5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 02-2024

CHÚA NHẬT 11/02/24 – TUẦN 6 TN – B                              Mt 15,1-6

MỒNG HAI TẾT – KÍNH NHỚ TỔ TIÊN, ÔNG BÀ, CHA MẸ

THỜ CHA KÍNH MẸ

“Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải xử tử.” (Mt 15,4)

Suy niệm: Dân Việt Nam từ ngàn xưa, ngay từ khi chưa nghe biết Tin Mừng đã ân cần tuân giữ điều răn “Thảo kính cha mẹ” rồi:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Câu ca dao ấy, người Việt Nam chúng ta già trẻ lớn bé ai mà không biết, bởi vì đạo hiếu đã ăn sâu trong tâm thức chúng ta từ bao đời nay rồi. Trong những ngày tết, đạo hiếu càng được nhấn mạnh với bầu khí gia đình thân mật ấm cúng: anh em họ hàng đoàn tụ; con cháu chúc tuổi ông bà, tưởng nhớ tổ tiên; ông bà dạy bảo con cháu giữ gìn nề nếp gia phong… Đạo hiếu thật là phù hợp với luật tự nhiên ghi khắc trong lương tâm mỗi người. Hơn nữa, Chúa Giê-su còn tiếp tục bảo vệ đạo hiếu bằng những lời răn đe nghiêm khắc: “Thiên Chúa dạy: ngươi phải thờ cha kính mẹ.” Thật khủng khiếp, Lời Chúa nói với ta hôm nay: “Kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải xử tử.”

Mời Bạn: Bạn có nhận thấy tinh thần đạo hiếu nơi người trẻ ngày nay có phần bị phai nhạt do tác động của những chuyển biến xã hội không? Trong bối cảnh đó, khi chu toàn giới răn “Thảo kính cha mẹ,” bạn cũng đồng thời chấn hưng những giá trị truyền thống của dân tộc mình và dọn đường cho Tin Mừng đến với anh chị em đồng bào.

Chia sẻ: Bạn sẽ làm gì để xoá đi sự hiểu lầm nơi anh chị em lương dân rằng “theo đạo là bỏ ông bỏ bà”?

Sống Lời Chúa: Bạn bố trí lại bàn thờ tổ tiên theo tinh thần dân tộc và phù hợp với đức tin. Trong ngày giỗ, bạn mời cả những người họ hàng bên lương tham dự thánh lễ cầu cho ông bà.

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.

 

THỨ HAI 12/02/24 – TUẦN 6 TN                                        Mt 25,14-30

MỒNG BA TẾT GIÁP THÌN

SINH LỜI NÉN BẠC CHÚA TRAO

“Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành… hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh.” (Mt 25,23)

Suy niệm: Nếu Thiên Chúa muốn thấy công trình của Ngài nguyên vẹn không bị những rủi ro do con người gây ra ắt Ngài đã tạo dựng vụ trụ này gồm những pho tượng đá im lìm, lạnh ngắt. Nhưng Ngài đã ra lệnh cho muôn loài “sinh sôi nảy nở ra nhiều đầy mặt đất,” và đã giao cho con người làm bá chủ, cai quản chúng. Như người chủ giao cho gia nhân những nén bạc để sinh lời, Ngài muốn con người cộng tác vào công trình sáng tạo của Ngài. Những khả năng và chính sự hiện hữu của con người là những nén bạc Chúa trao. Ngài không phải là ông chủ hà khắc, thủ lợi mà là Cha nhân từ và giàu lòng thương xót. Trong mối tương giao Cha-con đó, những ai biết sinh lời nén bạc mới cảm nghiệm trọn vẹn niềm vui khi chung hưởng hạnh phúc với Chủ và cũng là Cha của mình.

Mời Bạn: Chỉ khi cảm nghiệm được tình yêu và sự tín nhiệm Chúa dành cho bạn, bạn mới nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc quản lý “tài sản” Chúa trao: đó là trách nhiện phát triển bản thân bạn, gia đình, đồng bào, đồng loại và cả vũ trụ này. Sống mối tương giao Cha-con với Chúa ngay từ ở đời này, bạn mới có thể sinh lời nén bạc Ngài trao.

Chia sẻ: Bạn có biết mình được Chúa trao những nén bạc nào không? Và bạn đã sinh lời chúng như thế nào để góp phần làm đẹp thế giới này?

Sống Lời Chúa: Thời gian là vốn quý, đã trôi qua không lấy lại được: Tận dụng mọi giây phút để làm việc lành sinh lợi cho Nước Chúa.

Cầu nguyện: Xin Chúa ban ơn trợ giúp, để con sống xứng đáng là người con và quản lý trung tín của Chúa.

 

THỨ BA 13/02/24 – TUẦN 6 TN                                           Mc 8,14-21

VỮNG TIN VÀO CHÚA

Đức Giê-su răn bảo các môn đệ: “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê!” (Mc 8,15)

Suy niệm: Nhân vì sự cố các môn đệ vượt biển mà “quên đem theo bánh”, Chúa Giê-su ‘lái’ sang chuyện “đề phòng men Pha-ri-sêu và Hê-rô-đê”; đó là tính kiêu căng, giả hình, nệ luật và lối sống xa hoa, hưởng thụ… là thứ ‘men xấu’ dễ lây lan và tác động xấu lên cộng đoàn, nhất là những người bé mọn. Nhưng các môn đệ mang nặng đầu óc thế tục, chỉ nghĩ đến nhu cầu vật chất mà “quên” rằng Thầy vừa “bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn” và còn thu được 12 thúng đầy mẩu bánh dư. Đức Giê-su dạy các môn đệ phải biết tín thác vào tình yêu và quyền năng quan phòng của Chúa để mặc lấy tinh thần siêu nhiên hướng về mục đích tối hậu của đời mình là hạnh phúc vĩnh cửu.

Mời Bạn: Lời quở trách của Chúa với các môn đệ hôm xưa, phải chăng cũng là lời trách cứ chúng ta hôm nay khi chúng ta mải lo toan, tính toán chuyện đời mà quên đặt niềm tin tưởng phó thác đời mình cho Chúa? Chúa đã làm bao nhiêu điều để  quan phòng chăm sóc cho chúng ta mà chúng ta không nhận biết, không dám phó thác cuộc đời của mình cho Ngài hay sao? Khi cảm nghiệm được sự yêu thương của Chúa, bạn sẽ mạnh dạn loại bỏ loại bỏ tinh thần thế tục và sẵn sàng đặt niềm tín thác vào tình yêu thương và quan phòng của Chúa hơn.

Sống Lời Chúa: Cuối mỗi ngày, bạn dành ít phút cầu nguyện riêng tư để hồi tưởng lại những việc Chúa đã làm cho và đã thương mình, gia đình mình… như thế nào (x. Mc 5,19)

Cầu nguyện: Đọc hoặc hát Tv. 22: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi, trên đồng cỏ xanh rì, người cho tôi nằm nghỉ…”

 

THỨ TƯ 14/02/24 – LỄ TRO                                           Mt 6,1-6.16-18

DƯỚI CÁI NHÌN CỦA CHÚA

“Còn anh khi cầu nguyện, hãy vào phòng đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo.” (Mt 6,5-6)

Suy niệm: Có sự tương phản rõ rệt giữa Chúa Giê-su và người Pha-ri-sêu về cung cách, ý hướng ăn chay, cầu nguyện và làm phúc bố thí. Người Pha-ri-sêu làm ngoài đường phố, nơi công cộng có ý phô trương, cho người khác thấy. Còn Chúa Giê-su thì dạy các môn đệ thay vì tìm cách để người ta thấy thì sống dưới cái nhìn của Thiên Chúa, làm các việc đạo đức chỉ để cho “Đấng thấu suốt những gì kín đáo” nhìn thấy mà thôi. Chúa không nhìn theo bề ngoài, không đánh giá theo số lượng nhưng Ngài nhìn thấu suốt và đánh giá theo tấm lòng chân thành của người ta với Chúa (x. Lc 21,1-4).

Mời Bạn: Khi đến với Chúa trong “nơi kín đáo”, là tâm hồn mình, ta được gặp Chúa, được trở về với con người thật của mình. Cái nhìn yêu thương của Chúa giúp ta khiêm tốn nhận ra lỗi lầm, những giới hạn, yếu đuối của mình để sám hối. Nhận biết mình là tội nhân hèn yếu nhưng lòng bao dung của Chúa không làm ta không tuyệt vọng nhưng đầy lòng tin tưởng để quyết tâm làm lại cuộc đời. “Nơi kín đáo” là nơi ta cảm nhận tình yêu của Chúa và sức mạnh giúp ta đổi mới cuộc đời.

Sống Lời Chúa: Tôi luôn cảnh giác trước căn bệnh thành tích đang lan tràn trong xã hội. Dù ở đâu, lúc nào, tôi cũng sống dưới con mắt âu yếm của Chúa và chăm chỉ làm việc bổn phận.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, hôm nay Giáo Hội bắt đầu mùa chay tịnh và sám hối. Xin cho khi chúng con biết sống tinh thần sám hối cách chân thành không giả dối, không phô trương để thời gian này trở thành mùa hồng ân, thời cứu độ cho chúng con. Amen.

 

THỨ NĂM 15/02/24 – SAU LỄ TRO                                     Lc 9,22-25

VÌ YÊU NÊN HIẾN THÂN MÌNH

Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9,23-24)

Suy niệm: Chúa Giê-su đặt ra cho những người muốn theo Ngài một đòi hỏi rất gắt gao là phải “từ bỏ chính mình và vác thập giá mình hằng ngày.” Chúa có lý để đòi hỏi như thế vì trước đó Ngài đã khẳng định chính Ngài “phải chịu đau khổ nhiều” (Lc 9,22); và Ngài chấp nhận con đường thập giá đó là “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta” (Kinh Tin Kính). Và nhất là, việc hy sinh đến chết thay cho người mình yêu là dấu chỉ của tình yêu lớn nhất: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). “Tình yêu đáp đền tình yêu”; Chúa đã yêu thương chúng ta bằng một tình yêu lớn như thế, Ngài cũng muốn chúng ta đáp lại bằng một tình yêu ở mức độ cao nhất như vậy.

Mời Bạn: Mùa Chay là thời gian Chúa Giê-su mời gọi chúng ta bước theo Ngài trên con đường thập giá, nghĩa là phải chấp nhận hy sinh. Nhưng chúng ta cũng cần xác định cho rõ: là ăn chay để làm gì? hy sinh là vì ai? Không chỉ ‘ăn chay’ cho đúng luật, để rồi quá chú trọng đến những món được ăn hay không được ăn và ăn lúc nào… Trái lại ăn chay hay làm bất cứ việc gì, hành vi đó chỉ có giá trị khi chúng ta làm vì khao khát Chúa và chỉ để Chúa nhìn mà thôi.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày chọn một việc nhỏ với ý hướng giúp đỡ ‘ai đó’ trong Mùa Chay này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con ý thức rằng, mỗi một hành động yêu thương đều gắn liền với hy sinh và thậm chí phải đau khổ. Xin cho con dám yêu như Chúa hằng yêu thương con. Amen.

 

THỨ SÁU 16/02/24 – SAU LỄ TRO                                     Mt 9,14-15

LÝ DO ĂN CHAY

Các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng: “Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” (Mt 9,14)

Suy niệm: Tôn giáo nào cũng thực hành việc ăn chay. Những người Pha-ri-sêu, rồi môn đệ Gio-an Tẩy giả cũng ăn chay. Nên họ thắc mắc tại sao môn đệ Chúa Ki-tô lại không ăn chay. Đức Giê-su cho biết môn đệ của Ngài có lý do khác để ăn chay. Họ không ăn chay để giống với người khác hay để giữ ‘đúng luật’. Trái lại, môn đệ Chúa Ki-tô quy hướng mọi hoạt động về Ngài, như trong tiệc cưới mọi người đều hướng về chàng rể. Họ sẽ ăn chay khi chàng rể của họ là Đức Ki-tô “bị đem đi”, khi họ tham dự vào cuộc thương khó với Ngài.

Mời Bạn: Thời nay nhiều người còn có nhiều lý do để ăn chay, vì sức khoẻ chẳng hạn. Người ki-tô hữu giữ chay là để biểu lộ lòng sám hối tội lỗi; việc ăn chay luôn được làm cùng với việc cầu nguyện và thực thi bác ái. Qua việc chay tịnh, họ khiêm cung tự hạ, nhìn nhận mình lệ thuộc Thiên Chúa. Và nhất là, cùng với Chúa Ki-tô “ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày” (Mt 4,2; x. Lc 4,2), người Ki-tô hữu ăn chay là để tưởng nhớ và hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa Ki-tô. Như thế, giữ chay không chỉ là việc kiêng khem ăn uống bên ngoài, mà quan trọng hơn vẫn là việc ‘chay lòng, chay tâm trí, chay miệng lưỡi’ để đạt được sự hoán cải sâu xa tự trong lòng.

Sống Lời Chúa: Thực hành việc ‘chay lòng’ bằng cách ‘kiêng’ xét đoán, nói xấu người khác nhưng sống tinh thần thấu hiểu, cảm thông.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết chay tịnh như Chúa, không chỉ kiêng bớt chớ mê ăn uống, mà con giữ chay tịnh trí lòng. Amen.

 

THỨ BẢY 17/02/24 – SAU LỄ TRO                                      Lc 5,27-32

Bảy thánh lập dòng Tôi Tớ Đức Mẹ

TÌM ĐẾN LƯƠNG Y TÌNH YÊU

“Những ai mạnh khoẻ không cần tới thầy thuốc, chỉ những người đau yếu mới cần thôi.” (Lc 5,31)

Suy niệm: ‘Sinh, lão, bệnh, tử’ – làm người không ai là không mắc bệnh. Theo lẽ tự nhiên, bệnh nhân thì mong gặp thầy gặp thuốc. Với căn bệnh thể xác là vậy, còn tâm hồn thì sao? Tin Mừng hôm nay cho thấy Lê-vi thật may mắn. Ngồi nơi bàn thu thuế, có vẻ như ông đang rất ổn với công việc hái ra tiền này, nhưng ông biết rõ mình đang đau đáu một căn bệnh trong tâm hồn. Dưới con mắt ghẻ lạnh của đồng bào, ông bị coi là ‘kẻ thù của dân tộc’, tiếp tay với đế quốc Rô-ma bóc lột dân mình qua công việc thu thuế. Hơn nữa, ông còn đứng trước toà án lương tâm vì những tội biển thủ, chiếm đoạt bất công của ông khi ông hành nghề thu thuế. Ông cần thầy thuốc, nhưng chưa kịp đi tìm thì Đức Giê-su, vị lương y tình yêu đã đến và gọi ông. Thế nên, lập tức, ông đứng dậy và đi theo Ngài.

Bạn thân mến, “thánh nhân nào cũng có quá khứ, tội nhân nào cũng có tương lai”, nếu có lúc bạn đã phải dằn vặt vì những sai lầm, hay thậm chí nản lòng thất vọng vì thấy tội mình quá lớn, thì hôm nay, hãy tin rằng Chúa đến để “tìm và cứu những gì đã hư mất” (Lc 19,10). Hơn nữa, bạn đã có kinh nghiệm được Chúa tha thứ và chữa lành thì bạn cũng có thể làm như Lê-vi, mời gọi những người khác đang cần tới vị lương y tình yêu để họ cũng được đến với Ngài.

Sống Lời Chúa: Bạn đến thăm một người vốn bị coi là ‘bên lề giáo xứ’, tạo điều kiện để họ dễ dàng đến với Chúa

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con, biết lòng Chúa nhân từ để chạy đến với Chúa khi con phạm tội, biết sự yếu hèn của con để biết cư xử bao dung với tha nhân. Amen.

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts