Giữa Tiệc Rượu Nồng

THẦY RỬA CHÂN CHO MÔN ĐỆ RỒI LẬP BÍ TÍCH YÊU THƯƠNG…

Ngày xưa dân Do Thái đã phải trải qua một thời kỳ đen tối. Đó là thời kỳ nô lệ khổ nhục bên Ai Cập; thời kỳ này kéo mãi cho đến khi ông Môi Sen đến cứu. Là một vị giải phóng dân tộc, ông Môi Sen đã được Chúa ủy cho việc dẫn dân ra khỏi Ai Cập và đưa về quê hương là xứ Palestine, vì xưa kia Chúa đã hứa ban xứ đó cho các tổ phụ Do Thái. Và trong sử kể rằng:

Trong ngày sắp dẫn dân đi, ông Môi Sen truyền lệnh cho mỗi gia đình Do Thái phải giết một con chiên trinh bạch tuổi chẵn một năm, lấy máu đó bôi lên thành cửa, để ban đêm khi Thiên thần xuống giết các trưởng nam Ai Cập, Thiên thần thấy máu chiên ở cửa gia đình nào, sẽ tha cho gia đình ấy. Giết chiên xong phải nướng trong lò, rồi ăn với bánh không men và rau diếp đắng. Khi ăn phải đứng, lưng thắt giây da, chân đi giầy, tay cầm gậy và ăn hối hả như người sắp phải lên đường.

Ông Môi Sen gọi ngày ăn chiên như vậy là ngày Lễ Vượt Qua để kỷ niệm ngày Thiên thần Chúa đã đi qua không sát hại các con trẻ người Do Thái.

Về sau hàng năm người Do Thái mừng lễ Vượt Qua này rất trọng thể, để ghi nhớ ngày Chúa đã sai ông Môi Sen đến cứu dân khỏi ách nô lệ của Ai Cập, và họ còn gọi là Lễ Không Men nữa. Vì trong những ngày mừng lễ Vượt Qua, không ai được ăn bánh có men. Tuy nhiên, về những tục lệ ăn mừng lễ, sau này đi lưu đày ở Babylon về, họ đã châm chước theo tục Hy Lạp và La Mã: Thay vì đi giầy cầm gậy và ăn hối hả, họ nằm nghiêng trên sập, tựa mình vào gối xếp và ăn uống nhẩn nha.

Vậy hôm ấy là ngày thứ nhất trong Tuần Lễ Không Men (Tuần lễ này gồm 8 ngày, ngày thứ nhất tức là thứ năm tuần thánh.) Chúa Giêsu gọi riêng hai tông đồ của Ngài là Phêrô và Gioan lại, ủy cho các ông đi dọn tiệc lễ Vượt Qua. Ngài bảo hai ông rằng:

-Các con hãy đi dọn lễ Vượt Qua để chúng ta cùng mừng lễ đó.

Hai ông thưa:

-Nhưng Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy mừng lễ ở đâu ?

Ngài đáp:

-Các con hãy vào thành và sẽ gặp một người vác vò nước. Các con hãy theo người vác vò này; họ vào nhà nào, các con vào nhà đó, và các con hãy thưa với chủ nhà rằng:

Thầy sai đến nói với ông: Giờ Ta đã sắp đến, năm nay Ta muốn ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Ta ở nhà ông, vậy đâu là căn phòng ông dành cho Ta để mừng lễ Bấy giờ chủ nhà sẽ chỉ cho các con một căn phòng rộng rãi.

Vâng lời Ngài, hai ông đi vào thành, và quả thực thấy mọi sự xảy ra như Ngài đã dạy. Hai ông liền dọn tiệc lễ Vượt Qua.

Vừa chập tối, Trên không trung, mấy ngôi sao lấp lánh như báo trước một đêm chứa ẩn nhiều sự lạ. Chúa Giêsu và mười hai môn đệ của Ngài cùng dự tiệc lễ Vượt Qua. Ngài và các môn đệ ở trong một căn phòng ngay sát cạnh Phủ Thượng Tế trên đỉnh đồi Sion về phía nam Đền thánh. Quang cảnh của phòng tiệc khiến các tông đồ vui sướng lắm. Các ông cảm thấy lần này không phải ăn ở ngoài trời, ở bên vệ đường vệ sông hay trên những đỉnh núi có tính cách thô hoang, nhưng chính là căn phòng rộng rãi lịch sự có vẻ tôn trang phú quý. Những lễ nghi phiền phức của tiệc lễ Vượt Qua đã được thu gọn vào bốn tuần rượu.

Khởi sự là Tuần pha nước lã Trong tuần rượu này, đọc xong lời cầu chúc (Lời cầu chúc rằng Chúa đã ban những trái nho.) trên một cốc rượu pha nước lã, gia chủ hớp một hớp, rồi đưa cho các người đồng bàn để hết thảy cũng làm theo. Tiếp đến lễ nghi rửa tay và bưng các thực phẩm. Món ăn chính là rau đắng, bánh không men, thịt chiên và một thứ chấm màu gạch đỏ. Ý nghĩa: Nước chấm màu gạch đỏ chỉ việc làm và nung gạch vất vả đời vua Pha-ra-ông (Pharaoh) Ai Cập. Thịt chiên, chỉ con chiên đã giết xưa để lấy máu bôi trên thành cửa; bánh không men chỉ thứ bánh ngày xưa đã phải làm vội vã không kịp pha men.

Kế đến Tuần Rượu Thứ Hai một người trẻ tuổi nhất trong bàn tiệc đứng lên xin gia chủ giả thích lý do và ý nghĩa của bữa tiệc. Giải thích xong mọi người đồng thanh hát bài tán tụng Hallel tức là bài ca chép trong sách Thánh Vịnh từ đoạn 111 đến 113. Hát xong, uống rượu. Uống xong, lại rửa tay. Rồi người chủ tiệc đọc lời cầu chúc, bẻ bánh không men chia cho mọi người cùng ăn. Bánh phải ăn với thịt chiên, rau đắng và nước chấm màu gạch đỏ. Theo tục lệ, đã dọn ra bao nhiêu, phải ăn cho hết. Nếu ăn còn thừa phải hỏa tiêu.

Tiếp đến Tuần Rượu Thứ Ba Tuần rượu này quen gọi là Ly rượu cầu phúc vì uống rượu xong, mọi người phải đọc kinh cầu phúc khá dài.

Sau hết đến Tuần Rượu Thứ Bốn Cạn tuần rượu này, người chủ tiệc phải xướng bài

Hoan ca phần thứ hai, tức là bài chép trong Thánh Vịnh từ đoạn 114 đến 117 mọi người đều hát tiếp. Hát xong tiệc kết liễu.

Vậy giữa tuần rượu thứ nhất, sau khi trao cốc rượu pha nước cho mọi người uống, Chúa Giêsu làm các tông đồ phải bỡ ngỡ vì lời Chúa tuyên bố sau đây:

-Thầy khao khát ăn lễ Vượt Qua này với các con trước khi chịu khổ nhục. Thầy nói để các con hay, Thầy sẽ chẳng còn ăn bữa này nữa cho đến khi mọi mầu nhiệm được hoàn tất trên Nước Đức Chúa Trời. Bấy giờ, phải ! Bấy giờ chúng ta lại cùng uống, nhưng uống thứ rượu mới trong Nước Đức Chúa Cha.

Lời tuyên bố trên đây làm các tông đồ buồn, vì nó nhắc tới đau khổ. Mà đau khổ, danh từ độc ác đó, các ông có muốn nghe đâu ! Các ông chỉ ưa nghe những gì là vinh hiển. Nhưng rồi hương vị thực phẩm trên bàn, và cảnh phòng tiệc đã đánh tan ý nghĩ buồn sầu kia, lòng các ông lại vui lên. Và lời Chúa vừa phán về bữa tiệc trên Nước Trời càng làm các ông cao hứng nữa ! Các ông lầm tưởng Chúa sắp trị vì thiên hạ và gần đây mình sẽ được vinh quang, có tước cao lộc lớn ! Ý nghĩ đó dâng lên cực mạnh. Các ông quay ra tranh biện với nhau:

-Ai trong các ông sẽ được địa vị cao hơn hết ?

Thấy thế, Chúa phải dạy rằng:

-Ở các nước, các vị quân vương bắt dân phải nhận họ có quyền thống trị, cũng như các người cầm quyền bắt dân phải xưng tụng họ là ân nhân. Nhưng ở nơi các con, đừng có thế. Trái lại, người lớn hơn cả trong các con phải ở như người ít tuổi nhất, và ai được làm thủ lãnh, phải ở như người giúp việc.

Nhưng bài học khiêm nhường vừa được nêu ra, Ngài cho là chưa đủ. Vì biết đã đến giờ phải bỏ thế trần để về với Đức Chúa Cha, và vì thế thiết tha yêu các môn đệ mà Ngài đã lựa chọn, Ngài muốn để cho các ông một bằng chứng tình yêu và một bài học thực hành, để bài học này đi qua giác cảm, in sâu vào trí não của các ông và của những người sẽ đọc Phúc Âm sau này. Nên Ngài chỗi dậy khỏi bàn ăn, cởi áo khoác ngoài ra, lấy vải thắt lưng, rồi đi đến góc phòng lấy chậu nước và khăn lau để rửa và lau chân cho các mộn đệ của Ngài.

Giờ đây Ngài biết lắm, Ngài biết bữa tiệc mới khởi sự chứ chưa xong, nhưng quỷ Satan đã làm xong công việc chiếm đoạt linh hồn của Giuđa Ítcariốt, mà ít lâu nay nó đã khởi sự ám ảnh bằng bã danh vọng và phú quí. Ngài cũng biết Giuđa đã định xong kế hoạch nộp Ngài. Nhưng thôi, mặc ! Ngài không lùi bước trước cái sỉ nhục phải rửa chân cho hắn ! Ngài tự nhủ: Muôn điều đã do Cha Ngài định hết, cũng như do Đức Chúa Cha mà Ngài đã xuống thế và sẽ trở về trời. Bởi vậy Ngài mạnh dạn, tay cầm bình, tay cầm chậu, tiến đi làm công việc rửa chân cho các môn đệ và lấy vải thắt lưng mà lau chân.

Ngài đi về phía ông Simon Phêrô trước. Ngài quì xuống, giơ chậu sửa soạn rửa chân cho ông, làm ông bỡ ngỡ quá. Ông nghĩ: Ôi Thầy Chí Thánh. Thầy cao trọng mà làm việc hèn này sao ? Hay là Thầy tưởng các môn đệ chưa đủ sạch để ăn chiên lễ Vượt Qua đang bốc khói ?..Ông bỡ ngỡ quá, nhất định không đưa chân cho Ngài rửa, và vội vàng phân phô:

-Lạy Thầy ! Sao vậy được ?…Thầy !..Thầy muốn rửa chân con ư ?….

Nhưng Ngài đáp lại:

-Việc Thầy làm, bây giờ con không hiểu. Nhưng sau này con sẽ hiểu.

Ông cưỡng lại:

-Không ! Lạy Thầy. Không bao giờ Thầy sẽ rửa chân cho con cả .

Ngài nghiêm nghị:

-Nhưng nếu con không để Thầy rửa chân con, con sẽ không còn là nghĩa thiết của Thầy nữa.

Nghe lời đó, Ông Phêrô sợ, đổi ý ngay và kêu lên như người mất tự chủ:

-Vậy, lạy Thầy, xin Thầy cứ rửa, không những là chân, mà còn cả tay và đầu nữa.

Ngài điềm tỉnh đáp lại:

-Người nào mới tắm xong, chỉ cần rửa chân thôi cũng đủ sạch, chẳng cần phải rửa cả

Các con cũng vậy. Các con đã được sạch. Tuy nhiên, hết thảy các con chưa sạch cả đâu.

Ngài nói câu sau cùng: Tuy nhiên hết thảy các con chưa được sạch cả đâu vì bấy giờ Ngài biết một tông đồ phản bội sắp nộp Ngài. Tông đồ đó là Giuđa Ítcariốt.

Rửa chân cho ông Phêrô xong, Ngài cũng quỳ gối rửa chân cho các tông đồ khác, cho cả Giuđa.Trước cử chỉ khiêm nhường đầy yêu thương đó, Giuđa gắng gượng cử động cho khỏi lộ chuyện, nhưng lòng y đã trơ như đá không một chút cảm xúc nào.

Rửa chân cho các tông đồ xong, Ngài trở về chỗ cũ, mặc áo khoác ngoài, và lại dự bàn ăn. Rồi từ bàn ăn Ngài giảng ý nghĩa việc Ngài mới làm cho các môn đệ:

-Các con hiểu ý việc Thầy mới làm không ? Các con nghĩ ai là người trọng hơn cả; khách ngồi bàn hay người hầu ? Chính khách ngồi bàn phải không ? Vậy mà giữa các con, Thầy đã ở như người hầu. Các con gọi Thầy là Thầy, là Chúa, và các con gọi phải, vì thực Thầy như vậy. Nhưng nếu là Thầy là Chúa, mà Thầy đã rửa chân cho các con, thì đến lượt các con, các con cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương để các con bắt chước. Vậy các con hãy làm như Thầy, Thầy căn dặn các con: Quả thực tôi tớ không trọng hơn chủ, và môn đệ chẳng trọng bằng thầy. Đó là điều các con biết nhận xét và đem thi hành, các con sẽ có phúc. Tuy nhiên, Thầy không nói cho hết thảy các con đâu. Thầy biết rõ rệt những kẻ Thầy đã chọn. Thầy biết hiện giờ trong các con có kẻ không đồng ý với Thầy. Ngày hôm nay chính nó sẽ thực hiện lời Thánh Kinh xưa Có kẻ ăn bánh Ta, sẽ giơ chân đạp đánh Ta. Bởi thế bây giờ Thầy bảo các con điều đó trước lúc việc xảy ra, để khi việc xảy tới, các con biết tin nhận Thầy là ai.

Tiệc Vượt Qua lại tiếp tục. Rượu và thịt được chuyển lượt nhau theo nhịp thời gian. Tuy nhiên bầu không khí vui của phòng tiệc đã mờ nhạt, vì do những lời Ngài nói Các con chưa sạch cả đâu; có kẻ trong các con không đồng ý với Thầy. và Có kẻ ăn bánh Ta, giơ chân đạp đánh Ta. các tông đồ đã hiểu trong các ông có kẻ muốn phản bội Ngài. Các ông nghĩ ngợi và uất ức lắm, mỗi người đeo đuổi một ý tưởng riêng, để hiểu rõ lời Thầy và tìm ra kẻ phản phúc khốn nạn kia. Các ông đưa cặp mắt lục soát nhìn nhau và tự hổ thẹn nhìn ngài. Rồi các ông sợ hãi, vì thấy nét mặt Thầy biến sắc như tố giác rằng linh hồn Thầy đang khổ cực muôn bề và sầu muộn mênh mông.

Mà thực vậy, Ngài đang phiền sầu đau khổ, vì biết Giuđa sắp nộp Ngài và y lại ngồi ngay bên cạnh. Nỗi buồn sầu trở nên thấm thía và nhục nhã quá tới nỗi Ngài phải nói to lên:

-Ôi chao ! Một người trong các con sẽ nộp Thầy. Phải ! Thầy bảo thật, một người trong các con, một người đang ăn ở bàn sẽ nộp Thầy !

Lời Ngài tuyên bố như tiếng sét nổ trong phòng tiệc, làm các ông đã sợ hãi và buồn, lại càng buồn và sợ hãi hơn. Các ông ngừng ăn, buồn rầu nhìn nhau hỏi: Thầy nói ai thế ? …Rồi đâm nghi hoặc với chính mình, từng người một, các ông đứng dậy, run sợ đến hỏi Ngài:

-Lạy Thầy. Có phải con không ?

Ngài đáp:

-Một người trong mười hai các con, người thò tay vào đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy.

Nhưng trên bàn bày la liệt những đĩa lớn đựng món ăn và ai muốn ăn thức ăn nào thì tự do dùng thức ăn ấy. Nên các ông không thể nhận ra được ai là người phản bội, trừ Giuđa. Nhưng để dấu chúng bạn y cũng vờ đến hỏi Ngài như các tông đồ khác:

-Trình Thầy. Có phải con không ?

Ngài khẽ bảo cho y biết, chính y là kẻ phản bội. Ngài nói rằng:

-Ngươi đã nói đúng.

Ngài bảo thầm, chỉ có Giuđa nghe lọt, nên ở ngay bên cạnh, hai ông Phêrô và Gioan cũng không nghe rõ. Giuđa lui về, Ngài tuyên bố:

-Phải ! Con Người sẽ đi chịu chết như lời Thánh Kinh chép về Ngài…Nhưng khốn nạn thay cho kẻ nộp Ngài !…Thà nó đừng sinh ra còn hơn !

Nhưng qua bao nhiêu câu vấn đáp, mà vẫn chưa khám phá ra được đích xác ai sẽ nộp Ngài, nên các tông đồ tức bực lắm. Nhất là ông Phêrô càng tức bực hơn. Ông muốn biết rõ kẻ phản bội, để nếu cần, ông không ngại bắt giữ và sỉ nhục con người khốn nạn ấy. Nhưng từ nơi ông đến chỗ Chúa còn cách ông Gioan và đầu ông này đang dựa vào ngực Chúa kiểu như an ủi Ngài trong cơn sầu muộn, nên ông ra hiệu cho tông đồ được Chúa yêu cách đặc biệt đó, hỏi xem Ngài có ý nói về ai. Ông Gioan liền ngẩng mặt lên nhìn Chúa, rồi để miệng sát tai Ngài và hỏi:

-Lạy Thầy ! Kẻ nộp Thầy là ai vậy ?

Ngài khẽ bảo ông Gioan:
-Chính người mà Thầy sẽ trao cho một miếng bánh đã chấm nước.

Nói xong, Ngài lấy một miếng bánh, chấm nước và trao cho Giuđa Ítcariốt.

Theo thục Do Thái đưa cho người khác miếng bánh đã chấm nước (nghĩa là đã dọn sẵn)là tỏ dấu kính trọng và thân nghĩa. Nên khi đưa miếng bánh chấm nước cho Giuđa, Chúa đã muốn tỏ thêm dấu hiệu yêu thương để y nghĩ lại. Nhưng ngược hẳn, y đã nhận lấy miếng bánh đó một cách lãnh đạm khô khan và càng nhất quyết thực hiện kế hoạch đã ấn định. Nên Thánh Kinh diễn tả tâm trạng Giuđa lúc đó rằng:
Y vừa ăn xong miếng bánh đó, quỷ Satan liền nhập vào y.

Biết tâm địa của Giuđa như thế, Chúa rùng mình, và không thể chịu đựng được con người quái ác đó ở bên cạnh nữa. Ngài nói thẳng cho y hay:
-Việc ngươi quyết định làm, ngươi hãy làm mau !

Nói thế dường như Ngài bảo: Việc ngươi đã định, ngươi cứ thực hiện đi. Ta biết rồi, việc gì còn phải vờ vật và che đậy mãi. Nghe vậy Giuđa cũng biết ý lắm. Nhưng các tông đồ không ai hiểu vì lý do gì Ngài bảo y như trên kia. Bởi vậy, khi Giuđa đứng dậy ra đi, các ông không ai ngờ y đi để nộp Thầy, mà trái lại vì Giuđa giữ chức quản lý, các ông tưởng y vâng lời Thầy đi mua đồ về mừng lễ hay bố thí cho kẻ khó nghèo, vì trong dịp lễ Vượt Qua cũng có lệ làm phúc cho kẻ nghèo khó. Lại cũng vì là người quản lý, có lẽ Giuđa phải vội vã đi ngay vì việc chung, nên không ai dám ghen vì Chúa đã tỏ với Giuđa dấu nghĩa thiết bằng miếng bánh chấm nước đã trao. Nhưng thực sự là Giuđa đi để nộp Ngài, và vừa ra khỏi cửa, y lao mình vào đêm tối, để nhờ đêm tối, thực hiện cho kỳ được ác ý của mình….

*** 

Sau khi cánh cửa khép lại, bóng tối đã đẩy Giuđa ra ngoài xa, Chúa Giêsu cảm thấy đôi phần an ủi. Giờ đây Ngài được tự do sống thân mật giữa đoàn môn đệ trong một bầu không khí yêu thương. Các môn đệ của Ngài là những người chất phác đơn sơ và chậm hiểu, nhưng rất thực tình yêu Ngài. Nên nét mặt Ngài lại hồng hào vui vẻ và Ngài bình tĩnh trò truyện với các ông. Câu chuyện vui xuyên qua tuần rượu thứ hai, thứ ba rồi thứ bốn. Và đáng ghi nữa, là tuần rượu thứ bốn còn được đánh dấu bằng một Bí Tích YÊU THƯƠNG mà khoa thần học đã đặt tên là Bí Tích THÁNH THỂ…

Trong tiệc lễ Vượt Qua này, tuần rượu thứ ba đã tận kết với đĩa thịt chót của con chiên, và trên bàn chỉ còn lại ít bánh không men cùng một cốc rượu lớn. Nhìn vào bánh và rượu đó, Chúa thấy lòng đã yêu môn đệ, giờ đây càng yêu dấu dạt dào hơn. Ngài biết giờ đã bỏ thế trần đã sắp đến, cũng như đoàn môn đệ của Ngài sắp phải mồ hôi và sắp phải chịu mọi thứ khổ cực trong việc mở Nước Trời trên thế giới, nên Ngài càng yêu dấu thiết tha. Tình yêu của Ngài như một đại dương không giới hạn, đang dâng lên mạnh để phủ tràn trên môn đệ và thế giới. Với tình yêu mênh mông rộng lớn đó. Ngài muốn để lại một dấu hiệu yêu thương, để vỗ về an ủi và thêm sức hộ phù đoàn môn đệ của Ngài ở thế trần, cũng như để ban cho thế gian một nguồn ơn phúc, một của nuôi linh hồn, một lẽ sống và một bảo vật cho hạnh phúc trường sinh. Nên Ngài nhất quyết lập phép nhiệm mầu Thánh Thể.

Vậy Ngài cầm lấy bánh, trịnh trọng đọc lời chúc phúc, ngửa mặt lên trời, bẻ bánh, rồi trao cho các môn đệ ăn:
-Các con hãy cầm lấy mà ăn: đây là chính xác Thầy…Xác sẽ nộp vì các con.

Rồi Ngài cầm cốc rượu, lại ngửa mặt tạ ơn Đức Chúa Cha và đưa cho các môn đệ uống mà rằng:
-Hết thảy các con hãy uống: đây là chính máu Thầy: Máu của Tân ước sẽ đổ ra vì các con, vì nhiều người để hết thảy được ơn tha tội lỗi.

Thế là….nói theo kiểu các nhà thần học….Ngài đã lập phép THÁNH THỂ, làm cho bánh trở nên xác thịt của Ngài, và rượu hóa thành máu của Ngài. Ngài lập phép này như một nhiệm pháp yêu thương để ở với các tông đồ và nhân loại cho đến tận thế, ngõ hầu thánh hóa hết mọi linh hồn trong bước nguy nan nơi trần thế. Ngài lập phép này để làm của hiến tế Đức Chúa Cha. Phép hiến tế mới này Ngài đặt tên là Hiến tế của Tân ước ngụ ý để thay thế và phế bãi những cách hiến tế bằng máu chiên bò của Cựu ước, những cách hiến tế bất toàn và chỉ có ý nghĩa tượng trưng, chính của lễ khiết tịnh và xứng đáng do Ngài mang lại. Trong Ngài có hai bản tính, Nhân tính và Thần tính. Về Nhân tính, Ngài trong sạch vô cùng; và về Thần tính, Ngài bằng Đức Chúa Cha. Nên chỉ có một mình Ngài mới là của lễ khiết tịnh và tương xứng, đáng được Đức Chúa Cha chấp nhận cùng tha tội cho loài người. Bởi thế nên Ngài đã mượn dịp bữa tiệc trên đây để lập Phép Thánh Thể.

Cũng bởi lẽ đó nên lúc này, lúc Ngài trao bánh và rượu, các tông đồ đã nhận lấy một cách rất cảm động. Các ông thấy cử chỉ Ngài thật khác thường, những cử chỉ trang nghiêm cao cả và chất chứa tình yêu thương. Đồng thời những lời Ngài nói có một ý nghĩa rất đặc biệt và cụ thể, tỏ rõ bánh kia không phải là bánh nữa, nhưng chính là thể xác Ngài, cũng như rượu kia không phải là rượu nữa, nhưng là chính máu Ngài, tuy bánh và rượu vẫn còn giữ nguyên hương vị và hình sắc của rượu bánh. Đã cảm động khi nhận lấy, các ông càng cảm động mạnh lúc chịu vào lòng, bánh và rượu Ngài trao. Các ông cảm thấy một nguồn yêu vô biên như theo thịt và máu của Thầy tràn lan vào tim hồng của các ông; và đồng thời lúc thịt Thầy như tan lẫn vào thịt của các ông, máu Thầy như hòa trong huyết mạch của các ông, nguồn yêu kia đã làm cho các ông thêm trong sạch, mạnh bạo và yêu mến, đã nâng cao tâm hồn của các ông khỏi các vật thế trần và khai quang cho lý trí của các ông rất nhiều sự thật vĩ đại. Bởi đó, đứng trước nguồn yêu kia, các ông rất đỗi ngạc nhiên và say sưa sung sướng. Cùng một trật, không ai bảo ai, các ông đều thầm lặng đưa mắt nhìn Thầy với tất cả lòng kính ái, kính ái đến triệt để, kính ái để sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng vì Thầy, để tình yêu của Thầy được bù đắp một phần nào vì hy sinh đó.

Lòng kính ái của các ông dần dần càng tăng lên gấp bội và đi song điệu với lòng cảm tạ tri ân, vì các ông tưởng nhớ, khi trao bánh và rượu. Ngài đã thố lộ tâm tình qua những lời nói có ý nghĩa xa mờ của đau thương Xác sẽ nộp và Máu sẽ đổ rơi Ôi những tiếng Bị nộp và đổ rơi thật độc ác quá !..Xác sẽ bị nộp và Máu Thầy sẽ đổ rơi vì ai ? Giờ đây các ông biết rõ; chỉ vì chính các ông và vì nhân loại, để tội lỗi của hết thảy được thứ tha. Trong thời gian im lặng đầy kính ái và tri ân đó, các ông còn nhớ lời Ngài dặn nữa:
Các con hãy làm sự này để nhớ Thầy luôn

Nhưng tại sao phải làm để luôn nhớ Thầy như thế ? Ôi chao ! Vậy Thầy sẽ đi xa ư …

Và đi xa sau những ngày xác bị nộp và máu bị đổ. Đi xa về miền bên kia cái chết, cái chết nhục nhã đau thương !…

Nói tắt lại, bao nhiêu ý nghĩ về tình yêu vô hạn của Ngài, về cái chết cực khổ của Ngài, về cuộc Ngài phải đi xa và về lời Ngài dặn phải làm để tưởng nhớ Ngài mãi mãi, bấy nhiêu ý nghĩ ấy đã đổi lượt nhau biến chuyển tâm hồn của các ông hết vui lại buồn, hết buồn lại đến thương, hết thương lại đến quyết định nhớ, nhớ để thực hiện chữ trí ân. Và một hồi lâu như vậy, tiếp theo điệu những cảm tình sôi nổi cùng cao quý ấy của các ông, tuần rượu thứ bốn của bữa tiệc Vượt Qua dần dần đã kết liễu bên cạnh những ngọn nến sáng rực, luôn tỏa hơi ấm trong căn phòng thân mật đầy yêu thương kính mến.

Chia sẻ Bài này:

Related posts