Linh Hồn Luyện Ngục Trả Ơn Ân Nhân Đã Cứu Mình (Phần Xác)

* Thánh nữ Brigitta, trong cơn ngất trí nghe thấy nhiều linh hồn kêu lên: “Lạy Thiên Chúa Toàn năng, Chúa thưởng gấp trăm lần cho những ai giúp đỡ chúng con bằng lời cầu nguyện, bằng việc lành, để chúng con được về hưởng Tôn nhan Chúa”.

* Cha thánh Gioan Vianey nói: “Các linh hồn Luyện ngục có thần thế chừng nào đối với Trái Tim nhân lành của Chúa, nếu chúng ta biết đã nhận bao nhiêu ơn lành do các linh hồn cầu bầu, ta sẽ không quên cầu cho các ngài”. Thánh nhân nói thêm: “Ta phải cầu thật nhiều cho các linh hồn Luyện ngục, để các linh hồn Luyện ngục cầu nhiều cho ta” (Purgatory p. 339).

* Đấng Đáng kính Crescentia có thói quen cầu xin các linh hồn Luyện ngục giúp đỡ, và bà quyết chắc rằng bất cứ khi nào bà ước muốn được Chúa ban ơn gì đặc biệt, bà cũng được nhận lời.

1. Bà Bề trên Macrina kể lại truyện này cùng Đức Giáo Hoàng Piô thứ 9, ngài truyền thuật lại cho mọi người nghe như sau:

“Năm 1843, những người bắt đạo Công Giáo thời Cêzar Nicholas nhốt chúng tôi vào tù, bắt nhịn đói và bắt uống nước pha muối, để bởi khát khô cổ mà chị em chúng tôi phải bỏ đạo. Hai ngày đầu cơn khát nước hành hạ chúng tôi khổ sở lắm, da và môi chúng tôi se lại.

Trong nơi khổ sở này, chúng tôi nhớ đến cơn khát của các linh hồn Luyện ngục nóng nảy rát rúa và khát nước hằng sống gấp bội chúng tôi. Chúng tôi liền sấp mặt xuống đất cầu nguyện cho các linh hồn ấy. Chúa đã thương chúng tôi, bởi mấy ngày sau cũng bị bắt nhịn đói và uống nước muối, nhưng chúng tôi không thấy đói  khát nữa. Tới ngày thứ bảy người ta mở cửa tù ra và tưởng chúng tôi ù chạy tới vòi nước uống cho giải khát, nhưng chúng tôi lại xin chịu khát để kính 7 sự đau đớn Đức Mẹ Đồng Công cứu chuộc. Người quản tù ngạc nhiên và rất tức bực, lớn tiếng quát hỏi người canh tù tại sao kết quả  xảy ra trái ngược như vậy,  tại sao chúng tôi không chết, hay là chúng tôi có phù phép gì đây? Nhưng không, chính Chúa, Đức Mẹ, các linh hồn Luyện ngục đã cứu giúp chúng tôi (Charity p. 306).

2. Vào năm 1827, tại thủ đô Paris nước Pháp, có một thiếu nữ nghèo nhưng được học  giáo lý từ ngày còn nhỏ. Bởi nhà nghèo cô phải đi ở mướn. Cô có thói lành là tháng nào cũng xin lễ cho các linh hồn Luyện ngục. Khi rời miền quê theo ông chủ lên ở tỉnh thành, cô cũng vẫn giữ thói quen đó. Hơn nữa chính cô đi dự lễ hợp lời cầu nguyện với linh mục chủ tế để cầu cho các linh hồn sắp được ra khỏi Luyện ngục. Chúa muốn thử lòng cô gái nghèo bằng một cơn bệnh. Không những cô đau đớn bởi bệnh, cô còn bị mất việc làm và tiêu xài hết cả món tiền nhỏ đã dành dụm được. Khi khỏi bệnh, túi cô chỉ còn một đồng bạc. Làm sao bây giờ? Cô ngửa mặt cầu xin Chúa ban cho chỗ làm khác. Nghe nói có một nhà cuối phố muốn tìm người ở mướn, cô liền tìm đến xin việc làm. Khi đi được nửa đường, gặp nhà thờ, cô vào để kính viếng Chúa.

Cô nhớ lại cả tháng nay không được dự lễ, nên nảy ra ý định lấy đồng bạc cuối cùng xin lễ cầu nguyện cho các linh hồn, nhưng bụng đói quá làm sao chịu được. Cuối cùng cô vào phòng mặc áo lễ với niềm tin “Chúa biết mọi sự, bởi vinh Danh Chúa, Chúa không bỏ con”. Cô đã xin một lễ cầu cho linh hồn Luyện ngục, rồi cô sốt sắng dâng Thánh lễ đó.

Dự lễ xong cô tiếp tục đi về cuối phố, phó thác tương lai cho Chúa. Đang khi cô lủi thủi bước đi thì một thanh niên dáng vẻ xanh xao đi ngược chiều. Gặp cô, chàng hỏi: “Có phải cô đang đi tìm việc làm không? Cô cứ đến nhà đường này, số này, vào tìm bà này… bà ta sẽ nhận cô và xử tử tế với cô”. Nói xong chàng biến đâu mất, cô chưa kịp cám ơn chàng. Tìm đến đúng đường và đúng số nhà, cô ấn chuông cổng. Một cô gái khác đã bị bà chủ đuổi, sắp phải ra đi, vẻ tức giận càu nhàu ra mở cổng nói xẵng: “Vào mà gõ cửa, bà ta sẽ mở cho!” Rồi cô ta xách gói đồ của mình đi thẳng ra phố.

Bà chủ nhà nghe tiếng gõ cửa, ra mở và thấy cô thiếu nữ nghèo, bà hỏi ai chỉ cho mà biết đường tới đây xin việc. Cô thật thà kể lại tình cảnh. Thấy truyện hay hay, bà bảo cô kể lại từ đầu, kể xong cô nhìn bức ảnh trên tường reo lên: “A! Thưa bà, chính anh này bảo con tìm đến nhà bà”. Bà chủ nhà rất xúc động thấy cô nhà nghèo có lòng thương các linh hồn , đã bỏ ra đồng bạc cuối cùng để xin lễ, và như có sức thúc giục, bà ôm chầm lấy cô, nói trong nghẹn ngào: “Con ơi, con không phải là người làm mướn của ta, con là con ta. Chính con trai ta đã chỉ cho con tới đây, nó chết hai năm nay rồi, và con đã cứu nó. Ta tin rằng nó về chỉ lối cho con. Từ nay hai chúng ta sẽ hợp nhau cầu nguyện cho các linh hồn Luyện ngục chóng lên Thiên đàng (Charity p. 307-309).

3. Một người kia buôn bán thế nào mà hàng hóa còn ứ đọng rất nhiều trong sáu bảy năm trời, đến nỗi như sắp bị vỡ nợ. Ông ta đã xin một số lễ cầu cho các linh hồn Luyện ngục xin cứu giúp. Lời cầu đã được nhận, hàng hóa sau một thời gian vắn đã bán hết và thoát khỏi cảnh vỡ nợ, mất nhà, dịp tiệm (Charity p. 315).

4. Công tước Eusebiô sống vào thế kỷ 13 kể truyện sau thật lạ lùng:

Siêng cầu nguyện cho các linh hồn Luyện ngục ông chưa coi là đủ, ông còn dành một phần mười lợi tức để cứu giúp các linh hồn. Đến sau xảy ra một cuộc chiến gay go giữa phần đất của ông và vua đảo Silicia. Quân ông bị vây hãm rất gắt đến nỗi ông nghĩ phải bỏ thành chạy thoát thân. Sáng hôm sau ông thấy một đạo quân đông đúc chừng 4 ngàn chiến sĩ đồng phục trắng, cỡi ngựa và đeo binh khí hùng hậu không rõ từ đâu tới giúp. Chính vua đảo Sicilia cũng trông thấy như vậy, nên đã bằng lòng ký hiệp ước hòa bình với công tước Eusebiô.

Công tước này tạ ơn Chúa và Tướng quân đã đến giúp. Vị Tướng đạo quân vô danh nói với công tước rằng: “Những người lính ông thấy đây hầu hết là những linh hồn Luyện ngục ông đã cứu. Chúa cho chúng tôi hợp thành đoàn quân tới giúp ông. Xin ông tiếp tục cầu nguyến cứu giúp các linh hồn. ông càng cứu được nhiều linh hồn thì trên Thiên đàng ông càng có nhiều người phù hộ. Trên đó họ sẽ xin Chúa chúc phúc lành cho hồn xác ông (Charity p. 310).

5. Cha Lui Monaco rất thương các linh hồn Luyện ngục. Ngài kể:

Lần kia ngài đi bộ một mình qua khu rừng vắng, miệng lẩm bẩm đọc kinh Mân côi cầu cho các linh hồn như thói quen mọi khi đi đường. Lúc ấy, có hai tên cướp chờ sẵn trong bụi rậm tính giết khách bộ hành cướp của. Bất ngờ khi chúng đến gần thì gặp ngay lúc các linh hồn Luyện ngục đến giúp ân nhân. Các ngài kết tay bao quanh cha Monaco thành một vòng tròn. Hai tên cướp không hiểu người đâu tự nhiên đến đông như thế, chúng hoảng sợ nháy nhau vội rút lui thật lẹ vào rừng rậm. Thế là cha dòng được thoát nạn. (Charity p. 310)

6. Một người đã được thoát chết lạ lùng kể lại:

Ông này rất tôn sùng Đức Nữ Đồng Trinh và hay cầu nguyện cho các linh hồn Luyện ngục. Ông có thói quen tối nào cũng đọc kinh Cầu Đức Bà để cầu cho các linh hồn.  Một hôm, đọc kinh vừa xong ông lên giường nằm ngủ và ngủ rất say sưa mệt mã. Trong xóm này có mấy người ghét ông bởi một lý do nào đó, từ lâu, họ đã tính giết ông. Tối hôm ấy chờ ông đi ngủ, họ bẻ khóa cửa, rón rén đi vào chỗ ông nằm. Thấy áo  vắt trên ghế, nhìn vào giường không thấy ông ta đâu, chung quanh cũng không có. Lạ thật, tức giận đầy đầu, kẻ thù ông chán nản bảo nhau ra đi. Thì ra Chúa, Đức Mẹ đã che mắt không cho chúng  thấy để giết ông đêm đó.

Mấy ngày sau, bọn kẻ thù bàn định  trở lại giết cho được mới thôi. Tối hôm ấy, ông ta đi đâu, mệt mã trở về phòng, đọc kinh như thường lệ, nhưng đọc mới nửa kinh cầu Đức Bà, ông đã bỏ đi ngủ. Quan sát kỹ càng, kẻ thù mừng thầm bảo nhau vào chỗ ông nằm. “Lần này không chạy đâu được nữa con ơi”. Đúng vậy, ông ta đang nằm dài trên giường, nhưng kỳ thật, sao ông ta bị chặt làm đôi, khúc đầu biến đâu mất, còn lại có khúc từ bụng trở xuống đang nằm đó. Hoảng sợ, mấy tên sát nhân bảo nhau bỏ chạy lập tức.

Sáng hôm sau mấy kẻ thù rất bỡ ngỡ khi thấy người mình định giết tối hôm qua vẫn còn sống lành mạnh  đang đi ngoài phố như không có chuyện gì xảy ra hôm qua. Họ tưởng ông là ma. Sau khi hỏi han và thú thật dự tính định giết ông, và bắt ông kể lại lý do. Ông đã kể lại và nhận ra rằng bởi có lòng thương giúp các linh hồn Luyện ngục nên Chúa đã cứu, nhưng bởi ông đọc  nửa kinh cầu Đức Bà nên chỉ có nửa mình được giấu đi. Cả đôi bên đều tạ ơn Chúa Đức Mẹ và các linh hồn Luyện ngục (Charity p. 312).

Lm. Mark, CMC

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment