Các tư tế trong việc hiến dâng các loại lễ tế khác nhau cho Thiên Chúa

Khi tìm hiểu lịch sử nhiệm vụ của các tư tế trong việc phụng tự, chúng ta nhận thấy các tư tế phải chủ sự nhiều loại lễ tế khác nhau như được trình bầy trong bẩy chương đầu sách Lêvi.

Chương 1 gồm ba phần rõ ràng tùy theo của lễ sát tế là bò (1,3-9), dê hay chiên (1,10-13), hoặc chim (1,14-17). Văn thể ở ngôi thứ ba và cũng dành cho giáo dân là người dâng lễ vật vai trò quan trọng. Các tư tế chỉ đảm nhận vài hành động ”đặc biệt”, đặc biệt là rảy và dâng máu. Còn đa số các hành động dâng tiến dành cho giáo dân. Sự kiện này cho phép chúng ta nghĩ rằng đây là một giai đoạn, trong đó việc tư tế hóa hành động dâng lễ vật còn ít ỏi, chưa được rõ ràng và triệt để. Sự khác biệt giữa nguyên bản Do thái Masorét ở số ít và bản dịch Hy Lạp Bẩy Mươi, thường dùng ở số nhiều, chứng minh cho thấy Bản dịch Hy lạp Bẩy Mươi có khuynh hướng dành riêng cho các tư tế một vài hành động đặc thù, trong khi văn bản Do thái Masorét đề cao vai trò của giáo dân trong việc dâng tiến các hy tế. Trong trường hợp này thì các văn bản Bẩy Mươi đồng thuận với những gì ngôn sứ Edekiel viết trong chương 44 câu 11: ”Trong thánh điện của Ta, các thầy Lêvi sẽ đảm trách việc canh các cổng Đền Thờ và phục vụ Đền Thờ. Chính chúng sẽ sát tế lễ vật toàn thiêu và hy lễ cho dân; chính chúng sẽ đứng trước mặt dân mà phục vụ dân” (Ed 44,11); hay như viết trong chương 29 câu 34 sách Sử Biên II kể lại việc tái lập nền phụng tự như sau: ”Chỉ có điều là số các tư tế quá ít, không đủ để lột da tất cả những con vật dâng làm lễ toàn thiêu. Anh em của họ là các thầy Lêvi đã phải giúp họ cho đến khi công việc hoàn tất và cho đến khi các tư tế đã tự thánh hiến; qủa vậy các thầy Lêvi thành tâm tự thánh hiến hơn các tư tế”. Đây là một yếu tố cho thấy chất liệu trong văn bản có trước thời lưu đầy, cả khi trong kết cấu hiện tại nó được sử dụng trong Đền Thờ sau thời lưu đầy ở Giêrusalem.

Các lễ tế toàn thiêu có thể là bò tơ, chiên hay dê hoặc chim gáy, hay chim bồ câu. Câu 4 chương 1 biểu lộ tâm thức của trường phái Tư Tế, đặc biệt chú ý và đề cao việc đền tội. Chương 45 sách ngôn sứ Edekiel gán cho các lễ toàn thiêu và các hy lễ kỳ an cũng như các hy lễ xá tội và các hy lễ đền tội mục đích đền tội toàn diện khi viết: ”Từ đồng cỏ tươi tốt của Israel, cứ một đoàn vật hai trăm con thì lấy ra một con chiên, để làm lễ phẩm, lễ toàn thiêu và lễ kỳ an mà xá tội cho dân… Toàn dân trong xứ phải nộp phần trích cho ông hoàng Israel. Trách nhiệm của ông hoàng là lo liệu cho có các lễ toàn thiêu, lễ phẩm và lễ tưới vào các ngày lễ, các ngày sóc, các ngày sabát và các ngày đại hội của nhà Israel. Chính nó sẽ cung cấp lễ vật tạ tội, lễ phẩm, lễ toàn thiêu và các lễ kỳ an để xá tội cho nhà Israel” (Ed 45,15-17).

Người ta cũng không thể loại trừ chủ ý của soạn giả văn bản hiện nay muốn gắn liền với chương 16 kết thúc phần đầu của sách Lêvi. Có hai lý do chứng minh cho thấy câu 4 chương 1 được thêm vào sau này: thứ nhất là việc đặt tay trên đầu con vật dâng làm lễ toàn thiêu không tìm thấy trong các loại lễ toàn thiêu khác, như sẽ được liệt kê ra xa hơn. Thứ hai là sự kiện người ta gán cho lễ toàn thiêu một nhiệm vụ xá tội, là đặc tính riêng của hy lễ xá tội.

Lễ toàn thiêu như ”hương thơm làm vui lòng Giavê” là kiểu nói được đặt trong tương quan với văn bản chương 8 câu 21 sách Sáng Thế kể rằng ông Noê đã ”dựng một bàn thờ kính Giavê. Ông đã lấy một số trong các gia súc thanh sạch và các loại chim thanh sạch mà dâng làm của lễ toàn thiêu trên bàn thờ. Giavê ngửi mùi thơm ngon” của các lễ toàn thiêu ấy. Soạn giả lấy lại kiểu nói của các văn bản Accadic, đề cập tới sự kiện các thần linh ngửi mùi thơn của các hy tế. Các sách Targum dịch là ”vui lòng tiếp nhận”, nghĩa là từ bình diện vật lý bước sang bình diện tâm lý. Các văn bản Bẩy Mươi cũng không nghĩ tới mùi thơm vật lý có thể đến từ các hy tế, nhưng nghĩ tới hiệu qủa mà chúng có đối với Thiên Chúa, nghĩa là chúng biểu lộ đức tin, lòng thành kính và sự tin tưởng của tín hữu đối với Thiên Chúa. Theo nhiều học giả khác ”mùi thơm” là một kiểu, qua đó thần linh biểu lộ sự hiện diện của mình và chính người dâng hy lễ toàn thiêu nhận thức được điều đó.

”Lễ toàn thiêu bằng chim” đã không được thấy trước trong câu 2 chương 1, và nó được thêm vào sau này để giải quyết vấn đề cho các tín hữu nghèo không có tiền mua bò, dê hay chiên làm lễ toàn thiêu. Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse cũng thuộc lớp người nghèo này, nên đã chỉ có thể dâng hai con chim bồ câu non làm lễ toàn thiêu chuộc con trai đầu lòng là Chúa Hài Nhi Giêsu.

Việc lo lắng không được chặt đứt lìa các con chim dâng làm hy lễ toàn thiêu cho Giavê có lẽ là để tránh lẫn lộn với thói quen tế thần của người Accadic. Dân Accadic có thói quen chặt đôi con chim bồ câu non, đứt lìa làm hai mảnh để kính nhớ thần Marduk, là vị thần đã chẻ đôi xác của nữ thần Tiamat, để lấy một nửa làm trái đất, nửa kia làm bầu trời. Huyền thoại Accadic này cố ý trình bầy vũ trụ quan của dân tộc Accadic. Do thái giáo kị các yếu tố thần thoại của các dân tộc ngoại giáo khác, nên đã đưa ra các chỉ dẫn khác với các thói quen của dân ngoại.

Chương 2 sách Lêvi đề cập tới các các lễ tiến khác nhau bằng cách phân biệt cả kiểu nấu khác nhau, và thiết định các điều lệ phải theo. Đặc tính của các lễ phẩm này là ”tưởng nhớ”, nghĩa là tư tế lấy một phần của lễ phẩm để đốt trên bàn thờ của Thiên Chúa với mục đích ”tưởng nhớ”, nghĩa là ”làm cho người dâng tiến lễ phẩm hiện diện trước mặt Thiên Chúa, để cho Chúa tưởng nhớ tới họ và ban các ơn lành cho họ.

Các loại lễ phẩm gồm tinh bột có rưới dầu và đổ nhũ hương; bột nhào nướng lò làm lễ tiến gồm tinh bột làm thành bánh ngọt không men nhào với dầu và làm thành bánh tráng không men phết dầu; bột nướng chảo gồm tinh bột nhào với dầu, không men, được bẻ ra rưới dầu lên trên; lễ phẩm nấu trong nồi được làm bằng tinh bột với dầu. Từ các lễ phẩm ấy tư tế sẽ lấy ra phần kỷ vật dành cho Giavê và đốt cho cháy nghi ngút trên bàn thờ như lễ hỏa tế. Phần còn lại của lễ phẩm thuộc về Aharon và các con ông. Đó là phần rất thánh lấy từ các lễ hỏa tế dâng Giavê.

Nhũ hương là một chất liệu thơm, mà nhiều dân tộc trên thế giới dùng để đốt lên dâng kính và vinh danh các thần linh. Bên Israel việc chuẩn bị nhũ hương với các hương thơm khác được chỉ dẫn trong sách Torah, tức sách Luật Môshê, như viết trong sách Xuất Hành chương 30: ”Giavê phán với ông Môshê: ”Ngươi hãy lấy các thứ hương chất: tô hợp hương, hương loa, phong tử hương, các hương chất và nhũ hương nguyên chất; số lượng mỗi thứ sẽ đồng đều. Ngươi sẽ lấy các thứ hương chất đó chế thành hương để đốt: hợp chất các hương này sẽ là sản phẩm của thợ làm hương; hương đó sẽ là hương pha muối nguyên chất và là hương thánh. Ngươi sẽ lấy một phần tán thành bột, và sẽ đặt trước Chứng Ước, trong Lều Hội Ngộ, nơi Ta gặp gỡ ngươi. Đối với các ngươi, đó sẽ là một vật rất thánh. Các ngươi sẽ không được chế hương theo kiểu ấy mà dùng: đối với các ngươi, đó sẽ là một vật thánh, dành riêng cho Giavê. Kẻ nào chế hương như thế để ngửi mùi thơm, thì sẽ bị khai trừ khỏi dân nó” (Xh 30,34-38). Chính trong khi dâng hương cho Thiên Chúa trong nơi Cực Thánh của Đền Thờ Giêrusalem, mà tư tế Dakharia được thiên thần Chúa hiện ra báo cho biết Gioan Tẩy Giả sẽ chào đời (Lc 1,9).

Trong môt số trường hợp việc dâng hương thơm bị cấm ngặt. Chẳng hạn như trong lễ phẩm dâng vì ghen tuông. Chương 5 sách Dân Số xác định rằng ”trong trường hợp người vợ ngoại tình mà người chồng không biết; hay người vợ bí mật thất tiết mà không có ai làm chứng cáo tội, không bắt được qủa tang; hoặc người chồng nổi máu ghen và ghen tức vợ đã thật sự thất tiết, hoặc nổi máu ghen và ghen tức vợ mà thật ra vợ đã không thất tiết, thì bấy giờ người chồng phải dẫn vợ đến gặp tư tế, mà tiến dâng bốn lít rưỡi bột lúa mạch vì chuyện vợ mình; nhưng không rưới dầu lên trên và cũng không đổ hương vào, bởi đó là lễ phẩm dâng vì ghen tuông, lễ phẩm để tố cáo tội lỗi” (Ds 5,11-15).

Tác giả Thánh Vịnh 141 kêu lên với Chúa rằng: “Ước chi lời con nguyện như hương trầm bay tỏa trước Thánh Nhan, và tay con giơ lên được chấp nhận như của lễ ban chiều” (Tv 141,2). Vì thế, dâng hương cho các ngẫu tượng hay các thần linh khác là điều một tín hữu do thái không thể làm và không được phép làm. Vì đó là hành động biểu tượng cho sự thờ phượng và lời cầu nguyện. Dâng hương cho các thần ngoại giáo là phản bội Giavê Thiên Chúa của Israel, là bội giáo.

Khi vua Antioco IV Epifane thống trị Palestina hồi thế kỷ thứ II trước công nguyên, ông đã cho thiết lập nền phụng tự ngoại giáo và phát động một phong trào bách hại Do thái giáo tàn bạo nhất. Năm 145 trước công nguyên nhà vua cho dựng tượng thần ngoại giáo trên bàn thờ dâng lễ toàn thiêu trong Đền Thánh và cho lập các bàn thờ trong mọi thành phố, các nơi tế tự các đền miếu, rồi bắt dân Do thái phải sát tế heo và những loại vật ô uế cho các thần linh; trước cửa nhà và ngoài quảng trường phải dâng hương cho các thần ngoại.

Nhà vua ra lệnh xé sách Luật do thái và quăng vào lửa. Gặp sách Giao Ước ở nhà ai và biết họ còn tuân giữ Lề Luật thì đem ra xử tử. Bắt được phụ nữ còn làm lễ cắt bì cho con thì giết đứa bé đó và toàn gia đình. Chính trong bối cảnh bị bách hại tàn bạo này mà ông Mattatia và các con ông đã khởi xướng phong trào kháng chiến quyết tử để bảo vệ đạo giáo và quyền lợi của dân Do thái. Đó là phong trào kháng chiến của anh em nhà Macabây.

(Thần Học Kinh Thánh bài 1114)

Linh Tiến Khải

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment