Các giáo phái ngoài Công Giáo có Bí Tích Thánh Thể không?

Hỏi :

1. Xin cha cho biết anh em Tin Lành cũng có nghi lễ hiệp thông ( Communion) ăn bánh và uống rượu nho, như vậy họ có bí tích Thánh Thể như Công Giáo hay không?

2. Lễ của một linh mục khác với Thánh Lễ của Đức Thánh Cha thế nào ?

3. Nghi thức sám hối trước khi cử hành Thánh Lễ có phải là bí tich tha mọi tội hay không ?

Trả lời :

Tôi đã đôi lần trả lời các câu hỏi trên trong một số bài viết trước đây. Nay xin được nhắc lại cho rõ như sau:

1. Về bí tich Thánh Thể ( Eucharist) chỉ có các Giáo Hội Công Giáo La Mã và Chính Thống Giáo Đông Phương ( Eastern Orthodox Churches ) mới có mà thôi, vì các Giáo Hội này có chung nguồn gốc Tông Đồ ( Apostolic succession) nên có bẩy Bí Tích hữu hiệu như nhau. Do đó, khi người Công giáo không tìm được nhà thờ Công Giáo ở nơi mình cư ngụ hay viếng thăm, thì được phép tham dự Thánh Lễ và rước Mình Thánh ở một nhà thờ Chính Thống.Cũng được phép lãnh các bí tích hòa giải ( xưng tội ) vá Sức dầu thánh nơi các linh mục Chính Thống, nếu không tìm được linh mục Công Giáo trong hoàn cảnh cần thiết.

Ngược lại, các nhánh Tin Lành nói chung và Anh giáo ( Anglican Communion) nói riêng, tất cả đều không có nguồn gốc Tông Đồ nên không có các bí tích hữu hiệu như Công Giáo và Chính Thống, trừ bí tích Rửa tội mà đa số họ có và được Giáo Hội nhìn nhận, nếu họ cũng làm phép Rửa với nước và công thức Chúa Ba Ngôi. Nhóm nào không làm như vậy ( nhóm Ba Hai Hullah) thì tín đồ của họ phải được rửa tội lại khi họ muốn gia nhập Giáo Hội Công Giáo.

Riêng với bí tích Thánh Thể thì Thừa tác viên phải có chức Giám mục, hay Linh mục hữu hiệu ( valid) thì mới có thể đọc lời truyền phép ( consecration) hữu hiệu để biến bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Kitô được. Do đó, vì các mục sư Tin Lành và giám mục, linh mục Anh giáo không có chức Linh mục ( Priesthood) hữu hiệu nên họ có cầm bánh và chén rượu nho và đọc lời Chúa trong Bữa Tiệc ly, thì cũng không biến đổi được bản thể của bánh và rượu thành Mình Máu Chúa Kitô được. Chắc chắn như vậy.

Đây là sự khác biệt to lớn giữa việc cử hành Thánh Lễ Misa của Giáo Hội Công Giáo ,trong đó bí tích Thánh Thể được thực hiện, khác biệt với việc bẻ bánh và uống rượu nho của các anh em Tin Lành và Anh giáo.Nghĩa là dù họ có gọi đó là nghi thức hiệp thông ( communion) thì hoàn toàn cũng không giống việc rước Lễ ( holy communion) của người Công Giáo hay Chính Thống Giáo, vì chỉ có trong hai Giáo Hội này mới có bí tích Thánh Thể hữu hiệu mà thôi. Lại nữa, chính vì các mục sư Tin Lành hay giám muc ,linh mục Anh Giáo không được chia sẻ Chức Linh Mục của Chúa Kitô, như Giám mục và linh mục Công Giáo, nên khi họ trở lại Công Giáo và muốn có chức linh mục hữu hiệu, thì họ phải được đào tạo lại trước khi được truyền chức linh mục ( và sau đó, có thể có người được chọn làm giám mục) trong Giáo Hội Công Giáo.

Chỉ khác một điều khác nữa là các mục sự Tin Lành các giám lục và linh mục Anh Giáo đều kết hôn và có gia đình; nên khi họ trở lại Công giáo và được truyền chức linh mục, thì họ được phép tiếp tục sống với vợ con. Nhưng nếu sau đó vợ chết, thì không được tái giá nữa, mà phải sống độc thân như các linh mục Công Giáo.

2. Thánh Lế Tạ Ơn ( Eucharist) là đỉnh cao của đời sống Kitô Giáo và của Giáo Hội nói chung.Thánh Lễ diễn lại cách bí tích trên bàn thờ ngày nay Bữa ăn cuối cùng của Chúa Kitô với Nhóm 12 Tông Đồ và Hy tế thập giá Chúa đã một lần dâng lên Chúa Cha trên đồi Golgotha xưa kia để đền tội thay cho nhân loại khỏi phải chết đời đời vì tội.

Ngày nay ,mỗi khi Thánh Lễ Tạ Ơn được cử hành, Chúa Kitô lại hiện diện thật sự nơi các Thừa tác viên con người là linh mục và giám mục để diễn lại Bữa Tiệc ly và Hy tế thập giá của Người để cho chúng ta, con cái của Giáo Hội, được ăn Mình và uống Máu Chúa Kitô thực sự hiện diện trong hai chất thể là bánh và rượu nho, và được ơn cứu độ như xưa ơn này được ban cho nhân loại khi Chúa Kitô dâng mình tế lễ Chúa Cha một lần trên thập giá.

Như thế, chính Chúa Kitô dâng Thánh Lễ qua tay của các Thừa tác viên con người là linh mục và giám mục. Các vị này chỉ cử hành Thánh Lễ nhân danh Chúa Kitô ( in persona Christi) mà thôi, chứ không danh danh chính mình bao giờ.Vì thế, tuyệt đối không có sự khác biệt nào giữa Thánh Lễ của một linh mục ,của một giám mục hay của chính Đức Thánh Cha. Tất cả các ngài đều nhân danh Chúa Kitô khi cử hành Thánh Lễ Tạ Ơn hay bất cứ bí tích nào trong Giáo Hội. Không có sự khác biệt nào vì chính Chúa Kitô cử hành Thánh Lễ và các bí tích qua tay các Thừa tác viên con người là linh mục, giám mục hay Đức Thánh Cha.

Phải nói rõ điều này để đừng ai lầm tưởng rằng xem lễ của Giám mục hay của Đức Giáo Hoàng thì được nhiều ơn ích thiêng liêng hơn là lễ của một linh mục. Thánh lễ nào cũng là Hy tế của Chúa Kitô dâng lên Chúa Cha một lần xưa trên thập giá và nay cách bí tích trên Bàn thờ. Chỉ khác là xưa kia trên thập giá chính Chúa Kitô là Thầy cả, là bàn thờ và là của lễ dâng lên Chúa Cha để xin ơn cứu rỗi cho con người.Trong Hy Tế đầu tiên này, Chúa Kitô đã thực sự đổ máu mình ra trên thập giá để đền tội thay cho con người và ký giao ước mới với con người như Chúa đã nói rõ khi lập Bí Tích Thánh Thể. Nay cũng môt Hy tế đó nhưng khác một chút là Chúa Kitô đổ máu mình cách bí tích và mượn tay và miệng lưỡi thừa tác viên con người là linh mục hay giám mục để diễn lại bữa Tiệc ly và Hy tế của Người cách bí nhiệm mà thôi.Vì Thánh Lễ cao trọng như vậy, nên muốn hiệp lễ ( communion) cách xứng đáng, thì phải sạch tội trọng ( mortal sin). Do đó ai đang mắc tội trọng chưa được tha qua bí tích hòa giải, thì không được làm lễ ( linh mục) và rước lễ ( giáo dân) ( x giáo luật số 916, SGLGHCG số 1415)

3. Nghi thức sám hối ( penitential rite):

Nghi thức này được cử hành trước mỗi Thánh Lễ để xin Chúa tảy xóa mọi lỗi lầm và vết nhơ trong tâm hồn để cho được xứng đáng cử hành và tham dự Thánh Lễ Tạ Ơn ( Euchrist) diễn lại Bừa ăn sau hết của Chúa Giêsu với Nhóm Tông Đồ và Hy tế thập giá Chúa dâng lên Chúa Cha ngày hôm sau trên thập giá để đền tội thay cho con người và cho con người có hy vọng được cứu độ để vào Nước Trời mai sau.

Nhưng Nghi thức trên không phải là bí tích hòa giải để tha mọi tội nhẹ và nặng cho ai khi tham dự Thánh Lễ.Vì thế, muốn cử hành và hiệp dâng Thánh Lễ cách xứng đáng thì đòi hỏi phải sạch tội trọng như đã nói ở trên. Nghĩa là ai đang mắc tội trọng thì không được làm lễ và rước Mình Thánh Chúa.

Không thể lấy cớ Chúa là tình thương, đã chết trên thập giá để đền tội cho con người rồi, nên không cần phải xưng tội nữa và cứ rước Minh Thánh Chúa mà không cần phải thắc mắc gì về tình trạng của tâm hồn mình.

Chúa Kitô đã chết để đền tội cho loài người: Đúng. Nhưng con người vẫn còn tự do để xa tránh tội lỗi hay cứ tiếp tục phạm tội thêm nữa chứ.Và nếu cứ tiếp tục phạm tội và đang có tội trọng chưa được tha qua bí tích hòa giải thì không được rước Minh Máu Thánh Chúa ( giáo dân) hoặc làm lễ ( linh mục) như đã nói ở phần trên.Phải nói đi nói lại điều này vì có linh mục kia đã mời mọi người hiện diện trong nhà thờ lên rước lễ hết lấy cớ là Chúa đã tha hết mọi tội cho con người rồi !!! Tha một lần rồi , nhưng con người còn phạm thêm nhiều lần nữa chứ ? Và nếu cứ ngoan cố phạm thêm nhiều tội nữa mà không có quyết tâm chừa tội, thì Chúa sẽ không thể cứu ai được, nếu người ta không cố gắng cộng tác với ơn Chúa để chừa bỏ tội lỗi như Chúa Kitô đã cảnh cáo như sau trong Sách Khải Huyền:

“ Ta biết việc ngươi làm. Ngươi chẳng nóng mà cũng chẳng lạnh, Nếu ngươi nóng hẳn hay lạnh hẳn đi. Nhưng vì ngươi cứ hâm hâm, chẳng nóng chẳng lạnh nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” ( Kh 3:15-16)

Ước mong những giải đáp trên thỏa mãn những câu hỏi đặt ra.

Lm. Phanxicô Xaciê Ngô Tôn Huấn

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment