Emmanuel – Thiên Chúa ở Cùng Chúng Ta

Kinh thánh không dậy dỗ chuyên biệt về Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngay cả từ “Ba Ngôi” cũng không lần nào xuất hiện trong đó. Bởi vậy tín điều “Ba Ngôi” có một lịch sử đầy sóng gió. Ðúng thế, làm sao mô tả được điều mà không thể mô tả? Ðiều mà luôn luôn vượt ra ngoài ngôn ngữ loài người? Mầu nhiệm trên hết mọi nhiệm mầu? Khi công thức tín điều được dần dần hình thành trong nhiều thế kỷ, thì những từ như “ngôi vị” (person), “bản thể” (substance), “yếu tính” (essence) và “mô thể” (hypostasis)… được dùng theo nghĩa mà Kinh Thánh không hề biết tới, kể cả các tác giả thánh thư. Trong thời gian đó người ta dậy dỗ mầu nhiệm “Ba Ngôi” bằng loại suy và ẩn dụ.

Cho nên bài thuyết giảng hôm nay tôi không dùng những từ ấy, theo lời khuyên khôn ngoan của nhà thần học lỗi lạc, Catherine Mowry LaCugna. Tác giả nói rằng các bài đọc của Thánh lễ Chúa Nhật này cung cấp đầy đủ ý tưởng để rao giảng về mầu nhiệm Ba Ngôi, không cần tìm kiếm đâu xa. Nhưng phải quy chiếu về tín điều Thiên Chúa Cứu Chuộc, qua Ðức Kitô, trong quyền năng Thánh Thần, và những hệ quả của nó ở cuộc đời người tín hữu, chứ không nên dùng các công thức thần học hoặc các lý thuyết chuyên môn của một vị thánh nào, như thánh Augustino hay các công đồng trong Giáo hội. Phụng vụ của Hội thánh chủ yếu là các nghi thức trang trọng, cử hành những biến cố của nhiệm cục cứu độ, cho nên thuyết giảng trong lễ Chúa Ba Ngôi phải tập trung vào thực tại cụ thể của ơn thánh và tình yêu thần linh trong việc cứu chuộc loài người. Không nên lang thang ra các nội dung khác. Ðó là điều tôi nghe theo ở bài suy niệm này, tức khai triển như tác giả LaCugna nói: “Nguồn rao giảng phong phú” từ các bài đọc Kinh thánh và phụng vụ của ngày lễ.

Khi ông Môsê muốn dân Do thái suy gẫm về bản tính Thiên Chúa, thì ông kêu gọi họ nhớ lại những công việc kỳ diệu Ngài đã thực hiện cho họ. Họ sẽ nhận ra Thiên Chúa ấy là Thiên Chúa nào khi cảm nhận được bàn tay Ngài hành động vì lợi ích của tuyển dân. Ông nhấn mạnh “chẳng có thần nào khác, giống như Thiên Chúa của anh em” đã làm những việc lạ lùng để bênh vực anh em, chẳng có thần nào khác đã nói với anh em như Thiên Chúa đã nói qua tôi tớ Ngài là Môisen. Thiên Chúa mà họ nhận biết, tôn thờ không ở xa, ở trên họ. Nhưng đang ngự giữa họ, tuyển chọn họ trong các quốc gia, giải phóng họ khỏi kiếp nô lệ Ai-cập. Thiên Chúa đã phán truyền và họ đã nghe tiếng Ngài. Ngài đã giang cánh tay mạnh mẽ, quyền năng bênh đỡ họ. Moisen, trong từ ngữ của tác giả LaCugna, đã kêu gọi tuyển dân tập chú ý vào những “thực tại cụ thể của ơn thánh và tình thương thần linh” mà họ từng kinh nghiệm.

Cùng một cách thức như vậy, hôm nay chúng ta cử hành mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Ðấng đã thực hiện trong vũ trụ điều mà không quyền năng nào dưới gầm trời có thể làm: tuyển chọn chúng ta, yêu thương chúng ta mà không cần điều kiện công nghiệp hoặc thành tựu về phần chúng ta, tập hợp chúng ta thành một dân tộc biết kính tin, đồng hành với chúng ta qua mọi thời đại và cư ngụ giữa chúng ta, cả khi sóng gió nổi lên chống đối. Chính Thiên Chúa, ngay từ khởi thuỷ tuyển chọn dân Israel, vẫn hằng giơ tay mời gọi mọi người trong Thánh lễ này, như Moisen xưa, phải nhận biết và để tâm suy xét: “Trên trời cao cũng như dưới đất thấp chỉ có Ðức Chúa là Thiên Chúa, chứ không còn thần nào khác” (4,39). Như vậy bằng những lời tuyên bố đó, tiên tri Moisen hôm nay cũng kêu gọi chúng ta nhiệt thành cử hành việc tôn thờ Thiên Chúa, Ðấng đã tuyển chọn chúng ta, ngự giữa chúng ta và sẽ không bao giờ rời xa Hội thánh nữa.

Ðể có thể luôn tưởng nhớ Ðức Chúa Trời, như ông Moisen đề nghị, chúng ta phải nhìn lại toàn cảnh cuộc đời mình, nhặt ra những giây phút khủng hoảng cay đắng nhất, những thử thách ghê gớm nhất và nhớ lại Thiên Chúa đã nâng đỡ chúng ta ra sao! Ngay cả nhiều lúc chúng ta phản bội, Ngài vẫn giang rộng cánh tay yêu thương trên chúng ta. Hôm nay cũng phải cử hành việc tưởng nhớ đến lòng yêu mến, bạn bè, hàng xóm, láng giềng và muôn vàn người khác bao bọc chúng ta. Họ cũng là bằng chứng cụ thể Thiên Chúa dùng để tỏ lòng Ngài thương yêu. Thật dịu dàng khi nghĩ đến những tâm hồn cao thượng đó. Qua họ mà Thiên Chúa tỏ lòng yêu thương mình. Nhờ bản văn này các tác giả muộn thời thiết lập nên nền thần học độc thần, sáng ngời qua mọi thời đại. Nhưng hôm nay, bài đọc một hẳn lôi kéo tâm trí mọi người vào việc thờ phượng Thiên Chúa cho phải lẽ, đúng đạo, và giúp đỡ chúng ta luôn ghi nhớ và tuyên xưng cùng với Moisen, tuyển dân, toàn thể nhân loại: “Ðức Chúa là Thiên Chúa duy nhất, ngoài Người ra chẳng còn thần nào khác”. Nếu như có ai yêu cầu chúng ta giải thích “Ba Ngôi” là gì, chúng ta chỉ có thể trả lời: “Dạ, chịu thua, nhưng xin để tôi kể cho ngài nghe về “kinh nghiệm Ba Ngôi”. Bởi lẽ đó là điều tôi cảm nghiệm được trước nhất trong cuộc sống mình”.

Bài đọc Tin mừng thật ngắn gọn, trích từ Phúc âm thánh Mattheo, gần tương tự như kết thúc của thánh Marcô, Chúa sai mười một Tông đồ đi rao giảng Tin mừng, làm phép rửa “nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”, dạy dỗ thiên hạ tuân giữ các điều Ngài truyền, nhưng bối cảnh thì vẫn còn mơ hồ. Thánh Mattheo cũng kết thúc Tin mừng của ông và tỏ ra nhất quán, những chỗ khác ông viết trong toàn thể nội dung, lúc này ông tóm gọn lại: ông đã nhấn mạnh sự hiện diện của Chúa Giêsu với nhóm môn đệ và ngay từ thuở ban đầu ông gọi Chúa là Emmanuel=Thiên Chúa ở cùng chúng ta (1,23) thì giờ đây Chúa sắp rời bỏ các môn đệ, nhưng vẫn xác định sự có mặt của Ngài là Emmanuel: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”(28,20). Với xác nhận này, quả thật Ngài hiện diện với họ trong công trình truyền giáo, sai họ đi “làm cho muôn dân trở thành môn đệ Ngài.”

Sớm hơn nữa, ở đoạn 10, Ngài truyền cho họ chỉ đến với những con chiên lạc nhà Israel (6,7), khởi sự từ Giêrusalem. Tuy nhiên, thánh Mattheô đã cho chúng ta vài ám chỉ về sự mở rộng phạm vi truyền giáo này. Thí dụ trong gia phả Chúa Giêsu, thánh nhân đã gồm cả các đàn bà ngoại giáo vào nhóm tổ phụ Ðức Ki-tô (1,13). Rồi đến các nhà chiêm tinh từ phương đông, các người lính La-mã chấp nhận đức tin, người đàn bà xứ Canaan, khi khởi công sứ vụ ở miền Galilea, vùng Dơvulun và Naptali, thánh Mattheô gọi là “đất của dân ngoại”(4,15), nhưng bằng chứng quyết định có lẽ là lúc thánh nhân mô tả cuộc phán xét cuối cùng (25,32). Lúc ấy mọi dân nước sẽ được gọi đến trước tôn nhan Chúa Giêsu để chịu phân xử về các việc lành, dữ. Tiêu chuẩn không thuộc về tuyển dân hay một quốc gia nào, mà là cách đối xử với kẻ nghèo khó, bần cùng, đói khát…

Cho nên chẳng lạ gì lời căn dặn cuối cùng của Chúa Giêsu là đi rao giảng, rửa tội và dậy dỗ muôn dân cho đến mút cùng trái đất. Chẳng có ranh giới nào trước mặt các môn đệ để không được giảng thuyết. Sứ điệp là cho mọi người, mọi nơi, mọi thời đại. Mục tiêu căn bản là phép thanh tẩy và các hệ quả tiếp theo. Người đã được rửa tội phải tuân giữ “mọi điều Thầy đã truyền dậy cho anh em.” Chúa Giêsu muốn các môn đệ sống đích thực giới răn mới “yêu thương” và niềm hy vọng to lớn của giới răn đó. Họ phải sống như những công dân của một vương quốc mới, gồm toàn những anh chị em của cùng một Cha và lệ thuộc vào lòng thương xót của Thượng Ðế khi đón nhận những linh hồn đói khát công chính và ơn cứu độ.

Lúc các môn đệ hội họp với Chúa Phục sinh ở Galilêa, họ nhận ta vẻ nhiệm mầu nơi Ngài, họ thờ lạy, nhưng vẫn còn chút hoài nghi. Âu đó cũng là bài học đầy an ủi cho mọi tín hữu, bởi biết rằng, cũng như mình, họ chẳng phải đã hoàn toàn thánh thiện. Chúng ta vẫn còn có đám mây nghi hoặc khi tham dự thánh lễ, cầu nguyện, chia sẻ bánh thánh, thờ lậy Chúa sống lại. Chúng ta cũng vẫn chưa hoàn toàn trong sạch, thánh thiện. Tuy nhiên niềm nghi nan đó không ngăn cản họ trở thành đại sứ của Chúa Giêsu khắp thế gian. Ngài đoan hứa với họ, không bỏ mặc họ một mình mà luôn luôn hiện diện bên cạnh họ, tiếp tục làm Emmanuel: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Ðó là lý do căn bản để mọi tín hữu phải luôn sống thánh thiện, điều cốt yếu của Nước trời trong Phúc âm thánh Mattheô. Tất cả những ai được Chúa sai đi, cá nhân hay cộng đoàn, phải luôn nghi nhớ điểm đó. Chúa mong đợi chúng ta tiến triển trong đời siêu nhiên, ăn ở nghèo nàn trong nếp sống, kháo khát lớn mạnh trong tình yêu, kính trọng quyền lợi, nhân vị tha nhân, xót thương kẻ thù địch, đơn thành dấn thân hầu việc Chúa và sẵn sàng chấp nhận bách hại, thử thách vì danh Ðức Ki-tô. Chúa đòi hỏi sự đáp ứng của chúng ta phải hoàn toàn, không những trong hành vi tôn giáo bên ngoài mà còn thanh sạch từ tâm ý và thái độ. Bởi chúng ta phải hướng dẫn thế giới hành động lành thánh như Ngài đã hành động, khôn ngoan như Ngài đã nêu gương, bố thí cho kẻ nghèo khổ, tỉnh thức trong ăn chay cầu nguyện. Ðiểm cốt lõi của các lời Chúa Giêsu truyền dạy là hành động vì yêu mến (7,12). Cuối cùng chúng ta chỉ chịu phán xét tuỳ vào sự kiện đã yêu mến ra sao? (25,31).

Tóm lại khi nhìn lên bầu trời với những trăng sao lấp lánh, chúng ta ngỡ ngàng thán phục vẻ đẹp của thiên nhiên. Chúng ta thờ lạy quyền năng bao la của Thượng đế và trong lễ Ba Ngôi hôm nay chúng ta tự đặt cho mình câu hỏi bản tính Thiên Chúa là gì? Cả hai bài đọc 1 và 3 của thánh lễ trả lời cho linh hồn rằng Thiên Chúa chẳng ở đâu xa, chẳng ngự trên cao, siêu việt khỏi loài người mà luôn hành động mạnh mẽ trong nhân loại, vì nhân loại. Ngài gần gũi và thân mật với mỗi người. Ngài đã đi vào thế giới để mở mắt cho chúng ta xem thấy bản tính yêu thương của Ngài. Trong Ðức Ki-tô Ngài giải thoát chúng ta khỏi vòng tội lỗi và tất cả những chi chia rẽ cộng đồng nhân loại. Chúa Giêsu đã sai phái các môn đệ đi rao giảng, và qua thần khí, Ngài vẫn nói với trái tim họ Tin Mừng cứu rỗi. Ngài hướng dẫn họ, thêm sức mạnh để họ đủ khả năng rao giảng Tin mừng cho kẻ khác. Ðúng thật, Thượng đế là Tạo hoá toàn năng, quyền phép, chúa tể các tầng trời. Nhưng có một điều lạ lùng hơn nữa, qua lời dạy của Chúa Giêsu và qua Thần khí mách bảo, Thiên Chúa ấy luôn về “phe” với nhân loại một cách đầy yêu thương và bất biến. Amen.

Chú ý: Học thuyết Chúa Ba Ngôi căn bản là về tương quan. Thánh Gioan ngắn gọn hơn: Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu đòi hỏi tương quan. Yêu mình thì gọi là ích kỷ, không biết, không tôn thờ Chúa Ba Ngôi.

Nguồn: Người Tín Hữu

Chia sẻ Bài này:

Related posts