Công Việc Của Nội Tâm

           Nên Thánh thông qua con đường đi sâu vào nội tâm là một việc, còn đặt vấn đề “ Nước Trời” có ở trong Tâm hay không thì đây lại là một việc khác. Tại sao ? Bởi vì nên Thánh thuộc lãnh vực thực hành tức phần Sự, còn thần học thuộc phần Lý. Giữa phần Lý và phần Sự này có một mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Phần Lý là để soi sáng hướng dẫn cho phần Sự. Còn phần Sự là để minh chứng, hoàn tất cho phần Lý. Chỉ có lý thuyết  mà không có thực hành cũng như chỉ có mắt mà không có chân, chẳng thể đi tới nơi tới chốn. Ngược lại thực hành mà không có lý thuyết hướng dẫn thì cũng giống như có chân mà không có mắt, cứ cố mà đi, trước sau gì cũng  không thể tránh  sa hầm sụp hố. Nhận ra như thế để cho thấy Sự và Lý  cần phải viên dung  với nhau  thì mọi việc mới có thể thành tựu.

          Trở lại vấn đề nên Thánh và thần học, hai  lãnh vực này từ bấy lâu nay chẳng hề có quan hệ gì với nhau, nếu không muốn nói thần học còn gây khó khăn cho việc nên Thánh và có thể nói được rằng tất cả những trường hợp nên Thánh đều do ơn Chúa cùng với những nỗ lực cá nhân thực hành theo những chỉ dẫn của Kinh Thánh chứ chẳng liên hệ  chi với thần học. Một ví dụ cụ thể và gần đây  nhất cho thấy có sự…tréo ngoe giữa thần học và việc nên Thánh đó là Con Đường Thơ Ấu thiêng liêng của Teresa HĐGS đã bị người ta phê phán là …lạt lẽo vô vị ???

          Sự xa rời giữa thần học hiểu như  một môn chuyên nghiên cứu trình bày Thiên Chúa với việc sống đạo của người tín hữu đã diễn ra ngay từ khi  ra đời vào khoảng thế kỷ XII ( Xem Dẫn Vào Thần Học của Lm Nguyễn Văn Tuyên ). Thần học Kinh Viện ( Scholastique ) dần dần đã đi vào hệ thống và trở thành một thứ  suy tư  chỉ dành riêng cho giới giáo sĩ và ngay cả trong giới này cũng tách riêng ra những  người chuyên nghiên cứu và giảng dạy gọi là thần học gia. Tình hình phân cách giữa thần học và thực hành tôn giáo cũng giống như  sự xa rời giữa triết học và đời sống thường nhật của con người.

          Chính vì sự xa rời không mảy may liên hệ chi tới đời sống của triết học Platon, Aristote thế nên đã bị triết Hiện Sinh ( Existancialisme ) đánh đổ vào thế kỷ XIX. Nguyên do của sự xa rời  đời sống ấy là bởi sự lạc đề của triết học. Thay vì tìm biết về chính mình như minh triết chỉ dạy “ Hãy tìm cho biết về chính mình mày” ( Connais toi – Toi même ) thì Aristote lại quay ra muốn tìm biết về con người với câu định nghĩa “ Người là con vật biết suy lý” ( L’ Animal Raisonnable ). Triết học Hiện Sinh đã thức tỉnh và nhận ra sự lạc đề ấy. M. Heidegger bình luận như sau: “ Nền móng câu định nghĩa đó là …thú vật ( Zoologique ). Chính từ trong khung cảnh của câu định nghĩa đó mà đã kiến tạo nên quan điểm về con người của Âu Tây tất cả những gì là tâm lý, luân lý, tri thức luận, nhân bản. Đã từ lâu chúng ta bị xiêu bạt trong mớ lộn xộn những ý tưởng và khái  niệm mượn từ trong các môn đó, là vì cứ sự nó đã đặt nền móng trên một câu định nghĩa đã sa đọa” ( Kim Định – Nhân Bản ).

          Sự  sụp  đổ của triết học duy lý đồng thời kéo theo luôn cả  Kinh Viện bởi lẽ thần học này  là…con đẻ của triết Aristote. Nếu đối tượng tìm hiểu của triết học là Bản Thể của sự vật thì của thần học là Bản Thể của Thiên Chúa. Giữa hai đối tượng này thật ra cũng chẳng có chi khác biệt và cái gọi là Bản Thể ở đây cũng chỉ là một thứ khái niệm mà người ta có về sự vật hoặc  về Thiên Chúa chứ không phải là chính thực tại như nó là. Sau sự lạc đề  của triết  Kinh Viện đến Hiện Sinh mặc dầu là đã thay đổi đối tượng tìm biết trước là Thiên Chúa nay là con người. Thế nhưng trước sau vẫn chỉ là sự lạc đề  có nghĩa chẳng hề biết chút chi về mình.

          Biết mình tức biết mình là ai, từ đâu sinh ra và chết rồi đi đâu. Muốn biết mình là ai thì chẳng có cách nào khác là phải xoay ngược cái Tâm trở vào bên trong nơi nội tâm mình. Quay  trở ngược cái Tâm trở vào bên trong là công việc nhất thiết phải làm để biết mình, đó là con đường của tất cả những bậc Thánh Hiền, đạo sư  đông tây kim cổ đã làm. Đức Lão Tử trong sách Liễu Thuyết Tâm Kinh nói “ Ta từ vô lượng kiếp chỉ nhờ nhìn sâu vào Tâm mà tìm ra Đạo” ( Lão quân viết: Ngô tòng vô lượng kiếp lai quán tâm đắc Đạo ).

          Cái Đạo mà Thánh nhân do quán tâm  mà…đắc ấy có thể cạn sâu khác nhau, danh xưng khác nhau nhưng Bản Thể vẫn là một. Với Lão Tử thì Đạo ấy là Xích Tử Chi Tâm. Với Khổng Tử là Lạc Thiên Chi Mệnh. Với Đức Phật Thích Ca là Bản Lai Diện Mục. Còn với Đức Ki Tô thì đó là Nước Trời là Đấng Cha Hằng Hữu “ Cha là thần khí, Cha ở khắp mọi nơi. Cha ở trong mọi sự, không nơi nào mà Cha không có mặt. Khi con nhận thức rõ điều  ấy thì con hãy biết rằng Nước Trời đang ở trong con, con có thể ngưng cuộc tìm kiếm ( bên ngoài ) và quay về nội tâm con. Lúc đó con sẽ tìm thấy tất cả những gì con kiếm tìm. Ngày nay thật quá ít những tâm hồn như thế. Họ đi tìm cách giải quyết ở khắp nơi trừ ở bên trong họ” ( Aileen Caddy Sđd ngày 28 tháng 3 ).

          Thật đúng như Chúa nói, con người ngày nay tìm cách giải quyết, hội nghị, bàn bạc dù việc lớn việc nhỏ, từ cái ăn cái mặc cho bản thân  đến những vấn đề lớn lao ảnh hưởng đến nhân quần xã hội như nạn nhân mãn, ô nhiễm môi trường, khủng hoảng kinh tế, chiến tranh, hòa bình. v.v..nhưng không ai lại nghĩ được rằng  tất cả những mối lo toan đó  đều có nguồn gốc từ nơi nội tâm mình và nếu muốn thanh toán những mối lo dù chính đáng hay không chính đáng đó thì cũng chẳng có cách nào khác là phải giải quyết ngay từ nơi  nó xuất phát tức  ở nơi Tâm.

          Xã hội Âu Mỹ hiện nay đang trong cơn khủng hoảng trầm trọng nguyên nhân là bởi sự phát triển một chiều của nền văn hóa duy lý và duy vật, nó đẩy con người đến chỗ bế tắc cùng cực. Hầu như luôn phải sống trong tình trạng tâm lý âu lo  thường trực. Do nơi ý thức được tình trạng hiểm nguy  ấy, một số trí thức phương Tây đã tìm về Phương Đông hy vọng tìm thấy  ở nơi này phương thế khả dĩ có thể cứu giúp họ là  con đường Thiền. Thế nhưng như thiền sư Chang Chen Chi nói, họ tức trí thức Tây Phương mới chỉ có ở giai đoạn vỡ lòng, vẫn còn luẩn quẩn trong cái vùng mơ hồ giữa việc quan tâm đến và…hiểu Thiền  mà thật ra cũng chưa đủ mức chín chắn trong việc nghiên cứu để có thể thực sự tu tập Thiền ( Chang Chen Chi – Thiền Đạo Tu Tập ).

          Quả đúng là tu tập Thiền rất khó. Thế nhưng một khi đã nhận thức ra được rằng tất cả những vấn đề  dù lớn dù nhỏ của cá nhân hay của  cộng đồng chỉ có thể giải quyết cách rốt ráo ngay ở nơi Tâm thì cũng chỉ có một con đường duy nhất là Thiền bởi lẽ Thiền chính là sự tỉnh thức là sự tự tri, biết mình và sự biết mình này  chẳng những ai ai cũng có thể mà còn bắt buộc phải làm nếu muốn sống hạnh phúc và sống có ý nghĩa “ Mọi tâm hồn đều có  thể  đạt tới một trạng thái tâm linh cao vời. Nhưng đó là chuyện phải làm ở nội tâm đi từ một sự hiểu biết từ bên trong. Từ một cảm hứng và một trực quan không cần đến tri thức hay khôn ngoan bề ngoài. Mọi sự là ở đó, ở đáy lòng mỗi tâm hồn đang chờ đợi được nhận ra, được làm  nổi  bật lên và được người ta sống thật sự” ( Aileen Caddy Sđd ngày 6 tháng 6 )

          Chân lý không phải để …nói nhưng để sống, bài học này tuy có vẻ giản đơn nhưng chẳng mấy ai nhận ra  khi người ta  cứ cố bày ra đủ mọi thứ lý thuyết, mọi thứ thần học rắc rối mịt mù. Cuộc khủng hoảng tôn giáo như hiện nay đang thấy đó chính là bởi chẳng mấy ai thực sự sống, thực hành lời dạy của Chúa. Người ta cứ tưởng chân lý chỉ có ở nơi kia mà không có ở nơi này. Trí thức phương Tây hãnh diện khi nói về việc họ rời bỏ Đạo Công giáo để …chạy theo Phật giáo thế này: “ Tôi sống thoải mái với Đạo Phật vì đạo này là con đường tâm linh hoàn toàn phù hợp với văn hóa phương Tây ngày nay. Trái ngược với nền giáo dục  tôn giáo mà tôi đã  hấp thụ trước đây ( Công giáo ). Đối với tôi, đạo Phật không có gì xung khắc với việc học tập khoa  học cũng như với nghề nghiệp của tôi” ( Tb Giác Ngộ số 110/98 ).

          Sở dĩ vị bác sĩ người Pháp này cho rằng có sự hơn kém giữa Phật giáo và Công giáo như thế là bởi đã lầm tưởng riêng chỉ Phật giáo mới có Thiền còn Công giáo thì không. Điều lầm tưởng này thật ra cũng có cơ sở của nó, lý do là vì cứ  xét ngay cả trong lý thuyết lẫn thực hành của đạo này tuyệt nhiên chẳng thấy ở đâu và bao giờ đá động gì đến bản tâm đến giác ngộ gì cả. Chẳng những thế có khi còn ra mặt bài bác là đàng khác.

          Mỗi khi nói đến  việc sống đạo thì hầu như ai cũng nghĩ ngay đến cầu nguyện xin ơn, lễ lạy phượng thờ cùng với những vấn đề siêu nhiên phép lạ đủ thứ….và yên trí tất cả chỉ có thế. Thực sự thì  không phải vậy, tôn giáo vừa là siêu nhiên bởi nó nhắm tới  bình diện vượt khỏi cõi trần này vừa là tự nhiên  bởi nó không  thể rời cõi đời  mà  tìm thấy Đạo. Tổ Huệ Năng nói “ Ly đạo biệt mích đạo. Chung thân bất kiến  Đạo” ( Lìa cái hiện hữu, ở đây, lúc này để đi tìm Đạo ở nơi khác thì trọn đời không thể thấy Đạo )

          Không thể rời  đời để  tìm  Đạo  bởi vì Đạo  là cái sẵn đủ  ngay ở nơi  mình “ Đạo ở gần ngươi ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi tức là Đạo Đức Tin mà chúng tôi rao giảng đây…” ( Rm 10, 8 ). Tin Chúa ở nơi mình  và Chúa sẽ dẫn đưa ta gặp gỡ chân lý “ Cha đang ở trong con đây, không  phải Cha đang ở trong tâm hồn này nhiều hơn tâm hồn khác, đây chỉ là vấn đề ý thức. Có những tâm hồn ý thức sâu hơn về đời sống thiêng liêng của họ. Những tâm hồn này thường có vẻ như biểu hiện một cái gì đó siêu nhiên. Nhưng chẳng có gì là siêu nhiên đâu, đó chỉ là sống đơn giản theo luật của Cha. Sử dụng cái thế lực đang sẵn có trong mỗi người, đúng như nó phải được sử dụng. Không khí đang sẵn có đó để được hít thở nhưng nó tùy thuộc vào sự hít thở của con. Điện năng  cũng đang có đó để được sử dụng. Nhưng nó phải được trang thiết bị rồi mới sử dụng được. Nếu không, nó vẫn sẵn có đó nhưng không biểu lộ  được năng lực của mình. Năng lực đó đang chờ được phóng thích. Đối với năng lực thiêng liêng ở trong con cũng vậy, nó đang sẵn có đó để con sử dụng nhưng ít ra con hãy cắm vào và đốt cháy cái năng lực đó  chứ bản thân nó không hành động đâu” ( Aileen Caddy Sđd ngày 26 tháng 7 ).

          Nơi nội tâm mỗi người chúng ta đều chất chứa một kho tàng năng lực vô tận. Nhưng nếu không được biết đến và đem ra sử dụng thì cũng chẳng ích lợi gì. Đức Ki Tô xuống thế rao giảng Tin Mừng  tức là Ngài loan báo về cái kho tàng còn đang ẩn giấu đó và bảo ai nấy cần phải hết lòng tìm kiếm  “ Luật pháp và tiên tri đến Jean Baptit là hết, rồi từ đó Tin Mừng Nước Trời được rao giảng ra và ai nấy phải nỗ lực mà vào” ( Lc 16, 16 ). Phải nỗ lực mà vào hoặc hết lòng tìm kiếm đó là mệnh lệnh của Chúa dành cho tất cả những ai muốn có cho mình một đời sống xứng đáng phẩm vị Con Thiên Chúa và cũng duy chỉ với mệnh lệnh này mà tôn giáo mới thực sự có ý nghĩa./.

 

Phùng  Văn  Hóa

Kỳ sau: Hết lòng tìm kiếm

Chia sẻ Bài này:

Related posts