Tương quan giữa luân lý và sự tự do trong cuộc sống con người

Lần trước chúng ta đã bắt đầu suy tư về tương quan giữa luân lý và sự tự do của con người và nhận thấy rằng con người có thể làm điều tốt hay làm điều xấu, chọn sự dữ hay sự lành như nó muốn. Khả năng có thể lựa chọn sống ngay lành, liêm chính, thánh thiện hay gian tham, dối trá, ác độc chứng minh cho thấy con người có tự do, và vì thế đồng thời cũng có trách nhiệm đối với các hành động của mình. Một khi đã sống gian ác con người phải đảm nhận các hậu qủa trong hiện tại và trong tương lai. Chiều kích tương lai của sự trừng phạt và chiều kích qúa khứ của hành động xấu hiệp nhất trong hiện tại của việc xưng thú lỗi lầm đã cố ý phạm.

Con người là ”một sinh vật ước muốn”. Tự bản chất của mình con người ước muốn sự tràn đầy, hạnh phúc và sự tuyệt đối. Nhưng nó phải sống kinh nghiệm của sự hữu hạn, giòn mỏng và nỗi bất hạnh. Tuy nhiên, không thể đồng hóa lỗi lầm luân lý với sự hữu hạn, bởi vì cần phải có sự can thiệp của ý chí nữa. Con người có lỗi, khi thỏa mãn với sự hữu hạn của mình và biến nó trở thành mục đích toàn vẹn và tự đủ; vì điều này tương đương với việc khước từ nó như là hữu hạn, hay coi cái hữu hạn bất toàn là trọn vẹn và tuyệt đối.

Như vậy trên bình điện luân lý đạo đức có thể nói rằng có lỗi, khi đối tượng tức thì của ước muốn tự nó là hữu hạn, bị tuyệt đối hóa, bằng cách đánh mất đi mục đích tuyệt đối trong sự siêu việt của nó. Đó là việc đề tài hóa ước muốn tuyệt đối trong các đối tượng hữu hạn, với hậu qủa là khước từ cái nhìn toàn vẹn liên quan trong ước muốn đó.

Giản lược sự dữ của con người vào sự bất hạnh của riêng nó bằng cách đặt để nó ngoài môi trường của ý muốn riêng, sẽ có nghĩa là khước từ tất cả chiều kích luân lý đạo đức nảy sinh từ cuộc gặp gỡ và sự nhận biết của hành động, của sự tự do và của việc hướng tới sự toàn thiện – cũng như của biết bao yếu tố làm nảy sinh ra và không thể hướng dẫn được nữa – nhầm lẫn với mặt trái tiêu cực gây ra bởi lỗi lầm khách quan.

Điểm thứ hai con người là ”sự tự do trong tình trạng sống”. Việc khẳng định sự hiện hữu và giá trị sự tự do của con người không thể thoát khỏi sự đối chiếu với tất cả mọi hình thức diều kiện hóa cá nhân và xã hội, mà chúng ta phải tiếp cận và gánh chịu; và chúng khiến chúng ta định nghĩa sự tự do của con người như là ”một sự tự do trong tình trạng sống” với tất cả các hệ lụy của tình trạng đó. Luân lý cổ điển và cả giáo luật cũng đã luôn luôn thừa nhận các hạn chế sự tự do của con người: người ta phân biệt các ngăn trở ”nội tại” nơi chủ thể, đặc biệt là sự dốt nát, sự dâm dục, thói quen, với các ngăn trở ”ngoại tại” như bạo lực, thể lý và luân lý, sự sợ hãi, sự lừa dối, và tống tiền, là những thực tại ngăn cản không để cho con người được tự do trong các lựa chọn của nó.

Các lập trường này cần phải được cập nhật. Thật thế chúng khởi hành từ giả thiết rằng sự tự do của con người là một khả năng quyết định một cách hoàn toàn độc lập và chỉ có các yếu tố bất ngờ – luôn luôn ngoại lệ tuy khá thông thường – có thể ngăn cản việc thực thi sự tự do trong chốc lát. Hình ảnh về con người như được nền nhân chủng học hiện đại trình bầy khá khác biệt. Ở đó người ta coi sự tự do của con người như là một sự tự do ”bị định vị trí”. Như thế sự giằng co đối kháng giữa sự tự do và thuyết tất định gắn chặt với mỗi hành động của con người. Chỉ qua biện chứng pháp này mà hoạt động của con người mới thực sự trở thành nhân bản. Nói cách khác, con người có sự tự do, nhưng vì phải sống trong các tình trạng khác nhau, với các thực tại bao gồm nhiều yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ ít nhiều trên con người và điều kiện hóa sự tự do của nó, nên sự lựa chọn của con người càng mang tính cách lựa chọn nhiều hơn, và như thế lại càng nhân bản hơn.

Đàng khác, xem ra khoa học hiện nay gặp nhiều khó khăn trong việc cứu vãn thời điểm chuyên biệt này của sự tự do bên trong cuộc thảo luận hơn là nêu bật tất cả các tình trạng nô lệ đè nặng trên hành động của con người. Và điều này vì ba lý do chính: đó là có các yếu tố thuộc trật tự sinh học, thuộc trật tự xã hội và thuộc trật tự tâm lý.

Dưới khía cạnh sinh học nền luân lý cổ điển hầu như chỉ triệt để chú ý tới tính cách gia tài. Nhưng ngày nay các khám phá mới về giải phẫu não bộ và nghiên cứu hạch dịch – với các thay đổi mà các chữa trị có thể gây ra nơi bản vị con người – cũng như các hậu qủa của việc dùng các chất kích thích, các loại ma túy và các thuốc an thần khác nhau, cho thấy một cách sống động hơn ảnh hưởng sâu đậm mà các yếu tố sinh lý có thể tác động trên cấu trúc tâm lý và sự tự do của lương tâm. Thế quân bình của con người và hệ thống thần kinh của nó trở thành bất ổn nhiều hơn bởi sự cần thiết phải thích ứng với các tình trạng mới, bị áp đặt do tiết nhịp của cuộc sống và công ăn việc làm, bởi các trách nhiệm xã hội, bởi hiện tượng biến con người thành người máy do xã hội siêu kỹ thuật hóa tạo ra.

Liên quan tới các ảnh hưởng xã hội, nền luân lý cổ điển dùng các ý niệm đã lỗi thời như các ý niệm về tôn trọng con người, sợ hãi, xấu hổ. Ngày nay người ta thích nêu bật các áp lực được tạo ra bởi tâm thức chung do tuyên truyền, quảng cáo, áp lực ý thức hệ, việc xuyên tạc tin tức. Người ta cũng nhấn mạnh trên ảnh hưởng của các tương quan thương mến được sống trên các mức độ khác nhau của việc hội nhập xã hội, khiến cho vài nhà xã hội học định nghĩa lương tâm luân lý như là khả năng thích ứng bản năng của con người vào các đòi buộc của nhóm. Thế rồi còn có chính cấu trúc bàn giấy và máy móc của nhà nước tân tiến và tình trạng xóa bỏ bản vị xã hội của con người và giản lược con người thành vô danh.

Trong lãnh vực các ảnh hưởng tâm lý nền luân lý cổ điển đề cập tới sự chuyên chế của thói quen và việc nô lệ các đam mê. Ngày nay các dữ kiện của tâm lý chiều sâu viện ý cho bản chất thực sự của các tương quan nối liền con người với quá khứ của nó, và lần lên cho tới ngọn nguồn của thời thơ ấu và thời gian còn là bào thai trong lòng mẹ nữa. Ở đây chúng ta chỉ nhắc sơ qua vài yếu tố vừa kể và không thể trình bầy nhiều hơn vì việc phân tích các yếu tố này sẽ đưa chúng ta đi qúa xa.

Môt cách đặc biệt, chúng ta ghi nhận vấn đề các lý do vô thức hoàn toàn vượt thoát khỏi ý thức rõ ràng của chủ thể, nhưng chúng lại định đoạt trong các hành động, mà chủ thể trái lại coi là hoàn toàn bình thường sáng suốt và tự do. Đây là những hậu qủa của các chấn thương, mà họ đã bị trong tiến trình lớn lên và phát triển tâm lý, dưới ảnh hưởng của một loại giáo dục dẫn đưa tới chỗ tạo thành các mặc cảm tâm thần và một tiến trình ấu trĩ hóa thường hiện diện, cả trong cuộc sống của người lớn bề ngoài xem ra quân bình.

Có nhiều lý do gây ra tiến trình ấu trĩ hóa này, chẳng hạn như sư kiện gia đình bị nứt rạn, sự vắng mặt hầu như hoàn toàn của người cha trong việc giáo dục nhanh chóng dẫn dưa tới chiều hướng của một cuộc hôn nhân sư phạm; việc giáo dục theo mô thức một con duy nhất; cuộc khủng hoảng của tuổi dậy thì đến qúa sớm luôn khiến cho sự sự trưởng thành vật lý và sự trưởng thành tinh thần cách biệt nhau hơn; sự không chắc chắn của một thời đại không còn có lý tưởng của tính nhân bản giá trị và được thừa nhận một cách đại đồng; tính cách hời hợt của nền văn minh chúng ta ngày nay. Tất cả đều là các lý do có thể khiến con người sống ấu trĩ mãi, mà không trưởng thành.

Dưới ánh sáng của các dữ kiện đơn sơ kể trên, khỏi hành từ bình diện lý thuyết rồi bước sang bình diện thực hành, có thể suy diễn rằng con người không luôn luôn làm điều nó nghĩ là phải làm, và có các kiểu nói như ”Tôi đã biết điều tôi đã làm”, ”Tôi đã cố ý làm như vậy” không luôn luôn là chiếc thang giá trị để đo lường mức độ đích thực của sự tự do đối với các hành động của mình. Nhưng mà nếu là như thế, thì còn có thể đề cập tới tội lỗi hay không?

Một cách đặc biệt, ý niệm tội trọng gắn liền với sự hiểu biết và sự tự do đồng ý lại không trở thành vấn nạn lớn hay sao? Điều mà chúng ta gọi là tội không thể là hiệu qủa của những gì nơi chúng ta là không trưởng thành, không thích ứng với xã hội, không có khả năng lãnh nhận một cách tràn đầy qúa khứ của chúng ta, của tất cả những gì nơi chúng ta vẫn còn ở trong tình trạng bản năng, và vì thế không thể quy tội cho sự lựa chọn tự do của chúng ta. Khi đó kẻ tội lỗi sẽ không phải là một người có lỗi, nhưng là một bệnh nhân, hay một người chưa đạt sự trưởng thành.

Sự kiện quá thường khi coi họ như là một người có lỗi và lên án họ sẽ là dấu chỉ cho thấy rằng xã hội và giáo hội có thái độ này đối với họ đã chưa đạt một sự trưởng thành đầy đủ và vẫn là tù binh của chủ thuyết không thể sai lầm của một nền luân lý bản năng.

(Thần Học Kinh Thánh bài số 1157)

Linh Tiến Khải

Nguồn: RV

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment