Sống chỉ một lần

Nếu phê bình về đồ dùng, chẳng hạn bàn ghế tôi sẽ nói cái bàn này có phẩm chất tốt, bàn kia phẩm chất xấu. Nếu nói về nghệ thuật, tôi sẽ nói ông thợ này khéo tay, có sáng kiến, ông thợ kia vụng về, thiếu sáng kiến; nếu phải bàn về mỹ thuật tôi sẽ nói kiểu này dễ coi, thanh nhã, hợp nhãn, kiểu kia cục mịch, nặng nề, thô kệch. Nếu nói về công ăn việc làm, tôi sẽ nói công việc này nhàn hạ, công việc kia vất vả. Nếu phê bình hay nhận xét về một cuốn sách, tôi sẽ nói cuốn sách này hay, cuốn kia dở. Từ chỗ phê bình phải trái, đúng sai, hay dở, tốt xấu dẫn đến chỗ đơn giản hoá bình phẩm sự việc. Nhận xét của tôi chỉ đưa ra hai trường hợp: hoặc thích hoặc không thích hay là hoặc khen hoặc chê.

Trong cuộc sống nếu có một biến cố nào xảy ra, tôi chắc chắn sẽ dùng đến hai chữ HÊN và XUI. Sáng nay xui quá bị đụng xe, nhưng chiều nay hên lắm, mới trúng xổ số $500, vừa đủ tiền sửa xe. Vậy nếu cái xui và cái hên xảy đến cùng một ngày thì coi như huề hay không có gì xảy ra sao?

Biến cố xảy ra rồi không thể nào xóa đi được. Mười cái hên vĩ đại cũng không xóa được một cái xui nhỏ xíu. Tôi thường quan niệm “trong cái xui cũng có cái hên”. Thí dụ: đi vượt biên hụt thì bảo là xui, vài ngày sau nghe đồn chiếc ghe mình định đi bị bắt đi tù hết, lúc đó lại bảo là hên, phải đi được thì giờ ở tù rồi còn gì, thật đúng là hên. Thực sự thì hai sự kiện đi “vượt biên hụt” và bị bắt “đi tù” là hai sự kiện khác nhau. Hai biến cố xảy ra ở hai thời điểm khác nhau. Hậu quả của đi vượt biên hụt là không bị bắt đi tù. Nếu có bị bắt thì bị đi tù vì đi vượt biên chứ không bị bắt vì đi “HỤT”. (Xin phân biệt vì đi hụt, chuyện bị lộ nên bị bắt. Chứ nếu đi lọt thì còn đâu mà bắt, nhưng nguyên nhân dẫn đến chỗ bị bắt vẫn là tại vượt biên).

Biến cố xảy ra cho đời người thì không bao giờ mất được. Tôi có thể quên là lần đầu tiên tôi học bơi vào lúc bảy tuổi. Bài học về tập bơi có nhiều nhưng chỉ có một lần đầu tiên mà thôi. Lần đầu tiên học bơi không bao giờ xảy ra được nữa. Bài học đó không thể nào xóa đi được vì nếu bây giờ tôi biết bơi thì nhất định là phải có tập bơi và phải có tập lần đầu. Ta có thể căn cứ vào hiện tại để tìm ra lịch sử một sự kiện. Một biến cố xảy ra trong đời chỉ một lần mà thôi, lý do đơn giản là thời gian không ngừng trôi. Bạn có thể mừng sinh nhật nhiều lần, nhưng bạn chỉ mừng sinh nhật hai mươi mốt tuổi một lần mà thôi. Vậy những gì tôi làm thì chỉ làm được một lần. Nếu tôi bỏ lỡ cơ hội thì tôi sẽ lỡ suốt đời. Nếu tôi bỏ lỡ cơ hội làm điều tốt thì tôi sẽ suốt đời lỡ mất cơ hội đó. Có thể có những cơ hội tốt khác để làm nhưng cơ hội đã bỏ lỡ sẽ chẳng bao giờ xảy đến nữa. Điều đã mất thì mất suốt đời và điều đã làm thì không thể xóa đi được. Mọi công việc làm đều đưa đến những hậu quả tốt, xấu tùy theo điều tôi làm. Nếu điều tôi làm không thể xóa đi được thì hậu quả của nó cũng không thể xóa đi được. Phải chăng đó là lý do khiến chúng ta tin rằng những điều Chúa Giêsu nói sẽ được thực hiện:

“Nếu các ngươi lấy đấu nào mà đong cho anh em các ngươi thì đến ngày sau hết Ta sẽ lấy đấu đó mà đong lại cho các ngươi”,

hoặc là Ngài nói:

“Nếu các ngươi cho anh em các ngươi một chén nước thì Ta bảo thật phân thưởng của các ngươi sẽ không mất trên Nước Trời”. Có lẽ đây là ý nghĩa của câu “hãy tích trữ của cải trên Nước Trời, nơi đó mối mọt không thể đục khoét được” (Mt 6:19-21)

Mỗi hành động tôi làm đều có kết quả vĩnh viễn. Do đó tôi phải rất cẩn thận trong mọi công việc tôi làm, phải đắn đo suy nghĩ. Có nhiều thái độ khác nhau trong công việc làm của tôi:

THÁI ĐỘ TRONG HÀNH ĐỘNG

a/- Muốn có kết quả tốt trong việc làm: Tôi không muốn nhìn thấy kết quả xấu trong công việc do chính tay mình làm ra. Trong rất nhiều trường hợp, tôi có ý định làm việc tốt và muốn nhìn thấy kết quả tốt. Tôi muốn công việc làm phải đưa đến kết quả tốt và tôi cố gắng làm để đạt được kết quả tôi mong muốn. Tôi hài lòng chấp nhận kết quả đó như là phần thưởng cho sự cố gắng của tôi. Tuy nhiên không phải hễ có ý định làm việc tốt là có kết quả tốt đâu, nhưng ít ra trong thâm tâm tôi dự định làm việc tốt. Kết quả xấu xảy ra có thể là tôi kém khả năng không tránh được đó thôi. Tôi có tự do để chọn công việc tôi làm. Thiên Chúa ban cho tôi trí khôn, và tự do để chọn lựa. Sử dụng chúng để làm việc tốt chính là tích lũy của cải trên Nước Trời. Để có được kết quả tốt trong công việc thì công việc tôi làm phải là việc tốt. Có những việc làm luôn luôn mang lại kết quả tốt. Thí dụ: bố thí cho người nghèo khó, thương yêu anh em, hay cầu nguyện.

b/- Không muốn chấp nhận kết quả của việc làm: Có khi tôi làm việc nhưng không muốn chấp nhận kết quả xảy ra do công việc tôi làm. Đồng ý là có nhiều khi kết quả xấu xảy đến là do thiếu suy nghĩ, đắn đo trong công việc hay do hoàn cảnh, do người khác không hoàn thành công việc giao phó. Tuy nhiên, đôi khi tôi không muốn chấp nhận kết quả xấu do tôi làm ra, mặc dầu trong thâm tâm tôi ngầm chấp nhận nó, ngoài mặt tôi cứ chối và muốn ai đó chịu trách nhiệm dùm. Tôi có khuynh hướng đổ thừa cho người khác hơn là nhận cái thiếu sót của mình. Để cho yên tâm, tôi có khuynh hướng tự biện hộ cho việc làm của tôi. Tôi bị đụng xe vì người tài xế kia lái ẩu, còn tôi là tài xế cẩn thận số một trên đời hiếm có. Tôi thi rớt vì thầy giáo ra lạc đề hay là giảng dạy quá dở chứ thực tình tôi là học sinh xuất sắc, siêng học lắm. Tôi quên đi lễ ngày Chúa Nhật là tại đồng hồ hư không chịu báo thức đúng giờ hay tại tối qua đi ngủ trễ đến mất lễ chứ tôi là con chiên ngoan đạo lắm; mọi việc đều do cái gì đó đưa đến, còn tôi thì trọn hảo, tốt lành. Tôi luôn tìm được lý do bênh vực cho việc làm của tôi.

c/- Không muốn kết quả của công việc xảy ra: Khuynh hướng thứ ba là muốn điều tôi làm không mang đến kết quả, dù là kết quả tốt. Thái độ của tôi là muốn gieo gió nhưng không muốn nhìn thấy bão nổi lên. Muốn được tự do làm điều tôi thích và cầu mong là kết quả đừng xảy ra dù dưới bất cứ hình thức nào. Bạn có thể nói tôi là người khó hiểu, tự mâu thuẫn, ngớ ngẩn. Ngày nay bạn nghe đến phá thai. Bao nhiêu thanh nam thiếu nữ thích chung đụng xác thịt nhưng không muốn chấp nhận kết quả của sự yêu thương đó. Nếu kết quả có cơ thành hình thì họ tìm cách dập tắt ngay. Vậy phải chăng có những lúc tôi muốn tự do làm điều ưa thích mà không muốn chấp nhận hậu quả của hành động đó, bất kể kết quả đó là gì vì ngay từ đầu tôi đã không muốn chấp nhận cái kết quả đó. Điều này dẫn đến kết luận là tôi không muốn nhìn thấy kết quả của công việc do tôi làm ra. Nếu kết quả của công việc tồn tại vĩnh viễn thì tôi có thể chối kết quả đó được chăng. Tôi có thể trốn trách nhiệm ở đời này, nhưng đời sau chắc chắn tôi sẽ phải trả lời về điều tôi muốn tránh. Nếu biết rằng trách nhiệm về việc làm không thể tránh được thì tại sao lại không chuẩn bị để chấp nhận nó, hoặc là làm việc tốt để mong tìm gặp kết quả mình vun trồng hơn là tìm cách tránh nó. Cách tránh tốt nhất là đừng làm điều xấu.

CẦU NGUYỆN LUÔN LUÔN TỐT

Cầu nguyện và cám dỗ dường như luôn đi chung với nhau. Hễ có cầu nguyện là có bị cám dỗ. Nhưng nếu có cám dỗ chưa chắc đã có cầu nguyện. Nếu bị cám dỗ mà kêu cầu ơn Chúa phù trợ thì tôi biết rằng tôi đang cầu nguyện. Nhiều khi muốn cầu nguyện, nghĩ đến lợi ích của cầu nguyện nhưng lại sợ không dám làm lý do đơn giản là mỗi lần cầu nguyện là nhiều lần bị cám dỗ. Vì có cám dỗ nên tôi phân chia cầu nguyện làm hai loại: tốt và xấu. Những giờ cầu nguyện buồn chán, luôn bị ma quỷ cám dỗ, tôi cho là giờ cầu nguyện xấu. Những lúc cầu nguyện sốt sắng, thấy thoải mái, bằng an, tôi thắng được các cơn cám dỗ, tôi cho là giờ cầu nguyện tốt. Điều phân biệt trên là một sai lầm cả thể. Điều tôi muốn trình bày là CẦU NGUYỆN LUÔN LUÔN TỐT.

Thứ nhất: Cầu nguyện tự nó là một việc làm tốt, bản chất của cầu nguyện là tốt vì nó là sự liên kết giữa tôi và Đấng Tối Cao mà tôi tôn thờ. Cầu nguyện chính là làm theo ý Chúa Giêsu. Ngài dạy tôi là hãy cầu nguyện luôn để khỏi sa chước cám dỗ. Muốn tránh được cám dỗ thì siêng cầu nguyện. Trên tôi có nói hễ có cầu nguyện là có cám dỗ, nhưng không phải hễ có cám dỗ là bị sa ngã. Tôi thắng được nhiều cơn cám dỗ không phải do sức mạnh của tôi mà là do sự trợ giúp của Chúa. Tôi ý thức rằng ma quỷ cám dỗ ngay cả khi tôi không cầu nguyện. Đời sống không cầu nguyện là đời sống dễ bị sa ngã vì không biết đâu là cơn cám dỗ, sa vào cạm bẫy của kẻ thù mà vui vẻ cho là đang làm việc tốt. Trong kinh Lạy Cha Chúa Giêsu cũng dạy: “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”. Cầu nguyện chính là thứ võ khí vô hình giúp tôi biết đâu là ý ngay và đâu là cạm bẫy. Cầu nguyện còn là thứ võ khí giúp tôi chống trả lại chước cám dỗ nữa. Nếu tôi dùng ngôn ngữ loài người để diễn tả cầu nguyện như là sự thăm viếng thì cầu nguyện luôn luôn tốt, vì thăm viếng là hình thức diễn tả tình thân giữa con người với con người, nó là dấu chỉ của tương trợ, của hoà bình. Chúa Giêsu kêu gọi tôi cầu nguyện và Ngài còn dạy cách cầu nguyện. Không nơi nào trong Kinh Thánh phân biệt giá trị của cầu nguyện ngoại trừ những câu Chúa Giêsu khiển trách những người lợi dụng cầu nguyện. Chúa dùng chữ “giả hình” để chỉ những người thích cầu nguyện nơi ngã ba đường, nơi có đông người đi lại để được tiếng khen là người đạo đức, để tìm uy tín cho cá nhân, gây ảnh hưởng tốt cho mình.

Thứ hai: Mọi hành động đều bắt nguồn từ ý nghĩ bên trong hay từ ý muốn bên trong. Có ý định cầu nguyện là tôi đã mang ý định tốt trong việc làm. Chỉ điều đó đủ nói lên bản chất tốt lành của việc tôi muốn làm. Ý định và kết quả của ý định đó có thể khác nhau. Đó là việc xảy ra ngoài ý muốn hay ngoài khả năng. Thí dụ như cho tiền người ăn xin không ngờ anh ta dùng tiền đó uống rượu say bị xe cán. Hành động cho tiền người ăn xin là việc tốt, còn việc sử dụng tiền của người ăn xin là việc của anh ta. Đồng ý là nếu không có tiền người ăn xin không thể uống rượu say, nhưng việc cho tiền là ý nghĩ tốt của lòng bác ái.

Thứ ba: Cha mẹ thường bắt con cái đi học vì biết rằng việc học có lợi cho con cái. Việc học không giúp ích gì cho cha mẹ, không làm cho cha mẹ khôn ra, tiến bộ thêm lên. Cha mẹ bắt con cái đi học vì muốn con cái hưởng được cái lợi của việc học. Cầu nguyện cũng vậy, chỉ tôi có lợi còn Thiên Chúa không có lợi chi trong việc cầu nguyện. Tôi kêu cầu Thiên Chúa vì Ngài là Thiên Chúa, tôi không kêu cầu lên Ngài thì Ngài vẫn là Thiên Chúa. Cầu nguyện không giúp Chúa vui sướng, hạnh phúc. Thiên Chúa không cần lời cầu nguyện của tôi nhưng Ngài muốn tôi cầu nguyện và thích nghe tôi cầu tới Ngài vì Ngài thấy điều đó có lợi cho tôi. Ngài khuyên là hãy siêng cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ. Thiên Chúa không phân biệt giờ cầu nguyện tốt và giờ cầu nguyện xấu. Với Ngài mọi giờ cầu nguyện đều là tốt vì khi cầu nguyện tôi không điều khiển được tôi mà là chính Chúa điều khiển giờ cầu nguyện của tôi. Tôi không thể định trước giờ cầu nguyện này phải vui, giờ kia phải buồn.

Trong cuộc sống hằng ngày tôi có thể làm được điều đó, tôi có thể đoán biết trước được những gì có thể xảy đến hay ít ra có thể nhắm được điều gì sẽ đến. Trong cầu nguyện tôi hoàn toàn bó tay, không thể biết được giờ nguyện sẽ ra sao. Trong lúc cầu nguyện tôi thấy tôi thật bé nhỏ, thật yếu đuối và không làm chủ được mình. Nếu giờ cầu nguyện vui là do Thiên Chúa điều khiển, nếu giờ cầu nguyện buồn cũng do Ngài điều khiển. Nếu Ngài điều khiển giờ cầu nguyện của tôi thì sẽ không còn có phân biệt giờ cầu nguyện tốt hay xấu vì tất cả đến từ Ngài; Ngài không dùng ma quỷ để thử tôi nhưng Ngài cho phép ma quỷ cám dỗ. Chiến thắng càng hiển hách khi cám dỗ càng nhiều. Nếu tôi dùng hết giờ cầu nguyện để chống trả cơn cám dỗ mà thắng thì tôi đáng hãnh diện lắm chứ. Nếu tôi thua thì ít ra tôi cũng đã cố gắng chống lại chúng, tôi không đầu hàng. Nếu có thua thì cũng thua trong vinh dự.

(viết ngày 10 tháng 8 năm 1987)

Lm. Vũđình Tường

Nguồn: Tiếng Chuông

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment