Có Luyện Ngục Không?

I. Kinh Thánh Cựu ước nói tới Luyện ngục cách gián tiếp như sau:

1. Tiên tri Mika ví luyện ngục như trong nhà tù tối tăm:

” Nếu tôi phải ngồi trong tối tăm, thì Yavê là ánh sáng cho tôi. Tôi xin mang lấy phẫn nộ của Yavê, vì tôi đã có lỗi với Người, Người sẽ đem tôi ra ánh sáng và tôi sẽ được thấy đức độ của Người” (Mk 7,8-9).

2. Sách thứ 2 Macabê kể việc ông Yuđa xin tiền cầu cho lính đã chết:

“Yuđa thu quân và đi đến thành Ôđôlam, và vì ngày thứ Bảy đến nơi rồi, họ đã thanh tẩy mình theo lệ và qua ngày Hưu lễ ở đó. Hôm sau người ta đến gặp Yuđa, xin để đi thu lượm xác những người đã thiệt mạng, mà đem về chôn cất họ với thân thuộc nơi mộ tổ. Nhưng dưới áo lót của mọi người chết, người ta đã tìm thấy những đồ cúng cho tượng thần Yamnia, điều lề luật cấm chỉ người Do thái, nên mọi người đều rõ vì duyên do nào mà các người ấy đã bị thiệt mạng. Bấy giờ mọi người đều chúc tụng cách xử sự của Chúa, Đấng phán xét chí công và tỏ bày ra những điều giấu kín. Và họ đã quay đầu khẩn nguyện, xin cho tội phạm được hoàn toàn tẩy xóa. Còn vị anh hùng Giuđa thì ra lời khuyên nhủ đạo quân giữ mình sạch tội, một khi họ đã thấy nhãn tiền sự  xảy ra vì tội những người đã thiệt mạng.

Đoạn ông quyên tiền nơi mọi người và gửi về Giêrusalem lối hai ngàn quan, để dâng lễ tế đền tội: Ông đã làm một điều rất tốt lành và cao quí, vì nghĩ đến sự sống lại, vì nếu ông không trông rằng những người bị thiệt mạng ấy sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết là việc dư thừa và ngớ ngẩn, còn nếu ông nhìn đến phần thưởng tuyệt hảo dành cho những người đã an nghỉ cách đạo đức, thì quả là ý nghĩ lành thánh và đạo hạnh; do đó ông đã xin dâng lễ tế xá tội cho những người đã chết để họ được tha thứ tội lỗi”.

(2 Mcb 12,38-45- Bản dịch của Lm. Nguyễn Thế Thuấn, CSsR).

II. Kinh Thánh Tân Ước cũng nói tới Luyện ngục cách gián tiếp như sau:

1. Phúc âm theo thánh Matthêu Chương 5 câu 25-26 Chúa Giêsu phán:

“Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan tòa, quan tòa lại trao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi nơi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng”.

Theo lý luận của các nhà giải nghĩa Kinh Thánh: “Ra khỏi nơi đó” không thể hiểu là ra khỏi Thiên đàng, vì Thiên đàng không phải là nơi ngục tù. Ai đã được vào Thiên đàng thì không bao giờ phải loại ra. “Ra khỏi đó” cũng không thể hiểu là ra khỏi Hỏa ngục, vì đã vào Hỏa ngục thì đời đời không được ra nữa. Vậy “ra khỏi nơi đó” chỉ có thể hiểu là ra khỏi Luyện ngục, nơi linh hồn đã đền tội xong.

2. Cũng Phúc âm theo thánh Matthêu chương 12 câu 32 Chúa Giêsu phán:

 “Bất cứ ai nói phạm đến Con Người sẽ được tha thứ, nhưng bất cứ ai nói phạm đến Thánh Thần sẽ không được tha, dù đời này dù đời sau”.

Các Thánh Tiến sĩ như Augustinô, Gregoriô Cả, Benađô, Bêđa, đều cắt nghĩa rằng lời Chúa phán “không được tha dù đời sau” không thể hiểu về Thiên đàng, nơi đó không cần sự tha thứ; cũng không thể hiểu về Hỏa ngục, nơi đó không có sự tha thứ. Vậy “được tha thứ đời sau” chỉ có thể hiểu về Luyện ngục.

3. Thư Thánh Phaolô gửi dân thành Corinhtô nói đến lửa thử các việc làm của con người, đoạn sau đây cũng thường được cắt nghĩa về Luyện ngục:

“Vì không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giêsu Kitô. Người ta có thể dùng vàng, bạc, đá quí, gỗ cỏ, rơm mà xây trên nền đó. Nhưng công việc của mọi người sẽ được phơi bày ra ánh sáng.

Thật thế, ngày của Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì ngày ấy tỏ rạng trong lửa, chính lửa này sẽ thử nghiệm các giá trị công việc của mọi người. Công việc xây dựng của ai tồn tại trên nền, thì người ấy sẽ được lĩnh thưởng. Còn công việc của ai bị thiêu hủy, thì người ấy sẽ bị thiệt. Tuy nhiên, bản thân người ấy sẽ được cứu, nhưng như thể băng qua lửa” (1 Cr 3,11-15).

Các Thánh Giáo phụ giải nghĩa “vàng, bạc, đá quí” là những việc lành. “gỗ, cỏ, rơm” là những tội nhẹ, những khuyết điểm.

III. Thánh Truyền Giáo hội minh chứng Luyện ngục:

1. Thánh Clêmentê thành Alexandria năm 205 dạy rằng:

“Những người hối cải trên giường chết mà không có giờ làm việc đền tội, thì họ sẽ được lửa thanh luyện trong đời sống mai sau”.

2. Trong Hang Toại đạo, nơi ẩn trốn của giáo dân Rôma thời bắt đạo, người ta đọc được trên tường một hầm mộ  viết:

“Con yêu dấu, nơi đây đời con chấm dứt, nhưng lạy Cha trên trời, chúng con nài xin lòng Cha thương xót, thương cứu  con chúng con đang phải chịu những nỗi đớn đau. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con”.

3. Thánh Grêgôriô Cả:

“Ta phải tin có một thứ lửa thanh tẩy một số lỗi lầm nhẹ trước ngày Phán xét chung, căn cứ vào những gì mà Đấng là Chân lý đã dạy, khi Ngài nói rằng, bất cứ ai nói lời phạm thượng chống lại Thánh Thần, sẽ không được tha thứ cả đời này lẫn đời sau (Mt 12,31). Theo lời quyết đoán này, chúng ta có thể hiểu rằng: một số tội lỗi có thể được tha ở đời này, nhưng một số tội khác có thể tha ở đời sau”.

4. Thánh Gioan Kim khẩu khuyên:

“Chúng ta hãy cứu giúp và tưởng nhớ tới các linh hồn. Nếu các con ông Gióp đã được thanh tẩy nhờ lễ hi sinh của cha họ (G 1, 5), tại sao chúng ta lại có thể hoài nghi rằng những của lễ của chúng ta dâng cầu cho người chết sẽ không đem lại an ủi cho họ? Vậy chúng ta đừng ngần ngại cứu giúp những người đã ra đi, và dâng những kinh nguyện cầu cho họ”.

5. Thánh Augustinô kể về bà thánh Monica   Mẹ Ngài (trong sách Tự thuật) như sau:

Trước khi qua đời, bà Thánh đã nói với con mình là thánh Augustinô rằng: “Khi   Mẹ chết rồi, con chôn xác   Mẹ ở đâu cũng được, đừng bận tâm về việc chôn táng, Mẹ chỉ xin các con một điều là, bất cứ  các con ở đâu, hãy nhớ tới Mẹ nơi bàn thờ Chúa”.

IV. Các Công đồng Giáo hội tuyên ngôn:

1. Công đồng Lyon (1245 và 1247), Công đồng Florence (1438-1445), và nhất là Công đồng Trentô (1545-1563) trong khóa 6, số 22 và 25 dạy rằng:

“Ai dám quả quyết sau khi được ơn thánh sủng, tội lỗi được tha và hình phạt đời đời được xóa bỏ cho các hối nhân, và không có hình phạt tạm bởi tội ở đời này cũng như trong Luyện ngục trước khi cửa Thiên đàng được mở, thì kẻ ấy phải vạ tuyệt thông”.

2. Công đồng Trentô khóa 25, ngày 4 tháng 12 năm 1563 tuyên ngôn thêm:

“Giáo hội Công Giáo được Chúa Thánh Thần dạy , theo các văn kiện và truyền thống xa xưa của các Giáo phụ, và mới đây trong Công đồng này dạy rằng: Có Luyện ngục, và các linh hồn bị thanh tẩy tại đó, được giúp đỡ nhờ những lời cầu nguyện của các tín hữu, và nhất là bởi công nghiệp Thánh lễ Misa”.

3. Công đồng Vaticanô 2 (năm 1962-65) trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội đã tuyên ngôn:

“Cho tới khi Chúa ngự đến trong uy nghi, có tất cả các thiên thần theo Người, và khi sự chết bị hủy diệt, mọi vật đều qui phục Người, thì trong số các môn đệ Chúa, có những kẻ còn tiếp tục cuộc hành trình nơi dương thế, có những kẻ đã hoàn tất cuộc sống này và đang được tinh luyện, và có những kẻ được hiển vinh đang chiêm ngưỡng rõ ràng chính Thiên Chúa duy nhất trong Ba ngôi như Ngài hằng có” (GH 49)

4. Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo (Đức GH Gioan Phaolô 2 ban hành năm 1992) xác định:

Số 1030 viết: “Những ai chết trong ân sủng và tình nghĩa Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh tẩy cách trọn vẹn, thì tuy được bảo đảm về ơn cứu độ muôn đời của mình, vẫn phải chịu một sự thanh luyện sau khi chết, hầu đạt được sự thánh thiện cần thiết để bước vào niềm vui Thiên đàng”.

5. Số 1031 viết thêm:

“Giáo hội gọi Luyện ngục là cuộc thanh tẩy cuối cùng này của những người được chọn, hoàn toàn khác với hình phạt của những kẻ bị kết án trầm luân. Giáo hội đã trình bày giáo lý đức tin về Luyện ngục, nhất là tại Công đồng Florentia năm 1439 và Công đồng Trentô năm 1563. Dựa vào một số bản văn Kinh Thánh, Truyền thống Giáo hội nói đến thứ lửa thanh luyện (1 Cr 3, 15; 1 Pr 1,7).

6. Số 1032 viết tiếp:

“Giáo huấn này cũng dựa vào cách cầu nguyện cho kẻ đã chết, như được nói đến trong Kinh Thánh: “Đó là lý do tại sao ông Giuđa Macabê đã truyền phải dâng hi lễ đền tội cho những người đã chết, để họ được giải thoát tội lỗi mình” (2 Mcb 12, 46). Ngay từ những thời gian đầu, Giáo hội đã tôn trọng việc tưởng nhớ những người đã qua đời, và dâng lời cầu khẩn cho họ, nhất là dâng thánh Lễ, để họ được thanh tẩy và tiến vào phúc chiêm ngưỡng Thiên Chúa (Công đồng Lyon 2 năm 1274). Giáo hội cũng khuyên làm việc bố thí, hưởng các ân xá và làm các việc đền tội để giúp những người đã qua đời”.

V. Tâm lý con người muốn có nơi đền tội hơn là bị đọa phạt muôn đời:

Nhiều người dân các nước trên hoàn cầu vẫn tin có nơi đền tội trước khi linh hồn được siêu thoát về nơi cực lạc.

Theo tâm lý chung, khi cha  mẹ, vợ chồng, anh chị em, họ hàng, bạn hữu ta qua đời, ai trong chúng ta lại không muốn các ngài được siêu thoát, được sống trong nơi hạnh phúc, mát mẻ, an nhàn. Nhưng nếu các ngài chưa đáng được vào nơi hạnh phúc Thiên đàng ấy, nếu các ngài chưa thanh sạch để vào gặp Chúa thanh sạch vô cùng, nếu các ngài chưa thánh thiện để vào gặp Chúa thánh thiện vô cùng, tự các ngài sẽ muốn có một thời gian, một nơi để tẩy luyện, để chuẩn bị gặp Chúa. Đàng khác, bởi con người yếu đuối lầm lỗi, ta không dám nghĩ rằng, người thân yêu của ta sẽ được lên Thiên đàng ngay, ta cũng không muốn nghĩ rằng người thân yêu của ta đã làm điều gian ác đến nỗi phải xuống Hỏa ngục, nếu suốt đời đã cố gắng giữ đạo Chúa.

Vậy chắc các ngài  còn phải đền bù tội lỗi ở một nơi nào đó, nơi đó gọi là Luyện ngục.

 

Có Luyện ngục

(bằng chứng từ người đã chết)

 

Trong sách Mạc khải của thánh nữ Gêtruđê in năm 1875 tại Poitiers bên Pháp kể rằng:

1. “Trong tu viện thánh nữ có một nữ tu trẻ rất đạo đức nên được thánh nữ yêu mến cách riêng, nữ tu này qua đời trong hương thơm thánh thiện. Khi thánh nữ đang phó dâng linh hồn nữ tu này cho Chúa, thánh nữ được ngất trí đi. Bà thấy nữ tu mới qua đời đang đứng trước tòa Chúa, quanh mình nữ tu có hào quang sáng láng và được mặc y phục diễm lệ. Tuy nhiên nữ tu tỏ vẻ buồn và luống cuống, mặt cúi xuống đất, xấu hổ, không dám nhìn tôn nhan Chúa. Hình như nữ tu muốn chạy trốn đi ẩn mình. Thánh nữ Gêtruđê rất ngạc nhiên, bà thưa cùng Bạn Các Trinh nữ:

 – “Lạy Chúa êm dịu tốt lành vô cùng, sao Chúa không gọi bạn Chúa đến cùng Chúa, cho bạn Chúa vào Nước Thiên đàng mà để bạn Chúa đứng xấu hổ, e thẹn trước Nhan Chúa như vậy?”. Chúa Giêsu mỉm cười, vời nữ tu lại gần, nhưng nữ tu run rẩy, kinh hãi định chạy trốn. Thánh nữ liền nói với nữ tu:

– “Sao Chúa gọi con mà con không đến, con lại chạy đi?

 – ” Nữ tu trả lời:”Thưa   Mẹ yêu dấu, con thấy mình không đáng đến trước mặt Con Chiên trong sạch vô cùng. Con vẫn còn vài lầm lỗi. Để được đứng trước Con Chiên, con phải trong sáng như ánh mặt trời. Con chưa được trong sạch như vậy, dù cửa Thiên đàng mở sẵn cho con, con cũng không dám vào, trừ khi con được thanh tẩy hoàn toàn mọi vết nhơ. Nếu con vào bây giờ, ca đoàn trinh nữ theo sau Con Chiên sẽ kinh hãi đẩy con lại”.

–  Thánh nữ lại nói:

 – “Mẹ thấy quanh con đã có ánh sáng bao bọc rồi mà?”

 – “Nữ tu trả lời: “Thưa   mẹ, đó chỉ là phần ngoài của ánh vinh quang, để mặc chiếc áo vinh quang này, người ta phải sạch hết mọi vết nhơ tội lỗi” (Purgatory p. 70-72).

2. Trong hạnh tích nữ tu Catherine de Saint Augustine có kể truyện sau này:

Trong miền nữ tu ở, có một phụ nữ tên là Maria, từ thiếu thời đã sống một cuộc đời rất mực buông tuồng. Lớn lên cũng chẳng sửa mình. Người miền ấy chán ngấy vì những phóng đãng của nàng, họp nhau trục xuất nàng ra khỏi thành phố, cho ở trong một cái hang ngoài vùng họ. Ở đó, nàng mắc một bệnh ghê hồn: từng mảng thân thể rơi rụng dần. Sau ít lâu nàng chết không được chịu các phép Bí tích, không được một người nào đoái hoài. Xác nàng được người ta chôn táng ngoài đồng, không một lễ nghi tôn giáo. Bốn năm sau, một hôm có linh hồn ở luyện ngục hiện về với nữ tu, nói:

– Tôi khổ quá bà ơi! Bà cầu nguyện cho mọi người đã chết; có mỗi mình tôi đáng thương nhất bà lại chẳng hề thương cảm!

Nữ tu hỏi:

– Hồn là ai?

– Tôi là Maria, tội lỗi đáng thương, đã chết ở ngoài hang đá.

Nữ tu Catherine ngạc nhiên kêu lên:

– Sao? Chị cũng được rỗi ư?

– Vâng, tôi được rỗi nhờ tình thương của Mẹ Maria. Trong giây phút cuối cùng đời tôi, thấy bị mọi người bỏ rơi và đầy tội lỗi ghê gớm, tôi nhớ đến Mẹ Thiên Chúa. Tự đáy lòng, tôi kêu xin: “Ôi Mẹ, là nơi nương ẩn của mọi người trơ trọi, xin thương xót con. Người ta từ bỏ con hết cả rồi, chỉ còn có Mẹ là hy vọng độc nhất của con đó thôi. Xin Mẹ đến cứu lấy con!” Tôi chẳng cầu nguyện uổng công. Chính nhờ Mẹ cầu bầu mà tôi được thành tâm thống hối, ăn năn tội cách trọn và thoát khỏi hoả ngục.

Rồi nàng xin nữ tu dâng lễ cầu cho mình được giải thoát khỏi luyện ngục. Ít lâu sau, nàng hiện về sáng láng như mặt trời nói với nữ tu:

– Tôi lên trời đây, tôi sẽ ca tụng tình thương vô biên của Chúa. Xin cám ơn bà.

(Thánh Anphongsô, Vinh quang Ðức Mẹ tập 1, tr 37 / Mẹ ơn Cứu rỗi tr. 88-90)

Chúng ta cùng tin như Giáo hội dạy rằng: Sau khi chết và chịu phán xét, có một nơi để thanh tẩy, để đền bù phần phạt bởi tội lỗi chưa được đền bù, hoặc đền bù chưa đủ khi còn sống, nơi đó là Luyện ngục. Luyện ngục, nơi Thiên Chúa tỏ ra công bằng nhưng cũng tỏ ra thương xót con người yếu đuối, ham điều hữu hình hơn điều vô hình.

Giáo hội luôn khuyến khích con cái mình khi còn sống, cứu giúp các linh hồn Luyện ngục, bởi khi đã phải vào nơi đó, các ngài không thể tự cứu mình được nữa, thời gian lập công đã chấm dứt.

Phúc cho người Công Giáo tin vào mầu nhiệm các Thánh Thông công: Các Thánh trên Thiên đàng, các linh hồn trong Luyện ngục, các tín hữu còn sống trên trần gian cùng thông hiệp giúp đỡ nhau. Điều đó an ủi người còn sống cũng như người đã ra đi trước chúng ta.

Lm. Mark, CMC

Chia sẻ Bài này:

Related posts