Tên gọi tư tế trong tiếng Do thái và nhiệm vụ của các tư tế

Theo Bộ Ngũ Thư chức tư tế được Thiên Chúa giao phó cho ông Aharon và các con ông (Xh 28,1; Lc 8,1). Aharon anh ruột của ông Moshê thuộc chi tộc Lêvi. Các Lêvi khác được ban cho ông Aharon để họ giúp ông trong các nhiệm vụ phụ thuộc. Chương 3 sách Dân Số viết: ”Giavê phán với ông Môshê rằng: ”Hãy gọi chi tộc Lêvi lại và đặt chúng túc trực bên cạnh tư tế Aharon để giúp nó. Chúng phải đảm nhận công việc của nó, cũng như công việc của toàn thể cộng đồng trưức Lều Hội Ngộ, để lo phục dịch Nhà Tạm. Chúng sẽ trông coi tất cả các vật dụng trong Lều Hội Ngộ, đồng thời đảm nhiệm công việc của con cái Israel, để lo phục dịch Nhà Tạm. Ngươi hãy trao các thầy Lêvi cho Aharon và các con nó như những người được dâng hiến, những người được dâng hiến mà con cái Israel nộp cho nó. Ngươi hãy đặt Aharon và các con nó đảm nhận chức tư tế, còn ai khác mà tới gần sẽ phải chết” (Ds 3,5-10).

Như vậy, các tư tế và Lêvi là những người được thánh hiến cho công tác đứng trước Lều Hội Ngộ, trông coi các vật dụng trong Lều Hội Ngộ, phục vụ Nhà Tạm và Thiên Chúa. Các gia phả trong các sách Sử Biên gắn liền các Thượng tế của đền thờ Giêrusalem với con cháu của tư tế Aharon. Sách Sử Biên I chương 5 các câu từ 25 tới 41 kể tên các vị tiền bối của các thượng tế.

Xa hơn chương 24 nói tới việc tổ chức các tư tế con cháu của ông Aharon thành 24 nhóm như sau: ”Con cháu ông Aharon cũng được chia thành nhiều nhóm. Các con ông Aharon là: Nadab, Abiu, Eleazaro và Itamar. Nhưng Nadab và Abiu chết trước cha mình và không có con, nên Eleazaro và Itamar thi hành chức tư tế. Được trợ giúp bởi ông Sadoc, thuộc các con ông Eleazaro và bởi Abiatar, thuộc các con ông Itamar, vua Đavít chia các con của ông Aharon thành từng nhóm, theo nhiệm vụ của họ. Kết qủa là các người đứng đầu con của ông Eleazaro đông hơn các người đứng đầu con của ông Itamar. Và họ được phân chia như sau: mười sáu trưởng tộc là con ông Eleazaro và tám trưởng tộc là con ông Itamar. Người ta bốc thăm để phân chia họ, những người này cũng như những người kia, vì trong các con ông Eleazaro cũng như các con ông Itamar, có những viên chức lo việc thánh điện, những viên chức của Thiên Chúa. Thư ký là ông Semagia con ông Nathanael, thuộc chi tộc Lêvi, đã ghi danh họ trước mặt vua Đavít và các thủ lãnh, trước mặt tư tế Sadoc và ông Akhimelec, con ông Abiatar, cũng như trước mặt các trưởng tộc tư tế và Lêvi: họ rút một thăm cho mỗi gia tộc thuộc Eleazaro và hai thăm cho mỗi gia tộc thuộc Itamar” (1 Sb 24,1-6)..

Chương 24 sách Sử Biên I viết tiếp: ”Thăm thứ nhất trúng Gioiarib, thăm thứ hai Jedaigia, thăm thứ ba Kharim, thăm thứ bốn Seorim, thăm thứ năm Malkigia, thăm thứ sáu Migiamin, thăm thứ bẩy Haccos, thăm thứ tám Abigia, thăm thứ chín Giơshua, thăm thứ mười Sekhangiahu, thăm thứ mười một Eliasib, thăm thứ mười hai Jakim, thăm thứ mười ba Khuffa, thăm thứ mười bốn Isbaal, thăm thứ mười lăm Binga, thăm thứ mười sáu Immer, thăm thứ mươi bẩy Khedia, thăm thứ mười tám Hafises, thăm thứ mười chín Petakhgia, thăm thứ hai mươi Giơkhekel, thăm thứ hai mươi mốt Giakhin, thăm thứ hai mươi hai Gamul, thăm thứ hai mươi ba Delaigiahu, thăm thứ hai mươi bốn Maazgiahu. Họ đươc phân nhóm như thế để vào phục vụ nhà Giavê theo luật ông Aharon cha của họ đã quy định như Giavê Thiên Chúa Israel đã truyền” (1 Sb 24,7-19).

Trong Thánh Kinh Tân Ước, tư tế Dakharia cha của Gioan Tẫy Gỉa thuộc nhóm thứ tám, tức nhóm Abigia (Lc 1,5). Như thế chức tư tế cha truyền con nối được khẳng định và bảo đảm cho tính cách tiếp nối của cơ chế tư tế. Khác với các ngôn sứ có ơn gọi không tùy thuộc nơi nguồn gốc gia đình, nhưng tùy thuộc một sáng kiến không thể thấy trước được của Thiên Chúa, các tư tế và các Lêvi nhận được chức vụ vì thuộc về một gia đình tư tế và Lêvi.

Trong tiếng Do thái ”kohen” có nghĩa là tư tế. Người ta không biết ý nghĩa đầu tiên của từ này là gì. Có vài học giả đặt nó trong tương quan với từ ”kanu” của tiếng Accadic có nghĩa là ”cúi xuống”. Như vậy, tư tế là người cúi xuống trong thái độ tôn thờ trước thần linh. Nhiều học giả khác lại nghĩ tới từ ”kun” trong tiếng Do thái có nghĩa là ”đứng thẳng” và định nghĩa tư tế như là một người ”đứng trước mặt Thiên Chúa”, như viết trong chương 10 câu 8 sách Đệ Nhị Luật: ”Thời ấy Giavê tách chi tộc Lêvi ra, để họ mang Hòm Bia Giao Ước của Giavê, chầu chực trước nhan Giavê, phụng sự Người và chúc phúc nhân danh Người, cho đến ngày nay. Vì thế chi tộc Lêvi không được chung phần và thừa hưởng gia nghiệp với anh em mình; chính Giavê là gia nghiệp của họ, như Giavê, Thiên Chúa của anh em đã phán với họ” (Đnl 10,8-9). Nhiều học giả khác nữa thì gắn từ ”kohen” với một từ gốc tiếng Siriac, diễn tả ý niệm về sự phong phú. Tư tế là người, qua việc chúc phúc của mình, đem lại sự phong phú cho người hay vật được chúc phúc.

Trong tiếng Hy lạp, từ ”kohen” được dịch là ”hiereus” là từ có bà con với từ ”hieros” có nghĩa là thánh thiêng. Tư tế, linh mục, là con người của sự thánh thiêng. Họ có nhiệm vụ chầu chực trước nhan Giavê, phụng sự Người và chúc phúc nhân danh Người.

Các văn bản kinh thánh gán cho các tư tế nhiều nhiệm vụ khác nhau, mà không giải thích các tương quan với một vài ý niệm nòng cốt. Theo đó các tư tế có các nhiệm vụ sau đây: thứ nhất, nói lên các lời sấm để truyền đạt ý muốn của Thiên Chúa cho dân chúng; thứ hai, giảng dậy cho dân; thứ ba, làm các việc phụng tự và hiến tế; thứ bốn, tuân giữ luật trong sạch và ô uế; thứ năm, chúc lành cho dân nhân danh Giavê Thiên Chúa; thứ sáu, trông coi đền thánh.

Trước hết các tư tế có nhiệm vụ thỉnh ý Giavê, qua việc gieo các vật thánh gọi là ”tummin và urim” để biết phán quyết của Thiên Chúa. Trong phẩm phục tư tế của Aharon có túi đeo trước ngực, để các ”tummim và urim”. Chương 28 sách Xuất Hành miêu tả nó như sau: ”Ngươi sẽ làm một túi đeo trước ngực rất mỹ thuật đựng thẻ xăm cho biết phán quyết của Thiên Chúa. Ngươi sẽ làm túi đó theo kiểu áo Êphốt; bằng chỉ vàng, chỉ đỏ tía, chỉ điều, chỉ đỏ thẫm, và sợi gai mịn xe. Túi đó hình vuông, may kép, dài một gang, rộng một gang. Người sẽ nhận vào đó bốn hàng ngọc: ở hàng thứ nhất có nhận xích não, hoàng ngọc và bích ngọc; ở hàng thứ hai có nhận hồng ngọc, lam ngọc và kim cương; ở hàng thứ ba có nhận miêu nhãn thạch, mã não và tử ngọc; ở hàng thứ tư có nhận kim lục thạch, mã não có vân và vân thạch. Những viên ngọc đỏ sẽ được nhận vào những ổ bằng vàng. Các viên ngọc sẽ mang tên con cái Israel: mười hai viên ngọc mang mười hai tên của chúng khắc theo kiểu dấu ấn, mỗi viên ngọc mang tên một trong mười hai chi tộc.”.

Tiếp đến văn bản xác định cách làm các khoen bằng vàng ròng và các dây đeo cũng như cách đeo túi bên trên áo Êphốt. Văn bản viết tiếp: ”Khi vào nơi thánh, Aharon sẽ mang trên ngực tên con cái Israel, làm kỷ vật vĩnh viễn trước nhan Giavê, được ghi vào túi đeo trước ngực, chỗ đựng thẻ xăm phán quyết. Ngươi sẽ đặt các thể xăm phán quyết urim và tummim vào túi đeo trước ngực; những vật này sẽ nằm trên ngực Aharon, khi ông đến trước nhan Giavê. Như thế trước nhan Giavê, Aharon sẽ luôn mang trên ngực phương tiện cho biết phán quyết của Thiên Chúa về con cái Israel” (Xh 28,29-30). Với các urim và tummim tư tế đổ thăm và chúng xác định câu trả lời của Thiên Chúa cho vài vấn đề cuộc sống nào đó. Văn bản rõ ràng nhất là sách Samuel I chương 14 trong đó vua Saul muốn biết lý do của khó khăn đang gặp phải nên thưa với Thiên Chúa: ”Nếu lỗi là nơi con và nơi Gionathan con của con, thì ôi lậy Chúa, Thiên Chúa của Israel, xin hãy cho urim; nếu lỗi là nơi Israel dân Ngài, thì xin hãy cho tummim”. Và lỗi đã rơi phía vua Saul và hoàng tử Gionathan. Sau đó thẻ xăm lai cho biết hoàng tử Gioanathan có lỗi. Nhưng vì được dân chúng bênh vực nên hoàng tử không phải chết.

Khi Đavít bị vua Saul truy nã, ông đến gặp tư tế Ebiatar để xin tư tế gieo tummim và urim để biết vua Saul có xuống thành Keila truy nã ông hay không, và các thân hào Keila có giao nộp ông cho vua hay không. Sau khi biết là có, Đavít và các người của ông bỏ thành Keila để trốn vào trong sa mạc. Sau này Davít cũng thỉnh ý Giavê để đuổi theo bọn cưởp, lấy lại hai bà vợ và của cải đã bị cướp. (1 Sm 30,7). Nhiệm vụ thỉnh ý này của tư tế không phải là nét đặc thù của Do thái giáo, vì các dân tộc khác trong thế giới cổ xưa cũng có thói quen này. Qua thói quen gieo thẻ ấy chúng ta có thể nhận ra việc tìm kiếm ý muốn của Thiên Chúa, cũng như một xác tín tôn giáo nền tảng: đó là nếu không có tương quan với Thiên Chúa, con người không thể tìm được con đường của mình trong cuộc sống.

THKT 1111

Linh Tiến Khải

Nguồn: Vietvatican

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment