Thiên Chúa là ưu tiên trong các lựa chọn

Thưa qúi vị,

Tin mùng hôm nay cho chúng ta ấn tượng: sống trên thế gian hoặc trong một đất  nước, chúng ta phải ứng xử cho hợp thời cơ, hợp phong thổ. Gió chiều nào che  chiều ấy: “Hãy trả cho Caesar những gì thuộc Caesar và Thiên Chúa những gì  thuộc về Thiên Chúa”. Thoạt nghe, câu nói có thể gây hiểu lầm. Thế giới chia  làm hai lãnh vực rõ rệt. Một thuộc trần tục, lãnh vực khác thuộc Thiên Chúa.  Sinh hoạt hàng ngày cũng chia làm hai khoản hay hai chiếc hộp. Hộp thuộc Thiên  Chúa chứa đựng “tài sản” của Ngài và hộp thuộc “Caesar” chứa đựng của cải thuộc  ông ta. Trong hộp Caesar chúng ta bỏ vào những quan tâm trần tục : Những sinh  hoạt thực tế như lao động, giáo dục, vui chơi, giải trí, nhất là trách nhiệm  công dân như thuế má, nghĩa vụ, bổn phận, lao động công ích, luật lệ quốc gia,  địa phương, chính trị, xã hội, quân sự, ngoại giao.v.v. Hộp này xem ra to lớn  hơn hộp của tôn giáo rất nhiều, bởi nó chiếm hầu hết khả năng của chúng ta. Nó  cũng ảnh hưởng phần lớn các quyết định của nhân loại: Thí dụ chọn nghề nghiệp,  chọn trường học cho con cái, đầu tư tiền bạc, quyết định nơi ăn chốn ở, thuế má  phải trả.v.v.
Cao hơn nữa, là các lãnh vực chính trị, văn hoá, khoa học, một số người phải suy  xét nên chăng cộng tác với chính quyền địa phương, quốc gia, quốc tế. Những lúc  ấy, điều quan trọng trước nhất là lương bổng, an sinh xã hội, tiền hưu, bảo hiểm  sức khoẻ, các phúc lợi gia đình, nếu chúng ta dấn thân nhận công việc, để được  bảo đảm và tiến thân. Nhưng nếu chính sách công cộng thay đổi và nhiều luật lệ  chúng ta không đồng ý như phá thai, trợ tử, tế bào gốc, thụ thai nhân tạo, đồng  tình luyến ái, mang bầu thuê… Chúng ta sẽ chịu áp lực nặng nề : thi hành không  không thi hành? Tất cả đều thuộc chiếc hộp của Caesar! Rồi còn trường hợp phải  trả thuế để nâng đỡ các chương trình như vậy! Chỉ còn biết nhún vai bỏ mặc vấn  đề luân lý vào tay Thiên Chúa.

Tuy nhiên làm như vậy đã ổn đâu! Đàng sau công việc thuộc lãnh vực xã hội hay  chiếc hộp Caesar, là các nguyên tắc hướng dẫn lương tâm con người sống ngay  chính. Chúng cũng ảnh hưởng đến các lựa chọn của chúng ta. Niềm tin tôn giáo  khiến chúng ta sống lương thiện với các giá trị thiêng liêng. Nhưng trừ phi thật  rõ ràng là sai trái, còn thì thường thường chúng ta tiếp tục sống như nếp sống  xưa nay, và hành động không mấy quan tâm đến chiếc hộp của Thiên Chúa. Chúng ta  bơi lội trong biển đời trần thế với chiếc hộp của Caesar một cách thoải mái. Nếu  không thì cũng bắt các nguyên tắc Phúc Âm bớt gay gắt cho hợp với thời đại. Dầu  thế nào đi nữa, thì chúng ta “phải” sống với thế gian, làm việc như những công  dân, công nhân, để kiếm lương thực, thực phẩm cho bản thân và gia đình. Chúng ta  phải vật lộn với những khó khăn hàng ngày để có được cuộc đời tốt đẹp. Các người  Do Thái thời Chúa Giêsu cũng phải vất vả luồn lách giữa hai thế giới : tôn giáo  và trần tục. Họ là những công dân của một đất nước bị đế quốc Roma thống trị, và  yếu tố nhắc nhớ về sự hiện diện và quyền bính của Rôma là đóng thuế. Có hai loại  thuế : cho đế quốc và cho đền thờ, tức dân sự và tôn giáo. Một đất nước với hơn  90% là nghèo đói thì áp lực thuế khoá thật nặng nề, hết mọi người dân đều cảm  thấy như luôn bị chúng đè bẹp. Họ chẳng có lựa chọn nào khác ngoài nổi loạn,  dùng bạo lực để thoát khỏi sự kìm kẹp. Nhưng thường xuyên là thất bại. Vì vậy  người ta lập ra đảng phái thân Roma gọi là đảng Herôđê. Đảng này giúp mẫu quốc  thu thuế nghiệt ngã hơn. Tuy nhiên dân cư vẫn âm ỉ chống đối, mặc dầu phải đóng  góp tiền bạc nuôi quân đội ngoại bang. Nổi loạn đẫm máu không phải là hiếm và  quân Roma giết chóc không gớm tay. Chúng ta hiểu được câu hỏi người Biệt Phái  đặt ra cho Chúa Giêsu quỉ quyệt biết bao. Nó có thể giết chết Chúa trong giây  lát, hoặc do dân chúng hoặc do quân đội Roma, tuỳ vào câu trả lời của Chúa.  Thánh Mattheo ghi lại : “Bấy giờ những người Phariseo đi bàn bạc với nhau,  tìm cách nào làm cho Đức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy. Họ sai các môn đệ của họ  cùng đi với những người thuộc phe Hêrôđê, đến nói với Chúa Giêsu rằng : “Thưa  Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật… vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có  được phép nộp thuế cho Caesar hay không?” Câu hỏi không thuộc lãnh vực thần  học cần bàn cãi, mà là bổn phận trả thuế hằng ngày. Những người Do Thái đạo đức,  tin thật vào Thiên Chúa của tổ tiên, không khi nào muốn liên minh với ngoại  bang, thờ ngẫu tượng, kìm kẹp đồng bào mình một cách tàn bạo. Như chúng ta vừa  thấy câu hỏi của Phariseo và phe Herôđê chỉ là một cái bẫy. Chúa Giêsu đã nhanh  chóng khám phá ra cái bẫy đó và ý định độc ác của thế lực tôn giáo. Ngài yêu cầu  cho xem một đồng bạc nộp thuế. Đó là đồng “Denarius” in hình và huy hiệu của  thượng vị Roma Tiberius. Đối với phần đông người Do Thái đạo đức, mang hình và  chữ viết của vua Roma ngoại đạo là một tội phạm thượng, họ không tôn thờ ai khác  ngoài Thiên Chúa. Mang tiền đó vào khuôn viên đền thờ chẳng khác nào tuyên bố  mình bỏ đạo cha ông, về phe với quỉ thần ngoại quốc; không những phạm thượng  nặng nề mà còn phản bội dân tộc. Án phạt là tử hình ném đá.

Họ không ngờ thượng trí của Thiên Chúa, Ngài bẻ quặt câu hỏi của họ, làm cho vấn  đề trở thành viên đá đè nặng trên vai đối thủ. Ngài yêu cầu cho xem đồng tiền  trả thuế. Dĩ nhiên ai đó trong nhóm họ có mang tiền Denarius trong túi áo. Như  vậy là họ đã có ý trả thuế. Câu hỏi không còn là có hay không nữa mà chỉ là bắt  tội Chúa Giêsu mà thôi. Câu trả lời dứt khoát của Chúa : “Trả cho Caesar  những gì của ông ta và trả về Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài” làm cho mọi  người phải suy nghĩ, đắn đo. Ngài nói thẳng đến nhiệm vụ của chúng ta đối với chiếc hộp của Thiên Chúa. Chiếc hộp đó phải chứa đựng tất cả, gồm luôn vũ trụ  càn khôn và Caesar với triều đình lộng lẫy của ông ta. Nói cách khác :  “Những gì thuộc về Thiên Chúa” không có nội dung hạn định bao gồm hết mọi lãnh  vực của cuộc sống nhân loại và vũ trụ bao la, không thể phân biệt được khi nào  chúng ta hành động cho Thiên Chúa, khi nào cho thế gian! Vậy thì quan niệm hai  chiếc hộp như trên là hoàn toàn không đúng. Quan niệm ấy sai một cách nguy hiểm,  có hại đến phần rỗi mỗi người. Chúng ta phải tôn trọng quyền lợi của Thiên Chúa  trước tiên, các quyền lợi khác là phụ thuộc. Xét về kẻ ra luật lệ cũng vậy, phải  tuân theo sự thật và lẽ phải, ngoài ra là sai trái, không thể bắt thiên hạ tuân  phục. Tuân phục lúc ấy biến thành vâng lời ma quỉ hay vâng lời kiểu trâu ngựa.  Cho nên chúng ta phải suy xét kỹ lưỡng các luật lệ quốc gia, dân sự. Chúa  Giêsu không chỉ ủng hộ việc tuân thủ vương quyền của Caesar, Ngài còn nhắc nhớ  đến quyền lợi của Thiên Chúa nữa, quyền lợi của Thiên Chúa là tối cao. Chúng  ta chỉ có thể phục tùng quyền dân sự khi nó am hợp với luật lệ Thiên Chúa.  Như vậy sự tuân phục quyền bính dân sự có tính tương đối. Trả về cho Caesar  những gì thuộc ông ta cũng phải tuỳ theo hoàn cảnh. Những bạo chúa bóc lột, dĩ  nhiên, không thể đòi hỏi các quyền lợi ấy. Ngược lại cũng không vì tôn giáo mà  khước từ thuế má và nghĩa vụ chính đáng cho nhà nước. Thánh Phaolô viết : “Anh  em nợ ai cái gì, thì hãy tra cho người ta cái đó : nộp sưu cho người đòi sưu,  trả thuế cho người đòi thuế.” (Rm 13,7). Tuy nhiên khi vâng lời quyền bính  dân sự và các ảnh hưởng thế gian, chúng ta luôn phải lưu tâm đến quyền lợi của  Thiên Chúa. Trả cho Thiên Chúa những chi thuộc quyền Ngài.

Xét cho cùng, mọi việc Chúa Giêsu làm, mọi hành động Ngài thực hiện, đều chỉ ra  rằng thánh hiến cho Thiên Chúa và tuân phục ý muốn của Ngài là con đường cao cả  nhất chúng ta phải lựa chọn. Chúa nhật tuần sau các đối thủ của Chúa Giêsu sẽ  đưa ra một câu hỏi khác : Giới răn nào quan trọng nhất trong toàn thể bộ luật  Mosê. Xin nhớ luật Do Thái có tới 613 khoảng và rất phức tạp, khó trả lời. Nhưng  Chúa nói : “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết  linh hồn và hết trí khôn ngươi… Lệnh truyền thứ hai cũng giống như vậy : Ngươi  phải yêu mến người thân cận như chính mình.” Thiên Chúa là ưu tiên số một trong  các lựa chọn của chúng ta, của Hội Thánh và của nhân loại. Không có lựa chọn nào  đi trước Ngài. Vậy mà hàng ngày chúng ta lựa chọn sung sướng xác thịt hơn Thiên  Chúa. Và tội lỗi từ đấy mà sinh ra! Cứ như lý luận trên, mỗi khi có sự xung khắc  giữa bổn phận đối với Thiên Chúa và nghiã vụ dân sự thì chúng ta phải lựa chọn  Thiên Chúa trước. Cho nên không có bán thời gian dành cho Ngài và thời gian khác  lo việc trần tục. Mọi sự đều thuộc về Vương quốc trên trời. Chúng ta thi hành  bổn phận trần thế là bước đầu của cuộc sống Thiên Cung. Chỉ có một cuộc sống cho  hai thế giới hữu hình và vô hình.
Cho nên học thuyết xã hội của Hội Thánh đã rõ ràng. Chỉ những người áp dụng học  thuyết ấy là còn lẫn lộn và có khi sai lầm. Người tín hữu được kêu gọi dấn thân  vào thế giới và mang Phúc Âm xây dựng hạnh phúc cho loài người. Thâm nhập vào  mọi chiều kích con người để thánh hoá họ, nâng họ lên với nhân phẩm đích thật mà  Chúa Giêsu đã mạc khải. Công đồng Vatican II nhắc nhớ mọi tín hữu đem chân lý  Phúc Âm đến tận học đường, phố chợ, xưởng làm, nơi giải trí để soi sáng sinh  hoạt của mọi người. Chúng ta thường lãng quên bổn phận này. Chỉ đua nhau kiếm  nhiều lợi lộc tiền tài để xây dựng những cơ sở vật chất vô hồn. Chúng ta nên đọc  lại các tông thư, tông huấn của các Đức Giáo Hoàng, thơ luân lưu của Hội đồng  Giám mục đề cập đến các vấn đề thiết yếu của cuộc sống con người như nghèo khó  thế giới, địa phương, toàn cầu hoá kinh tế, chiến tranh, phá thai, bất công xã  hội, trợ tử, hình phạt tử hình, sức khỏe, môi trường. Chúng ta sẽ nhận rõ tính  hời hợt của các sinh hoạt thường nhật. Chúng xem ra thuộc lãnh vực Caesar. Nhưng  kỳ thực nó thuộc bổn phận của các môn đệ Chúa Kitô. Nó không tồn tại ngoài thế  giới mà chúng ta có bổn phận biến đổi. Mẫu mực chúng ta nhắm tới là nước trời.  Nước đã được Đức Giêsu thiết lập và truyền cho các Tông đồ rao giảng. Mỗi tín  hữu được kêu gọi góp phần thực hiện, làm thế nào mỗi ngày nước đó hiện hình rõ  nét hơn trên hành tinh nhỏ bé này mà Chúa đã cứu chuộc. Viễn tượng của Chúa cho  nhân loại không vượt quá sức lực loài người. Điều không làm được là chúng ta  chẳng cố gắng đủ, hoặc hiểu sai ý nghĩa nước trời, cho nó chỉ là mục tiêu cá  nhân, đạt được nhờ thu vén những tiện nghi, khoái lạc trần thế, chứ không phải  bằng hy sinh, khổ chế. Nếp sống vật chất mỗi người tố cáo tư duy thực của họ.  Lời nói có thể là lừa dối hoặc sáo ngữ có sẵn, không phát xuất từ tâm can và  cuộc sống. Người theo Chúa Giêsu thực sự phải cố gắng biến đổi thế giới nên chỗ  ở hạnh phúc cho mọi người, tôn trọng công lý và hòa bình, an vui và bác ái. Họ  có thể làm việc dưới nhiều chế độ chính trị khác nhau, nhiều hình thức xã hội  dân sự. Nhưng không thể đương nhiên ủng hộ các chế độ ấy, hình thức ấy nếu luật  pháp của nó không am hợp với những điều răn dạy của Chúa Giêsu. Thánh ý Chúa là  mọi người phải được đối xử công bằng và bác ái, không phân biệt màu da, ngôn  ngữ, tôn giáo, cấp bậc xã hội. Đặc biệt những kẻ yếu kém phải được săn sóc,  nghèo hèn phải được kính trọng và giúp đỡ, tất cả đều được phẩm giá là con cái  Thiên Chúa. Thư Thánh Phaolô trong bài đọc 2 hôm nay nói đến phẩm giá này: “Thưa  anh em là những người được Thiên Chúa thương mến, chúng tôi biết rằng Thiên Chúa  đã chọn anh em. Vì như chúng tôi loan báo Tin Mừng cho anh em, thì không phải  chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần và một niềm xác  tín sâu xa”. Cho nên bất cứ hành động nào, đối xử nào ngược với đức tin căn bản  của người tin Chúa, chúng ta phải tránh xa. Nếu không tỏ thái độ thì chúng ta đã  chọn lựa chiếc hộp của Caesar và đánh mất căn cước Công Giáo của mình. Nếu Chúa  cứu thế thuận theo quan điểm hẹp hòi của Pharisiêu và phái Hêrôđê về những chi  thuộc quyền lợi Thiên Chúa, thì Ngài đã không làm cho họ giận sôi tiết và người  Rôma đã không đóng đinh Ngài.

Tóm lại Thiên Chúa muốn chúng ta hành động thăng tiến xã hội trần gian, biến đổi  nó thành Nước Trời. Chúng ta được kêu gọi để đưa nội dung Chúa dạy về những chi  thuộc Thiên Chúa vào thế giới của Caesar. Chúng ta cần xác định dứt khoát, cuối  cùng lòng trung tín của mình nắm ở đâu? Nếu thực sự thuộc Thiên Chúa thì ngay cả  quyền bính Caesar cũng không khuất phục được mình, làm mình rút lui khỏi lòng  trung tín đó. Chúng ta không phải là hạng người chia cuộc đời làm hai mảng, mỗi  mảng bỏ vào một chiếc hộp. Nhưng chúng ta phải hòa hợp cả hai nội dung và ý thức  rằng nội dungThiên Chúa sẽ tác động cho toàn thể hỗn hợp được lên màu thánh  thiện. Amen.

Lm. Jude Siciliano, OP

VietCatholic Network

Chia sẻ Bài này:

Related posts