Tháo Gỡ Hôn Nhân

Gần giáo xứ con có một cô mà ở Việt Nam cô đã có chồng. Qua định cư ở đây vài năm cô đã lấy chồng khác mà con thấy cũng được vô nhà thờ làm lễ cưới. Con và nhiều người thắc mắc thì cha trả lời: Lần trước cô thành hôn là vì gia đình gặp khó khăn nên phải lấy chồng để cứu vớt gia đình. Anh ta có địa vị và tiền bạc. Vậy là hôn nhân không thành nên được tháo mở. Thưa cha con thấy như vậy có phải Hội Thánh rộng rãi ra quá phải không? Nếu như vậy thì theo con ai muốn lấy vợ, lấy chồng khác thì có rất nhiều lý do. Nhất là ở Việt Nam thì nhiều cặp cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, hoặc sau 1975 thì nhiều cặp lấy nhau như chạy nước rút’ có cô 15 đã lấy chồng, lấy cho lẹ vì sợ cộng sản bắt lấy thằng què. Nếu thật dễ dàng như vậy thì thật là một thảm hoạ cho thế giới. Con xin cha giải đáp cho. Xin Chúa trả công bội hậu cho cha hồn an xác mạnh để phụng sự và làm sáng danh Chúa. Con cám ơn cha nhiều. (Tuyết Dương)

“Chị”  Tuyết Dương thân mến,
Trước khi trả lời trực tiếp vào vấn nạn của Chị, chúng tôi xin được nhắc lại mấy nguyên tắc căn bản:

1.  Những chân lý thuộc Ðức Tin, Giáo Hội không có quyền thay đổi, trái lại có trách nhiệm phải bảo vệ vẹn toàn những chân lý ấy.  Ðức Thánh Cha cũng không có quyền tuyên bố rằng  Chúa Giêsu không phải là Thiên Chúa.  Giáo Hội không có quyền nói  rằng lời Chúa Giêsu phán dạy về hôn nhân: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp con người không được phân ly” (Mt 19:6) không còn hiệu lực nữa.

2.  Giáo Hội có quyền ban hành những luật lệ và cũng có quyền thay đổi các luật theo lợi ích cho cộng đoàn Dân Chúa hay miễn chuẩn áp dụng luật cho cá nhân tín hữu trong trường hợp hữu lý nào đó. Giáo Hội có nhiều luật liên quan đến hôn nhân và cũng thay đổi những luật lệ ấy theo thời gian và nhu cầu.

Giáo Hội luôn tôn trọng sự vững bền của hôn nhân theo niềm tin vào Lời Chúa.  Giáo Hội cũng ban hành những luật lệ để bảo vệ sự bất khả phân ly được kiện toàn nhờ Bí Tích Hôn Phối trong hôn nhân Kitô giáo.

“Hôn phối thành tựu do sự ưng thuận của đôi bên, được phát biểu hợp lệ giữa những người có khả năng pháp luật’ sự ưng thuận ấy không thể thay thế bởi bất cứ một thế lực nhân loại nào” (Giáo Luật khoản 1057 #1).  Luật Giáo Hội xác định khi nào Giáo Hội có thể nhìn nhận sự kết hợp của hai người là hôn nhân thực sự.  Luật về hôn phối liên quan đến sự thành hiệu của hôn nhân được xét qua ba đề mục chính:

Ngăn trở hôn phối (impediments):  Luật Chúa và luật Giáo Hội xác định một số trường hợp một người hay cả hai người không đuơc tự do kết hôn. Ví dụ: chưa đủ tuổi, bất lực, họ máu gần…

Nghi thức (form): Hôn phối được cử hành trước sự chứng kiến của thừa tác viên Công Giáo có năng quyền, và hai nhân chứng.

Ưng thuận (consent):  Chính lời thề hôn phối làm cho hôn phối hiện hữu, do đó, nếu thiếu sự ưng thuận sẽ làm cho hôn phối bất thành.  Có nhiều yếu tố chi phối làm cho sự ưng thuận khiếm khuyết như sự sợ hãi, thiếu trưởng thành, bị lừa, v.v…

Do đó trong thực tế, có những trường hợp phép cưới, hôn lễ, và nhiều khi cả Bí Tích Hôn Phối đã được cử hành nhưng thực chất, vì một hay nhiều lý do nào đó, phép hôn phối không thành. Sự kiện này chẳng phải là điều mới mẻ gì. Chúa Giêsu trong Phúc Âm Thánh Gioan cũng đã nói về trường hợp của người phụ nữ xứ Samarita bên bờ giếng Giacob: “Người đàn ông đang ở với chị không phải là chồng chị” (Jn  4:17-18).

Giáo Hội đã ban hành những luật lệ và xác định các thủ tục phải theo để giải quyết những trường hợp này.  Tòa án trong các giáo phận là nơi thông thường có nhiệm vụ cứu xét và quyết định các trường hợp liên quan đến sự vô hiệu của hôn nhân.  Khi tòa án tuyên bố tiêu hôn một cuộc hôn nhân nào đó chỉ có ý nghĩa là tòa án, đại diện Giáo Hội, xác nhận rằng cuộc hôn nhân  được cứu xét đã không thành sự.  Nói cách khác, trước mặt Giáo Hội, hai người phối ngẫu đã không thực sự lấy nhau và do đó, bây giờ họ được tự do để đi đến một hôn nhân thành sự.

Những lời của Cha Xứ  trả lời Chị về trường hợp  “một cô đã có chồng tại Việt Nam” chỉ là những lời giải thích vắn tắt và đơn giản.  Nhưng chắc chắn những vị hữu trách đã phải cứu xét một các tỉ mỉ và đầy đủ để có thể đi đến kết luận về một hôn nhân vô hiệu.  Sự tiêu hôn ngày nay được các tòa án ban nhiều hơn vì nhiều lý do, nhưng điều này không có nghĩa là ngày nay Giáo Hội “rộng rãi ra quá.”

Lm. Phi Quang

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment