Té Ngã Để Bay Cao

“Cuối cùng, chúng ta sẽ chịu xét xử bằng tình yêu” (Gioan Thánh Giá). Khi cuộc đời đã quá nhiểu nhương với những thủ đoạn, khi con người thiếu mất niềm tin, khi hơi thở chỉ còn là sự níu kéo bất lực, thì chúng ta sẽ còn lại chi và cần điều gì? Xin thưa, chỉ còn lại ánh mắt của Đấng giàu lòng thương xót và lòng nhân hậu của con người. Thân mời bạn cùng chia sẻ và cảm nhận thêm về lòng Thương Xót và Nhân Hậu qua loạt bài mới của Fr. Huynhquảng.

Té Ngã Để Bay Cao

“Falling Upward – Hành trình tâm linh cho hai nửa cuộc đời” là tựa sách do Linh mục Richard Roh, dòng Phanxicô cho xuất bản năm 2011. Trong “Falling Upward” tạm dịch, “Té ngã để bay cao,” tác giả thừa nhận rằng, đời sống tâm linh của con người không bao giờ nằm trong trạng thái tĩnh như những con số toán học. Thực là như vậy, đời sống con người luôn luôn thay đổi cả về phương diện tinh thần và thể xác. Vì lẽ đó, những vấp ngã, tai nạn xảy ra cho mỗi con người là điều không thể tránh khỏi. Con người té ngã là chuyện bình thường của một phận người, nhưng đứng lên và làm mới lại cuộc đời mới là điều quan trọng trong cuộc đời chúng ta. Khi biết ôm chầm hoàn cảnh té ngã, chúng ta sẽ được đổi mới với tràn đầy bình an và thương xót mà ta không bao giờ tưởng tượng như trước đây. Đời chúng ta sẽ được biến đổi.

Theo Lm. Richard Roh, đời sống tâm linh con người được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một (từ nhỏ cho đến khoảng 40 tuổi), người ta chú trọng vào việc thiết lập cho đời mình một khuôn mẫu luật lệ và đạo đức chắc chắn. Lối sống, suy nghĩ, cách ăn nói, ứng xử, giữ và sống đạo, luôn luôn theo một khuôn mẫu mà con người thâu thập hay đón nhận từ môi trường gia đình, giáo xứ, trường học đã truyền dạy cho họ. Họ uốn mình để trở nên giống bao có thể những chuẩn mực ấy.

Tuy nhiên, khi đương đầu trực tiếp với tai nạn và vấp ngã từ gia đình, bản thân…con người cảm thấy chới với vì những khuôn mẫu mà mình được gìn giữ đã không đủ sức mạnh cho mình đương đầu với những vấn nạn của cuộc đời. Cụ thể là mình không muốn chấp nhận sự bất toàn của con người yếu đuối của mình khi mình bị “té” ra khỏi những luật lệ khuôn mẫu ấy. Tuy nhiên, theo tác giả, đây là cơ hội để cho phép cuộc đời mình bước vào giai đoạn hai – một giai đoạn của tình yêu, tự do, và lòng thương xót.

Để bước vào giai đoạn hai, tác giả nhắc nhở chúng ta hai điều sau: (1) Luôn xác tín vững chắc là Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, dù lúc ta đã phạm tội; (2) Đôi khi những sai lầm trong cuộc đời thường dạy chúng ta nhiều bài học giá trị và giúp chúng ta trưởng thành hơn. Đức Kitô đã chẳng bước vào giai đoạn hai bằng cái chết đó sao? Maria Madalena đã chẳng bước vào giai đoạn hai đó sao? Phêrô, Phaolô cũng thế, Augustinô, Phanxicô Assisi, I-Nha-xi-ô….và bao nhiêu thánh nhân khác cũng đã chẳng bước vào giai đoạn hai đó sao? Sự khác biệt ở giữa thánh nhân và chúng ta nằm ở chỗ: Khi chúng ta đã té ngã rồi, chúng ta không chấp nhận chúng ta và muốn quay về lại lối sống của giai đoạn một với những giọng điệu phê bình, chỉ trích lên án, hối tiếc, hằn học…loay hoay trong vũng lầy bất an ấy; còn các thánh nhân thì không, họ chấp nhận “té” vào lòng thương xót vô bờ của Chúa – liều để Ngài dẫn họ đi vào hành trình mới!

Lm. Richard Roh nhấn mạnh, khi dám liều mình bước theo Chúa trong giai đoạn hai, chúng ta sẽ nghe tiếng Chúa “sâu hơn và gần hơn” mà chúng ta chưa từng nghe bao giờ. Chính trong giai đoạn hai này, đời chúng ta mới nhận ra những nỗ lực cố gắng xây dựng đời mình theo khuôn mẫu của giai đoạn một về trước là có giá trị – vì nếu không có giai đoạn hai này, giai đoạn một ấy chỉ còn là vang vọng của sự khô cứng, phê bình, chỉ trích, so sánh, và luật lệ dày đặc. Điều này, làm chúng ta mất đi cơ hội nếm cảm vẻ đẹp thật của đức tin, của tình yêu, và sự tự do mà Thiên Chúa chờ ban cho chúng ta. Thiên Chúa biết rõ chúng ta là ai, và được dựng nên bằng gì! Vậy hãy đến với Ngài bằng con người thật của chúng ta. Đó mới là tình Cha – con, đó mới chính là ý nghĩa đích thực của Lòng Thương Xót.

Như vậy, giai đoạn một có giá trị gì cho cuộc đời của chúng ta? Giai đoạn một tựa như giúp chúng ta tuân thủ nhạc lý của âm nhạc, nhưng dĩ nhiên, những bản nhạc bất hủ cũng thường đến từ những cảm xúc và hoàn cách bi đát có phải không? Như thế, luật có giá trị khi giúp ta thăng hoa chứ không làm chúng ta nghẹt thở. Sau khi kết thức 100 đề tài Sống Sao Cho Đẹp – cũng như là giai đoạn một của một phận người, Fr. Huynhquảng mời bạn cùng bước vào giai đoạn hai – một giai đoạn của Thương Xót và Nhân Hậu. Đó cũng là chủ đế mới thay cho mục Sống Sao Cho Đẹp.

Fr. Huynhquảng

Chia sẻ Bài này:

Related posts