Cuốn sách hai chữ

Chúa Giêsu khẳng định: “Đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hay lời các Ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn”.

Luật Môsê là Luật của Thiên Chúa ban. Môsê đã làm nhiệm vụ trung gian trao lại cho dân Do thái và giải thích Luật ấy. Người Do thái từ bao đời đã giữ Luật theo lời giải thích của Môsê. Lề Luật là khuôn vàng thước ngọc để đánh giá một con người. Lề Luật có tầm quan trọng số một đối với người Do thái.

Không ai có quyền bãi bỏ luật lệ, trừ chính vị ra luật hay nhà lập luật. Trong Israel, chỉ mình Đức Chúa có quyền này, ngay cả Môsê cũng không, vì ông chỉ là trung gian truyền đạt.

Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Ngài không gạt bỏ Luật của Thiên Chúa được trao cho Môsê, nhưng Ngài giải thích lại Luật ấy cho đúng với ý Thiên Chúa, Ngài làm cho mọi luật được nên trọn hảo. Chúa Giêsu công bố lại ý hướng nguyên thuỷ của Thiên Chúa diễn tả qua Lề Luật, đó là Tình Yêu. Ngài muốn đặt tình yêu làm nền tảng cho mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau : “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương tha nhân như bản thân mình”.

Chúa Giêsu khẳng định: “Thầy đến để kiện toàn lề luật”. Lời tuyên bố quả quyết dứt khoát đến nỗi: trời đất qua đi thì lời Ngài nói vẫn tồn tại, và tất cả những ai tuân giữ lời Ngài cũng được tồn tại muôn đời trong Nước Trời. Lời tuyên bố như đinh đóng cột làm: “thiên hạ sửng sốt vì Ngài giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền” (Mt 7,28; Mc 1,22; Lc 4,31). Kiện toàn Luật Môsê và các Ngôn sứ là kiện toàn và thực hiện toàn bộ Kinh Thánh.

Chúa Giêsu kiện toàn nội dung của Luật gồm luật Sabát, luật thanh sạch, luật hôn nhân, luật báo oán…Đối với Chúa Giêsu, tất cả các khoản luật được lập ra là nhằm mục đích phục vụ con người, chứ không phải phục vụ cơ chế hay quyền lợi của một nhóm người nào. Luật phải vì con người chứ không phải con người vì luật.Luật quan trọng nhất được khắc khi trong tâm hồn mà mọi điều luật khác phải qui về, đó là luật bác ái yêu thương. Luật nào không còn phục vụ và làm thăng tiến con người trên phương diện tình yêu đều không còn lý do để tồn tại.

Chúa Giêsu kiện toàn tinh thần giữ luật. Giữ luật vì lòng yêu mến chứ không phải vì hình thức vụ luật. Óc nệ luật, vụ hình thức làm tê liệt sáng kiến và cầm chân con người trong thái độ tiêu cực, máy móc, cằn cỗi.

Như vậy, Chúa Giêsu kiện toàn lề luật bằng cách đặt cho nó một linh hồn là yêu thương. Tất cả lề luật trong đạo đều qui về một giới răn nền tảng và duy nhất, đó là yêu thương.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu làm hoàn hảo điều răn thứ 5, điều răn thứ 6 và thứ 9, điều răn thứ 2 và thứ 8.

Chúa Giêsu kiện toàn điều răn thứ 5

Điều răn thứ 5 dạy “chớ giết người”. Giết người là có tội. Luật của Chúa Giêsu thì chi tiết hơn: giận ghét, mắng chửi người khác đã là xúc phạm đến người khác, đã là lỗi luật rồi : “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt” (Mt 5, 22-23).

Chúa Giêsu dạy cho con người biết yêu thương và tôn trọng nhau. Yêu thương thì bao dung nhân hậu, thứ tha cảm thông, hòa nhã lịch sự. Yêu thương thì không giận không ghét, không mắng chửi. Ngài cụ thể về đức công chính là làm hòa với tha nhân trước đã, dâng lễ cho Thiên Chúa sau. Như thế, lễ dâng cho Thiên Chúa chỉ có giá trị khi lòng người ngập tràn niềm yêu mến và tôn trọng nhau. Không đợi đến mức giết người mới thành khung tội nặng, khung án nặng, mà theo Chúa Giêsu thì chỉ cần giận ghét chửi mắng anh em là đã liệt vào khung hình phạt cao nhất rồi.

Luật của Chúa Giêsu thật chí lý. Vì nếu, con người ta giữ được lòng yêu thương, tôn trọng, không giận ghét, không mắng chửi thì không có nguyên nhân dẫn đến việc giết người.

Chúa Giêsu kiện toàn điều răn thứ 6 và thứ 9

Điều răn thứ 6 dạy: “Chớ dâm dục”, và điều răn thứ 9 dạy: “chớ ngoại tình”. Chúa Giêsu dạy tích cực hơn: Giữ tâm hồn trong sạch, cả cho mình lẫn cho người.

Không đợi đến lúc vở lỡ, không đợi phải bắt quả tang những chuyện tình vụng trộm thì tội mới thành danh tội “dâm dục” hay “ngoại tình”, nhưng ngay khi nhìn người phụ nữ mà thèm muốn làm chuyện xác thịt thì đã thành tội rồi.Chúa Giêsu rất có lý, vì nếu không giữ cho tâm hồn trong sạch, không kềm chế những ước muốn thấp hèn, sớm muộn con người ta cũng không tránh khỏi cái vòng tục lụy kia nó cuốn vào chỗ phạm tội làm mất đi nhân phẩm cao quí là con cái của Thiên Chúa, là Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Mọi người sống trong sạch với cái nhìn đơn sơ như chim bồ câu, sống vui tươi với nhau thật hồn nhiên như trẻ thơ, làm cho cuộc đời hạnh phúc biết bao!

Chúa Giêsu kiện toàn điều răn thứ 2 và thứ 8

Chúa Giêsu còn dạy thêm về sự ngay chính thật thà: “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra” (Mt 5,37). Lòng ngay chính thật thà hỗ trợ tốt cho việc chu toàn luật yêu thương, tôn trọng tha nhân. Yêu thương chân thành là nền tảng vững chắc ngăn chận mọi âm mưu gian tà của lạc thú xác thịt, của chia rẻ hận thù báo oán.

Cuốn sách hai chữ : Yêu Thương.

Một câu chuyện kể rằng, có nhà vua kia lệnh cho các nhà thông thái trong đất nước của ông là hãy tóm gọn tất cả mọi chân lý vào trong một cuốn sách. Thời gian trôi qua hàng chục năm mà chưa ai thực hiện được. Vị quan được trao phó trách nhiệm công việc này đến thưa với vua, xin vua khất cho thời hạn. Một năm sau, vua hỏi, vị này vẫn chưa làm được điều gì. Vì kiến thức là một biển cả mênh mông, không thể tóm trong một cuốn sách, phương chi là một vài chục năm. Không may, nhà vua bị bệnh, mỗi ngày một suy yếu. Thời gian không còn tính theo năm nữa mà tính theo tháng. Rồi bệnh của vua càng ngày càng trầm trọng. Nhà vua hối thúc vị quan được trao phó trách nhiệm. Vị quan này gấp rút dồn lại trong một cuốn sách. Nhưng nhà vua nói: Bây giờ thì ta không thể đọc được nữa rồi, ngươi hãy thu ngắn lại nữa. Cuối cùng một cuốn sách chỉ còn lại một chương. Một chương, nhà vua cũng không còn sức để đọc được nữa. Bệnh đã nặng, hết hơi, sức đã tàn. Sau cùng, nhà vua nói với viên quan kia: ngươi hãy tóm lại trong một chữ thôi. Viên quan đã tận tâm và thưa : muôn tâu hoàng thượng, nếu tất cả chân lý chỉ tóm lại trong một chữ thì thần xin bệ hạ hai chữ là: Yêu Thương.

Thánh Phaolô biết rõ hơn ai hết sự cao đẹp của Luật Môsê, nhưng chính vì thế mà ngài càng xác tín hơn ai hết về giới hạn của nó so với Tin Mừng Chúa Giêsu (x. Gl 3,25-26). Đối với Phaolô: “Yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10). Sống yêu thương là dấu ấn Thiên Chúa đã ghi khắc trong tâm hồn con người. Mỗi người là tạo vật duy nhất được Thiên Chúa tạo dựng theo và giống hình ảnh Ngài. Thiên Chúa là Tình Yêu cho nên con người cũng chỉ có một ơn gọi duy nhất, đó là sống yêu thương. Tất cả lề luật Giáo Hội ban hành là chỉ nhằm giúp con người sống yêu thương nhau.

Chúa Giêsu tha thiết kêu mời: Hãy yêu nhau “Như Thầy đã yêu anh em” (Ga 15,12).Chúa đã yêu bằng hành động cụ thể là hy sinh cho người mình yêu. Khi yêu nhau, người ta có thể hy sinh cho nhau thời giờ, tiền bạc, sức khỏe, công việc…Hy sinh cao cả nhất là hy sinh mạng sống: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Chúa đã thực thi sự hy sinh cao độ ấy: “Đức Kitô đã chết vì chúng ta” (x. Rm 5,6; Ep 5,2; 1Ga 3,16), để chúng ta yêu thương: “Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế thì chúng ta phải thương yêu nhau” (1 Ga 4,19), nhờ đó mà “niềm vui được nên trọn vẹn” (Ga 15,9). Đối với Chúa Giêsu, tình yêu là giới răn đứng hàng đầu trong các giới răn. Mọi lề luật đều phải hướng đến tình yêu. Ai chu toàn tình yêu là chu toàn lề luật.

Lề luật của Chúa thật nhẹ nhàng vì lề luật chính là tình yêu. Nếu yêu mến Chúa và yêu mến anh em, chúng ta sẽ thấy việc giữ luật không còn gì khó khăn nữa. Tình yêu sẽ làm cho chúng ta cảm nếm sự ngọt ngào trong việc tuân giữ lề luật. Tình yêu thật vĩ đại cho những ai sống theo gương Chúa Giêsu trong hành trình cuộc đời mình.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa giúp chúng con biết làm tất cả mọi việc chỉ vì lòng mến Chúa và yêu người. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Chia sẻ Bài này:

Related posts