Nước Hằng Sống

Nước là nguồn sống. Mọi loài thụ tạo đều cần có nước để bào tồn sự sống. Thiên Chúa ban dư tràn các nguồn nước từ trên cao mây trời, từ sông suối biển hồ và từ các nguồn mạch dưới đất. Nơi nào có nước, nơi đó có hiện hữu của sự sống và sự phú túc. Câu truyện dân Dothái lữ hành trong sa mạc bị đói khát là lẽ thường vì sa mạc khô cằn và nắng cháy. Dân chúng kêu trách Môisen vì sự khổ sở thiếu thốn đủ thứ trên đường đi về miền Đất Hứa: “Trong những ngày ấy, dân chúng khát nước, nên phàn nàn với ông Môsê rằng: ‘Tại sao ông dẫn dắt chúng tôi ra khỏi Aicập, để cho chúng tôi cùng con cái và đoàn súc vật chúng tôi phải chết khát như vầy?'” (Xh 17,3). Trong cuộc lữ hành, dân chúng hoàn toàn tuỳ thuộc vào nguồn nước tự nhiên của mưa sương và sông suối. Họ đã trải nghiệm sự đói, sự khát và sự thèm thuồng của ăn của uống. Cho nên họ đã phàn nàn kêu trách.

Chúa Giêsu đã cho quyền ông Môsê thực hiện một sự lạ lùng là dùng gậy đập vào tảng đá và nguồn nước sẽ vọt chảy cho dân uống. Sách Xuất Hành diễn tả biến cố có một không hai này: “Này đây, Ta sẽ đứng trước mặt ngươi, trên tảng đá Horeb, ngươi sẽ đánh lên tảng đá, từ tảng đá nước sẽ chảy ra cho dân uống.” (Xh 17,6). Môsê làm các điều nói trên trước mặt các bậc kỳ lão Israel. Môsê đã dùng cây gậy để thực hiện nhiều phép lạ trên hành trình đi về Đất Hứa. Hôm nay, trước mặt các bậc kỳ lão và dân chúng, ông Môsê đã lo sợ và niềm tin bị chao đảo. Ông đã dùng gậy và đập vào tảng đá hai lần. Nước từ tảng đá đã chảy tràn lan lai láng. Nhưng Thiên Chúa thấu rõ sự kém lòng tin của ông, nên ông chỉ được phép lữ hành tới biên giới ngắm nhìn miền Đất Hứa mà không được vào. Ông đã chết trước khi đoàn dân tiến chiếm miền Đất Hứa.

Tôi có dịp hành hương Đất Thánh và đi thăm viếng một số nơi mà Chúa Giêsu đã có dấu chân của 2.000 năm trước đây. Phúc Âm kể rằng vào một buổi trưa hè nóng bức, Chúa Giêsu đã ngồi nghỉ bên bờ giếng Giacob. Ngày xưa, các tổ phụ đã biết đào giếng để kiếm tìm nguồn nước dưới sâu trong lòng đất. Giếng nước nay thuộc quyền sở hữu của Giáo hội Chính thống giáo. Hiện nay, giếng nằm trong khu vực (West Bank) thuộc Samaria của người Palestine. Theo truyền thuyết từ lâu đời, giếng vẫn còn cung cấp nước sạch và chúng ta có thể uống thử nước từ nguồn. Chính nơi đây, Chúa Giêsu đã gặp gỡ và đối thoại với người phụ nữ Samaria. Chúa đã nhìn thấu rõ tâm hồn người đàn bà lầm lạc và đã mở lối giải thoát bà khỏi ràng buộc của tội lỗi. Chúa Giêsu đã giúp bà tìm đến ý nghĩa sự thật của cuộc đời. Bà đã đem chia sẻ kinh nghiệm đổi đời này với dân chúng trong thành. Giếng Giacob trở thành Giếng của Sự Thật (Well of Truth).

Trong cuộc đàm thoại với người phụ nữ, Chúa Giêsu đã mạc khải cho bà về nguồn ân sủng, đó là nguồn nước trường sinh sẽ không bao giờ cạn: Chúa Giêsu trả lời: “Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời.” (Ga 4,13). Từ câu chuyện đời thường, Chúa Giêsu đã khéo dẫn bà đi vào đời sống nội tâm và nhìn biết được chính mình. Biết phận mình, bà ra giếng giữa lúc trưa nắng để tránh gặp những người hàng xóm quen thuộc. Bà đã gặp được Chúa Giêsu đang ngồi nghỉ cạnh giếng. Chúa Giêsu không ngần ngại khởi đầu câu chuyện xin người đàn bà cho nước uống. Thời đó, chúng ta biết giữa người Dothái và người Samaria phân biệt không liên đới và không dùng chung các dụng cụ tại giếng. Ngay cả các tông đồ cũng ngạc nhiên về cuộc đàm thoại giữa Chúa Giêsu và người đàn bà tội lỗi nơi công cộng. Nhờ cơ hội này, Chúa đã đi vào sâu thẳm trong tâm hồn khao khát sự thật của bà. Chúa đã giải thoát cho bà.

Người đàn bà đã thắc mắc với Chúa về sự thờ phượng nơi đâu cho đúng. Câu trả lời của Chúa Giêsu đã đánh tan mọi giới hạn ngăn cản. Chúa Giêsu không đứng về phe phái nào cả và sự thờ phượng Thiên Chúa không tùy thuộc vào nơi này hay nơi kia, không phải trên núi này hay ở Giêrusalem. Đây là một câu trả lời cách mạng của sự thật: Chúa Giêsu đáp: “Hỡi bà, hãy tin Ta, vì đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải ở trên núi này hay ở Giêrusalem.” (Ga 4,21). Con người chúng ta thường câu nệ vào những hình thức bên ngoài và xây lên những bức tường chia rẽ để ngăn cách nhau trong cuộc sống. Chúa Giêsu đã phá đổ những khuôn mẫu mà con người vì ghen tương đã dựng xây. Chúa dẫn con người đi vào tận thâm tâm sâu thẳm của trái tim chân thật.

Đến thăm viếng thành thánh Giêrusalem hiện nay, chúng ta thấy các tường thành được xây dựng khắp nơi. Các khu vực tôn thờ bị chia cắt và tranh dành quyền sở hữu. Địa sở thành Giêrusalem trở nên nơi tranh chấp và bị chiếm hữu thế tục. Nơi đây là tấc đất tấc vàng. Mỗi nhóm tôn giáo cố gắng sở hữu một khu vực để gọi là thờ phượng và lưu giữ truyền thống. Vùng đất Chúa Giêsu đã đi qua, nhưng Ngài đã không để lại một dấu vết cụ thể nào. Vì Chúa muốn xây dựng đền thờ trong tâm hồn con người. Chúa phán: “Nhưng đã đến giờ, và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn.” (Ga 4,23). Chúa Giêsu muốn chúng ta tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý, chứ không hệ ở đền thờ vật chất hoành tráng hay bằng môi miệng trống rỗng hoặc những hình thức hiến dâng lễ tế chiên bò. Chúa Giêsu đã nhiều lần nhắc nhở rằng Chúa muốn tình yêu, chứ không muốn hy lễ.

Chúa Giêsu đã mở lòng người phụ nữ Samaria. Bà đã đón nhận nguồn nước sự sống trường sinh. Bà đã tìm ra sự thật của việc tôn thờ Thiên Chúa trong thần trí. Bà đã thấy và đã tin vào Chúa Giêsu. Bà trở thành nhân chứng của nước trời mang tin vui cho những người chung quanh. Dù bị xem là người dân ngoại, bà đã có lòng tin trở lại. Thánh Phaolô trong thư gửi cho dân thành Rôma đã công bố: “Đấng cho chúng ta nhờ đức tin mà tiến đến ân sủng, đứng vững ở đó và được hiển vinh trong niềm hy vọng vinh quang của con cái Chúa.” (Rm 5,2). Đức tin dẫn đến ân sủng. Tin vào Chúa Giêsu là cửa ngõ dẫn chúng ta đến ơn cứu độ. Niềm tin là sự phó thác hoàn toàn vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta rằng tiên vàn hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người và mọi sự sẽ được ban cho.

Cậy trông vào Chúa là chìa khoá mở cửa dẫn chúng ta vào quê thật. Chúa Giêsu mở lòng người đàn bà đến với sự thật tinh tuyền. Sự thật được gột rửa bởi sự đơn sơ thanh sạch trước nhan Chúa. Sự thật được phơi bày xoá nhoà mảnh hồn tội lỗi chất chồng của người đàn bà Samaria. Chúa Giêsu đã tưới gội tâm hồn của bà bằng dòng nước trường sinh. Nguồn ân sủng của Chúa Thánh Thần như nguồn nước thấm nhập vào đời sống đức tin, đức cậy và đức mến. Các nhân đức hòa trộn dẫn dắt chúng ta đến Chúa Giêsu là nguồn ơn cứu độ. Thánh Phaolô dạy: “Nhưng cậy trông không làm hổ thẹn, vì lòng mến Chúa đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần là Đấng đã được ban cho chúng ta.” (Rm 5,5). Chúa Thánh Thần sẽ tác động làm đổi mới tâm can và canh tân mọi sự.

Lạy Chúa, xin cho nguồn nước hằng sống tuôn đổ vào tâm hồn, để chúng con được hưởng nếm tình yêu dịu ngọt của Chúa. Xin Chúa thanh tẩy tâm hồn chúng con khỏi vết nhơ tội lỗi và ban cho chúng con một trái tim biết yêu thương chân thành.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Chia sẻ Bài này:

Related posts