Đấng cứu độ đã gần đến

“Thầy có đúng là Đấng phải đến không ?” (Mt 11,3)

Sợi chỉ đỏ :

– Ngôn sứ Isaia loan báo Đấng Cứu độ sẽ đến (Bài đọc I)

– Tv 145 cầu xin Chúa đến (Đáp ca)

– Gioan Tẩy giả sai môn đệ đến hỏi Đức Giêsu xem Ngài có phải là Đấng cứu độ không (Tin Mừng)

– Thánh Phaolô khuyên tín hữu bền chí chờ đợi Chúa lại đến lần thứ hai (Bài đọc II)

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Trong Mùa Vọng, lễ phục của chủ tế màu tím. Nhưng hôm nay chủ tế mặc lễ phục màu hồng, màu vui mừng ! Bởi vì hôm nay Lời Chúa loan báo cho chúng ta một tin hết sức vui mừng : Chúa sắp đến viếng thăm chúng ta !

Nhưng không phải là Chúa đã đến ở Bêlem cách nay khoảng 2000 năm hay sao ? Tại sao lại nói là Chúa sắp đến ? Thưa quả thực ở Bêlem Chúa đã đến với trần gian, nhưng chưa đến với tâm hồn mọi người. Mà điều Chúa thiết tha mong muốn không phải là đến một nơi nhưng là đến với con người.

Chỉ còn hơn một tuần lễ nữa thôi là chúng ta lại mừng lễ Giáng sinh, kỷ niệm lần đầu tiên Ngôi Hai Thiên Chúa đến trần gian. Nhưng phải chăng một lần nữa Chúa chỉ đến trong hang đá lạnh lẽo, mà không đến được với tâm hồn mỗi người chúng ta ?

Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa dạy chúng ta phải làm gì để Chúa có thể đến tận tâm hồn chúng ta.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

– Đã bao nhiêu lần Chúa muốn đến thăm viếng tâm hồn chúng ta, nhưng bấy nhiêu lần Ngài đều không đến được vì cánh cửa tâm hồn chúng ta đã khóa chặt.

– Chúng ta mong chờ biết bao người đến thăm chúng ta, như những người thân, những người mang lại lợi lộc vật chất. Nhưng rất ít khi chúng ta mong chờ Chúa đến.

– Thậm chí nhiều lần chúng ta còn xua đuổi Chúa.

III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc I (Is 35,1-6a) :

Nhìn chung quanh mình, ngôn sứ Isaia thấy những cảnh bất hạnh : nhiều người mệt mỏi chán chường với “những bàn tay rời rã, những đầu gối mỏi mòn” ; nhiều người khác bi quan sợ hãi trước những áp bức, bất công ; nhiều người khác nữa đau buồn rên siết trong biển khổ cuộc đời…

Ngôn sứ Isaia an ủi và khích lệ họ : mọi bất hạnh sẽ biến mất khi Thiên Chúa đến : “Chính Thiên Chúa sẽ đến và cứu độ các ngươi”

2. Đáp ca (Tv 145) :

Lời cầu nguyện của Tv 145 này biểu lộ niềm tin tưởng vào lời Chúa phán qua miệng ngôn sứ Isaia. Tác giả tin rằng khi Thiên Chúa đến, Ngài sẽ minh oan cho người bị áp bức, nâng đỡ những người yếu đuối, chở che những người cô thế cô thân… Bởi thế, tác giả cất tiếng nài van “Lạy Chúa, xin đến cứu thoát chúng tôi”.

3. Tin Mừng (Mt 11,2-11) :

Cũng như mọi người khác đương thời, Gioan Tẩy Giả nôn nóng chờ Đấng Messia của Thiên Chúa đến. Gioan cũng đoán rằng Đức Giêsu chính là Đấng Messia ấy. Chỉ có điều Gioan lại quan niệm rằng Đấng Messia là một vị Thẩm phán nghiêm minh. Ngài đến để trừng trị những người gian ác. Vì thế khi thấy Đức Giêsu chưa làm gì để trừng trị kẻ ác, thậm chí bản thân Gioan đang bị kẻ ác giam giữ trong ngục mà Ngài cũng chưa ra tay. Gioan đâm ra hoang mang, ông sai môn đệ đến thưa Người rằng : “Thầy có phải là Đấng phải đến chăng ?”

Đức Giêsu không trả lời trực tiếp. Ngài bảo các môn đệ của Gioan về thuật lại cho thầy họ tất cả những điều họ thấy Ngài làm : những kẻ bệnh hoạn tật nguyền được cứu chữa và Tin Mừng được loan báo cho người nghèo. Đó là những chi tiết mà ngôn sứ Isaia dùng để mô tả Đấng Messia, nhưng không phải là một Đấng Messia thẩm phán, mà là một Đấng Messia Tôi Tớ.

Như thế, một cách gián tiếp, Đức Giêsu đã trả lời cho Gioan biết rằng Ngài chính là Đấng Messia ; đồng thời Ngài cũng điều chỉnh lại quan niệm Messia của Gioan : Đấng Messia đến không phải để trừng trị mà để cứu vớt.

Quan niệm này quả là quá xa lạ với suy nghĩ của Gioan. Vì thế, Đức Giêsu nhắn với ông “Phúc cho ai không vấp ngã vì Ta”.

4. Bài đọc II (Gcb 5,7-10) :

Thời Giáo Hội sơ khai, các tín hữu mong chờ Chúa lại đến lần thứ hai. Càng khổ sở vì cuộc sống vất vả, càng cảm thấy yếu thế trước những áp bức bất công, họ càng mong Chúa mau đến. Thế nhưng mong chờ đã lâu mà sao vẫn chưa thấy Chúa đến ? Họ bắt đầu nản lòng.

Thánh Giacôbê khuyến khích họ hãy làm như bác nông phu : đã gieo giống rồi thì thế nào cũng tới mùa gặt hái, chỉ cần kiên nhẫn chờ đợi thôi : “Anh em hãy bền chí và vững tâm, vì Chúa đã gần đến”.

IV. GỢI Ý GIẢNG

1. Người ta đang cần Chúa

Nhìn bề ngoài thì xem ra con người thời nay rất đầy đủ. Nhưng nếu đi sâu đến tận đáy lòng, ta mới thấy nhiều khoảng trống mênh mông rất cần được lấp đầy :

– Khoảng trống “siêu vật chất” : Mặc dù tiền bạc, của cải, tiện nghi… – nói chung là vật chất – có rất nhiều, nhưng lòng người vẫn luôn thấy thiếu. Chỗ thiếu vắng này không thế lấy tiền mà mua được, không thể lấy vật chất mà lấp đầy được.

– Khoảng trống “tình yêu” : người ta sống với nhau vì quyền lợi. Ai có lợi cho tôi thì tôi đến ; ai không có lợi thì tôi thờ ơ, ai không còn có lợi thì tôi bỏ, ai có hại thì tôi tìm cách diệt trừ… Hình như tình yêu không có chỗ trong lòng người.

– Khoảng trống “vĩnh hằng” : mọi thứ mà người thời nay có đều chỉ là tạm bợ, kéo dài lắm cũng chỉ là “trăm năm trong cõi người ta”. Con người cần cái gì đó dài hơn, lâu hơn, mãi mãi…

Những khoảng trống ấy thật là mênh mông, và không ai ngoài Chúa có thể lấp đầy. Con người thời nay đang rất cần Chúa.

2. Đừng nóng vội

Trước một vấn đề quan trọng cần giải quyết, người ta chia thành hai hạng khác nhau :

– Những người nóng vội : muốn giải quyết ngay tức khắc, bằng cách nào cũng được, kết quả thế nào cũng được.

– Những người kiên nhẫn : tìm hiểu kỹ vấn đề, suy nghĩ cách giải quyết thỏa đáng nhất, chờ có đủ điều kiện thuận lợi nhất.

Phần Thiên Chúa, Ngài không nóng vội nhưng rất kiên nhẫn, bởi vì Ngài muốn cứu chữa tận căn, muốn cải tạo con người, muốn canh tân thế giới.

Phần mỗi người chúng ta, cũng chớ tìm những giải pháp nhanh chóng mà hời hợt, nhưng hãy kiên nhẫn : kiên nhẫn điều trị tận gốc căn bệnh của mình, kiên nhẫn cải tạo từng mặt cuộc sống của mình, và kiên nhẫn góp phần canh tân thế giới.

3. “Hay chúng tôi còn phải đợi một Đấng nào khác ?”

Tuy Gioan là một ngôn sứ và còn là vị Tiền hô, nhưng câu hỏi này của ông lại rất “phàm trần” : Ông nghĩ rằng Đức Giêsu là Đấng Messia Thẩm phán. Nhưng khi thấy Ngài chẳng xét xử và trừng trị ai thì ông nghĩ tới “một Đấng nào khác”.

Nhưng chúng ta còn “phàm trần” hơn Gioan nhiều : Dù đã biết Đức Giêsu chính là Đấng Messia, nhưng chúng ta không đủ tin nơi Ngài, chúng ta hướng về nhiều “đấng messia khác” : messia-tiền-bạc, messia-thế-lực, messia-lạc-thú…

Tuyên ngôn Dominus Jesus khẳng định rằng Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất, ngoài Ngài ra chẳng có đấng messia nào cả. Không hết lòng tin tưởng vào Đức Giêsu là “vấp ngã”, chạy theo những đấng messia khác cũng là “vấp ngã”. Vì thế Đức Giêsu đã khuyến cáo : “Phúc cho ai không vấp ngã vì Ta”.

4. Một cây sậy phất phơ trước gió

Gioan Tẩy giả không phải là một cây sậy phất phơ trước gió, vì Gioan không phải là người yếu đuối nhu nhược dễ uốn mình trước áp lực và dư luận.

Nhưng hình ảnh cậy sậy phất phơ trước gió có thể dạy ta nhiều điều :

– Nó vừa mềm vừa nhẹ nên gió thổi nó nghiêng về hướng nào cũng được.

– Nhưng nó lại rất mạnh : giông to gió lớn có thể xô ngã những cây cổ thụ to lớn, nhưng không thể bứng gốc cây sậy nhỏ bé này.

Lạy Chúa,

– xin dạy chúng con hiểu rằng sức mạnh ở trong sự yếu đuối và dịu dàng

– xin dạy chúng con khôn ngoan biết khi nào phải cong xuống và khi nào phải trụ vững vàng.

5. Chuyện minh họa

a/ Ông có phải là Chúa Giêsu không ?

Một nhóm thương gia dự một cuộc họp. Người nào cũng báo trước với vợ con là sẽ về nhà đúng giờ ăn bữa tối. Nhưng cuộc họp kéo dài hơn dự định. Tan buổi họp, ai nấy hối hả chạy ra xe buýt. Một người xô phải quầy bán táo của một cậu bé, táo rơi tứ tung. Nhưng không ai dừng lại để lượm giúp cậu. Rồi mọi người đều lên được xe buýt, thở phào nhẹ nhõm.

Nhưng ít giây sau, một người trong nhóm cảm thấy bứt rứt về chuyện cậu bé bán táo. Ông xuống xe trở lại chỗ cũ. Ông thấy cậu bé đang vất vả mò tìm từng trái táo để lượm lại. Thì ra cậu bị mù ! Tội nghiệp quá, ông giúp cậu lượm lại từng quả cho đến hết. Một số quả đã bị giập. Ông móc túi dúi vào tay cậu bé một món tiền, rồi ra đi. Cậu bé bán táo hỏi với theo “Ông có phải là Chúa Giêsu không ?”

Theo một nghĩa nào đó, ông ta là Chúa Giêsu. Thời nay đang cần có nhiều Chúa Giêsu như thế.

b/ Đối phó với Đấng Messia

Ngày kia đang lúc trời mưa như trút nước, một người chủ nông trại giàu có từ đồng trở về nhà và than phiền với giọng đầy lo lắng :

– Rebecca, nghe đâu trong thành người ta đang kể một câu chuyện kinh khủng lắm : Đấng Messia đã đến giữa chúng ta !

Người vợ hỏi :

– Có gì mà kinh khủng hả ? Tôi tưởng đó là chuyện tuyệt vời chứ. Sao mà ông hoảng hốt vậy ?

Người chồng lớn tiếng than :

– Tôi hoảng hốt ư ? Sao biết bao năm trời vất vả lao nhọc, chúng ta mới được giàu có với bầy súc vật hàng ngàn con, với những kho lẫm đầy ắp và cây cối nặng trĩu quả. Thế mà, bà biết không, chúng ta sắp phải bỏ hết để đi theo Ngài.

Bà vợ ôn tồn như muốn an ủi ông :

– Thôi, bình tĩnh đi ông. Chúa là Thiên Chúa nhân lành. Ngài biết rõ người do thái chúng ta đã luôn luôn phải chịu đau khổ, chúng ta phải đương đầu với Pharaon, Haman, Hitler… nghĩa là luôn luôn với một kẻ nào đó. Nhưng Thiên Chúa chúng ta đã có cách đối phó với họ mà, phải không ? Thế thì Ngài cũng có cách đối phó với Đấng Messia chứ ! (Anthony de Mello, Lời kinh của Con Ếch)

V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

CT : Anh chị em thân mến

Đức Giêsu Kitô, Ngôi hai Thiên Chúa, sắp ngự xuống trần gian. Người sẽ mang đến cho nhân loại đang đau khổ vì chiến tranh ơn hòa bình, đang oằn oại trong tội lỗi ơn giải thoát, đang sống trong bất hạnh được hạnh phúc tràn đầy. Chúng ta cùng chung lời cảm tạ Chúa và tha thiết khẩn cầu :

1- Sứ mạng cao cả của Hội Thánh / là rao giảng Tin Mừng cứu độ cho các dân tộc. / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho việc rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh / luôn đạt nhiều kết quả tốt đẹp.

2- Trên thế giới ngày nay / việc phân bố tài nguyên các quốc gia không đồng đều / vì có những nước quá giàu / trong khi đó có những nước quá nghèo. / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những nước giàu / biết quan tâm giúp đỡ một cách vô vị lợi / những nước chậm phát triển / cách riêng những nước mà một phần lớn dân chúng sống dưới mức tối thiểu.

3- Trong cuộc sống thường ngày / có một số người tôn thờ cá nhân chủ nghĩa / chỉ lo sống hưởng thụ ích kỷ. / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho người kitô hữu hiểu rằng / không ai sống cho mình / mà là sống cho Chúa và sống vì người khác / vì không ai là một hòn đảo trong đại dương bao la của cuộc đời này.

4- Ngày xưa / Đức Giêsu đã chinh phục người khác bằng tình thương hy sinh / bằng việc phục vụ hết lòng. / Ngày nay / Người đòi hỏi các kitô hữu cũng phải sống như Người. / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho mọi người trong giáo xứ chúng ta / biết yêu thương / tôn trọng / và giúp đỡ những người chung quanh mình / nhất là những ai đói nghèo / túng thiếu và đang gặp đau khổ.

CT : Lạy Chúa là Cha từ bi nhân hậu, xin cho chúng con biết kiên trì tỉnh thức mà chờ đợi Ngôi Hai Con Chúa giáng trần, và biết cầm đèn cháy sáng trong tay mà hăm hở đón Người đang ngự đến. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

VI. TRONG THÁNH LỄ

– Kinh Tiền Tụng : nên dùng Kinh Tiền Tụng Mùa Vọng II vì nó nhấn mạnh đến vai trò của Gioan Tẩy Giả và diễn tả niềm vui của tín hữu đang khi chờ đợi lễ Giáng sinh.

– Kinh Nguyện Thánh Thể : nên dùng KNTT 4, nhấn mạnh một số nơi :

. (Cuối đoạn 3) : “… Người đã loan Tin Mừng cứu độ cho người nghèo khó, công bố ơn giải thoát cho kẻ tù đày, đem lại niềm vui cho những ai sầu khổ.”

– Trước kinh Lạy Cha : Chúng ta hãy tha thiết dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha, xin cho Nước Ngài mau trị đến, để lấp đầy những khát vọng của những kẻ nghèo hèn là con cái đích thực của Ngài.

VII. GIẢI TÁN

Đức Giêsu đã nói với các môn đệ của Thánh Gioan Tẩy giả : “Hãy về thuật lại cho Gioan những gì các anh nghe và thấy”. Giờ đây, anh chị em sắp trở về với cuộc sống xã hội, Đức Giêsu cũng nói với anh chị em : Hãy đi thuật lại cho mọi người những gì mà trong Thánh lễ này Chúa đã cho anh chị em được nghe và được thấy.

Gp, Cần Thơ

Chia sẻ Bài này:

Related posts