Con Thiên Chúa

Văn hào Charles Lamb sống ở Anh Quốc 200 năm trước đây. Suốt 30 năm, ông chỉ là một viên thư ký tầm thường trong một xưởng đóng tầu. Thế mà ông đã trở nên một văn hào nổi tiếng vì những bài trào phúng thanh nhã, duyên dáng và nhất là ông có một tình yêu thương hiếm có đối với gia đình và bạn bè của ông. Một buổi chiều nọ, các bạn hữu hội họp tại nhà ông để thảo luận về văn chương. Một người trong nhóm đặt câu hỏi: “Chúng ta sẽ nghĩ sao, nếu Dant, tác giả của vở hài kịch Divine Comedy, sẽ bước vào phòng họp của chúng ta chiều này?” Một người khác lại tiếp lời: “Giả thử Shakespeare tới họp với chúng ta bây giờ thì sao?” Ông Charles Lamb vội vàng trả lời: “Tôi sẽ giang hai tay vui mừng nồng hậu đón tiếp vị “Vua” của các nhà tư tưởng danh tiếng đó”. Cuối cùng, một người khác đặt giả thiết: “Vậy giả như Chúa Kitô bước vào phòng họp này thì chúng ta có thái độ nào?” Văn Hào Charles Lamb nghe vậy, vội nghiêm nét mặt trả lời: “Dĩ nhiên, tất cả chúng ta đều cung kính quì xuống tôn thờ Ngài”.

Tại sao văn hào Charles Lamb lại phát biểu tư tưởng đặc biệt này? Tại vì giữa Chúa Kitô và các vĩ nhân của lịch sử nhân loại có sự khác biệt vô cùng: Chúa Kitô là Thiên Chúa đáng tôn kính sùng mộ, còn các vĩ nhân kia, dầu sao cũng chỉ là con người phàm như bất cứ ai trên trần gian này.

I. NGÀI LÀ MỘT VĨ NHÂN SIÊU VIỆT

Bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Sử Marcô tường thuật câu truyện trao đổi giữa Chúa Kitô và các môn đệ Ngài, đang trên đường tiến về miền Xêsarê Philipphê. Chúa hỏi các môn đệ cho biết, người ta đã nghĩ thế nào về Ngài.

Qua lời đối đáp của các môn đệ, cho chúng ta thấy quan niệm của người Do Thái đương thời, thì Ngài Chính là Gioan Tẩy Giả đã bị chém đầu nay sống lại. Có những người lại cho rằng, Ngài là tiên tri Elia đã xuất hiện; những kẻ khác lại cho rằng, cùng lắm thì Ngài cũng chỉ là một vị tiên tri như bất cứ tiên tri nào khác.

Với những quan niệm của người thời nay: Có những người tôn Ngài là một vị quân tử, một nhà hiền triết, giống như các triết gia Hy Lạp Aristote hay Socrate chẳng hạn. Có những người sùng mộ hơn thì lại cho Ngài là một vĩ nhân, một nhà lập đạo, một lãnh tụ tôn giáo như Khổng Tử, Lão Tử, Mạnh Tử hoặc như Thích Ca Mâu Ni, ông tổ Phật Giáo; Ngô Văn Chiêu, ông tổ Cao Đài Giáo; Huỳnh Phú Sổ, ông tổ Phật Giáo Hòa Hảo; Đỗ Hữu Thuần, ông tổ Pháp Lý Vô Vi hay ông Đạo Dừa chẳng hạn… Rồi có người lại coi Ngài là thần tượng của giới trẻ, ông tổ của giới Hippi; hoặc hơn nữa, Ngài là một siêu nhiên cao cả có quyền năng trong lời nói và trong hành động.

II. NGÀI LÀ ĐỨC KITÔ CON THIÊN CHÚA

Sau khi nghe các môn đệ thuật lại ý kiến của các người Do Thái nghĩ về Chúa, Chúa mới hỏi lại các môn đệ: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Thánh Phêrô đã lên tiếng đại diện cho các môn đệ tuyên xưng rằng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống!”.

Đức Kitô, chính là Đấng Thiên Sai, Đấng Messia Thiên Chúa sai đến trần gian, để truyền bá giáo thuyết và huấn lệnh của Thiên Chúa, như phương thế cứu độ trần gian. Nhưng Ngài không phải là Đấng Thiên Sai theo quan niệm sai lầm của người Do Thái, vì họ chỉ chấp nhận một Đấng Thiên Sai uy quyền về phương diện chính trị, đến để giải phóng dân tộc Do Thái khỏi ách đô hộ đế quốc Roma, cũng giống như quan niệm tầm thường của các môn đệ của Ngài lúc ban đầu, họ đã thường tranh luận với nhau xem ai trong nhóm họ, sẽ làm lớn trong “Nội Các” tương lai của Thầy.

Thực ra, Đức Kitô là chính Đấng Thiên Sai được mệnh danh là Người Tôi Tớ Thống Khổ của Thiên Chúa, như bài sách tiên tri Isaia chúng ta vừa nghe đã tiên báo. Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa đã mặc hình tôi đòi giống như người phàm, Ngài đã hủy mình đi, lãnh nhận mọi án lệnh như một tội nhân, Ngài đã tự nguyện hiến dâng bản thân làm lễ vật hy sinh, chịu chết để đền tạ phép công bình Thiên Chúa, hầu cứu độ nhân loại.

Sau khi nghe Chúa nói về những thống khổ Ngài sẽ chịu, bị các trưởng tế, kỳ lão, luật sĩ chối bỏ và giết chết. Phêrô đã kéo Ngài lui ra và can ngăn Ngài, Ngài đã nặng lời quở trách ông: “Satan, hãy lui đi, con không biết việc của Thiên Chúa, mà chỉ biết việc của loài người”. Những lời đó đã đánh tan quan niệm sai lầm của các môn đệ, làm cho các ông được hiểu biết đúng về Ngài, để niềm tin của các ông thêm vững mạnh, thêm xác tín hơn. Do đó, Thánh Phêrô đã đại diện các môn đệ cao lời tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống!”.

III. CÒN CHÚNG CON, CHÚNG CON LÀ AI

Cùng với các Tông Đồ và toàn thể Giáo Hội, chúng ta tuyên xưng Chúa là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống. Đó là lời tuyên xưng đã được Chúa chấp nhận và hài lòng. Nhưng Chúa muốn chúng ta phải trở nên chứng nhân và sống niềm tin chúng ta vừa tuyên xưng, bằng cách chúng ta hãy chân thành đáp lại lời Chúa có thể hỏi chúng ta: “Còn chúng con, chúng con là ai?”

Chúng ta là Kitô Hữu, là người thuộc về Chúa Kitô, là môn đệ của Chúa, là con Thiên Chúa. Chúng ta tuyên xưng Chúa là Đức Kitô. Vậy chúng ta đã thực trở nên chứng nhân của Chúa bằng cuộc sống cho niềm tin đó, xứng với danh nghĩa diễm phúc chúng ta là Môn Đệ, là con Thiên Chúa chưa?

Để trở nên môn đệ đích thực của Chúa, nên con Thiên Chúa, Chúa đòi chúng ta phải nên giống Chúa: “Các con hãy học cùng Cha, vì Cha nhân từ và khiêm nhu”. Điều kiện để nên môn đệ của Chúa: “Ai muốn theo Cha, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Cha”. Và: “Ai không từ bỏ chính mình, không vác thập giá mình, không thể làm môn đệ Cha được”

Kết Luận

Với lòng tôn kính và sùng mộ, chúng ta tuyên xưng Chúa là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống, là Thiên Chúa thật, chúng ta hết lòng tôn thờ, phụng sự và yêu mến Ngài. Nhưng để chứng minh lòng tôn thờ, phụng sự và yêu mến Chúa xứng đáng, Chúa đòi chúng ta hãy sống xứng đáng với danh nghĩa diễm phúc là môn đệ, là con Thiên Chúa, bằng cách cố gắng mô phỏng đời sống thánh thiện của Chúa Kitô ngay trên trần gian này.

Lm. Minh Vận, CMC

Chi Dòng Ðồng Công Hoa Kỳ

Chia sẻ Bài này:

Related posts