, chu đáo săn sóc và giúp các ông thành công trong công cuộc lưới người như lưới cá, mà mẻ lưới đầy cá là một biểu tượng.

Mời Bạn: Đừng xem Đức Ki-tô phục sinh như một nhân vật của quá khứ, như một kỷ niệm đẹp của thời xưa. Ngài là Đấng đang sống, đồng hành với bạn trên mọi nẻo đường đời và biến cuộc sống của bạn trở nên một với cuộc sống của Ngài.

Sống Lời Chúa: Mỗi sáng khi thức dậy, tôi nhớ rằng Đức Ki-tô phục sinh đang ở với tôi, ân cần chăm sóc và giúp tôi sống phẩm giá cao trọng của người con Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin thứ lỗi cho chúng con khi chúng con chỉ coi Chúa như một kỷ niệm ngày xưa, mà không như một Thiên Chúa đang sống, đang hoạt động trong cuộc đời mỗi người chúng con. Xin giúp chúng con nhận ra và cố gắng sống với Chúa thật tốt đẹp. Amen. 

 

15/04/23 THỨ BẢY TRONG TUẦN BÁT NHẬT PS
Mc 16,9-15
 

ĐI RA ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ.” (Mc 16,15)

Suy niệm: Trước khi về trời, Chúa Giê-su đã truyền mệnh lệnh tối hậu cho các môn đệ rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Thế nên, loan báo Tin Mừng là căn tính của mọi Ki-tô hữu. Không thực hiện sứ mạng đó, người Ki-tô hữu không còn là Ki-tô hữu nữa. Sứ mạng này có độ lan rộng đến “tứ phương thiên hạ” và có đối tượng mở rộng đến “mọi loài thọ tạo”. Vì thế, để loan báo Tin Mừng, trước hết, người môn đệ phải dám ra khỏi chính mình. Nếu không ra khỏi chính mình, ra khỏi vùng an toàn của mình, người môn đệ sẽ không thể đến với người khác để loan báo Tin Mừng cho họ. Khi đó, người môn đệ sẽ chỉ trú mình trong cái vỏ ốc của mình, vốn sẽ cầm giữ và ngăn cản mình đến với người khác. Ra khỏi mình để đến với người khác. Trong tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” ĐTC Phan-xi-cô mời gọi: “Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình”.

Mời Bạn: Không cần phải đi du lịch vòng quanh thế giới mới là đi ra. Loan Tin Mừng trong thời hiện đại này là đến với mọi người mà bạn gặp gỡ ngay hôm nay, là đem Tin Mừng vào mọi lãnh vực văn hoá, xã hội mà bạn tiếp cận, là chăm sóc môi trường đang bị lạm dụng trái với ý muốn của Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành.

Sống Lời Chúa: Hôm nay, tôi làm vệ sinh thu dọn rác thải trong khu vực tôi đang sinh sống như một hành vi loan báo Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã sống lại, xin phục sinh tâm hồn con và cho con biết đi ra để đem niềm vui Phục sinh đến cho mọi người. Amen. 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts