Lạy Chúa, xin cứu con – Chương 8: Nó nói : “Em tin sơ biết em rất yếu bệnh”

Con ma nói:

“Xin lỗi bà… a, em xin lỗi Soeur.”

Rồi nói tiếp:

“Em không biết Soeur có thể chỉ giùm em làm thế nào để chỗ bức tượng Nữ Thần Tự Do được không?

“Em đã quá giang suốt từ Texas đến đây để xem bức tượng….

“Và em muốn nhìn thấy bức tượng trước khi… trước khi em chết.”

Tôi nhìn vào hai con mắt sâu hoắm, nhưng vẫn sinh động và đầy kiên cường của Fred. Tôi đứng đó, nhìn thẳng vào khuôn mặt ngây thơ của Fred. Tôi cảm thấy như đang nghe một chiếc đồng hồ trong thân thể của Fred, quằn quại và lạ lùng kêu tích tắc, đếm xem còn bao nhiêu tuần, bao nhiêu ngày và bao nhiêu giờ còn lại trước khi chết hẳn.

Tuy vẫn chưa chết, nhưng Fred đã biết giờ ấy đang đến. Tôi cũng biết, và Thiên Chúa cũng biết. Tiếng nhịp tích tắc… tích tắc… tích tắc dường như dội vào rõ hơn trong đầu óc của tôi.

Tôi nói:

“Soeur muốn đích thân dẫn em đến đó vào cuối tuần này. Bức tượng đẹp lắm, giống như em đã tưởng tượng vậy.”

Tôi muốn đích thân cầm tay dẫn Fred đến đó, nhưng vì tôi còn vướng cả triệu công việc với các trẻ khác nữa. Tôi hy vọng và cầu mong Fred sẽ thông cảm cho tôi. (Không biết chúng tôi sẽ tiếp đón bao nhiêu trẻ em đường phố trong mùa Chay này. Tôi nghĩ Thiên Chúa đang làm việc cật lực để gửi các trẻ đến với chúng tôi!)

Fred đáp:

“Vậy cũng được. Em rất thích như vậy. Nhưng em nghĩ em sẽ đi ngay hôm nay.”

Ngưng một lúc, Fred nói tiếp:

“Em đã hứa với bạn gái của em ở Texas sẽ gửi cho cô ấy một bức hình.

“Em muốn gửi ngay cho bạn em. Em không muốn làm cô ấy phải thất vọng.”

Tôi mỉm cười, nói:

“Dường như cô bạn ấy rất có ý nghĩa đối với em phải không?”

Fred mở miệng định nói, nhưng rồi lại thôi, như thể muốn xác nhận, nhưng lời xác định có lẽ vẫn chưa đầy đủ.

Với đôi mắt rươm rướm, Fred nói:

“Em thực sự yêu thương cô ấy, Soeur ạ…

“Em chỉ còn một mình cô ấy mà thôi.”

Và Fred vội vã nói thêm, một cách lịch sự:

“Ngoài ra, còn có Soeur, và nơi này nữa.”

Tôi nhìn Fred và như cảm thấy một chiếc dao rạch qua trái tim mình, bởi vì tôi biết Fred nói thật lòng….

Fred đã đến với chúng tôi cách đây một tuần. Đó là một “ông cụ” 16 tuổi, đói lả, hoảng hốt, cô đơn, rã rượi, hầu như không nhấc nổi đôi chân để lê bước.

Trong những ngày đầu tiên tại đây, Fred hầu như không nói một lời nào. Có quá nhiều điều để nói. Fred chỉ nói từng chặp một, từng chút từng chút một. Và rất thương tâm.

Trước tiên, Fred đã kể cho chúng tôi biết:

“Em là một đứa lang thang từ Texas…

“Em không có cha có mẹ…

“Em chưa bao giờ biết mặt cha em, và má em thì đã biệt tăm âm tín từ khi em 14 tuổi, tức là hai năm nay rồi…

“Kể từ đó tới giờ, em sống trên các đường phố…

“Em tin là Soeur biết em rất yếu bệnh.”

Fred nói như xin lỗi về thân hình quá gầy guộc, chỉ còn da với xương và đôi mắt lõm sâu của nó.

Fred nói tiếp, với giọng tha thiết:

“Em đã mắc bệnh AIDS.

“Em đoán… em đoán… em bị lây từ bạn gái của em…

“Em đã quan hệ tình dục quá sớm.”

Thật là một điều lạ và bất ổn, nhưng lại rất chân thành, khi nghe thấy những lời thế này từ một thiếu niên như Fred:

“Em ước gì… em ước gì, ước gì em đã hiểu biết rõ hơn.”

Đôi mắt của Fred như nói với tôi:

“Em muốn mọi đứa trẻ đều biết sự thật ấy.”

Rồi lẩm nhẩm:

“Nhưng không phải là do lỗi cô ấy… Cô ấy là một người bạn gái rất tốt.

“Vì thế em mới đến New York. Lúc nào em cũng mơ ước được chiêm ngưỡng bức tượng Nữ Thần Tự Do. Người ta cho em biết… người ta cho em biết Soeur sẽ cho em trọ ở đây một thời gian.”

Những lời của Fred lúc nào cũng nhỏ nhẹ và lịch thiệp, không chút giả tạo hay cường điệu. Fred đã báo cho tôi biết nó sắp sửa chết bằng những cách nói mà một đứa trẻ vẫn thường nói với các bạn những câu đại loại như:

“Con xin ra ngoài một chút.

“Con muốn xem tối nay truyền hình có gì.”

Mãi cho đến lúc Fred nói với tôi, “Người ta cho em biết rằng Soeur sẽ cho em trọ ở đây một thời gian,” thì giọng nói của nó vỡ ra. Fred đã nói điều đó với vẻ sợ hãi thực sự, dường như lo lắng chúng tôi sẽ không cho nó trọ ở đây.

Tôi trấn an:

“Dĩ nhiên là em được ở lại đây chứ.

“Em cứ tự nhiên ở lại đây mãi cũng được.”

Tôi nói mà không biết thời gian ấy kéo dài bao lâu.

Đó là lần thứ hai tôi nói cho Fred biết cứ tự nhiên ở lại đây – và từ lần thứ hai ấy, Fred nhận ra chúng tôi quan tâm đến nó, trân trọng nó và muốn nó lưu lại đây với chúng tôi – thì một sự biến đổi đã xảy ra trong nó.

Đó không phải là chuyện Fred được chữa khỏi bệnh AIDS một cách kỳ diệu. Chúng tôi biết điều đó không bao giờ xảy ra.

Chúng tôi đưa Fred đến gặp bác sĩ, và ông ta xác nhận Fred thực sự đã mắc bệnh AIDS đến giai đoạn cuối cùng, và tình hình sức khỏe của nó không có gì khả quan. Nhưng trong khi không biết Fred còn sống được bao lâu trên cõi đời này, thì chúng tôi lại biết rất rõ Fred sẽ ở lại đây với chúng tôi vì nó cảm nghiệm được tình yêu thương và hy vọng. Đó là điều mọi đứa trẻ đều cần thiết. Tuy nhiên, việc Fred sẽ chết vẫn không có gì thay đổi được.

Nhưng tôi có thể nhìn thấy rõ ràng bên trong trái tim và tâm hồn của Fred một sự biến đổi đang xảy ra, biểu lộ qua ánh mắt của nó.

Bên trong con người của Fred… một điều kỳ diệu đã xảy ra.

Tâm hồn ấy đã chịu đựng quá nhiều đau đớn và quá nhiều vết sẹo – những vết sẹo do bị khước từ, bị bỏ rơi, cảm thấy không được ai yêu thương và bất xứng – giờ đây lại nghe được một thông điệp mới mẻ, hoàn toàn khác biệt.

Bằng cách cho Fred biết chúng tôi ở đây là vì nó, chúng tôi quan tâm, chúng tôi tin Fred là người tốt và xứng đáng được chúng tôi yêu thương…

… bằng cách cho Fred những món quà đơn sơ, chúng tôi đã thắp lên một tia hy vọng từ lâu đã tắt ngúm trong tâm hồn của nó.

Tôi không hề phóng đại – những lời phát xuất từ lòng yêu thương và nâng đỡ của chúng tôi – mang rất nhiều ý nghĩa đối với Fred.

Nói một cách đơn giản là chúng tôi đã cộng tác đem lại cho Fred một lý do để tiếp tục cuộc sống.

Các bạn đã cho Fred một lý do để ước mơ.

Tôi đã nói với Fred lúc em ra đi:
“Soeur hy vọng em sẽ thỏa mãn với chuyến tham quan bức tượng Nữ Thần Tự Do.

“Soeur biết em sẽ thích bức tượng ấy.”

Tôi nói nhưng vẫn lo cho thằng bé sắp đến cửa tử này sẽ phải kéo lê cái thân xác của nó những 1.500 dặm nữa để được chiêm ngưỡng biểu tượng của hy vọng và tự do của một quốc gia.

Fred trả lời:

“Lúc nào em cũng mơ ước được nhìn thấy bức tượng ấy.

“Em vui mừng vì sắp hoàn thành được giấc mơ của mình. Em không thể chờ đợi thêm được nữa, em muốn nói với Soeur về điều đó.

“Sau này, em sẽ nói chuyện nhiều hơn với Soeur.

“Và xin cảm ơn Soeur thật nhiều.

“Em thật lòng cảm ơn Soeur.”

Nói xong lời ấy, Fred quay người và ra đi.

Đó là lần đầu tiên tôi đã nhìn thấy nụ cười tươi nở trên gương mặt của Fred. Tôi nghĩ rằng tôi còn có thể nghe được cả sự tán thưởng của Thiên Chúa nữa.

Tôi tin rằng tôi biết vì sao Fred đã đến với chúng tôi. Fred chính là món quà Phục Sinh Thiên Chúa đã gửi đến cho các bạn và cho tôi.

Tôi muốn nói rằng, những đứa trẻ như Fred đã hiểu thế nào là nỗi đau thương và bị bội phản của ngày thứ Sáu tuần Thánh cũng như niềm vui và sự sống lại của Chúa Nhật Phục Sinh, sâu xa hơn các bạn và tôi.

Những đứa trẻ như Fred hiểu rõ hơn các bạn và tôi thế nào là bị ruồng bỏ, thế nào là bị khước từ, bị phản bội, bị lạc loài và lẻ loi, bơ vơ. Và chết trong lòng. Đối với chúng, toàn bộ cuộc sống của chúng là một chuỗi bất tận những ngày thứ Sáu tuần Thánh.

Vậy khi nào cuộc phục sinh riêng của chúng sẽ đến? Trên thế giới này, tuyệt đối chẳng có gì đẹp hơn là được nhìn thấy một đứa trẻ như Fred thực sự phục sinh trước mắt của bạn.

Đôi khi sự phục sinh chúng ta nhìn thấy đó là sự phục sinh hoàn toàn và tuyệt đối.

Một đứa trẻ bơ vơ và lạc lõng trên đường phố sẽ đến với chúng ta, và chúng ta sẽ có thể từng bước xây dựng lại cuộc đời cho chúng. Chúng ta sẽ tìm cho đứa trẻ ấy là một mái ấm. Chúng ta sẽ tìm cho đứa trẻ ấy một công việc. Chúng ta sẽ từng bước góp phần tái tạo lại từng phần trong cuộc đời của một đứa trẻ.

Nhưng trong trường hợp của Fred thì sao?

Đối với Fred, sự phục sinh của nó là một cuộc phục sinh bên trong, thuộc về tâm hồn. Thân xác của Fred có sống được hay không, và sống được bao lâu nữa không phải là điều tôi muốn đề cập đến ở đây. Tôi chỉ biết rõ một điều sâu thẳm bên trong: nhu cầu cần được yêu thương và cảm nghiệm được yêu thương là nhu cầu tuyệt đối mà mọi đứa trẻ đều cần thiết, đều xứng đáng, đều đáng được tôn trọng và đáng được quan tâm – và đó là điều đã phục sinh bên trong con người của Fred.

Và tất cả điều đó là nhờ các bạn.

Tôi có ý nói, tôi hy vọng các bạn nhận ra Fred là món quà Phục Sinh Thiên Chúa gửi đến cho các bạn. Những đứa trẻ như Fred không thể một mình trỗi dậy ra khỏi vũng bùn nhơ đường phố. Chúng tuyệt đối cần có một ai đó kéo chúng ra. Trong tuần này, chính bàn tay các bạn đã cứu thoát Fred.

TÌNH YÊU CỦA CHÚNG TA

Đôi khi tôi tự hỏi không biết người ta

Đánh giá về tình yêu của chúng ta như thế nào,

Dường như họ chẳng bao giờ thèm để ý

Tình yêu ấy xuất phát từ trời cao,

Nhưng nếu như tình yêu của chúng ta mãnh liệt, chân thật

Và có giá trị đối với tâm hồn,

Thì chúng ta không cần

Phải nghe họ làm gì.

Tình yêu của chúng ta sẽ nên kiên cường.

Tình yêu chúng ta sẽ chiếu sáng

Vượt qua giông tố,

Cho dù thời gian có phũ phàng đến đâu đi nữa.

Mãi mãi và mãi mãi,

Chúng ta sẽ giống như mặt trời.

Phải, nó sẽ chiếu sáng.

Do một trẻ ở Nhà Giao Ước viết ra

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment