5 Phút cho Lời Chúa Tháng 12-2013

Mục Lục

Ngày 1 – 7: Trang 1

Ngày 8 – 14: Trang 2

Ngày 15 – 21: Trang 3

Ngày 22 – 28: Trang 4

Ngày 29 – 31: Trang 5

* * *

01/12/13 CHÚA NHẬT TUẦN 1 MV – A
Mt 24,37-44

CANH THỨC

“Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến.” (Mt 24,42)
Suy niệm: Mùa Vọng lại về, với sự chuyển tiếp liền mạch trong sứ điệp Lời Chúa: vẫn là lời mời gọi canh thức dồn dập như ta đã nghe trong những ngày cuối năm Phụng Vụ cũ. Canh thức để khỏi bất ngờ khi một điều có bản tính bất ngờ xảy đến. Mùa Vọng không chỉ nhằm giúp các tín hữu đón mừng Lễ Giáng Sinh: lễ ấy đã được định ngày sẵn trong lịch, và sẽ tới trong bốn tuần lễ nữa – không có gì là bất ngờ! Mùa Vọng còn đặt chúng ta trước viễn tượng cuộc quang lâm của Chúa – chính cuộc quang lâm này luôn luôn còn đó tính bất ngờ. Vì thế, người tín hữu luôn cần canh thức, không chỉ canh thức trong bốn tuần Mùa Vọng này, mà canh thức trong cả ‘Mùa Vọng’ cuộc đời.
Mời Bạn: Có người sẽ tự hỏi: Đã xấp xỉ hai ngàn năm rồi mà Chúa chưa đến lại, vậy phải chăng lời Chúa nói về cuộc quang lâm hóa ra chỉ là sự ‘hù dọa’ vô ích cho bao thế hệ đã qua? Và phải chăng chúng ta cứ ‘vô tư’ mà sống, không cần phải ‘thức’ hay ‘canh’ chi cho căng thẳng, mệt đầu? Câu trả lời tốt ở đây là: Chúa quang lâm không chỉ ở ngày tận thế, mà còn ở cuối lịch sử cuộc đời mỗi con người nữa; và chỉ có những người ân hận mãi mãi vì đã không canh thức, chứ không hề có ai canh thức mà thấy rằng mình đã làm một việc vô ích! Lời Chúa bạn canh thức, bằng cách tổ chức lại cho ‘ngay ngắn’ cuộc sống của mình ngay hôm nay, ngay bây giờ.
Sống Lời Chúa: Canh thức cách đích thực nhất là giao hòa với Chúa và với Giáo Hội. Bạn chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Hoà Giải ngay từ tuần này, không phải chờ cho đến những ngày cận lễ.
Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn Năn Tội.

02/12/13 THỨ HAI TUẦN 1 MV
Mt 8,5-11

ĐỨC TIN BIỂU LỘ LÒNG MẾN
“Thưa Ngài, tôi chẳng đáng được Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.” (Mt 8,8)
Suy niệm: Hàng loạt sự kiện xảy ra gần đây là hồi chuông báo động tình trạng suy đồi đạo đức đã chuyển từ thái độ vô cảm thành những lối hành xử tàn độc: không chỉ hàng triệu thai nhi bị phá bỏ cách âm thầm mà còn biết bao nhiêu trẻ sơ sinh bị vất bỏ ngay khi vừa chào đời. Mặt khác nạn tham nhũng ngày càng trầm trọng đến độ các quan tham được mô tả là “ăn của dân không chừa thứ gì.” Trước bức tranh xã hội u ám trên đây, Tin Mừng hôm nay khơi dậy niềm tin tưởng tươi sáng. Viên đại đội trưởng người Rôma thay vì cậy chức cậy quyền, ông đã làm một việc đượm thấm tình người cho người thuộc hạ của ông. Ông còn biểu lộ sự khiêm tốn và lòng tin mạnh mẽ khi xin Chúa chữa bệnh cho người đầy tớ: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng được Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.” Chúa khen ông chính là xác nhận rằng niềm tin đi đôi với lòng nhân ái của ông chính là phương thuốc cho nhân loại sống đậm tình người hơn.
Mời Bạn: Niềm tin vào Thiên Chúa phải đi đôi với cuộc sống đầy lòng nhân ái. Vậy bạn canh tân đức tin của mình để có thể sống lòng nhân ái đích thực và làm cho thế giới đượm thấm tình người theo tinh thần Tin Mừng.
Sống Lời Chúa: Để khơi dậy ý thức đức tin và thánh hoá đời sống, trước khi làm một việc gì, bạn dừng lại một giây hướng về Chúa và dâng việc sắp làm xin Chúa thánh hoá.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con TIN tình yêu Chúa đang hiện diện trong thế giới này để làm cho tình người sống lại  một cách đích thực.

03/12/13 THỨ BA TUẦN 1 MV
Th. Phanxicô Xaviê, linh mục
Mc 16,15-20

LOAN TIN MỪNG KHẮP THẾ GIAN
Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15)
Suy niệm: Rất nhiều mệnh lệnh của Chúa Giêsu, như mệnh lệnh truyền giáo hôm nay, đã bị giảm thiểu một cách đáng ngại. Việc “đi khắp tứ phương thiên hạ” bị hiểu là đi khắp nơi trong cái không gian vật chất giới hạn trên mặt đất này. Mệnh lệnh “loan báo Tin Mừng” bị hạn hẹp vào việc “rửa tội” cho người ta. Rồi chúng ta lại hay quên rằng Chúa muốn “mọi loài thụ tạo” được loan báo Tin Mừng chứ không riêng gì “loài người”. Chính vì thế, yếu tố môi trường hay bị lãng quên trong nội dung của lời rao giảng. Việc hạn hẹp mệnh lệnh của Chúa như thế chẳng khác nào thái độ cầu an muốn trốn tránh một sứ mạng đòi hỏi phải mở rộng ra những biên giới bao la hơn nhiều.
Mời Bạn: Theo Công đồng Vaticanô II, “tứ phương thiên hạ” chính là “thế giới của con người, tức là toàn thể gia đình nhân loại với mọi sự thuộc môi trường sinh sống của gia đình này” (GS 2). Điều đó có nghĩa là việc truyền giáo phải thấm sâu vào mọi lĩnh vực văn hoá, xã hội, chính trị, v.v…, nói tắt, mọi phương diện con người đụng chạm đến. Và “thế giới” ấy cần được nghe và thấm nhuần những “giá trị Tin Mừng” trước đã. Có như thế, Chúa Thánh Thần mới tác động và khơi dậy lòng tin nơi người nghe để họ tin, lãnh nhận phép Rửa và được cứu độ (c. 16).
Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn sẽ dùng một lời nói, một nghĩa cử bác ái, một lời chia sẻ trên facebook, twitter, hoặc một phương thế khác để loan Tin Mừng chứ!
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban thêm cho con lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng cho anh em.

04/12/13 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MV
Th. Gioan Đamát, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh
Mt 15,29-37

CẦN NHIỆT TÌNH MỚI
Các môn đệ thưa: “Trong nơi hoang địa này chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no?” (Mt 15,33)
Suy niệm: Chịu hậu quả nặng nề của cơn bão hãi hùng Haiyan, người dân thành phố Tacloban, miền trung Philíppin, còn phải chịu đựng những thiệt hại “hậu-Haiyan”: Hàng cứu trợ chất đầy trong các kho, nhưng việc vận chuyển bị chậm trễ, ách tắc mà nguyên nhân không chỉ do “thiên tai” nhưng còn do lỗi con người. Tình trạng đó chỉ là một mảng nhỏ trong bức tranh “nhân tai” toàn cầu phủ đầy màu u ám của hàng triệu người đang thiếu thốn lương thực, của biết bao người đang đói khát công lý, tìm kiếm Thiên Chúa trong vô vọng. Phải chăng trong những “nhân tai” ấy cũng có phần trách nhiệm của những môn đệ Chúa?
Mời Bạn: Các môn đệ Chúa ngày xưa đã cảm thấy bó tay trước nhu cầu mênh mông của đám đông đang đói ăn: “Lấy đâu ra đủ bánh cho cả đám đông này ăn no?” Các môn đệ thời nay không chỉ lúng túng vì nhu cầu thiêng liêng của thời đại quá lớn vượt ngoài khả năng mà nhất là vì thái độ dửng dưng thiếu cộng tác với nhau. Vì vậy, trong cuộc tân phúc âm hóa ngày nay, Hội Thánh mong mỏi mỗi tín hữu có nhiệt tình mới cho sứ mạng truyền giáo này. Đứng trước những khát vọng của con người ngày nay, bạn có nhận thức sự thúc bách đòi hỏi người Kitô hữu nhập cuộc với một nhiệt tình mới không?
Sống Lời Chúa: Hăng hái làm một việc thiện phục vụ tha nhân với ý thức truyền giáo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ của Chúa, một khí cụ sắc bén, một khí cụ hữu ích, để Chúa dùng trong cánh đồng truyền giáo, trong vườn nho của Chúa.

05/12/13 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MV
Mt 7,21.24-27

ĐÁNH TRỐNG BỎ DÙI
“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt 7,21)
Suy niệm: Có một cách hiểu thành ngữ “đánh trống bỏ dùi”, theo đó “dùi” là những tiếng trống lẻ theo sau hồi trống dài. Gọi là “lẻ” nhưng những “dùi” này rất quan trọng vì nó giúp phân biệt các mệnh lệnh khác nhau. Như “ba hồi chín dùi” là họp toàn dân, trong khi “ba hồi ba dùi” nghĩa là có cha về dâng thánh lễ. Vậy “đánh trống bỏ dùi” là chỉ đánh những trống hồi, còn bỏ không đánh những tiếng trống lẻ theo sau. Nó ám chỉ cung cách làm việc thiếu chu đáo, thiếu tinh thần trách nhiệm, không làm đến nơi đến chốn, nửa làm nửa không. Theo cách hiểu này, cũng là “đánh trống bỏ dùi” nếu chỉ nói tin Chúa mà lại không sống đức tin ấy. Chúa Giêsu cho biết đức tin ấy không thể đem lại ơn cứu rỗi: “Không phải bất cứ ai ….”
Mời Bạn: Tin trong lời mà không tin trong đời, người ta mắc phải căn bệnh “đánh trống bo dùi” với các triệu chứng: nói mà không làm, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, làm nửa vời bỏ dở dang. Khi Chia Sẻ Lời Chúa, ta mắc bệnh này khi chỉ đề ra những lý giải thật hay mà không hoán cải đời sống, không thực thi Lời Chúa. Nó biến việc chia sẻ Lời Chúa thành giờ lý thuyết suông, bày biện những “ngôn từ” vô bổ.
Chia sẻ: Nhiều lần các bạn đã sống Lời Chúa trong đời thường của bạn. Xin chia sẻ cho nhau một trường hợp bạn thấy ý nghĩa nhất, đánh động bạn nhất.
Sống Lời Chúa: Làm một việc hy sinh (tránh một dịp tội, bớt một chầu rượu, nhịn một điếu thuốc, một lời nói chua cay…) để sống tinh thần Mùa Vọng.
Cầu nguyện: Hát: “Gặp gỡ Đức Kitô”.

06/12/13 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MV
Th. Nicôla, giám mục
Mt 9,27-31

MỞ CẶP MẮT ĐỨC TIN
Khi Đức Giêsu về tới nhà thì hai người mù tiến lại gần. Người nói với họ: “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?” Họ đáp : “Thưa Ngài, chúng tôi tin.” Bấy giờ Người sờ vào mắt họ và nói: “Các anh tin thế nào thì được như vậy”. Mắt họ liền mở ra. (Mt 9,28-30)
Suy niệm: Không ai lại muốn con mắt của mình bị mù. Có nó, ta nhìn được cảnh vật sắc màu chung quanh. Thế mà chúng ta lại sợ thứ ánh sáng soi rõ con người thực của ta mà lắm khi ta muốn giấu giếm. Hễ ai, kể cả Chúa, đụng chạm đến hay phanh phui, ta thường phản ứng hệt như lũ gián chạy trốn ánh sáng. Vì thế, Chúa Giêsu không chỉ chữa lành con mắt xác thịt cho những người mù. Ngài còn muốn ban cho họ cặp mắt mới, cặp mắt đức tin. Từ nay, họ vừa thấy cuộc đời bằng con mắt tự nhiên, lại vừa nhận ra ý nghĩa cuộc đời bằng con mắt đức tin; nhận ra trong đời mình có Chúa đồng hành; và nhất là dám đáp trả với Chúa: “Thưa Ngài, chúng tôi tin” để được thấy.
Mời Bạn: Để chữa con mắt xác thịt, bạn lo tìm thầy chạy thuốc. Để làm đẹp chúng, bạn không ngại tốn kém dùng các loại mỹ phẩm đắt tiền. Vậy bạn làm gì để chữa trị cặp mắt đức tin của mình khi chúng không nhìn thấy được Thiên Chúa là Cha của bạn? Bạn làm gì khi bạn mất khả năng nhìn cuộc đời bằng đôi mắt tâm linh?
Sống Lời Chúa: Trước hết, bạn hãy đến với bí tích hoà giải để Chúa chữa lành cho. Thứ đến, bạn hãy làm đẹp con mắt tâm linh bằng việc lãnh nhận Thánh Thể Chúa.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, Ánh Sáng của đôi mắt con, xin hãy đến! Và cho con được thấy Chúa, cho con được gặp Chúa, ôi Thiên Chúa của con! Con sẽ níu lấy Chúa, ôi lạy Chúa con hằng khao khát.”

07/12/13 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MV
Th. Amrôxiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
Mt 9,35-10,1.6-8

ĐIỀU CỐT YẾU: CHÚA GIÊSU
Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. (Mt 9,36)
Suy niệm: Tin Mừng hôm nay trình bày những điểm chính yếu trong đời hoạt động công khai của Chúa Giê-su. Ngài đã đi khắp các nẻo đường thành thị hay thôn quê rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật, tuyển chọn huấn luyện các môn đệ, ban quyền chữa lành và sai họ đi truyền giáo. Động cơ thúc đẩy sứ vụ của Chúa Giêsu chính là tình yêu Ngài dành cho đám dân chúng “lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt”. Chúa Giêsu thể hiện tình yêu này cách sống động, không mệt mỏi trên từng bước đường truyền giáo. Không có nơi nào Ngài đi qua mà không ghi đậm dấu ấn tình yêu dành cho những người đau khổ, các tội nhân, những người bị gạt ra bên lề xã hội.
Mời Bạn: Nói về tân phúc âm hóa, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho rằng: cần phải có một phương án mục vụ đặt trọng tâm vào Chúa Giêsu: “Không nên phân tán chúng thành quá nhiều những điều phụ thuộc hay phù phiếm mà phải tập trung vào thực tại nền tảng là cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, với lòng thương xót của Người, với tình yêu của Người và yêu thương anh em như Người đã yêu” (Diễn văn tại Hội Nghị của Hội Đồng Giáo Hoàng về Cổ Vũ Tân Phúc Âm Hóa, 14.10.2013). Như vậy đã rõ cốt lõi của tân phúc âm hóa chính là trở về với tình yêu của Chúa Giêsu: phải cảm nghiệm Chúa Kitô rồi mới rao giảng và dẫn đưa anh em về với Ngài được.
Sống Lời Chúa: Để sống kết hiệp với Chúa Giêsu mật thiết hơn, tôi tham dự Thánh lễ, rước lễ và chầu Thánh Thể.
Cầu nguyện: Hát: “Lạy Chúa xưa Chúa đã phán: Lúa chín đầy đồng…”
Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment